60606_471465012898840_728641944_nYêu thích điện ảnh tình cờ, chẳng đầu chẳng cuối, hoặc có lẽ cái kí ức lưu trữ sự khởi nguyên của ham thích xem phim nó đã bị xước và bị nhòe đi quá nhiều nên không có một hình dung rõ rệt để có thể kể ra tường minh như cách nhiều bộ phim khởi đầu. Nhưng có lẽ nó đến từ những ngày biết đến TPD, đến cô thủ thư bé nhỏ hay cười, và đến với một thư viện phim thật giàu mà một thanh niên như tôi chẳng bao giờ được tiếp xúc. Thời sinh viên đó, có bốn cánh cửa đưa tôi vào bốn thế giới khác nhau nhưng chồng lên nhau, bù đắp cho nhau và bổ sung cho nhau. Cánh cửa nhà tôi nơi tôi bước vào cuộc đời thực, một cậu bé ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành và được mọi người quý mến. Cánh cửa khác nằm ở những quán cafe Rock nơi cho tôi lê lết đến bước vào đó để bước vào thế giới của những tâm hồn lang thang, vô định, mất phương hướng và đầy buồn khổ. Cánh cửa thứ ba là sách, những quyển sách đưa tôi vào thế giới của thời kì khai sáng, trung cổ, dẫn lỗi cho tôi vào ngôi đền của Chúa, một ngôi đền không có thật, mang nhiều dáng dấp của sự tự hủy hoại, nhưng lại cho tôi hình dung rõ nhất về sự bất tử. Và cánh cửa thứ tư là cánh cửa bước vào thế giới Narnia của điện ảnh, trong thế giới đó tôi tìm thấy những cuộc đời khác, tôi làm đầy tâm hồn mình, tôi điền vào tâm thức sự đầy đủ và giàu có của thế giới những điều tôi không thể có ở bất cứ đâu, nó đi thẳng vào não qua thị giác, ghi vào đó những câu chuyện ngắn gọn trong trung bình 90 phút, với những khuôn mặt xa lạ, quen thuộc, với những thứ cảm xúc rất thật đến nỗi nhiều khi ta như đang thấu cảm chính cái cảm xúc đó chỉ bằng cách xem nó qua màn hình tivi bé nhỏ.

Có người đã hỏi tôi trên Ask.fm như này.

Làm cách nào để có thật nhiều hứng thú xem phim như anh?

Đơn giản lắm, cứ nghĩ rằng mình chỉ sống 1 cuộc đời, mà thế giới này có cả tỉ cuộc đời khác, nên xem phim giống như mình đang thử trải nghiệm mình là người khác. Thử càng nhiều mình càng hiểu mình hơn, vậy thôi. Để tôi lấy một phim làm ví dụ, là phim Being John Malkovich. Phim đó để tôn vinh sự nghiệp diễn xuất của John Malkovich. Trong phim đó, biên kịch xây dựng lên một cánh cửa bí mật, qua cách cửa bí mật đó, bất kì ai cũng có thể đi vào đầu của Malkovich và nhìn thế giới qua con mắt của ông. Rất nhiều người sẵn sàng bỏ 200 đô la để được trải nghiệm 30 phút đó. Và dường như ai cũng muốn được trở thành người khác ít nhiều.

Bắt đầu bằng suy nghĩ, mình không thể sống 1 triệu cuộc đời để có thể trải nghiệm thật nhiều, tạo nên nhiều vốn sống để tham chiếu cho chính mình. Điện ảnh trở nên giản dị và gần gũi, ta không còn phải gồng mình để cố theo dõi bất kì bộ phim nào, đơn giản ta đang viễn du vào thế giới của người khác mà thôi.

“A film is never really good unless the camera is an eye in the head of a poet” – Orsen Welles

Brigitte Bardot talking to dir. Louis Malle on the set of Vie privée (A Very Private Affair) (1962).
Brigitte Bardot talking to dir. Louis Malle on the set of Vie privée (A Very Private Affair) (1962).

Anh ơi cái nghiệp phim ảnh nó làm khổ đời em quá , mặc dù nó cho em đủ mọi cung bậc của đam mê, vậy làm sao để luôn giữ được lửa bây h anh 🙁

Đam mê là điều cần thiết nhưng bản thân từ đam mê luôn mang nghĩa tiêu cực. Nên khi e thấy nó làm khổ em tức là nó đang bó hẹp cuộc sống của mình, em nên thả lỏng ra một chút. Tôi lại kể một câu chuyện về bản thân tôi, tôi mê chụp ảnh, nhưng những thứ khiến cho bố mẹ tôi nhìn thấy tôi chỉ là thằng lãng tử lang thang ngoài đường vô công rồi nghề như máy ảnh là điều các cụ rất ghét, nên hiển nhiên tôi không có được sự ủng hộ tài chính để sắm cho mình máy ảnh tốt. Nên tôi phải dừng đam mê lại. Chưa có điều kiện chụp bằng máy tốt để được ảnh như ý thì đành phải chụp bằng máy cà tàng cho qua ngày. Nếu đã mê không bao giờ sợ mất lửa, nó sẽ luôn âm ỉ và bùng lên bất cứ lúc nào. Và rồi tôi tự mua được máy cho mình một thời gian dài sau đó. Nhưng bố mẹ tôi tạo áp lực rất ghê mỗi lần tôi muốn cầm máy ra đường chụp ảnh, nó bóp nghẹt tôi trong mỗi lời không hài lòng của bố mẹ, trong sự trách móc đôi khi rất hằn học. Có thể cái mê này nó nhỏ bé hơn so với cái Nghiệp điện ảnh của em, nhưng xét cho cùng, em đã chọn đi theo nó, biến nó thành nghiệp cho mình, mọi thứ không bao giờ suôn sẻ cho đến khi ta nhắm mắt xuôi tay, văn vẻ người ta nói vậy, và tôi cũng nghĩ vậy. Nên nếu nghiệp ở đây nếu là nghề nghiệp thì em nên xem lại xem có phải e đi đúng hướng không, nếu nghiệp ở đây chỉ đơn giản là thưởng thức thì nghỉ thưởng thức 1 thời gian đi rồi quay lại. Không cần làm gì để giữ lửa, chỉ cần biết tạo khoảng trống và điểm dừng để mình còn được thở và suy nghĩ thôi. Em có nghĩ Llywen Davis có khổ sở với cái nghiệp hát của mình không?

“A film should be more like music than fiction. It should be a progression of moods and feelings. The theme, what’s behind the emotion, the meaning, all that come later.” – Stanley Kubrick

Làm một thằng xây dựng, tự nhiên mê phim, viết lách về phim, cắm mặt vào phim ảnh đã thực sự là một cái nghiệp phải gánh mà đôi khi tôi chẳng thể trả lời được tại sao lại có sự thay đổi như vậy. Những câu hỏi trên, bạn bè hỏi, nhưng thực ra cũng là chính mình hỏi mình vậy.

A nghĩ viết review có đánh giá được mức độ cảm nhận phim không? Có những người không thích chia sẻ cảm xúc hoặc ngôn từ không đủ hoặc họ không thể kết nối lại để viết ra cảm xúc của họ?

Điều đầu tiên khiến tôi ngồi viết lại cảm nhận của mình về phim ảnh, sách hay âm nhạc đến rất đơn giản là sự sợ sẽ mất đi cảm xúc mình đang có sau khi được thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật. Cái trí nhớ của ta đôi khi có nhiều cái không thể quên, nhưng đôi khi nó chẳng lưu trữ lại được quá lâu, đơn giản là mờ đi và tan biến, để lúc nào đó ta nhìn lại và ta chẳng còn biết lúc đó ta đang có cảm nhận như nào nữa. Chính thế nên viết để lưu giữ lại, như cách một bộ nhớ ngoài hoạt động. Sau đó phát triển hơn 1 chút trong quá trình viết review đó là muốn chia sẻ, chia sẻ về cái hay mà ta nắm bắt được, cái dở mà ta nhìn thấy được, để cho ai đó muốn tìm sự đồng cảm, hoặc đơn giản đó ai đó đang do dự thưởng thức, biết đâu sẽ tìm thấy nó trong bài viết của mình.

Vậy là review thỏa mãn hai khía cạnh, viết cho mình và chia sẻ cho người khác. Nên tôi nghĩ nó hoàn toàn có thể đánh giá được mức độ cảm nhận phim của người viết. Như tôi, bài viết của tôi “tố cáo” rằng, cảm nhận của tôi thuần khiết về mặt cảm xúc, không có sự cảm nhận thông qua hiểu biết về kĩ thuật phim, hay những yếu tố cấu thành nên bộ phim, nó rất ít.

Nếu ai cũng viết thì ai đọc nữa em? Có những người thưởng thức đơn thuần là thưởng thức, giết thời gian, tìm kiếm một câu chuyện hay, và tự rút ra gì đó cho bản thân. Có những người khác thì thích mang cái cảm xúc của mình đến nhiều người, muốn nhiều người biết đến nó và xem. Tôi hay khuyến khích bạn bè viết chia sẻ cảm xúc như vậy. Đủ hay không về mặt ngôn ngữ không quan trọng, quan trọng là khi viết ta đã hiểu hơn về cảm xúc của chính mình. Suy nghĩ là một cõi hỗn mang, nhưng khi viết ra em sẽ như dọn dẹp sắp xếp lại gọn gàng cái cõi hỗn mang đó.

“Never marry someone who doesn’t love the movies you love. Sooner or later, that person will not love you” – Roger Ebert

A nghĩ sao về PTA, Wes Anderson, David Fincher, Spike Jonze? Đạo diễn làm phim thời nay anh yêu thích nhất là ai? Ai là người viết bình phim ở VN anh thích nhất hiện nay?

Tôi thích nhất Paul Thomas Anderson. Vẫn nhớ lần đầu tiên xem phim của ông là Magnolia với cảnh hàng tấn con ếch rơi từ trên trời xuống vô cùng ấn tượng. PTA thực sự giỏi và phim nào của ông cũng đáng chờ đợi cả về mặt câu chuyện, nghệ thuật điện ảnh, kĩ thuật quay, làm phim… rất hoàn thiện. Tác phẩm The Master là bộ phim thể hiện rõ nhất điều đó.

Sau đó thì đến David Fincher với Fight Club, Seven, một tác giả gây ấn tượng với cả giới phê bình lẫn khán giả xem phim. David Fincher mang đến cho chúng ta cái nhìn vào chính tâm hồn mình nên gây được cảm tình rất lớn. Đến Spike Jonze làm ít phim điện ảnh, nhưng chỉ cần Her thôi đã đủ chứng tỏ khả năng biên kịch tuyệt vời cũng như tạo nên một bộ phim vô cùng rung đông như vậy.

Wes Anderson, thì khác hẳn, tôi thích chất siêu thực, hài hước, hơi fantasy, với những game màu sáng, hơi nhiều xanh và vàng, và thế giới trong đó vừa rất gần với chúng ta nhưng vừa rất riêng biệt, nó như thế giới cho thiếu nhi, nhưng không vì thế mà ông không dám cho người lớn làm diễn viên chính. Phim ông quá đẹp để xăm soi nhiều thứ khác (nếu soi thì cũng thấy nhiều thứ chán đặc biệt là phim mới nhất).

Tôi thích anh em Coens và Michael Haneke nhất nếu muốn tìm ai đó nhất, nhất ở đây là trông đợi phim của họ một cách háo hức và hơi nồng nhiệt thái quá.

Tôi có thói quen dở hơi là khi anh viết 1 thể loại thì tôi sẽ ít đọc những bài viết cùng thể loại bằng tiếng Việt. Nếu tôi viết lảm nhảm thì tôi sẽ không đọc những blog cũng viết lan man tản văn như tôi, rất ít khi, khi tôi viết phim thì tôi không đọc những bài bình phim khác nữa, nên hỏi một ai cụ thể mà anh thích viết bình phim thì khó lắm. Tình cờ gặp thì tôi sẽ đọc, chứ không đi tìm người cụ thể. Nhưng nhiều người viết thật hay, sắc sảo và gãy gọn. Tôi vẫn tự biết mình viết còn quá lan man và cảm nhận còn chưa đủ sâu và tinh tế.

“What’s the most common mistake in written dialogue? Complete sentences. Bad movie dialogue speaks in complete sentences without any overlapping or interruption, and avoids elliptical speech, which is truer to how people actually talk.” – Paul Thomas Anderson

19403_509453232433351_661662982_n

Anh nghĩ sao về Quentin Tarantino và Christopher Nolan?

Tôi nghĩ họ là hai trong số những đạo diễn thông minh nhất hiện tại. Tôi dùng từ thông minh chứ không phải tài năng. Tài năng là thứ trời cho, còn họ thông minh nên họ tự tạo “tài năng” cho mình. Chính vì thông minh nên cách họ gây ấn tượng qua các bộ phim vô cùng đáng nhớ. Họ viết kịch bản, thu hút diễn viên hạng A, khiến các hãng sản xuất hoàn toàn phục tùng mình để dù là tác phẩm bom tấn hay không thì dấu ấn của họ trong phim quá rõ. Họ mang đến nghệ thuật điện ảnh thực sự, thứ gì đó chỉ có ở màn ảnh, họ nói với ta rằng, vứt cai thực tế đi, điện ảnh, nó kể câu chuyện riêng của nó ở vũ trụ khác, trái đất khác. Thưởng thức thôi, đừng nghĩ quá nhiều. Tôi nghĩ về hai ng đó vậy đấy. Và luôn mong chờ phim của họ.

“When you sleep, you don`t control your dream. I like to dive into a dream world that I’ve made, a world I chose and that I have complete control over.” David Lynch

Anh nghĩ sao về những phim của Nicholas spark

Nicholas Sparks, Marc Levy, Muso… là những người đáng quý, họ duy trì tính lãng mạn có hệ thống của tình yêu, và tất nhiên phim chuyển thể từ họ xét ở khía cạnh nào đó làm khá tốt, cho ta cái nhìn giản dị về đời sống và tình cảm. Xem giải trí vui vui, xem cùng gái thì chắc chắn là lựa chọn an toàn. anw, anh thích The Notebook.

“A writer needs a pen, an artist needs a brush, but a filmmaker needs an army.” Orson Welles

Theo anh thế nào là 1 người xem phim nông cạn?

Nông cạn, đó là người cố chấp và có thiên kiến về một vài thể loại phim để rồi chẳng bao giờ xem nó mà cho rằng nó thật dở và không đáng để xem.

“To tell you the truth, in my work, love is always in opposition to the elements. It creates dilemmas. It brings in suffering. We can’t live with it, and we can’t live without it. You’ll rarely find a happy ending in my work.” – Krzysztof Kieslowski

Funeral song của bạn là gì? Bạn có bao giờ đọc review người khác sau khi viết xong review của bạn không 😡

My Funeral song:

1. High Hopes – Pink Floyd
2. The Seven Angels – Avantasia
3. Nymphetamine – Cradle of Filth
4. Soldier of fortune – Deep Purple
5. Just Breathe – Pearl Jam
6. Ashes – Pain of Salvation
7. Fanstatic Place – Marillion
8. Shadow of a lonely man – The Alan Parsons Projet.

Tôi thường không đọc lại review của người khác. Thỉnh thoảng trong vài trường hợp đặc biệt như em gái viết thì đọc.

“I always ask myself one question: what is human? What does it mean to be human? Maybe people will consider my new films brutal again. But this violence is just a reflection of what they really are, of what is in each one of us to certain degree.” 
― Kim Ki-duk

1238165_607164765995530_1603601729_n

Những câu hỏi về phim hài:

Những phim hài anh thích nhất? Black comedy thì sao? Không thích phim hài mà thấy anh thích đại loại kiểu Chaplin? Anh không thích rom-com thì chắc không thích It happened one night đúng không ạ? Em đang định nhờ anh recommend mấy phim tương tự 😛

Không có tính hài hước nên có lẽ vì thế mà tôi không thích phim hài, hoặc đơn giản hơn là khó cười với các tình huống hài, nhất là Rom-com, sitcom… Nhưng Black Comedy thì khác, nó sinh ra từ nghịch lý, nó mang đến hài hước từ sự nghịch lý của cuộc đời, nó bắt ta cười trên nấm mộ của người khác, khó khiến ta nhìn những chi tiết hằn học và độc ác thành một sân khấu kịch kì cục và thô thiển nhưng tinh tế vô cùng. Chính sự nghịch lý đó khiến tôi rất thích những phim được liệt vào Black Comedy như Dr.Strangelove của Stanley Kubrick, hay Hot Fuzz của Edgar Wright…  Xét cho cùng, một bộ phim có mác comedy, tôi vẫn có thể thích hoặc không thích nhưng không phải vì yếu tố hài hước của nó, tôi coi trọng câu chuyện và cách điện ảnh được sử dụng hơn, yếu tố hài hước sẽ xét sau. Như Chaplin là một ví dụ, và còn hơn thế nữa, phim của ông không chỉ có ý nghĩa về mặt điện ảnh, câu chuyện và những thông điệp gây rung động, mà còn gắn liền với tuổi thơ của tôi cùng người bác mà tôi vô cùng yêu quý, bác rất thích Sác-lô.

Tôi thích It happened one night, một câu chuyện quá duyên và dễ thương, đơn giản và tuyệt đẹp, hài hước là yếu tố đi sau yếu tố câu chuyện và nhân vật. Và có thể kể tên thêm 1 số phim khác như: Some like it hot, Roman Holliday, Manhattan,  An Affair To Remember.

Còn các câu hỏi về liệt kê phim nữa, chắc để post sau, dài quá rồi.

“Sometimes, watching a movie is a bit like being raped.” 
― Luis Buñuel

Federico Fellini choosing actors for Casanova, 1975.
Federico Fellini choosing actors for Casanova, 1975.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Facebook Comments Box

Comment