Tất cả khởi sự khi tôi lần giở đọc lại quyển “Rào Chắn Thái Bình Dương” của Marguerite Duras, một nhà văn nổi tiếng của dòng văn học nghệ thuật tiên phong (avant-garde) ở Pháp. Đây là phiên bản dài hơn, chi tiết hơn, nguyên sơ hơn và dồi dào cảm xúc hơn, sau này được phát triển thêm ý tứ và trở thành quyển tự truyện được đón nhận nồng nhiệt qua tên gọi “Người Tình” (L’amant).

L’amant là câu chuyện tình dang dở mang hơi hướm Lolita, được thuật lại qua chính hồi ức của nàng “Lolita” Duras, về mối nhân duyên ngang trái của cô gái Pháp mười lăm tuổi rưỡi và người đàn ông gốc Hoa ba mươi hai tuổi, tính theo tuổi âm là tròn ba mươi ba. Nhiều thế hệ qua đi, nhịp sống và tuổi trẻ ngày càng lanh lẹ, ít ai còn thiết tha đến dĩ vãng. Chỉ khi tuổi đã xế chiều, người ta mới dám ngồi xuống và lục lại dòng kí ức vừa cũ kĩ xa xăm, lại vừa tươi mới như vừa hôm qua. Truyện phim mở đầu bằng âm thanh sột soạt của ngòi bút chạy trên mặt giấy, như tuôn trào, như giãi bày, như ứa mật. Bà nữ sĩ già nua với cặp kính đồi mồi ngồi sau bàn giấy, miết mải thuật lại chuyện tình kì lạ của mình vào năm 1927 tại Đông Dương nhiệt đới.

1. Chuyến đò định mệnh

Họ gặp nhau trên chuyến đò Sa Đéc-Sài Gòn. Chuyến đò định mệnh, mở ra trang sách mới trong cuộc đời người con gái. Đò chạy ít chuyến, xe và người đều chờ đợi. Cô gái đội chiếc nón fedora đàn ông, tóc thắt bím, mặc chiếc đầm đũi thêu bông lúa, chân đi đôi hài cao gót đã mòn vẹt. “Do you smoke, mademoiselle?” – gã đàn ông người Hoa bước vào đời cô bằng câu mời thuốc rất điệu đà Âu châu như thế. Gã người Hoa thuộc gia đình tư sản mại bản giàu nhất Sa Đéc từng du học Pháp, biết tất các món ăn chơi, sử dụng nhuần nhuyễn thủ thuật thông thường nhưng công hiệu để lấy lòng cô gái trẻ. Cô gái Pháp xinh đẹp nhưng cũ mèm rách rưới được mời lên chiếc ô tô sang trọng trở về Sài Gòn. Gã đưa cô đi chơi. Lần đầu tiên cô thấy Sài Gòn hoa lệ với khu vực dành cho người da trắng, rồi vào Chợ Lớn ồn ào, sực nức mùi tiền bạc và hưởng thụ. Gã mướn một căn nhà phố khiêm tốn làm nơi dành riêng cho những cuộc xác thân rên xiết nhuốm màu nhục cảm.

tumblr_mukpyzB7mT1r51ppzo1_1280

Câu chuyện tiếp tục diễn ra theo chiều hướng rối rắm khi gia đình cô gái phát hiện mối quan hệ này. Sau rốt, như những cái kết của hàng tá chuyện tình kinh điển khác, gã đi lấy vợ, còn cô và gia đình trở về Pháp. Ngày gã làm đám cưới rình rang, cô gái chen vào đám đông, đứng bên chiếc xe đạp để nhìn người yêu và cô dâu mới đang làm những động tác cổ truyển theo nghi lễ. Còn buổi cô gái Pháp cùng gia đình trở về “mẫu quốc”, gã đứng lóm thóm bên chiếc ô tô lộng lẫy để thầm lặng vĩnh biệt. Trong giây phút đó, cô chợt hiểu từ lâu cô đã yêu gã với tình yêu trong sáng nhất. Tàu lênh đênh giữa biển khơi, cô trở thành cô đơn hơn bao giờ hết. Bao nhiêu ray rứt xảy đến làm họ đau buồn thầm lén.

amant-1992-02-g

Năm tháng trải qua, cô gái năm xưa trở thành bà nữ sĩ già. Tuyết rơi. Chàng trai cũng già, qua Pháp cùng gia đình, gọi điện thăm hỏi, bảo rằng mối tình ấy vẫn còn sống trong gã. Chiếc lư kỉ niệm để đốt trầm đã nguội lạnh, nhưng dưới tro còn đốm lửa định mệnh, phải chăng họ đã yêu nhau từ kiếp trước. Kiếp sau sẽ ra sao?

2. Hoài nhớ Đông Dương thuộc địa

Thời hậu chiến, thế giới đã chú ý hơn đến Việt Nam, dân tộc mà bấy lâu người phương Tây cố tìm nét đặc trưng , nhưng chỉ nhận ra vài nét mơ hồ. Nữ sĩ Duras và đạo diễn “L’amant” đã thấy Nam Bộ là nguồn cảm hứng ngộ nghĩnh; mưa nắng hai mùa, ruộng nước, người dân, nhất là nông dân luôn cởi mở thân tình, vừa khó hiểu lại vừa bình thản, luôn chộn rộn với chuyện cần câu, con cá, điếu thuốc, mâm cơm nhưng lại sở hữu nhân sinh quan cao rộng. Họ đã đứng lên chống ngoại xâm. Gia đình nào cũng in hằn đau khổ vì chiến cuộc.

tumblr_mdrq1lWOpC1rs3i49o1_1280

Bối cảnh trong L’amant gợi nhớ về những vang bóng một thời của vùng Cửu Long thuộc địa. Bầu không khí tỉnh lẻ thời bấy giờ vẫn còn đâu đó, kèm theo màu của phù sa trù phú. Khi về già, sau khi thành công trên văn đàn thế giới, bà nữ sĩ nhìn lại tuổi ấu thơ, sinh ra ở Gia Định, lớn lên nghèo nàn và buồn tủi ở tỉnh lẻ Sa Đéc. Đạo diễn Jean – Jacques Annaud dựa vào tiểu thuyết để tạo dựng khung cảnh lớn hơn: con người gắn bó hữu cơ với đất, với càn khôn vũ trụ và định mệnh lịch sử. Vẫn là đề tài cổ điển muôn thuở “Lấy nhau chẳng được, thương hoài ngàn năm”, L’amant như lời tự sự lúc về già của một người phụ nữ nhìn ngoái lại mối tình dang dở khó thể nào quên.

Đối thoại trong kịch bản sinh động và gợi mở nhiều khoảng trống, nơi người xem có thể vừa cười thấm thía vừa khóc đắng cay, tiếc nuối và buồn nhớ cho những câu chuyện không trọn vẹn của chính mình. Hình ảnh trong phim dàn trải từ tỉnh lẻ Sa Đéc, nơi nước ngọt nhiều phù sa, xuống tận vịnh Thái Lan, nơi mặt trời lặn của dải đất hình chữ S, qua sộng Cửu Long, lên Sài Gòn, men theo những con lộ xanh rì rào tán dừa, hai bên là ruộng đồng phì nhiêu, rải rác những gương mặt nông dân nghèo thời bị trị mà rất yêu đời. Sài Gòn được hồi tả với khu vực riêng dành cho người châu Âu sang trọng. Thêm hình ảnh Chợ Lớn ồn ào, đa sắc màu của người hoa. Cảng Sài Gòn thì tấp nập, được ví như “bao lơn Thái Bình Dương” thời thịnh vượng. Chuyện tình cách đây hơn 60 năm trở thành cổ tích, đẹp như một tuồng cổ nhưng cũng không ngớt buồn.

tumblr_ob8f41DmGS1vbsdxoo1_1280

Tuy nhiên, nhân vật để lại nhiều ấn tượng nhất có lẽ là bà giáo già, mẹ của cô gái, người phụ nữ mang vẻ khắc khổ sang trọng của thứ ánh sáng hoa lệ châu Âu, nhưng lại chiếu rọi trơ trọi trong đêm đen của vùng tỉnh lẻ thuộc địa. Bà giáo lúc nào cũng mang vẻ cáu bẳn, chồng chết, bà ở vậy nuôi con. Khi vui vẻ, bà ca hát tung tăng như đứa trẻ. Khi buồn phiền, bà mắng nhiếc những đứa con mà bà thương mến. Bà vừa gắt gỏng vừa hiền lành, vừa có vẻ suy tính thấu đáo nhưng lại khá ngây ngô, sống trong gia đình nhỏ hẹp mà cứ tưởng mình đang sống theo luật của đất trời bao la. Người ta gọi là gàn, là bảo thủ, là kẻ sĩ ở tỉnh lẻ. Đây có lẽ là vai diễn khó đóng nhất với nhiều cung bậc cảm xúc cần được mô tả tỉ mỉ.

Truyện phim và trong tiểu thuyết ca ngợi khung cảnh nhiệt đới với nắng lửa mưa dầu. Ban đêm, khi nhà bà giáo Pháp lên đèn nhiều loại bướm, đặc biệt là loài phù du thi nhau bay vào ánh đèn, bị hơi nóng làm cháy cánh, chết rơi tại chỗ, tốp này chết, tốp khác lại bu vào. Trong văn chương Việt Nam, phù du còn gọi là con thiêu thân, loại bướm nhỏ tiêu biểu cho sức hấp dẫn của tình yêu, biết là ràng buộc vô lý, nguy hiểm, nhưng vẫn bay đến mà chịu chết. Cũng như tình yêu lụi tàn dần của người con gái xứ Pháp và gã tư sản người Hoa.

tumblr_o30vknPDp71v4a8wfo1_500

Rồi cô gái đưa tình nhân Trung Hoa đến xem lại vùng đất phèn mặn mà cha cô đã mất trắng bao nhiêu vốn, buồn rầu rồi chết. Mẹ cô vì ám ảnh sự thất bại đâm cau có, giận cá chém thớt, nuôi nấng 3 đứa con, 1 gái 2 trai chẳng nên trò trống gì. Vấn đề giai cấp được đề cập thẳng thừng trong cuốn tiểu thuyết lẫn bộ phim: giới thực dân giàu lấn hiếp và khinh ra mặt giới thực dân nghèo, và vấn đề kì thị chủng tộc giữa người Pháp và người Hoa. Bà mẹ mang nỗi xấu hổ với người Hoa tỉnh lẻ, tuy mang tiếng là thực dân qua thuộc địa để ngồi mát ăn bát vàng nhưng lại sống trong cảnh túng bấn, hèn quẫn, chẳng khác gì những cu-li-quí-tộc (nobles coolies). Cô gái trở lại bờ biển ruột thịt, gương mặt xơ xác buồn, tạm biệt ngôi nhà xưa sụp đổ từng là quê hương thời ấu thơ, cũng là lần chót gặp người yêu không bao giờ thành vợ thành chồng được. Những lá dừa vươn lên như con nhện khổng lồ bám vào nền trời buổi hoàng hôn. Lá dừa tua tủa, rung rinh; những con nhện đang làm động tác tuyệt vọng, với lên đến mức nào đó là hết.

Cuộc đời mới bên Pháp chưa biết sẽ ra sao. Nam Kỳ thì mãi là quê hương bạc bẽo.

Facebook Comments Box

Comment