Là bộ phim cuối cùng trong chuỗi ba bộ phim về Trả Thù của đạo diễn Chan-wook Park bao gồm Old Boy và Sympathy for Mr.Vengeance, Lady Vengeance có một sắc thái khác, đi ra ngoài mô típ trả thù của hai bộ phim trước, không còn quá bạo lực và đẫm máu, nó mang một ý thơ đầy tinh tế của sắc môi đỏ và khuôn mặt sơn đậm của nữ nhân vật chính, mà từ đó ta thưởng thức bộ phim theo một cách kì cục là nghe nhịp điệu phim và hài lòng rằng, công lý được trả, một cách rất Chan-Wood Park.

Trong sáng và bồng bột, cô nữ sinh Lee Geum-ja (Lee Young-ae) trở thành tình nhân của thầy giáo Mr. Baek (Choi Min-sik), sau đso, cô bị buộc tội bắt cóc và giết chết một đứa trẻ 5 tuổi. Sự thật là Baek là một kẻ bệnh hoạn chuyên bắt cóc trẻ con và giết chúng. Lee Geum-Ja biết được điều đấy thì quá muộn, Baek uy hiếp con cô để bắt cô nhận tội. Từ đó, kế hoạch trả thù của cô được nhen nhóm và thực hiện từng bước từng buốc trong suốt quá trình ở tù cũng như ra tù.

Bộ phim được cắt dựng theo từng lớp cắt đan xen giữa thực tại và quá khứ. Thực tại được bắt đầu từ khi cô ra tù, tại cổng tù, một cha đạo đến đón cô, mang cho cô đĩa đậu hũ như một nghi lễ gột rửa tội lỗi và trở về với đời thường, nhưng cô đã hất tung nó xuống đất. Một hành vi ám chỉ sự thay đổi, sự quyết tâm và sẵn sàng đối diện với cuộc đời đã vốn xấu xí trong mắt cô. Chính vì nó được đan xen như vậy, khiến ta đôi khi khá mất thời gian để nắm bắt, nhưng thủ pháp đó tạo nên cho ta những ý niệm về sự biến đổi, cũng như sự đối lập về quá khứ và hiện tại trong bản chất Geum-Ja. Vốn là một người ngây thơ trong sáng, tính tình tốt bụng, thông minh, luôn yêu thương chăm sóc và giúp đỡ bạn tù, cô được ra tù sớm trước thời hạn, tạo dựng được những mối quan hệ bền chắc với những người bạn tù. Nó hoàn toàn tương phản với một Geum-Ja trang điểm đậm, khuôn mặt lạnh, cứng cỏi, quyết đoán và trưởng thành.

Những bộ phim về đề tài trả thù không hiếm, chính vì vậy, một kịch bản phim hay thì phải tìm được cách thức độc đáo trong việc trả thù, truyền tải được nỗi cay nghiệt của cuộc đời giáng xuống để ta nhận thấy việc trả thù đó là xứng đáng, là sự cứu chuộc giành cho kẻ đi trả thù, để ta theo chân họ, ủng hộ họ và nghiệm sinh chính cảm giác mà họ có. Old boy và Sympathy for Mr. Vengeance làm việc đó rất tốt, cho ta nhận thấy được nỗi đau tột cùng, lòng ham muốn trả thù tột độ. Lady Revengeance mềm mại hơn nhiều, vẫn theo chân cô để lấy lại sự công bằng vốn không bao giờ có ở đời, ta không cảm nhận được sự cay nghiệt của ân oán ở một mức độ cực độ. Chan-wook Park đã rất tiết chế tình tiết, để mọi thứ cứ đến dần dần từ từ, một dạng kể chuyện như đặt một tờ giấy thấm nước, đến khi tờ giấy ướt sũng, đó là lúc ta cảm nhận được cái ác trên khuôn mặt Baek, ta mới thấy cách trả thù của Geum-ja thật xứng đáng cho một kẻ có tội lớn như vậy.

Có lẽ vì Geum là phụ nữ, là một người mẹ đau khổ khi đứa con mình đã bị một gia đình ở nước ngoài nhận nuôi, để sau 15 năm ra tù, gặp lại con mình, nó còn không thể nói được tiếng mẹ đẻ. những sự thật được mở ra dần dần, không có bất ngờ, không tạo kịch tính thực sự khiến ta căng thẳng. Thậm chí Baek chỉ là một kẻ giết người hàng loạt có đôi phần tầm thường khi luôn cho rằng không ai có thể phát hiện việc của mình, cho rằng những người phụ nữ bị hắn lừa tình không có khả năng chống trả chứ đừng nói đến trả thù. Có lẽ vì Geum là phụ nữ nên cách trả thù cũng rất phụ nữ và đặc biệt. Nếu Old boy là quá trình trả thù khủng khiếp được tính toán chi li từng chút một để tạo nên một kịch bản hoàn hảo gây sốc cho bất kì ai xem bộ phim đó lần đầu, thì đến Lady Revengeance, nó được tính toán nhiều nhưng lại mang nhiều cảm tính ở cuối cùng, để rồi kẻ thủ ác nhận được một bản án rất hợp lòng người, nó vừa đẩy cao bi kịch, đồng thời tạo ra hài kịch, như cách cuộc sống này vận hành, khi bi và hài xen vào nhau, sự thấu cảm mới thực sự thấm thía.

Chính vì nó có cách kể chuyện độc đáo, và cách trả thù đặc biệt nhưng lại thiếu đi căng thẳng thực sự nên tôi luôn đánh giá phim này thấp hơn một chút hai phim trên, có lẽ cái này nằm ở việc tôi là đàn ông, và tôi muốn được nhìn thấy cái đau cực hạn của hai phần trước, để từ cái đau cực hạn ta có sự cực đại của nỗi căm hờn, khi đó bộ phim từ căng thẳng trở nên rùng rợn và mang đến cảm giác cực mạnh. Lady vengeance thiếu điều đó. Tôi rất thích cách diễn của Lee Young-ae (nổi tiếng với vai diễn nàng Dae Jang Geum trong bộ phim truyền hình cùng tên từng chiếu trên đài truyền hình Việt Nam), sự trong sáng và vẻ mặt đầy sát khí của thù hận khi những mảng quá khứ và hiện tại đan vào nhau thực sự rõ nét. Vẫn chỉ là một người phụ nữ, một người mẹ dù khuôn mặt được trang điểm đậm thế nào, vẫn hiện lên những nét thông minh và tự tin khi đối xử tốt với bạn tù ra sao… Baek là một sự đổi vai của Choi Min-sik từ vai diễn trong Oldboy, từ nạn nhân thành kẻ thủ ác. Khuôn mặt ông luôn mang một dáng vẻ vừa ngây ngô vừa ranh mãnh, khiến ta luôn thấy nên đề phòng và tránh xa con người này, nhưng đôi khi lại thấy hắn thật gần gũi và đáng mến. Những diễn viên Hàn Quốc luôn có khả năng diễn xuất đáng nể, từ những vai quần chúng cho đến vai chính, luôn tròn vai, và tạo được một cảm giác vô cùng chân thật.

Tôi thích hai phần trước hơn, về mặt câu chuyện và hình ảnh, nhưng phần này có những nét hấp dẫn rất riêng về cách kể và cách kết thúc. Chính vì vậy, bộ ba phim về trả thù của Chan Wook-Park luôn là một dạng trilogy đáng xem và phải xem. Quá trình trả thù luôn mang đến sự ngọt ngào và cay đắng không chỉ cho nhân vật, mà cho chính những khán giả ngồi thưởng thức chúng, vì nhân vật đó, được nằm trong một tổng thể câu chuyện tuyệt vời được kể bằng ngôn ngữ điện ảnh.

Facebook Comments Box

Comment