Nếu có phim nào có thể chạm vào chiều sâu cảm xúc của con người thì đây chính là bộ phim đấy. Bộ phim bằng phẳng kì lạ, đến một bộ phim tài liệu bình thường cũng có những điểm nhấn nào đó để khiến người ta tập trung, còn phim này thì không, nó lặng như mặt hồ vậy, lặng như tờ giấy để trên mặt bàn, lặng đến nao lòng.

Nếu đầu phim, khi hai mẹ con cậu bé Akira Fukushima đến căn hộ mới thuê ở Tokyo trong khuôn mặt vui vẻ, giọng mẹ Akira trong vắt như giọng trẻ con, cậu bé Akira thì trông đĩnh đạc người lớn. Rồi họ vào trong căn phòng nhỏ của mình, mở dần từng vali ra, đó là 3 đứa con khác nhỏ tuổi hơn Akira lần lượt trốn trong đó, chúng dễ thương thế. Thằng bé Shigeru hay cười, nụ cười hơi ngớ ngẩn của một thằng bé tinh nghịch, cô bé Yuki hiền lành, ngoan ngoãn, và cô bé Kyoko, trong ra dáng một người chị lớn, một cô bé ở tuổi mới lớn bắt đầu có chút hiểu biết về cuộc sống, và sống với đôi mắt dè dặt hơn. Trông họ thật hạnh phúc, trong bữa ăn, bà mẹ Keiko dặn dò bọn nhóc không được ra ngoài đặc biệt là Shigeru – cậu bé nghịch ngợm, và dặn Kyoko chỉ được ra ngoài giặt đồ vào ban đêm, một bữa ăn vui vẻ, giọng Keiko thật ấu yếm, Akira đảm nhiệm vừa là người anh mà còn như là người bố trong gia đình chăm sóc các em nhỏ.

Tất nhiên qua đoạn đầu ta hiểu, những đứa trẻ này không có bố vì một lý do nào đó, và đây không phải là lần đầu tiên họ sống theo kiểu giấu diếm khỏi tai mắt thế giới như này. Và tôi cứ tưởng tượng tiếp về bộ phim, bà mẹ ra ngoài làm việc chăm chỉ thỉnh thoảng phải đi xa để kiếm tiền nuôi một bầy con thơ dại. Akira – anh trai cả thì luôn thấu hiểu nỗi vất vả của mẹ, và trông giữ các em tránh gây ra rắc rối, hầu như mọi người mẹ đều vĩ đại vậy mà, rồi như một motip bình thường, có thể thằng bé Shigeru sẽ không nghe lời mẹ mà đi ra ngoài rồi sẽ bị mọi người phát hiện… cái nhịp của phim, cái không khí của phim, cái bối cảnh phim với những cảnh quay gần khuôn mặt ngây thơ, trong sáng, vô tội của bọn trẻ con khiến tôi không thể hình dung được có điều gì ở trên thế giới này sẽ làm tổn thương chúng. (Thật may là tôi đã không lỡ dại đọc qua nội dung phim, nếu không trí tượng tượng của tôi sẽ không được êm ái thế và cái buồn của tôi sẽ không lớn thế này).

nobody4

Không có xung đột, không có kiểu thắt mở thường thấy của một kịch bản điện ảnh, mọi thứ diễn ra theo trình tự của một bản post-rock êm dịu nhưng đau đớn của If these trees could talk, còn Keiko như tên một album của Maybeshewill “I Was Here For a Moment, Then I Was Gone”. Keiko là một người mẹ, đúng vậy, cô cũng có cách quan tâm đến con của mình mà đầu phim ta lầm tưởng rằng một người mẹ không có người chồng bên cạnh, phải gánh bốn đứa con thật cảm thương. Thật vậy, khi Keiko nói chuyện với Akira, Akira nói rằng bà thật ích kỉ, nhưng Keiko bảo rằng bà cũng phải có được hạnh phúc cho riêng mình. Ai không thông cảm cho điều đấy, khi bà phải gánh 4 đứa trẻ của những người cha khác nhau mà chẳng người cha nào có trách nhiệm với chúng cả. Một người phụ nữ, giọng như trẻ con, còn rất trẻ sao lại có thể phí hoài tuổi xuân. Keiko thỉnh thoảng phải đi làm ở xa và thường xa nhà trong nhiều ngày, mỗi lần như vậy, cô lại đưa tiền cho Akira để lo liệu cuộc sống cho bốn đứa trẻ, Akira vừa là anh trai lớn, vừa là người cha của những đứa em, lại vừa như một người bạn thân của mẹ, Akira đi siêu thị mua đồ cho các em, không quên mua chocolate loại mà cô em út Yuki thích. Akira tỏ ra trầm lặng và mẫn cán, thông minh và biết việc. Và rồi ta thấy như đó là sự sắp đặt của Keiko khi cô để cho Akira dần tự lập, dần biết cách chăm lo các em một cách tốt nhất có thể, tôi đã thấy đây thật là một bà mẹ thương con hơi kì quặc, cô còn không để bọn trẻ con được đi học, và lấy lí do là nhiều người thành công không cần phải đi học, nhưng cô không đưa ra được dẫn chứng là ai, rồi dặn dò kĩ chúng không được ra ngoài… Tất cả những cái như một kế hoạch đó ta thấy, ta nghĩ nhưng ta không thể hình dung được mục đích của Keiko là gì.

Những cảnh quay bọn trẻ con là những cảnh rất đẹp, ấm áp, khi Akira mua mì tôm về cho các em, chúng xuýt xoa, thằng em Shigeru còn sau khi ăn xong mì còn lại nước, lại cho thêm cơm vào ăn, như tôi ngày xưa mà thấy thật cảm động và đáng yêu biết nhường nào. Rồi lại một lần nữa Keiko ra đi, hẹn đến Noel chắc chắn sẽ về. Những đứa trẻ nhìn theo âu yếm, Akira chỉ lặng lẽ như bản tính của cậu. Và những kể cả khi Keiko ra đi không trở lại, nó cũng không thành xung đột, không thành một điểm nhấn của phim, vì keiko đi như bao lần khác, đi xa đến làm việc ở Osaka, rồi những đứa trẻ vẫn cứ sống trong căn hộ của chúng, Akira đi ra ngoài mua đồ, đi chơi với mấy đứa bạn, Shigeru chơi với đồ chơi của mình, Kyoko đang lớn, nhạy cảm, có cái piano bằng nhựa, khuôn mặt  lúc nào cũng trầm tư và buồn.

Cuộc sống của chúng diễn ra như vậy trong sự quan tâm của anh lớn, nghe lời mẹ không làm gì ồn ào để thế giới bên ngoài biết sự tồn tại của chúng trong căn hộ đó, và tất cả nối với một sợi dây vô hình về phía Keiko, chờ đợi. Keiko bỏ rơi bọn chúng thật, Noel qua, năm mới đến, chúng chờ đợi mỏi mòn, cô bé út Yuki cứ đòi mẹ, rồi đòi ra ga đón mẹ, mẹ chẳng về nữa, Akira đã đúng, và dường như cậu đã cảm nhận được sẽ có một ngày như thế này, ngày mà Keiko không bao giờ trở về nữa. Kyoko hỏi mẹ có về không, cậu đã bảo: Không đâu. Chính cái sự chờ đợi, mong chờ, mẹ sẽ về, rồi mẹ sẽ về tuần tới… làm ta tự dần hiểu ra câu chuyện dẫn đến đâu, ta không còn bị choáng, bị ngạc nhiên vì sự chuẩn bị của Keiko, sự chuẩn bị của đạo diễn đã đủ dài để làm cho mọi thứ diễn ra như thế nó chỉ là thế, đơn giản là cuộc sống, nó cứ trôi đi tiếp đi tiếp một cách thô ráp và đầy nỗi buồn như vậy.

Bộ phim xuất sắc này được đạo diễn bởi Hirokazu Koreeda dựa theo sự kiện có thật xảy ra tại nhật vào những năm 80 về những đứa trẻ bị bỏ rơi trong nhiều tháng không ai biết và tự tồn tại theo cách của mình. Và dưới ống kính của Hirokazu, câu chuyện đau lòng đó lại hiện ra như đang được chính đạo diễn quay lại từ thực tế. Những đứa trẻ bị bỏ rơi, cô độc, buồn bã, đợi chờ mòn mỏi, bị đói, bị khát, phải tự mình tìm cách tồn tại. Akira dưới sự diễn xuất của Yûya Yagira là một vai diễn tuyệt vời, có thể nói là để đời của cậu bé, chẳng thế mà Yagira đã được nhận giải diễn viên chính xuất sắc nhất tại liên hoan phim Cannes, đã lột tả được một cách cực kì ấn tượng một cậu bé đang phải chịu trách nhiệm với những đứa em nhỏ của mình, đang lớn, có những ước mơ nhỏ, nhưng là một người anh lớn, Akira luôn tỏ ra mạnh mẽ, điềm tĩnh. Khi thấy mẹ quá lâu không trở về, sợ các em buồn, cậu đi nhờ người viết thư để giả vờ là mẹ của chúng viết thư gửi quà về cho chúng, mặc dù đang cầm số tiền ít ỏi mẹ để lại, cậu cũng chia ra bỏ vào phòng bì gửi cho các em. Đây là đoạn phim gây xúc động sâu sắc, cảm thấy trong sự tuyệt vọng, vẫn có những cái gì đó rất trong sáng, rất đáng yêu mà thế giới độc ác bên ngoài không thể tác động, không thể làm thay đổi được. Những giây phút Akira cười hạnh phúc trong phim là những khoảnh khắc rất ngắn ngủi của cậu, rồi đoạn cuối, khi cậu được cho chơi một trận bóng chày, trên khuôn mặt là sự cố gắng làm tốt. Đôi mắt hạnh phúc hiếm hoi của Akira, nó làm cho nỗi buồn trong phim càng trở nên trống rỗng và tuyệt vọng. Vậy đấy, dù gì thì mọi đứa trẻ đều cần có mẹ bên cạnh, dù cho đó là một bà mẹ độc ác như Keiko. Thế giới tuổi thơ là một thế giới mà tự bản thân chúng không thể chạm được vào thế giới thực tại để sống, thế giới tuổi thơ là một thế giới phải được bảo bọc, che chở, phải được một bàn tay người lớn đưa ra đón lấy.

Bốn đứa trẻ, dù cho người anh lớn đã cố gắng hết sức, đã tìm mọi cách thì cũng không thể thay thế được một bàn tay người lớn, nhưng người lớn, nếu không chịu từ bỏ tính ích kỉ của mình, nếu áp đặt tính ích kỉ của mình lên trẻ con thì đấy là những đứa trẻ bất hạnh nhất trên đời. Akira bất lực bỏ từng đồng xu vào máy điện thoại để tìm cách gọi cho mẹ, Shigeru nhai giấy vì quá đói… nhưng cảnh quay làm trái tim ta tan chảy vì buồn thương, thế giới người lớn ngay ngoài đó, ngay ngưỡng cửa nhưng chẳng ai hay biết, chẳng ai mảy may quan tâm một căn hộ bị cắt điện, cắt nước đang tồn tại như thế nào? Đây là một kịch bản tuyệt vời, và sự diễn xuất của Akira cùng mấy đứa em cũng không thể chê vào đâu được, xuyên suốt phim là sự chống chọi lại sự tàn nhẫn của cuộc sống, nhưng xen vào đó lại là những giai điệu rất đẹp, những nụ cười hồn nhiên, những đứa trẻ trong sáng chơi đùa như thể thế giới này thật tươi đẹp, như thể không có gì xảy ra. Ở chúng luôn có hy vọng, và cái hy vọng đấy cũng nhiễm vào người xem, vào tôi như thể một ngày tất cả chúng đều sẽ nhận được sự bù đắp xứng đáng cho sự thiệt thòi, nhưng phim cũng có những cảnh buồn đến nao lòng, buồn như chưa thể có phim nào buồn hơn được nữa…

Facebook Comments Box

Comment