Đạo diễn Matthew Vaughn không phải là một cái tên tầm thường trong giới làm phim. Những tác phẩm như Stardust, Kick-Ass hay X-Men: First Class đều có những tố chất rất riêng biệt để khiến người ta phải nhớ đến ông. Tuy nhiên với Kingsman: The Golden Circle người ta phải đặt lại câu hỏi: Phải chăng Vaughn chỉ có thể làm phim từ những câu chuyện soạn sẵn, chứ không phải là một người có thể tự tạo nên câu chuyện cho riêng mình?

Stardust là tiểu thuyết, Kick-Ass, X-Men: First Class, Kingsman: THe Secret Service là truyện tranh. Còn Kingsman: The Golden Circle là ông và nhà biên kịch Jane Goldman tự phát triển thêm từ câu chuyện của Kingsman phần 1. Tức là ông phải tuỳ biến và kiểm soát toàn bộ nội dung. Có lẽ vì vậy nên, Kingsman phần 2, ngoài việc lấy lại rất nhiều chiêu trò đã ăn khách ở phần 1, thì không có gì đặc sắc, thậm chí đó là một kịch bản kém, nhợt nhạt và hời hợt và khiên cưỡng.

Ấy vậy mà Kingsman 3 đã triển khai làm tiếp, còn bản thân Matthew thì rất muốn kiếm thêm tiền từ các tập phim ngoại truyện mà vị đạo diễn này hy vọng có thể được đầu tư. Tôi bắt đầu thấy bất an cho thương hiệu Kingsman vốn đã gây choáng ngợp cho khán giả khi lần đầu tiên nó ra mắt vào năm 2014. Những tưởng Kingsman sẽ đạp đổ những tượng đài về điệp viên như Jamesbond hay Bourne để nối tiếp câu chuyện luôn vô cùng hấp dẫn về ngành tình báo. Tuy nhiên thì trước mắt cứ tập trung nói về Kingsman: The Golden Circle đã.

Họ kéo nhau sang Mỹ, khác với sự lịch lãm của người Anh qua những bộ vest chỉn chu và đẹp mắt, người Mỹ mang khí chất của tự do, phóng khoáng và bụi bặm kiểu những anh chàng cowboy. Stateman có vỏ bọc là những người sản xuất rượu, và từ đó có thể hiệu biệt hiệu của các điệp viên Stateman chính là tên các loại rượu: Whiskey (Pedro Pascal), Champ (Jeff Bridges), Tequila (Channing Tatum)… Họ cần đến Stateman để tìm diệt tổ chức ma tuý đã tàn phá Kingsman do người đàn bà có tên Poppy (Julianne Moore) cầm đầu.

Câu chuyện phim rất tương đồng với phần 1. Nó chỉ là phiên bản mở rộng không hơn không kém. Cái lõi vẫn không có gì mới mẻ. Những pha hành động đặc sắc nhưng đơn điệu vì ta đã xem trong phần 1 rồi. Hơn nữa, nó còn dàn trải và liên tục tạo cảm giác vô cùng nhàm chán mà không tạo bất kì điểm nhấn nào. Vaughn lạm dụng nó như cách để che lấp đi sự yếu kém của mình trong khâu phát triển câu chuyện và phát triển nhân vật. Stateman thêm vào cho có hơn là một tuyến độc lập và để lại nhiều dấu ấn. Những vai diễn người Mỹ mờ nhạt xuất hiện như những màn cameo “tốn kém” câu khách hơn là đóng góp vào phim như yếu tố mới lạ và độc đáo. Thậm chí vai diễn có nhiều đất diễn nhất của Pedro Pascal được xây dựng vô cùng ẩu chỉ để kéo dài thêm cho bộ phim và có thêm chuyện để nói.

Nhân vật phản diện do Julianne Moore vào vai tốt do diễn xuất nhưng yếu do Vaughn không có cách nào làm mới hơn ngoài việc bê nguyên xi hình tượng của Valentine (Samuel L.Jackson) từ phần 1 sang phần 2. Điệp viên Harry (vai diễn chất lừ của Colin Firth từ phần 1) sống lại đã khiến bản thân đạo diễn và diễn viên rất bối rối vì không biết nên xử lý ra sao cho đúng nên sống sượng và ngớ ngẩn.

Quả thực, nếu Kingsman phần 1 là một bức tranh hoàn chỉnh, thì phần 2, là bức tranh ở phần 1 bị một đứa trẻ vẽ thêm vào theo trí tưởng tượng của nó nên bố cục và câu chuyện bức tranh muốn kẻ bị phá hỏng hoàn toàn. Không còn những câu thoại châm biếm James Bond. Không còn vẻ lịch lãm với những phụ kiện tuyệt đẹp từ suit, đến mắt kính đến giày… Thay vào đó là sự thô thiển, và những nhân vật chết ở tính cách mà không có bất kì sự phát triển nào.

Quá nhiều lỗi trong một kịch bản nông cạn. Matthew Vaughn và biên kịch Jane Goldman đã làm biến mất hoàn toàn chất điệp viên vô cùng mới mẻ mà Kingsman mang lại. Bộ phim chỉ còn dừng lại là một phim hành động vô nghĩa, mang tính giải trí là chính. Nếu chỉ mang tính giải trí thuần tuý thì Kingsman tồn tại tiếp để làm gì? Tôi thực sự muốn hỏi câu này đối với Matthew Vaughn kẻ đã tạo ra những phản anh hùng tuyệt vời trên màn ảnh.

Facebook Comments Box

Comment