Những tưởng cái kết của Kira và L trong bộ phim Death Note: Change The World của Hideo Nakata đã khép lại câu chuyện rùng rợn mà vô cùng kì thú về cuốn sổ thần chết dựa theo bộ manga vô cùng nổi tiếng Death Note của Tsugumi Ohba. Nhưng với một tác phẩm manga sâu sắc và nổi tiếng như Death Note, những khía cạnh có thể khai thác tiếp từ đề tài đó không bao giờ thiếu. Chính vì vậy mà đạo diễn Shinsuke Sato đã tiếp tục tạo ra phần hậu truyện cho Death Note trên màn ảnh bằng bộ phim: Death Note: Light Up The New World. Với tuyến nhân vật mới, câu chuyện mở rộng hơn, nhưng vẫn dựa theo sườn của tập phim Death Note: The Last Name (2006) của đạo diễn Shûsuke Kaneko, Death Note: Light Up The World mang thế giới của L và Kira trở lại, với câu chuyện đen tối hơn, nhiều bất ngờ, và có tính giải trí cao, dù bên cạnh đó vẫn còn những điều chưa thoả đáng đến từ một kịch bản chưa đủ xuất sắc để so sánh được với bộ truyện manga gốc.

Mở đầu câu chuyện là hàng loạt cái chết, Death Note: Light Up The New World của đạo diễn Shinsuke Sato xây dựng một thế giới hậu Kira nguy hiểm hơn với 6 quyển sổ thần chết được nằm rải rác khắp thế giới. Vì Thần Chết tối cao sau khi chứng kiến “kì tích” mà Kira tạo ra cho thế giới bằng quyển sổ Death Note đã quyết định tạo ra nhiều hơn, hòng biến thế giới thành một nơi vui đùa, hỗn loạn hơn của những kẻ thông minh, sắc sảo và muốn thống trị thế giới. Lúc này, cuộc đối đầu truyền kì của L và Kira vẫn tiếp diễn nhưng với diện mạo khác, họ là hậu duệ, là những kẻ kế thừa đầu óc của L và Kira. Bộ phim đan cài những thước phim cũ về L và Kira để truyền tải thông điệp vốn thống trị trong Death Note: Liệu ta có quyền thay trời hành đạo? L – một thám tử với đầu óc vô cùng thông tuệ không cho phép việc con người đứng trên luật pháp, còn Kira – một kẻ điên khùng thông minh tuyệt vời thì tin vào việc thay trời hành đạo để mang cho thế giới này những điều tốt đẹp nhất.

Death Note: Light Up The New World mang được không khí dị thường của một xã hội có thần chết, hơn nữa, việc xuất hiện đến 3 thần chết trong diện mạo khác nhau tạo cho bộ phim sức hấp dẫn nhất định. Họ đại diện cho quyền lực giết người, đại diện cho nhân tính kẻ cầm quyển sổ. Vẫn mang được hồn cốt của Death Note phiên bản gốc, bộ phim là cuộc đấu trí căng thẳng với rất nhiều bất ngờ đến từ truyền nhân của L và những kẻ tôn sùng và muốn bước tiếp con đường của Kira. Sự căng thẳng cộng hưởng trong những cái chết liên tục diễn ra không hề nhân nhượng mà đạo diễn Sato cài vào phim khiến cho Death Note không bị nhàm chán và khó theo dõi do có quá nhiều nhân vật. Những nhân vật xuất hiện liên tục xoay quanh 3 nhân vật chính (viên cảnh sát trẻ, truyền nhân của L, và kẻ tôn sùng Kira) khiến bộ phim đôi khi bị dàn trải và thiếu chiều sâu do nhân vật không đủ đất diễn, không đủ thời lượng để phát triển tính cách của mình. Điều đó khiến cho bộ phim dù hấp dẫn nhưng không có nhân vật nổi bật để khán giả níu vào đó và kéo cảm xúc của mình lên.

Đây là một điều đáng tiếc, nhưng có lẽ khó trách được đạo diễn khi bộ phim hoàn toàn là phóng tác chứ không có truyện nguyên mẫu để dựa vào. L và Kira của bộ ba phim cũ dù sao cũng đã được thể hiện quá xuất sắc để vượt qua, nên việc để L và Kira chỉ là những cameo thỉnh thoảng xuất hiện trong bộ phim để kích thích thế hệ mới là một điều khôn ngoan và gây cảm tình.

Death Note nối tiếp vì thông điệp về ranh giới giữa tốt và xấu, thiện và ác. Thông điệp đó được Sato tận dụng rất tốt trong kịch bản do chính ông viết. L hay truyền nhân của L không bao giờ giết người và dùng quyển sổ thần chết để giết người. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng, L cho rằng Kira là sai, cũng chính vì vậy mà Kira được rất nhiều kẻ tôn sùng. Vì rút cuộc, dù cho không có điều gì có thể đứng trên luật pháp, nhưng luật pháp không bao giờ đủ sức để làm hết việc của mình hòng tạo ra một xã hội tốt đẹp hơn. Nên cuối cùng, thiện ác tốt xấu của quyển sổ thần chết, vẫn là do mỗi chúng ta, mỗi khán giả tự mình đánh giá mà thôi.

Facebook Comments Box

Comment