Tôi viết bài này để chia sẻ một vài điều vừa là triết học, vừa là kiến thức xã hội, vừa là một quan niệm chủ quan của cá nhân tôi gửi tới mọi người – những người còn trẻ và đang mải miết đi tìm cái tôi của mình.

“Cái tôi” là đề tài xuyên suốt những câu chuyện quanh bàn nhậu của chúng ta kéo dài nhiều năm nay. Vì các bạn là những người trẻ tuổi, lớn lên ở một môi trường hoàn toàn khác và bị quăng sang một môi trường dị biệt hoàn toàn – nơi không có ai cư xử và có cách nghĩ giống mình. Ở tuổi 18, 20, xa gia đình, các bạn va vấp với một xã hội hoàn toàn mới, những khó khăn chồng chất khi phải cố hòa mình vào cách sống của những người phương tây. Đôi khi những khó khăn thua thiệt trong cuộc sống do phải cố hòa nhập khiến cái tôi của các bạn bị chao đảo mạnh, chẳng hạn như không hiểu tại sao các bạn bên Tây tài thế, không hiểu sao mình không làm được như cậu này, cô kia? Các bạn trẻ ở cái tuổi luôn muốn chứng tỏ cái tôi của mình, nhưng còn mù mờ về tương lai, thiếu tự tin trước những tấm gương khác mà xã hội chưng ra, tâm lý non nớt. Do vậy dù muốn thể hiện cái tôi của mình đến mấy, các bạn lại thường loay hoay trong mối quan hệ với cái tôi của mình với hàng mớ câu hỏi và tự dằn vặt: Liệu nó có đúng không? Thể hiện ra hành động như thế nào? Thôi kệ, Chắc không sao đâu? Giá như! v.v…

Giá theo lẽ thường thì tự đến một độ tuổi trưởng thành nào đó, khi có nhiều kinh nghiệm sống hơn, các bạn trẻ sẽ cư xử theo cái tôi của mình và chẳng còn lăn tăn với mấy câu hỏi vụn vặt đó nữa. Nhưng từ giờ tới lúc đó còn lâu, và các bạn còn phải thu gom rất nhiều sự từng trải cũng như các kiến thức sách vở khác. Vậy hãy coi bài viết này là một chút ít kiến thức như vậy đi. Tôi lựa chọn một vài nội dung của Chủ nghĩa Hiện sinh để giới thiệu với các bạn, vì theo quan điểm của tôi Hiện sinh phù hợp với những người trẻ đang khao khát trải nghiệm và thành công. Hơn nữa Hiện sinh là tư duy nền tảng của thế giới phương tây trong thế kỷ trước, thế kỷ 20 và ảnh hưởng của nó vẫn còn kéo dài đến ngày nay. Vì vậy, giới trẻ phương tây, ít hay nhiều chịu ảnh hưởng của nó trong cách nghĩ, cách sống hoàn toàn vô thức. Cũng như chúng ta thường chịu ảnh hưởng của Phật giáo một cách vô thức vậy.

Tôi có lần nhắc với bạn tôi về “dấn thân”, hay có lần nói về “Tính tầm thường của cuộc sống”, những câu chuyện đó ít nhiều đều liên quan đến Hiện sinh. Hiện sinh là triết học của thế kỷ 20, nên tất nhiên nó liên quan đến mọi vấn đề. Và vì nó có đến vài trường phái khác nhau, nên Hiện sinh nếu không hiểu rõ thì cũng độc hại cho xã hội một cách khủng khiếp. Là một người hiện sinh, ta có thể trở thành một người nổi tiếng tài giỏi trong công việc, quyết đoán trong hành xử, mực thước về cách sống. Nhưng một xã hội toàn những người hiện sinh lệch lạc, có thể dẫn tới những trào lưu bạo loạn, lôi thôi, lang thang như Hippie chẳng hạn. Tuy nhiên dù ở góc độ nào thì Hiện sinh vẫn luôn được lớp trẻ ủng hộ, như một thứ men say trợ hứng cho những lý trí non nớt kia dựa vào đó xây dựng cái tôi của mình. Vì thế tôi nghĩ nó hợp với các bạn trẻ trong giai đoạn này.

Hiện sinh là gì? Mặc kệ nó đi. Những câu hỏi về định nghĩa các bạn có thể tìm trên Wiki, hoặc có thể suy đoán từ nghĩa của từ ra cũng được. Không quan trọng lắm. Ý nghĩa của nó quan trọng hơn, và đó là lý do tôi muốn giới thiệu nó đến với các bạn. Ý nghĩa gì? Là thế này, các bạn cứ quên hết nền triết học từ Platon, Aristol thời Hy lạp cho đến cả Kant, Hegel cận đại sau này đi, nó lỗi thời rồi, gói ghém nó lại và quẳng nó sang lĩnh vực Vật lý, đó không còn là triết học nữa. Thật vậy, hầu tất cả những gì các nhà triết học trên đưa ra, toán học và vật lý đã chứng minh được hết rồi. Và thay vì nghiên cứu tiếp về lý luận triết học, người ta nghiên cứu vật lý cho nhanh. Vì vậy hãy quên nó đi nếu không thích, không giỏi về toán lý cho lắm. Triết học hiện đại không còn nghiên cứu “thế giới quanh em” nữa, mà chính là miêu tả con người, nghiên cứu chính bản thân mình. Đó là khởi nguồn của Hiện sinh.

Cũng như một đứa trẻ lông nhông cởi truồng chạy ngoài đường, giai đoạn này nó chỉ biết nhìn người khác với con mắt tò mò, cho đến khi nó lớn lên và tự nhìn mình qua con mắt người khác, nó mới biết xấu hổ và tự mặc quần áo đầy đủ. Hiện sinh là một bước chuyển trong triết học, coi chính con người mới là đối tượng cần quan sát chứ không phải thế giới bên ngoài nữa. Đó là ý nghĩa.

Còn nội dung chính của Hiện sinh? Chỉ gói gọn qua hai từ “Chủ thể” và “Tự do” và đừng cố ý hiểu nhầm 2 từ này.

Chủ thể tức con người là con người, ta là ta, biết suy nghĩ với tâm tư tình cảm của mình. Và vì thế, ta không thể khách quan được. Ta quan sát cảnh vật, ta buồn cảnh cũng buồn. Ta hành động gì đó, hành động đó sẽ có dấu ấn của ta. Và ngược lại, không ai có quyền làm tôi khác đi nếu tôi không muốn. Nói một cách trung thực thì không còn lễ nghĩa, giáo dục gì cả, ta quý ông thầy này nọ, vì ông thầy dậy ta dễ hiểu, vì ông thầy có nhiều kiến thức và đạo đức mà ta nhìn nhận, chứ không phải hễ cứ giáo viên là ta phải tôn trọng như người thầy dạy mình. Vì vậy khi xác định được cái chủ thể, ta có trách nhiệm với bản thân, có trách nhiệm quan sát, đánh giá những người ta gặp từ góc nhìn trung thực này. Tránh bị động cuốn theo trào lưu xã hội. Hoặc nếu ta đánh mất cái chủ thể của mình, thì địa vị ta lúc đó không còn là con người nữa (không có suy nghĩ, cảm xúc, đánh giá), chỉ ngang hàng với… (với cái gì các bạn tự hiểu).

Tự do? Hiện sinh hợp với thanh niên vì cái sự tự do này, tự do là độc đáo, là ngang tàng. Nhớ là ngang tàng chứ không phá phách, độc đáo chứ không lập dị nhé. Tức là ta sống theo đúng ta, chứ đừng theo lý tưởng của ông anh, bà chị hay tấm gương điền hình nào khác. Vì đơn giản, tôi là tôi. Người kia có những bước phát triển 1,2,3,5. Tôi không noi theo người ta. Không phải vì tôi muốn khác họ, mà vì tôi lựa chọn một con đường khác, do tôi tự đề ra, tôi tự chịu trách nhiệm. Và chính vì cuộc đời quá ngắn, nên cái giá của nó quá đắt, chẳng ai thay tôi có quyền quyết định cuộc sống của mình. Hãy tự do lựa chọn một con đường đúng như chủ thể của mình, và sống với con đường đó. Vì tôi quý trọng cuộc sống và muốn làm cuộc đời có ý nghĩa, làm bản thân thêm phong phú.

Như vậy hãy đề ra vài ba mục đích của cuộc đời. Làm chủ doanh nghiệp bận rộn? Làm trưởng phòng marketing giàu có? Làm chuyên viên kinh tế vợ đảm con ngoan? Hay sáng làm nhân viên tối giải trí gì đó với freetime? Hay làm giáo viên kinh tế? Vứt hết những gì đạo đức giáo dục hay cái sức ép xã hội đi, dùng chủ thể của mình để lựa chọn ra một kịch bản. Chọn 1 cái thôi, cái mình mong muốn nhất và hãy quyết định “Dấn thân” theo con đường đó, làm đến cùng để khỏi uống phí cuộc đời. Đừng sợ sai, cái sai nếu có chỉ do xã hội khách thể mang lại mà thôi.

Nếu không sống “Dấn thân” như thế, ta sẽ rơi vào hai trường hợp:

  • Một là những người không xác định được mục tiêu của đời mình, hoặc không dám chịu trách nhiệm. Sợ nhất là đến cuối đời vẫn không xác định được mục tiêu của đời mình. Đó là vì họ không ý thức được phải đề ra các kịch bản và lựa chọn như trên.
  • Hai là những người sống rất tầm thường, họ có lương tâm, làm việc chu đáo, nhưng chỉ máy móc chìm nghỉm trong một cuộc sống tầm thường, hàng ngày, lặp lại, thường là vì tiền. Không bao giờ nghĩ phải thoát ra khỏi cuộc sống tầm thường bị xã hội đổ khuôn. Vì khi nhận ra cuộc sống tầm thường như vậy, Sartre còn có cảm giác “Buồn nôn” và viết ra tác phẩm mang đến giải Nobel văn chương cho Sartre.

Vậy đó, Hiện sinh nhập môn chỉ vậy thôi, những gì cơ bản nhất, chung nhất giữa các dòng hiện sinh là vậy. Đi quá sâu vào từng dòng là công việc của nhà lý luận, đối với nhận thức đại chúng, chỉ nên dừng ở đây để tránh hồ đồ thêm rối trí và lầm lạc. Với các nội dung nền tảng này cũng đủ xây dựng được cái tôi của các bạn trẻ rồi.

Facebook Comments Box

Comment