Trong cuộc đời, lẽ dĩ nhiên ai cũng có một ước mơ, ước mơ được sống cùng đam mê và làm những gì mình thích. Nhưng sau cùng, hầu hết chúng ta đều vấp phải những câu hỏi rất khó trả lời. Dù biết tiền bạc là giá trị, và vật chất làm ta phải nghĩ. Nhưng sau này khi đã thành cát bụi… Liệu ta còn lại gì? Đam mê là gì? Ta liệu có sống cùng nó đến cùng được không? Nếu có, cái giá phải mất là gì?

La La Land là bộ phim vẽ ra một bức tranh tổng thể về hai kẻ yêu giữa khung trời thơ mộng của hoài bão và đam mê. Mia và Seb, hai con người của những giấc mơ. Một người là cô gái trẻ mê nghiệp diễn. Một người là chàng nhạc công đa tài ao ước về ngày hồi sinh của thời hoàng kim của nhạc Jazz. Lúc đầu hai người không ưa nhau. Nhưng rồi họ khám phá ra mình có một điểm chung, đó là đam mê với nghệ thuật. Dần dà, nụ mầm của tình yêu chớm nở quanh họ. Và vươn mình nảy nở theo họ trong suốt 4 mùa đi qua năm. Tình yêu giữa hai kẻ mơ diễn ra đầy trắc trở và vật lộn giữa vòng xoáy của mưu sinh và ước vọng. Cả hai quấn lấy nhau như cánh diều giữa cơn bão, chao đảo và rung rinh trước cơn bão khắc nghiệt của cuộc sống thực dụng mưu sinh. Họ bám vào nhau để nương náu lại trên con thuyền nhỏ bé của mộng mơ và hoài bão đang đứng chơ vơ giữa biển đời không lặng sóng.

Bộ phim vẽ ra viễn cảnh đời thực. Thế nhưng lại không hề là một cái nhìn cay đắng như các bộ phim về những giấc mơ nghệ thuật khác như Mulholland Dr hay Birdman, mà cổ động cho ta chạy theo giấc mơ, an ủi ta trước gió bão cuộc đời. Nếu như trong Mulholland Dr là một thực tại cay đắng đến quặn lòng của một giấc mơ phù hoa tan vỡ trong lòng cô gái trẻ mong manh, bị vỡ nát trước những cú quật vâm vấp của cuộc đời cay nghiệt, trong Birdman là sự nghiệt ngã đến tan nát cõi lòng của nội tâm và lập trường người diễn viên kịch phấn đấu bám nghề, yêu nghề, thì ở La La Land, là bài ca cổ động vượt qua thương đau, xô đổ những rào cản, trắc trở để đến với ước mơ. La La Land không vẽ ra một hiện thực toàn màu hường hay một con đường rải thảm hoa hồng. Không, những gian truân trong La La Land rất thật, nhưng không trần trụi và nghiệt ngã như những bộ phim kia. Bởi vì đam mê đẹp lắm, tuổi trẻ đẹp lắm! Nên hãy cứ đam mê đi! Hãy cứ bất chấp tất cả đi! Dẫu có phải đánh đổi, dẫu có phải vấp ngã sứt sẹo trước cuộc đời thì cũng không gì đẹp bằng đam mê.

Seb yêu Jazz đến cuồng dại. Anh sẵn sàng lao vào lửa vì Jazz. “Anh sẽ làm con phượng hoàng hồi sinh trong nhạc Jazz”- Seb nói. Seb yêu Jazz nhưng Jazz lại thuộc về quá khứ. Nó khiến anh bị kẹt lại và không thể nào bước chân đến tương lai. Anh càng cố mong hồi sinh Jazz, anh lại càng chìm sâu vào sự hoài cựu của nó và lệch nhịp với đương thời. Sau này, vì cơm áo gạo tiền, vì cuộc sống tốt đẹp hơn bên cạnh Mia, Seb gia nhập band nhạc của người bạn thân và từ bỏ Jazz. Đến với band nhạc mới, Seb có tiền, có thu nhập, có danh tiếng và được nhiều người mến mộ. Những thứ hào nhoáng đó khiến Seb mờ mắt. Nhưng Mia. Mia đã kéo anh lại, nhắc nhở anh rằng anh đã từng cháy vì Jazz ra sao, rằng anh đã truyền lửa Jazz sang cô như thế nào. Seb như tỉnh lại sau cơn mê. Sau bao nhiêu là vũ bão, anh tưởng là mình đã trưởng thành. Nhưng không, anh nhận ra là mình quá bồng bột để quên mất giấc mơ lớn nhất cuộc đời mình.

 

Mia sau bao lần bị từ chối phũ phàng không thương tiếc đã cảm thấy chán nản. Thời gian bị vùi quá sâu trong thất bại đã khiến cô tuyệt vọng. Cô như người đứng ở trong màn đêm quá lâu và mất niềm tin vào ánh sáng. Cô tự xây dựng một phong cách kịch độc diễn của mình nhưng đại chúng không thích phong cách đó. Họ không hiểu được cô. Tất cả những gì cô nhận được chỉ là những lời chê bai và hàng ghế khán giả trống trải như những mảng trời chết. Cô quyết định bỏ nghiệp diễn, về quê và quay lại trường đại học. Nhưng Seb đã nhận được tin Mia được một nhà sản xuất để ý. Có người đã hiểu cô và nhận ra điểm hay ở cô. Họ muốn mời cô đi thử vai. Seb đã đến để thông báo với cô, nhắc cô rằng cô đã yêu diễn đến mức nào. Rằng cô thần tượng người dì diễn viên của mình ra sao, an ủi cô đừng bao giờ mất niềm tin vào đam mê của mình.

Biết đời thực là khắc nhiệt như vậy, liệu ta có bám lấy từng cơn gió vì trời cao kia chưa đến? Liệu tay ta có còn vững khi chân đã mỏi? Liệu có dám chắc ngày mai là gầm thét hay êm đềm? Liệu ta có đủ dũng cảm để vượt qua nó như nhân vật trong phim, tự nhủ rằng ngày mới đang chờ đợi sau những màn đêm? Bộ phim tuy đầy âm nhạc vui tươi và hình ảnh sặc sỡ, nhưng vẽ ra một bức tranh rất thật. Bức tranh của những kẻ mơ, kẻ yêu, kẻ quá ngốc để mơ và yêu, giữa một hiện thực mưu sinh đầy vất vả và trắc trở. Và sau cùng, đam mê luôn đòi hòi một cái giá phải trả. Nếu cái giá phải trả đó là tình yêu thì sao? Tình yêu có đáng để đánh đổi hay không? Có lẽ mỗi người sẽ có một câu trả lời khác nhau cho riêng mình.

 

Bộ phim tràn ngập những cảnh ca vũ kịch sôi động, có hiệu ứng kích thích về âm thanh và thị giác cao. Đêm ở Los Angeles chưa bao giờ thơ mộng và ảo huyền đến thế. Những bản piano trầm bổng thăng hoa cùng với tâm trí khán giả và đưa họ vào một đại tiệc thị giác và thính giác tuyệt vời. Diễn xuất của hai diễn viên chính là vô cùng ấn tượng. Ryan Gosling rất bảnh và hợp vai với nhân vật Seb mơ mộng và nhiệt huyết. Emma thì như vào vai chính mình bởi vì chính cô ngoài đời cũng đã từng vật lộn với nghề diễn để vươn lên đỉnh cao như ngày hôm nay kể từ khi mới là cô bé 15 tuổi lao vào các buổi thử vai ở khắp nơi. Đạo diễn Damien Chazelle với bộ phim này đã có thành công tiếp theo cho riêng mình khi bộ phim đã được nhận vô số các giải thưởng ở những liên hoan phim lớn và là thí sinh tiềm năng cho oscar 2017.

Nói về Damien, Ryan Gosling đã nhận xét: “Tôi có cảm giác sau Whiplash, Damien Chazelle được người ta tặng cho chiếc chìa khóa để đi vào trong một tòa lâu đài lộng lẫy, nơi cậu ấy có thể thỏa sức sáng tạo. Tôi cảm nhận được nguồn năng lượng cuộn trào trong Damien và luôn sẵn sàng cống hiến cho tác phẩm”. Sau cùng, dù kết quả có như thế nào, thì ekip bộ phim, cặp đôi nam nữ diễn viên chính và đạo diễn cũng để lại những ấn tượng đẹp mỹ mãn và khó quên trong lòng khán giả.

 

Minh Quân

Facebook Comments Box

Comment