Đây là bài phỏng vấn mà Wenger dành cho tờ L’Equipe. Cũng mấy tháng rồi. Đọc bài này, mình thấy rõ cái danh “giáo sư” của Wenger rõ ràng không phải là hư danh. Mình cũng thấy rõ là y yêu Arsenal và cái nghiệp cầm quân như thế nào. Mình dành nhiều thời gian để dịch lại toàn bộ. Nếu các bạn yêu Arsenal hay Wenger, đây là một bài PV nên đọc. (lời người dịch: Binh Bong Bot)

Này Arsene, nếu như tôi nói đến con số 6.945, ông sẽ liên tưởng đến điều gì?

Chả điều gì cả.

Vậy để tôi nói. Đấy là số ngày của ông trên cương vị HLV Arsenal. Con số ấy nhiều hơn tổng số ngày của 19 HLV khác tại Premier League gộp lại.

Thật ư? Nếu chia ra làm số giây thì ra bao nhiêu nhỉ (cười to).

Với tôi, những con số của hiện tại và quá khứ sẽ trở nên vô nghĩa nếu nó không chuyển hóa được thành điều gì hữu ích cho tương lai. Mà tôi là người sống vì tương lai. Giữa tôi và thời gian là một mối quan hệ đầy nôn nóng, lo âu. Tôi luôn chiến đấu với nó. Tôi rất sợ trễ giờ, tôi sợ mình chưa sẵn sàng, tôi sợ mình không còn đủ thời gian để hoàn thành những gì ấp ủ. Thành ra tôi không bao giờ nhìn lại quá khứ, chính xác hơn là tôi sợ phải nhìn lại những gì đã qua.

Với tôi, quá khứ tràn ngập những điều hối hận, tương lai đầy bất ổn, hạnh phúc vì thế nếu có chỉ tìm thấy trong hiện tại. Nhân loại sau khi ngộ ra điều này đã tạo ra tôn giáo. Vì tôn giáo giúp bạn bào chữa quá khứ, vẽ ra một viễn cảnh tương lai (lên thiên đàng) và dạy bạn sống thật tốt trong hiện tại. Nhân loại tự chữa bệnh cho mình rất nhanh thông qua đức tin.

Vậy trong mối quan hệ giữa ông với hiện tại, tức bóng đá, liệu các HLV có nghĩ họ là một người quyền lực? Như ông vậy, ông tạo ra đội bóng, phong cách thi đấu và chiến lược.

Theo tôn giáo, Chúa tạo ra loài người. Tôi không tạo ra điều gì cả. Tôi chỉ là người dẫn đường. Tôi giúp các cầu thủ thể hiện hết tiềm năng của họ. Tôi khai phá những sức mạnh tiềm ẩn bên trong cầu thủ. Tôi tự xem mình là người lạc quan. Mối bận tâm lớn nhất của tôi trong bóng đá là đi tìm thứ sức mạnh và nét đẹp tiềm ẩn ấy bên trong con người. Tôi có thể bị mô tả là ngây thơ vì điều này, nhưng tôi có niềm tin vào việc ấy và thực tế cho thấy tôi thường là đúng.

Đâu phải lúc nào cũng thế…

Thỉnh thoảng tôi vẫn không thể khai thác hết tiềm năng của người này hay người kia. Nhưng những lần ấy tôi lại có cơ hội để phân tích xem mình đã thất bại chỗ nào.

HLV Mircea Lucescu từng nói: “Arsene là một nhà cầm quân quý tộc. Ông ta không trưởng thành từ tầng lớp lao động như Alex Ferguson, cũng chẳng mang sự hung hăng bẩm sinh như Jose Mourinho. Ông ấy có phong thái vượt trên tất cả”. Ông nghĩ sao về sự mô tả này?

Tôi không chối bỏ điều đó. Đầu tiên và trên hết, tôi là một nhà giáo dục. Nhưng tôi không nghĩ mình là quý tộc. Đơn giản là tôi cố chung thủy với những giá trị mà tôi tin tưởng, và tôi cố truyền nó đến cho mọi người. Trong 30 năm làm HLV, tôi chưa bao giờ tiêm bất cứ thứ gì vào người cầu thủ mình để giúp họ chơi tốt hơn. Tôi cũng không đưa cho họ bất kỳ dược phẩm nào để cải thiện hiệu quả thi đấu. Đấy là điều mà tôi cảm thấy rất tự hào. Tôi từng đối đầu với nhiều đội bóng không có sự cam kết với bản thân như thế.

Nhưng quý tộc ở đây là một kiểu phát ra tự nhiên, chứ không phải là thừa hưởng từ gia đình.

Tôi không chối bỏ những gì mà mọi người cảm nhận. Nhưng tôi chỉ thấy mình là một đứa trẻ lớn lên ở Duttlenheim và chạy hàng ngày đến sân tập. Quý tộc bị chặt đầu ở Pháp. Tôi cố vinh danh giá trị quý tộc, chứ không phải là máu quý tộc. Một nền văn minh không vinh danh những người đã ngã xuống, những giá trị nguyên thủy sẽ là một nền văn minh bị ruồng bỏ.

Đấy là lý do ông lúc nào cũng chỉn chu, sang trọng trong trận đấu?

Tôi cảm thấy mình có trách nhiệm với hình ảnh của đội bóng nói riêng và bóng đá nói chung. Bóng đá là một lễ hội. Ở nơi tôi lớn lên, ai cũng đóng bộ vào Chủ Nhật. Tôi thích nhìn các HLV tại Anh mặc vest, thắt cà vạt. Khi tất cả đều bước ra sân với trang phục chỉnh tề, tôi có cảm giác như chúng tôi cũng cam kết: “Này mọi người, hãy cùng mở tiệc”. Tôi muốn các CĐV Arsenal thức dậy vào buổi sáng trong ngày diễn ra trận đấu, cảm thấy có một gì đó háo hức, đợi chờ. Để được như thế, các đội bóng Anh phải chơi thứ bóng đá thật đẹp, phải tạo ra một bầu không khí thật háo hức.

Nhưng một ngày tốt đẹp ở Emirates có vẻ lại không giống với một ngày tốt đẹp ở Highbury ngày trước?

Sự kỳ vọng đã tăng cao. Theo định nghĩa triết học, hạnh phúc là mối tương quan giữa những gì bạn muốn và những gì bạn có. Và khi đã có trong tay điều ta muốn, ta sẽ lại lập tức muốn một thứ khác. Con người luôn mong mỏi nhiều hơn và ngày cáng khó được đáp ứng hơn. Một fan Arsenal dễ dàng nói: “Chúng tôi đã hiện diện trong Top 4 suốt 20 năm rồi. Chúng tôi muốn vô địch”. Họ không quan tâm việc Man City và Chelsea đã chi 300 hay 400 triệu euro trong thời gian đó. Họ chỉ muốn đánh bại các đối thủ này. Nhưng nếu phải đứng thứ 15 trong hai mùa liên tiếp, họ sẽ cảm thấy vui vẻ với vị trí thứ 4.

Đâu phải chỉ có fan mới thiếu kiên nhẫn. Trên Sky Sports, Thierry Henry cũng tuyên bố là Arsenal phải vô địch mùa này.

“Phải” là từ dùng cho cái chết. Chúng ta ai cũng phải chết một ngày nào đó. Tôi đã thay thế chữ “phải” ấy bằng chữ “muốn”. Nếu ai đó bảo tôi phải ra ngoài đêm nay, tôi không còn muốn ra ngoài nữa. Còn họ bảo muốn tôi ra ngoài chơi thì OK, tôi cũng muốn. Đấy là tình yêu của cuộc sống. Phải thế này, phải thế kia, không được thế này, thế nạo. Chẳng mệt mỏi sao?

Là ông nói lấy được thôi…

Với tôi, vẻ đẹp của thể thao là ai cũng muốn thắng nhưng rốt cục chỉ có một kẻ toại nguyện. Nếu có 20 tỷ phú rải đều ở các đội bóng Anh, rốt cục cũng chỉ có một người hạnh phúc và 19 người thất vọng. Tôi vẫn nhớ lời ông nội mình nói: “Ông chả hiểu giá trị của thể thao là gì. Trong một cuộc thi 100 mét, người về nhất mất 10,1 giây, người thứ hay mất 10,2 giây, cả đều quá nhanh rồi. Sao người ta chỉ vinh danh người đứng đầu mà lãng quên tất cả”.

Tôi cứ nghĩ mãi về điều ông nói và đấy quả là một việc nguy hiểm cho thể thao. Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mà tất cả đều vinh danh người thắng cuộc, bỏ qua con đường, bỏ qua phương pháp. Rồi 10 năm sau chúng ta nhận ra cái gã vô địch ấy là một kẻ lừa gạt. Nhưng trong chừng ấy thời gian, kẻ về nhì chân chính luôn bị xem thường, không ai vinh danh, chẳng ai thừa nhận. Có quá bất công không?

Ông có vẻ đang nói về sự trung thực, fair play, ông là một quý ông người Anh đích thực trong lĩnh vực này?

Tôi không phải lúc nào cũng fair play. Trong mỗi con người, khát vọng tranh đua bao giờ cũng lớn và nó khiến ta có thể bước qua những ranh giới. Tôi thừa nhận mình không giỏi trong việc gìn giữ sự fair play tuyệt đối vì tôi thù ghét thất bại vô cùng. Với người Anh, sự quý tộc của họ, sự fair play của họ là một điều rất ý nghĩa. Hãy nhìn đội rugby của họ, bị loại từ vòng bảng ngay trên sân nhà nhưng vẫn vỗ tay cho đội Australia khi đối thủ rời sân. Hành động ấy xứng đáng được tôn trọng. Chúng ta hiểu rõ họ đang đau khổ thế nào, nhưng họ vẫn vinh danh đối thủ. Hình ảnh ấy rất tốt cho thể thao.

Khi còn làm việc ở Nhật Bản, tôi có theo dõi sumo. Điều tôi thích ở môn này là vào cuối trận đấu, người chiến thắng không bao giờ ăn mừng để khiến bại tướng của mình cảm thấy hổ thẹn. Tôi đã bao lần phải chịu đựng thất bại, nhưng đối xử trước thất bại của người khác cũng đòi hỏi văn hóa. Về điều này thì tôi thật sự kính trọng Nhật Bản và giá trị của Anh quốc.

Nhiều cựu cầu thủ Arsenal đã chọn ở lại nước Anh sau khi kết thúc sự nghiệp, từ Robert Pires, Patrick Vieira cho đến Thierry Henry. Ông cũng sẽ trở thành cư dân London đến cuối đời chứ?

Tôi vẫn chưa quyết định. Chỉ có một điều chắc chắn: mối liên kết giữa tôi và Arsenal sẽ tồn tại đến cuối đời. Tôi đã có nhiều cơ hội chuyển sang một công việc khác và tôi luôn từ chối. Tôi không thể tưởng tượng cảnh mình cầm quân cho một đội bóng khác.

Ông chắc chắn chứ.

Gần như vậy (cười to). Vì nếu sáng mai Arsenal sa thải và cám ơn, tôi đâu thể cam kết với anh là không trở lại làm việc ở một nơi khác. Làm việc là lẽ sống của tôi, tôi sẽ phải cân nhắc một công việc, nhưng có thể là sẽ không làm ở Anh nữa.

Ông là một người chủ trương giáo dục hơn huấn luyện?

Tôi không muốn việc giáo dục cầu thủ bị mâu thuẫn với việc huấn luyện để thắng. Nếu nhập nhằng kiểu ấy thì những người giáo dục nom như một kẻ đần độn vậy. Theo tôi, một HLV nên tiếp cận cầu thủ của mình theo hướng giáo dục. Một trong những điều tuyệt vời nhất trong nghề nghiệp của chúng tôi là có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của người khác theo hướng tích cực. Trên thế giới có biết bao nhiêu người tài năng, nhưng lại không đủ vận may để gặp người tin cậy họ. Tôi luôn vui khi là người trao cơ hội cho những người như thế.

Nếu như phải chọn một khoảnh khắc trong sự nghiệp của mình?

Đấy khoảnh khắc mà tôi xuất hiện ở London trong sự hoài nghi tuyệt đối. Rồi danh hiệu đầu tiên, cú đúp đầu tiên. Tôi từ “Arsene là gã nào vậy” trở thành một nhà tiên phong. Tôi là người HLV đầu tiên không phải người Anh thành công tại Anh.

Còn nếu phải chọn một nỗi đau?

Đó là luôn phải trả lời những câu hỏi sau một thất bại, bất chấp những nỗ lực mà chúng tôi đã bỏ ra trong suốt cả một quá trình. Bóng đá là một tình yêu thì việc trả lời sau thất bại là một sự khổ dâm.

Đấy là lý do ông chủ động tránh xa truyền thông?

Tất nhiên. Bạn có thấy ai thức dậy vào buổi sáng và hê lên: “Tôi dậy rồi, chụp hình đi nào” không?

Ông từng bị mô tả là ngây thơ. Ông có thích mình được gọi là một người mộng mơ hơn không?

Ai đó từng nói: “Chỉ có một cách để đối diện với cái chết sẽ đến, đó là cố biến hiện tại thành tác phẩm nghệ thuật”.

Vì sao ông lại chọn làm HLV bóng đá?

Tôi đã chọn một môn tập thể. Có cái gì đó thật màu nhiệm khi những người đàn ông cùng dùng năng lượng của mình để hướng đến một mục tiêu chung. Đấy là lúc bóng đá trở nên tuyệt đẹp. Trong xã hội này, mỗi con người luôn phải tự mình chống chọi lại những điều không vui, bất hạnh. Nhưng trong bóng đá, chúng ta hướng về một mục tiêu chung. Bạn có thể tung vào sân 11 cầu thủ đến từ 11 quốc gia khác nhau, nhưng họ vẫn hiểu nhau tuyệt đối. Bóng đá vạch ra viễn cảnh của tương lai, đó là chúng ta hoàn toàn có thể hiểu nhau mà không cần phải mở miệng nói chuyện. Khi tennis bước vào mùa Davis Cup, nó mang những giá trị mà những trận đánh đơn không có. Chúng ta có thể nói điều tương tự với golf và Ryder Cup. Mọi người cảm nhận được điều đó.

Ông có thể làm HLV cho một môn thể thao cá nhân?

Tôi không nghĩ mình làm được. Xâm nhập vào thế giới của một VĐV, tìm xem điều gì có thể thôi thúc họ thi đấu tốt hơn cũng tạo được hứng thú cho tôi. Nhưng tôi sinh ra và trưởng thành trong những môn thể thao đồng đội và tôi tự bồi đắp những kỹ năng làm việc theo nhóm. Ở ngôi làng tôi sống hồi bé, người ta chỉ chơi toàn bóng rổ và bóng đá.

Có phải việc ông từng là một cầu thủ có sự nghiệp không mấy thành công giúp ông kiên nhẫn hơn với cầu thủ và đội bóng của mình?

Tôi có một vận may là sự nghiệp của mình đã tìm ra một ngã rẽ. Nhưng ngày ấy, thỉnh thoảng tôi vẫn nghĩ: nếu không thể chơi bóng đá được nữa, có lẽ mình sẽ tự sát. Bởi vì tôi hoàn toàn không tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời nếu không có bóng đá.

Ông nghiêm túc chứ?

Hoàn toàn nghiêm túc. Tôi cũng từng mất nhiều thời gian để suy nghĩ tại sao năm 24, 25 tuổi mình lại có suy ghĩ ngốc nghếc như vậy. Nhưng tôi đã lớn lên trong một môi trường bóng đá, bố tôi là một HLV bóng đá ở địa phương, tôi ở trong nhà hàng của đội bóng ấy nhiều hơn ở nhà. Chúng tôi toàn nói chuyện về bóng đá. Bố tôi và các cộng sự bàn chiến thuật vào thứ Tư rồi thi đấu vào Chủ Nhật. Tôi xem bóng đá từ thuở chưa biết đi, những từ ngữ đầu đời tôi nghe là bóng đá.

Và bóng đá nó ám vào người ngay từ bé à?

Thực vậy. Khi tôi 4-5 tuổi thì tôi đã bắt đầu biết bóng đá là gì, tôi tham gia trò chuyện khi đã 9-19 tuổi. Tôi bị nhốt trong một nếp nghĩ: bóng đá là điều quan trọng nhất trong đời bởi những người quanh tôi đều nói về nó.

Ông có bao giờ nghĩ về đoạn cuối của sự nghiệp HLV? Ông 66 tuổi rồi đấy.

Tôi hoàn toàn phớt lờ điều ấy. Tôi thấy mình như giống như một một gã 34 tuổi vẫn đang thi đấu. Cứ sau một trận đấu dở là người ta lại khuyên anh ta nên treo giày đi. Tôi không đặt ra câu hỏi mình sẽ làm gì sau khi giải nghệ vì với tôi nó là một cú sốc lớn, và sốc gấp nhiều lần so với việc chuyển từ cầu thủ sang làm HLV. Bởi vì lần này, tôi sẽ chuyển từ trạng thái kích động sang trống rỗng, tôi sợ hãi điều đó. Tôi như một kẻ vẫn đang tiến đến mục tiêu của mình mặc kệ rào cản. Nếu như tôi nói bạn còn 24 giờ nữa để sống, vậy bạn sẽ trải qua 24 giờ ấy như thế nào, lo sợ về cái chết đang đến hay tận hưởng nốt 24 giờ cuối cùng của cuộc đời một cách trọn vẹn nhất?

Ông có ấn tượng với cách mà Alex Ferguson nghỉ hưu ở tuổi 71 chỉ vì đề nghị của vợ?

Với tôi, Ferguson là một tấm gương tuyệt vời. Đầu tiên, ông ấy luôn biết cách làm mới mình, cải tiến bản thân. Ông ấy không bị đóng băng trong thành công. Tôi hâm mộ điều ấy vô cùng. Ông ấy luôn đặt ra cho mình những thử thách mới. Nhưng ông ấy lại còn có những đam mê khác, những con ngựa, rượu vang. Ông ấy sành vang đỏ hơn tôi rất nhiều. Gần đây gặp lại, tôi có hỏi: “Alex, ông có nhớ bóng đá không”, ông ấy trả lời “Chả nhớ chút nào”. Tôi vừa thất vọng lại vừa hy vọng cùng một lúc.

Ông không có đam mê khác sao?

Không. Bởi thế mà tôi lúc nào cũng sợ. Tôi không phải Ferguson. Tôi không có những đam mê để thay thế cho một đam mê khác. Tôi không thể viết sách về những việc đã qua. Tôi không chịu nổi cảnh các học trò cũ của mình đang chật vật với hiện tại khi không còn bóng đá. Tôi sợ người ta gọi họ là cựu cầu thủ, cũng như sau này người ta sẽ gọi tôi là cựu HLV. Tôi muốn sau này khi nghỉ hưu, người ta sẽ không gọi tôi như thế. Tôi phải tìm một cái gì đó để thấy mình hữu dụng, dạy bọn trẻ đá bóng chẳng hạn.

Vì sao ông lại không giữ lại những thứ thuộc về quá khứ?

Nó khiến tôi âu lo, nó khiến tôi tin là thời gian quả thực là thứ không thể níu giữ. Nếu đến nhà tôi, bạn sẽ không thể tin đấy là nhà của một HLV. Nếu bạn hỏi tôi chiếc huy chương tôi đeo khi nhận Cúp FA ở đâu tôi cũng chẳng biết. Có thể tôi đã tặng nó cho bác sĩ hoặc người lo trang phục cho đội.

BOX

Thời gian là một thứ xa xỉ. Nếu có gì đó để tự hào về bản thân thì đấy là việc tôi xem Arsenal như máu thịt của mình. Tôi đã bị chỉ trích vì điều đó, vì tôi chi tiền không nhiều, không đủ thành thơi. Nhưng tôi tự hào vì đã dũng cảm áp đặt ý tưởng và chiến đấu vì nó. Tôi biết có nhiều người không tán đồng. Nhưng niềm tự hào lớn nhất của tôi là một ngày nào đó khi rời Arsenal, tôi sẽ để lại một đội ngũ mạnh, một CLB có sức khỏe tài chính tốt và đủ khả năng chinh phục trong tương lai. Với tôi, sự ổn định luôn là dấu hiệu của một CLB vĩ đại.

 

Người dịch: Binh Bong Bot

Facebook Comments Box

Comment