Đa phần các bộ phim về đề tài tình yêu thường đi từ điểm bắt đầu của mối quan hệ (là hẹn hò, tuần trăng mật…), điểm tiếp nối, phần ở giữa (đời sống tình yêu, hôn nhân…) Nhưng hiếm có bộ phim nào, lại chọn điểm xuất phát ở giai đoạn kết thúc. Đó là một hình thức rất khó để các đạo diễn có thể truyền tải và cũng khó tiếp nhận đối với khán giả. Blue Valentine là một bộ phim có đủ dũng cảm và bản lĩnh để làm như thế. Điểm tiếp cận, đồng thời là trung tâm của bộ phim, là một tình yêu đang chết dần.

Nếu như coi mối quan hệ hôn nhân là một cuộc đời thì Blue Valentine là hình ảnh của những giây phút cuối cùng trước khi chết, khi mà những hình ảnh của quá khứ và hiện tại vụt qua trước mắt bạn. Tại đây, ta được chứng kiến hai chiều thời gian song song, một bên là khi 2 nhân vật gặp gỡ và nảy sinh tình yêu. Bên kia là khi 2 người đã mâu thuẫn và đi đến đổ vỡ.

Bộ phim bắt đầu với cảnh cuộc sống thường nhật của gia đình Cindy (Michelle Williams) và Dean (Ryan Gosling), cùng cô con gái 6 tuổi Frankie bé nhỏ. Dean làm thợ sơn còn Cindy là y tá tại một bệnh viện nhỏ trong vùng. Hai bố con Dean nhào vào giường đánh thức Cindy, vốn còn đang lưu luyến giấc ngủ của mình bởi cô rất mệt mỏi vì phải lo toan cho gia đình. Trong khi Cindy tất tả dậy để chuẩn bị bữa sáng cho con đi học thì Dean ngược lại, rất thảnh thơi và có phần trẻ con vì anh rất yêu con trẻ.

Nhưng rồi bộ phim lại ngay lập tức đảo chiều không báo trước. Cindy không còn là mẹ bỉm sữa tóc tai rối bời nữa, Dean cũng không còn nhàu nát với mái tóc lưa thưa nữa. Cả hai xuất hiện đầy sức sống ở tuổi đôi mươi. Dean là nhân viên chuyển đồ hăng hái đầy sức trẻ đụng độ Cindy khi đó là cô sinh viên y khoa đang đến thăm bà. Họ tình cờ gặp nhau và bắt đầu một tình yêu lãng mạn.

Hai người trẻ cứ thể cuốn lấy nhau. Dean chơi Ukulele còn Cindy nhảy Tap dance. Trông họ giống như một đôi trẻ đang yêu hoàn hảo. Thi vị và nồng cháy. Thế rồi Cindy có thai. Họ tổ chức một đám cưới vội vã. Dean không quan tâm chuyện cái thai ấy có chắc là con của anh hay không. Anh yêu cô và khát khao được ở bên cô với một tấm lòng vị tha và chân thật.

Bắt đầu phim với điểm gần đến chung kết cay đắng của mối quan hệ, đạo diễn Derek Cianfrance cho người xem trở lại với những khoảnh khắc ngọt ngào của đôi trẻ, rồi cứ thể nhảy qua nhảy lại giữa các mốc thời gian. Sự ngọt ngào xuất hiện, rồi biến mất, thay vào đấy là hiện tại đầy khắc nhiệt và thô ráp. Cứ thế, hai chiều thời gian song song, đối lập nhau, tạo nên một bức tranh tương phản mỉa mai và đau xót.

Thế rồi, trong một ngày vào dịp Valentine, hai vợ chồng gửi con ở nhà ông bà ngoại, mua một chai rượu trong siêu thị và gọi đặt phòng nhà nghỉ xa nhà. Dean vốn là một gã lãng tử. Anh coi sự lãng mạn là lẽ sống. Lãng mạn là đức tin của Dean. Anh luôn dành trọn trái tim của mình cho vợ và con. Tình yêu là tất cả những gì mà Dean có thể đem cho. Nhưng như thế vẫn là chưa đủ. Dean vẫn còn nồng cháy. Nhưng Cindy, trong cô, tất cả cảm xúc đều đã chết. Buổi tối đó là một trong những nỗ lực cuối cùng để Dean cứu vớt hạnh phúc gia đình của mình. Nó sẽ quyết định xem cuộc hôn nhân của họ còn có thể cứu vớt được hay không.

Cindy và Dean, cả hai đều không có một tuổi thơ hạnh phúc bên gia đình. Điều đó khiến cho họ trở nên thiếu nền tảng trong hôn nhân. Những dấu vết đổ nát từ thế hệ trước rơi rụng xuống thế hệ sau, tạo thành vệt dấu chân đáng sợ, một con đường tuyệt lộ không lối thoát. Dù biết, nhưng Cindy cũng không rút được kinh nghiệm của bà và mẹ, cô thất bại trong việc gìn giữ hơi ấm gia đình, thất bại trong việc bảo vệ cho con gái được ở trong một gia đình nguyên vẹn. Đối tác hôn nhân của cô, Dean, cũng không được lớn lên ở trong một mái nhà trọn vẹn. Tuổi thơ không hạnh phúc như một cái rễ cây huyết ngải ngày một mọc rễ cuốn lấy sợi dây thế hệ của những đứa trẻ lớn lên trong gia đình vụn vỡ. Khi bước vào canh bạc hôn nhân, họ cần phải được trang bị hành trang tối thiểu là nền tảng bản thân. Nếu không, thất bại là điềm đã được báo trước.

Khi yêu, con người ta không bao giờ nghĩ được bất cứ điều gì xa xôi hơn người yêu dấu của mình. Người ta không bận tâm gì hết. Quá khứ, tương lai. Chẳng cần gì ngoại trừ người đó. Người đó là tất cả, là cả thế giới. Nhưng khi kết hôn, mọi thứ đều không còn là màu hồng nữa. Tất cả đều trở thành gánh nặng và người mình yêu say đắm ngày nào bỗng chốc trở thành một bà già cáu kỉnh, xéo xắt, và đeo nặng cuộc đời mình bởi cơm áo gạo tiền, nhà cửa, con cái.

Bởi vậy mới nói, hôn nhân giống như một bản dịch văn xuôi của bài thơ tình yêu. Một khi tình yêu không còn là bài ca trong thánh đường hôn nhân nữa, thì hạnh phúc gia đình sẽ trở nên yếu đuối, mong manh và dễ dàng bị đổ vỡ với bất kì cơn gió nào thoáng qua. Đôi khi ta cần phải nhớ rằng, điều quan trọng nhất trong một cuộc hôn nhân tốt đẹp không phải là hạnh phúc mà là sự ổn định. Gia đình vẫn là gia đình, mặc dù có lúc, nó không ấm cúng chút nào cả. Nhưng hôn nhân là thế. Đi đến quyết định gắn bó linh hồn với nhau suốt đời, đồng nghĩa với việc chấp nhận bản lai diện mục của đối phương.

Một cuộc hôn nhân tốt đẹp không phải là sự thay đổi của một bên hoặc cùng nhau thoả hiệp để đi đến sự thống nhất không biên giới. Hôn nhân, là phải để cho bên kia bảo vệ sự cô độc của mình. Chấp nhận để cho sự cách biệt vào làm kẻ thứ ba. Nếu họ yêu được sự khác biệt của nhau thì sẽ có thể thấy nhau trọn vẹn giữa nền trời bao la. Hiểu được rằng giữa những người gần gũi nhất cũng có thể có khoảng cách vô hạn, ấy tức là đã thấy được tình yêu huyền diệu. Hoặc không, hôn nhân sẽ thành nhà tù cầm chứa sự tự do và chủ động của tâm hồn mỗi người. Người đàn ông cưới người phụ nữ với mong muốn người phụ nữ sẽ không bao giờ thay đổi. Còn người phụ nữ cưới người đàn ông với mong muốn người đàn ông có thể thay đổi. Sự thay đổi và không thay đổi không như mong muốn của cả hai khiến họ thất vọng.

Bộ phim mang không khí buồn man mác, giống như một tiếng thở dài đau đớn dành cho câu chuyện tình nhân buồn. Cũng như tình yêu là làn khói được tụ lại bằng hơi thở dài, được gạn trong thì thành ngọn lửa sáng rực trong mắt đôi lứa yêu nhau; bằng trái nguyện thì hoá ra biển thảm đầy nước mắt. Tình yêu từ cõi hư vô mà ra nhưng tình yêu lại là tất cả. Dean và Cindy như cặp đôi Romeo và Juliet thời hiện đại. Nơi mà không phải hận thù gia đình, mà chính cuộc sống hôn nhân chính là thủ phạm đã giết chết tình yêu của chính họ. Để rồi, Dean, dù vẫn còn yêu nồng cháy, nhưng đành cất bước ra đi. Vì đến một lúc nào đấy, khi tình yêu đủ lớn thì ta sẽ nhận ra rằng đã đến lúc phải rời xa người đó. Giống như lời bài hát Niệm Khúc Cuối của Ngô Thuỵ Miên:

“Dù có ước, có ước ngàn lời, có trách một đời
Cũng đã muộn rồi
Tình ơi dù sao đi nữa, xin vẫn yêu em”.

Facebook Comments Box

Comment