Điện ảnh thế giới luôn bận rộn với rất nhiều liên hoan phim, lễ trao giải diễn ra cả năm. Bắt đầu bằng liên hoan phim Sundance vào tháng 1, và kế tiếp bằng liên hoan phim Berlin vào tháng 2. Việc cố định thời gian dành cho liên hoan phim Berlin vào tháng hai được ấn định vào năm 1978, sau khi Liên hoan phim được thành lập vào năm 1951 tại Tây Berlin.

Là một trong ba liên hoan phim lớn nhất thế giới bao gồm Cannes – Pháp và Venise – Ý, liên hoan phim quốc tế Berlin luôn là điểm đến hấp dẫn của tất cả các nhà làm phim trên thế giới. 10 ngày diễn ra liên hoan phim là 10 ngày của rất nhiều sự kiện, bao gồm lễ trao giải Gấu Vàng dành cho bộ phim hay nhất, Gấu Bạc dành cho các giải thưởng cá nhân, diễn đàn điện ảnh dành cho những nhà làm phim chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư đến trao đổi nghề nghiệp, và là nơi mà những đạo diễn đến từ các khu vực mà nền điện ảnh chưa phát triển có thể giới thiệu mình.

Với nỗ lực biến Berlin sau chiến tranh thành nơi “Biểu thị thế giới tự do” của quân đồng minh, Liên hoan phim đã ra đời. Ban đầu Tượng Gấu Vàng được trao cho nhiều phim ở từng thể loại khác nhau, sang đến năm thứ 2, thì các thể loại được trộn lẫn để chọn ra một phim duy nhất được trao tượng Gấu Vàng. Kéo dài từ năm 1951 đến nay, liên hoan phim chỉ duy nhất 1 lần bị gián đoạn là vào năm 1970, khi bộ phim “O.K.” của đạo diễn người Đức Michael Verhoeven công chiếu, đã gây ra làn sóng phẫn nộ trong dư luận, vì trong bộ phim có một cảnh mà trong đó nhiều lính Mỹ đã hãm hiếp và giết chết 1 phụ nữ Việt Nam. Do đó, liên hoan phim đã bị huỷ bỏ mà không kịp tổ chức trao giải Gấu Vàng cho bất kì phim nào.

Danh tiếng của liên hoan phim Berlin là vô cùng lớn, được tham gia tranh giải Gấu Vàng là một vinh dự và tự hào cho bất kì một đạo diễn nào trên khắp thế giới. Vì điểm nổi bật của những liên hoan phim châu Âu là đánh giá bộ phim ở chất lượng nghệ thuật mà không có sự can thiệp của chính trị. Chính vì vậy, ở Berlinale, những bộ phim được/bị quan sát bằng con mắt của những người thực sự yêu điện ảnh, muốn tìm kiếm những giá trị lõi của nghệ thuật thứ 7. Được tôn vinh ở đây tức là được công nhận tài năng, và sẽ dễ dàng hơn cho việc phát triển sự nghiệp làm phim của mình. Với đặc thù của điện ảnh là cần vốn lớn để làm phim, việc có mặt và được chào đón ở Berlin chính là tấm vé đặc cách cho các vòng xét duyệt tài chính đối với các dự án điện ảnh tiếp theo của nhà làm phim đó. Berlin hay Cannes hay Venise đều vậy.

Gấu Vàng đã từng được trao cho những bộ phim rất nổi tiếng như 12 Angry Men (Sidney Lumet), Wild Strawberries (Ingmar Bergman), Spirited Away (Hayao Miyazaki), A Separation (Asghar Farhadi)… Được đứng chung vai với những bộ phim này quả thực không tầm thường chút nào. Năm 2015, Việt Nam đã lần đầu tiên có phim tranh giải Gấu Vàng, bộ phim Big father, small father and other stories của đạo diễn Phan Đăng Di. Mặc dù không được giải, nhưng bộ phim đã gây được những phản ứng tích cực điều đó giúp cho điện ảnh Việt Nam, được nhen nhóm đôi chút trên bản đồ điện ảnh thế giới. (Đạo diễn Di có duyên với liên hoan phim Venise hơn, điều này tôi sẽ nói đến trong lần tới, với bài viết về liên hoan phim Venise).

Poster phim “Big father, small father and other stories” của đạo diễn Phan Đăng Di

Năm 2016, mặc dù không có phim điện ảnh của Việt Nam nào tham gia tranh giải Gấu Vàng, nhưng một bộ phim ngắn của đạo diễn trẻ Phạm Ngọc Lân với tên gọi “Thành Phố Khác” đã được chọn tham gia giải Berlinale Shorts cùng với 25 phim ngắn khác đến từ khắp nơi trên thế giới. Điều đặc biệt là Phạm Ngọc Lân cũng đã từng tham già Berlinale Talents Campus vào năm 2015, một sân chơi dành cho những đạo diễn trẻ của liên hoan phim Berlin, nơi trao đổi, học tập kinh nghiệm, và được giúp đỡ những dự án phim cá nhân của mỗi người tham gia…

Diễn ra từ 11/2 đến 21/2, liên hoan phim Berlin chiếu mở màn bằng bộ phim Hail Cesair!, dự án mới nhất của anh em nhà Coen. Nữ diễn viên Meryl Streep – người được nhiều đề cử Oscar nhất mọi thời đại với 19 đề cử sẽ làm chủ tịch hội đồng giám khảo bầu chọn Gấu Vàng, Gấu Bạc. Với sự đa dạng về quốc gia tham gia tranh giải, nên rất nhiều cái tên lần đầu tiên xuất hiện. Tuy nhiên, cũng có những cái tên quen thuộc như dạo diễn người Thuỵ Điển Thomas Vinterberg (với The Hunt vô cùng ấn tượng vào 2012), Jeff Nichols (với bộ phim Mud vào năm 2012 đã thay đổi hoàn toàn diện mạo của Matthew McConaughey)…

Ai yêu điện ảnh, thứ điện ảnh thuần khiết và đa dạng đến từ nhiều lãng thổ khác nhau thì nên để ý đến những bộ phim được Gấu Vàng để thưởng thức.

Facebook Comments Box

Comment