Điểm sách: “Sanshirō” – Thì ngây thơ hiện tại tiếp diễn

0
1424

Cuốn tiểu thuyết tự thuật “Sanshirō” của Natsume Sōseki, ra đời năm 1908 sau khi “Tôi là con mèo,” và “Botchan,” đã tạo lập danh tiếng cho tác giả, được viết bằng thứ văn xuôi tràn ngập thị-xúc-thính giác, là tác phẩm bao chứa những quan sát và trải nghiệm tuổi trẻ của một cá nhân mà từ đó phản ánh cả một lớp người và đất nước Nhật Bản những năm đầu thế kỷ 20 sũng trong chuyển giao và mâu thuẫn, giữa cũ và mới, Đông và Tây, truyền thống và hiện đại. “Sanshirō” không chỉ là một thanh xuân tràn thơ ngây tiếp diễn, mà còn cả băn khoăn choáng ngợp, và quan trọng hơn, là một bước dận nhảy vào vỡ mộng, của thời kế tiếp.

Toàn bộ câu chuyện diễn ra trong khoảng 5 tháng học kỳ năm học đầu tiên của Sanshirō: chàng sinh viên 23 tuổi vừa tốt nghiệp trường cao đẳng từ tận Kyushu, bắt tàu lên thủ đô học văn chương ở trường đại học Tokyo. Truyện bắt đầu từ giây phút anh nhắm mắt mơ màng ngủ rồi mở ra trên tàu, để rồi xộc vào anh, là cả một thế giới không chút tương đồng với cuộc sống cũ. Chỉ trong chuyến tàu dài 3 ngày đêm ấy (và anh phải ngủ lại ở dọc đường 2 lần), tương lai như thu gọn lại trong những gặp gỡ tình cờ, mà đầy giật nảy, và tiên báo cho cả thời gian sau đó. Độc giả, những người từng trải qua một lần xê dịch mất nơi ở, từng tham gia một chuyến tàu hỏa từ quê nhà lên thành phố học đại học sau khi tốt nghiệp cấp ba, đặc biệt là những người từng là sinh viên văn khoa, ắt hẳn sẽ tìm thấy bóng dáng mình trong hành trình của nhân vật chính.

Ở tiểu thuyết này, người đọc bắt gặp một nhân vật điển hình của thể loại “bildungsroman,” một loại hình thuật lại quá trình phát triển từ giai đoạn ngấp thiếu vắt mình qua thanh, ở đó, nhân vật chính, luôn được đặt trong cái tư thế, một mình đối đầu với cả thế giới, một mình tìm hiểu cái xã hội vận động xung quanh, và một mình, chiến thắng những trắc trở, những chướng ngại, mà “trưởng thành.”

Thế giới, của những lạ lẫm và bất định đổ ụp xuống Sanshirō là thế giới của quan hệ cá nhân với cá nhân, và cá nhân với thế giới: đó là trường đại học Tokyo như một thế giới riêng của những buổi lên lớp nghe giảng, thư viện sách vở, là bạn bè cùng đọc văn học phương Tây, là giáo sư Hirota cao ngạo và giáo sư Nonomiya hy sinh vì khoa học, là hai phụ nữ thời đại mới bất chấp chuẩn mực đạo đức xã hội Yoshiko và Mineko, là thành phố Tokyo vô tận như mê cung đang trong quá trình hiện đại hóa với nườm nượp xe cộ và những ngả rẽ sai là một lần lạc lối. Chúng là những cọ xát giúp độc giả dần hiểu được tính cách đang thành hình của nhân vật chính. Quan trọng hơn, chúng lần lượt trở thành những ký hiệu mà Sanshirō phải giải mã, dù sai lầm.

Sanshirō không phải là kiểu nhân vật chủ động tìm tòi tấn tới trong công cuộc tìm hiểu tri thức hay bản sắc chính mình. Phản ứng đầu tiên, và luôn được Sanshirō duy trì cho tới tận cuối truyện, khi anh bập vào cái môi trường hoàn toàn xa lạ ấy, là ngây thơ quan sát để rồi lý tưởng hóa và đối lập trắng-đen một cách giản đơn, từ hình tượng người phụ nữ anh cảm nắng, tới hình tượng vị giáo sư hiến mình cho khoa học. Cái trạng thái giản đơn của Sanshirō kéo dài và phổ ra ở đủ các khía cạnh: khi thì lao vào nghe giảng, khi thì lao vào đọc sách, khi thì lao vào thành phố, khi thì thần tượng thầy giáo này, khi thì hâm mộ đời sống của một thầy giáo kia, khi thì mù quáng tham gia phong trào đấu tranh – nhằm lật đổ một vị giáo sư nước ngoài nhằm thay thế bằng một giáo sư người Nhật – đầy chủ nghĩa dân tộc của Yorijō. (Sōseki dựa trên kinh nghiệm cá nhân của chính mình để xây dựng cuộc vận động này). Đỉnh cao của lý tưởng hóa là khi nhân vật chính phân thế giới ra làm 3 loại, một của vùng quê xa hoài nhớ nơi có mẹ hàng tháng gửi thư và tiền chu cấp, một của Tokyo náo nhiệt đầy những con người xa lạ, một của những học giả như Hirota và Nonomiya và anh tìm ra một giải pháp hữu hiệu để trung hòa chúng là mang vợ từ quê ra, lấy một cô vợ đẹp, và hiến mình cho sự nghiệp chữ nghĩa.

Toàn bộ câu chuyện của “Sanshirō”, không phải là sự sụp đổ của ngây thơ cũ, mà là sự phô bày nó. Chính vì thế, khi kết truyện, khác hẳn với các nhân vật văn học phương Tây, như Stephen Dedalus trong “Chân dung chàng nghệ sĩ thời trẻ,” của James Joyce, với quyết tâm sắt đá lưu vong khỏi quê hương để hiểu hơn cuộc đời, Sanshirō vẫn chỉ là Sanshirō, chàng trai ngủ gà gật trên cái chuyến tàu mùa hè lên Tokyo đó. Anh không đổi thay, không quyết tâm cai trị thế giới, không hận thù chiếm lại người yêu, mà chỉ lẩm bẩm, “Cừu hoang, cừu hoang” như một cú nhún vai với cuộc thất bại tình ái của chính mình. Liệu lời lẩm bẩm ấy có báo hiệu một sự đoạn tuyệt với cái thế giới cũ? Có chỉ ra sự thức tỉnh của nhân vật chính? Có cho thấy Sanshirō va đập với hiện thực phũ phàng mà đánh mất sự ngây thơ? Tiểu thuyết Sanshirō chấm dứt ở đúng cái thời điểm đó, kéo theo một loạt các câu hỏi còn bỏ ngỏ. Sanshirō là ai, có phải là con cừu hoang-kẻ dạt vòm không lý tưởng?

Thế mạnh văn chương của Natsume Sōseki bộc lộ qua những miêu tả đầy chất thơ: nó giao tiếp với người đọc bằng hình ảnh tạo ra bởi những đối lập và liên tưởng. Tác giả sử dụng rất nhiều hình ảnh ẩn dụ trong “Sanshirō,” để khắc họa cái tâm thế lý tưởng cũng như tuổi thanh xuân rỡ ràng. Không phải ngẫu nhiên mà Sōseki lại cho Sanshirō ngẩng đầu nhìn trời nhiều đến thế, và luôn là một bầu trời trong xanh. Mối tình của chàng trai 23 tuổi ấy, cũng gắn liền với những lần ngưỡng cổ, như một thứ ánh sáng chói xộc vào căn phòng tầng trên khung cửa sổ sau nơi mây đang bay ngoài trời, làm mờ mắt người trong cuộc. Sōseki đã rất thành công khi tạo nên một thế giới nhiều mảng đối lập tối sáng, giữa cái thế giới bóng râm dưới tán cây của cái ao nhỏ xanh rì mà tĩnh lặng từ đó Sanshirō tránh xa cái ồn ào mà phóng tầm mắt ngắm nhìn cô gái, cũng phủ đầy màu xanh ấy, từ thế giới sáng lòa bước vào, như một bức tranh.

Natsume Soseki, với giọng văn tinh tế, nhẹ nhàng mà lại sâu sắc, phơn phớt hài hước, đã khắc họa rất thành công một lát cắt thanh thiếu niên của chàng sinh viên khoa văn, của một Sanshirō đang nằm ở trạng thái luân chuyển. Đó là giai đoạn hình thành tính cách và bản dạng, là một thì hiện tại tiếp diễn, của những lý tưởng và giản đơn, của ngây thơ và những nỗi buồn nho nhỏ đầu đời. Nhưng đồng thời, câu chuyện lại ẩn chứa những mâu thuẫn ở lớp vỉa sâu hơn, bởi ba cái thế giới phân chia rạch ròi kia đâu có tách nhau ra như vậy trong đời thực, bởi giới trí thức của những giáo sư kia đâu chỉ là con người hoặc của khoa học hoặc của không gì cả. Những mâu thuẫn sâu kín hơn, giữa thế giới cũ-mới, giữa hiện thực và thần tượng hóa, giữa bóng tối và ánh sáng, giữa một luồng sáng rực rỡ lan tỏa khắp tuổi trẻ của Sanshirō, và những thực tế đen tối chờ đón sau đó le lói trong khắp câu chuyện. Cái bầu trời ấy, với những đám mây cừu hoang, sẽ có lúc vần vũ chuyển đục chứ không giữ mãi cái gam tươi sáng trong mắt ai.

SANSHIRO

Của Natsume Sōseki. Dịch bởi Đỗ Hương Giang.
376 trang. Tao Đàn & NXB Văn học. 118.000 đ. Năm XB: 2016
Đánh giá: ***2/3 *

Facebook Comments Box

Comment