AI là đề tài không mới, con người sợ công nghệ sẽ chiếm dụng cuộc sống của mình, nhưng không ngừng tham vọng về những bước tiến hoá mới của công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực AI. Chính vì không mới, nên làm phim về nó để khiến câu chuyện mới, hấp dẫn càng khó. Cảnh giới của AI là sự nhận thức, những chiêu trò của trí não để thách thức óc phán đoán, để khiến mọi thứ chân thật, để con người nhận được một cú lừa ngoạn mục. Những cú lừa đó khiến AI trở thành một mối đe doạ nhưng lại hấp dẫn, đầy ma lực, nguy hiểm và quyến rũ. Nhà biên kịch Alex Garland, với tác phẩm điện ảnh đầu tay do chính tay mình viết và đạo diễn đã tạo ra được ma lực như vậy cho bộ phim Ex Machina. Tác phẩm, không nghi ngờ gì, là một trong những bộ phim độc lập hay nhất của năm 2015, một sự khởi đầu tuyệt vời cho một mùa phim độc lập bắt đầu được trình chiếu.

Bắt đầu bộ phim bằng việc đặt chiếc camera ở vị trí gián tiếp thông qua webcam máy tính, một lập trình viên trẻ Caleb (Domhnall Gleeson) đã được lựa chọn đến sống một tuần với một CEO thiên tài Nathan (Oscar Isaac), người đã tạo dựng nên công ty mà Caleb đang làm việc. Caleb được chọn để làm một công việc đặc biệt mà anh buộc phải kí cam kết không công cố bất cứ điều gì anh thấy ra bên ngoài ngoài. Nhà của Nathan là một khu dinh thự biệt lập, tách xa khỏi khu dân cư, phương tiện đi lại với bên ngoài chỉ có thể bằng trực thăng. Camera của nhà quay phim Rob Hardy lướt qua những căn phòng trống, đầy đủ tiện nghi. Đạo diễn đang cho ta thấy một thế giới nằm trên tiền bạc, chỉ có sự trống rỗng chi phối con người, sự trống rỗng của Nathan, một gã thiên tài tạo ra được một con robot hoàn hảo, có cảm xúc, có nhận thức, thậm chí có cả tính dục.

 

Công việc của Caleb là tìm hiểu xem liệu con robot Ava (Alicia Vikander) do Nathan sáng chế có thể tự nhận thức hay không? Đánh giá của Caleb mang tính quyết định xem liệu Ava đã thực sự hoàn thiện, một trí thông minh nhân tạo thực sự hay vẫn còn nhiều thiếu sót. Qua những buổi nói chuyện với Ava, qua ngôi nhà rộng lớn chỉ có duy nhất một cô gái Nhật Bản Kyoko làm phục vụ, Caleb dần dần khám phá ra sự thật, nhưng liệu sự thật có đúng là sự thật hay nó chỉ là cú lừa của sự thông minh mà bản thân Nathan, hay chính con robot Ava tạo ra để nhằm đạt được mục đích của chính mình?

Bộ phim nhấn mạnh vào dục vọng của người đàn ông, quy chuẩn đạo đức của một cá nhân khi sống trong xã hội, và vai trò của những tập đoàn tìm kiếm khổng lồ như Google đối với mỗi cá nhân sống đang phụ thuộc vào nó để thu nạp kiến thức cho mình. “Liệu chiếc máy đánh cờ có thể tự đánh cờ, hay nó chỉ tuân theo những bước di chuyển đã được lập trình sẵn”?, liêu tình cảm mà Ava dành cho Caleb là thật hay bị Nathan cài đặt?. Quá nhiều câu hỏi đặt ra cho Caleb để có thể thực sự nắm bắt được nhận thức nào là tự thân ta có, nhận thức nào là do con người lập trình cho máy móc

Chủ đề “phản nhân đạo (anti-humanism)” luôn được nói đến trong xã hội hậu hiện đại như một trong những phản biện đanh thép cho tham vọng của con người về công nghệ. Xã hội đến một lúc nào đó có thể bị thâu tóm bởi máy móc đã được rất nhiều nhà làm phim nói đến. Alex Garland không tham vọng đưa vào một câu chuyên về trí thông minh nhân tạo mang tầm vóc vĩ mỗ, anh đặt bối cảnh, câu chuyện ở mức độ tối thiểu, cá nhân hoá, điển hình hoá. Để từ đó, tạo ra một bối cảnh có đôi phần rùng rợn, những hành lang trống, không khí được bao phủ bởi sắc màu lạnh vô cảm và cô đơn. Caleb đã sợ hãi, liệu anh cũng là một bản thể robot được tạo ra mà bản thân anh không nhận thức được? Liệu công việc của Nathan và ước muốn tự do của Ava cái nào đúng? Trong thế giới của sự vô cảm, cảm xúc khi được dùng đến chợt trở nên vô cùng nguy hiểm. Điều đó đã từng được đạo diễn Ridley Scott thể hiện một cách vô cùng sâu sắc trong bộ phim Blade Runner, một trong những bộ phim hay nhất về chủ đề phản nhân đạo.

Tham vọng của Nathan, là một phiên bản hiện đại của Tiến sĩ Frankenstein trong câu chuyện kinh điển của nữ nhà văn Mary Shelly. Nhưng bài học mà bà đưa ra trong cuốn tiểu thuyết, dường như luôn đúng, nhưng không bao giờ có thể giúp con người bớt tham vọng. Kết cục của Dr. Frankenstein, hay kết cục của Nathan cũng chính là điển hình hoá cho kết cục của nhân loại, một viễn ảnh sẽ xảy ra, một điềm báo chưa bao giờ sai lệch.

Là biên kịch cho nhiều bộ phim gây tiếng vang lớn như 28 Days Later…, Never Let me go Alex Garland dường như nắm chắc được quy cách khiến một bộ phim có kết cấu đơn giản, câu chuyển đơn giản về một chủ đề phức tạp trở nên hấp dẫn. Khán giả được ru ngủ bởi sự cô độc, sự thông minh, thoải mái, để rồi chợt nhận ra chúng ta đang bị đe doạ đến nhường nào, cảm xúc trong ta trỗi dậy, sự an toàn bị phá vỡ, ta bối rối trong chính quy chuẩn đạo đức của chính mình đã dẫn ta đi sai hướng. khi máy quay được đặt thấp để ghi lại những chiếc bóng của con người, người xem sẽ chợt nhân ra rằng, nếu chỉ nhìn những cái bóng, con người sẽ không có gì khác biệt nhau, không có đặc điểm riêng, không có cá tính. Chúng ta chỉ là những cá thể nhỏ bé thuộc về trái đất, nơi mà chúng ta tưởng rằng chúng ta đang sở hữu nó để tạo ra những thứ thách thức tự nhiên.

Oscar Issac đã có vai diễn rất xuất sắc, thần thái, sự vô cảm, bất cần, sự nhàm chán, và tham vọng, tất cả được thể hiện trong một kẻ nghiện rượu, để rượu nhấn chìm mình khỏi sự giàu sang đến nhàm chán. Từ vai diễn tuyệt vời trong bộ phim Inside Llewyn Davis, Oscar Issac đang ngày càng chứng tỏ được khả năng diễn xuất của mình. Sự tinh tế trong biểu cảm, thần thái tự nhiên, Oscar Issac là một điểm nhấn nổi bật cho bộ phim trong vai một gã đàn ông cô độc, trống rỗng, thông mình và quá giàu có trong xã hội hiện đại.

Thông điệp về AI không mới nhưng cũng không bao giờ cũ. Khoa học càng hiện đại, những có máy mang trí thông minh nhân tạo càng hoàn hảo. Tất cả những dự đoán của những tiểu thuyết gia về trí thông minh nhân tạo đang dần trở thành hiện thực. Lúc này, chúng ta phải đặt câu hỏi rằng: Liệu thế giới sẽ đến một ngày, bị máy móc thâu tóm như một hình ảnh tương phản cho sự mù quáng của tham vọng con người hay không?

Facebook Comments Box

Comment