Chưa đầy 1 tuần lễ nữa, lễ trao giải Oscar của Viện Hàn Lâm Mỹ sẽ diễn ra. Tâm điểm của Oscar 2016, hẳn không phải là vụ tai tiếng vì không có bất kì một người da màu nào được đề cử trong các hạng mục chính về đạo diễn và diễn xuất. Mà chính là liệu cuối cùng, Leonardo Di Caprio, có dành được tượng vàng Oscar sau 6 lần được đề cử.

Ở độ tuổi 42, dường như Leonardo Dicaprio đã có mọi thứ trong tay, sự nghiệp diễn xuất đồ sộ, danh tiếng vượt qua rất nhiều biên giới, cuộc sống cá nhân giàu có và đầy đủ. Anh chỉ thiếu mỗi tượng vàng Oscar, thứ được cho là một “chứng chỉ cao nhất” ghi nhận những đóng góp của cá nhân, tập thể nào đó cho lĩnh vực điện ảnh. Một tượng vàng, và anh sẽ gần như có tất cả. Thậm chí, với những hoạt động không ngừng nghỉ trong những hoạt động về kêu gọi bảo vệ môi trường sống, Leonardo DiCaprio hoàn toàn có thể được Nobel hoà bình.
Nhưng sự vô duyên của anh đối với giải Oscar thật khiến cho những ai lạc quan nhất cũng phải dè dặt hơn khi đặt cược cho anh. Oscar đã từng bỏ rơi rất nhiều diễn viên nổi tiếng về khả năng diễn xuất, trong đó nổi bật nhất là nam diễn viên huyền thoại Peter O’Toole. Ông đã góp phần giúp Lawrence of Arape trở thành một tác phẩm kinh điển bất hủ, nhưng đáng tiếc, dù được đến 8 đề cử, nhưng Viện Hàn Lâm Mỹ không trao cho ông tượng vàng lần nào, ngoài 1 tượng vàng danh dự “chữa cháy” cho thành tựu cả đời.

Nên giải thưởng Oscar danh giá, chưa bao giờ thực sự nhìn nhận đúng giá trị của nhân vật được trao giải. Điều đó khiến ta hoàn toàn có thể nghi ngờ vào thành công của Leonardo ở lần trao giải này. Dù cho anh cùng với bộ phim The Revenant của đạo diễn… đã chiến thắng ở rất nhiều giải thưởng quan trọng của giới điện ảnh, như giải Bapta của Viện Hàn Lâm Anh Quốc, hay Quả Cầu Vàng của Hiệp Hội Báo Chí Nước Ngoài ở Hollywood. Đó là những giải thưởng tiền Oscar có vai trò dự đoán rất lớn cho giải thưởng Oscar của viện hàn lâm Mỹ.

Sau 22 năm, kể từ khi được nhận đề cử Oscar đầu tiên cho vai diễn cậu bé thiểu năng trong bộ phim What’s Eating Gilbert Grape (1993), Leonardo Di Caprio là một trong số ít diễn viên tiếp tục sự nghiệp diễn xuất với mật độ lớn, và đa dạng. Khả năng đa dạng của anh trong từng vai diễn, hoá thân vào nhiều nhân vật khác nhau, đặc biệt là khả năng không bị “đóng đinh” vào một vai diễn cụ thể trong những bộ phim lớn thực sự đáng nể. Nhắc đến anh, người ta nhớ đến chàng trai trẻ tuổi Jack dám chết vì tình yêu của mình trong Titanic, nhưng người ta cũng nhớ đến những bộ phim khác như The Aviator, Blood Diamond…

Tài năng đó được công nhận bởi những đạo diễn số 1 Hollywood như Martin Scorsese, Quentin Tarantino… Leonardo Di Caprio như một người “thợ” lành nghề, không sợ bất kì thử thách nào, và thường xuyên làm tốt nhiệm vụ của mình. Chính vì lẽ đó, rất nhiều phim của anh đã gây được cảm tình trong lòng người hâm mộ, thứ cảm tình mà người ta cảm thấy thật khó thể tin được vì sao Leonardo sau ngần ấy năm, ngần ấy phim, ngần ấy vai diễn hay nhưng chưa bao giờ có thể chạm vào giải Oscar. Theo tôi, chính vì anh ở anh có một hình tượng, mà những vai diễn dành cho anh đóng đinh vào hình tượng đó, nên vai diễn luôn rất thành công, nhưng “một màu”.

Leonardo Di Caprio luôn mang trong mình một hình ảnh lãng tử, đa tình, sống hết mình với cuộc đời, hết mình vì yêu. Khuôn mặt thư sinh, đẹp trai, và dễ khiến phụ nữ siêu lòng. Leonardo dường như rất hợp với những vai diễn về những người thành đạt như The Aviator, hay The Wolf of the Street, hay những vai diễn nặng tình, đâu khổ vì tình yêu và sẵn sàng đánh đổi tất cả cho tình yêu đó như Inception, The Great Gasby… Nên đôi khi sự có mặt của anh trong bộ phim khiến nó thành công là vì anh đang thể hiện chính con người mình, bản thân và khuôn mặt mình. Leonardo ít những vai diễn cho thấy anh đang hoá thân thành một người khác, một nhân vật hư cấu và khác biệt. Leonardo không khiến khán giả nhớ đến nhân vật, mà nhân vật chỉ làm nền cho chính anh, như thể vì anh mà nhân vật đó sống. Điều đó, khiến tôi mặc dù yêu thích những bộ phim của anh, đặc biệt là những bộ phim hợp tác giữa anh và đạo diễn Martin Scorsese, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ anh nên được Oscar cho đến khi anh xuất hiện trong phim Django Unchained của Quentin Tarantino và gần đây nhất chính là The Revenant của đạo diễn người Mexico Alejandro González Iñárritu.

Vai diễn về một cá nhân bé nhỏ chống chọi với tự nhiên, sống sót và trả thù đã giúp Leonardo có một diện mạo hoàn toàn mới. Leonardo đã vượt qua hình tượng của chính mình, để thực sự hoá thân vào nhân vật, khiến người ta nhớ đến nhân vật, một kẻ đến từ cõi chết, với bản năng sinh tồn mạnh mẽ để theo đuổi ý nghĩa giữa sự sống và cái chết. Bằng thứ chủ nghĩa hiện thực mà đạo diễn Alejandro theo đổi, Leonardo đã chấp nhận thử thách, ăn thịt sống, lăn lộn trong khu vực tuyết phủ, chấp nhận mọi tác động vật lý. Dường như anh đang muốn thực hiện 1 cách tối đa method Acting, đẩy mình tới giới hạn, để vượt qua giới hạn, biến nhân vật mà mình hoá thân, thành chính bản thân mình. Như vậy, khán giả có thể cảm thấy trọn vẹn hành trình của nhân vật, hành trình của bộ phim, và khả năng tuyệt vời của Leonardo Di Caprio.

The Revenant không phải là một bộ phim xuất sắc, nhưng là một bộ phim thực sự giúp Leonardo lột xác. Ta nhìn thấy một nhân vật đứng giữa ranh giới của sống và chết. Anh đã chọn sự sống để trả thù, dù sự sống đó là một hành trình “sống còn khổ hơn chết”. Leonardo một lần nữa, ở một vai diễn hoàn toàn khác biệt đã chứng tỏ được “thương hiệu” điện ảnh mang tên anh, một thương hiệu đảm bảo những bộ phim mà anh tham gia sẽ luôn luôn hấp dẫn, đáng xem, đáng mong đợi. Và sau vai diễn The Revenant, tôi tin rằng, dù anh có được Oscar hay không trong lễ trao giải sắp tới, thì anh cũng đã và đang thực sự xứng đáng là thế hệ thay thế những diễn viên bậc thầy một thời như Rober De Niro, Al Pacino…

Facebook Comments Box

Comment