Ai đó từng bảo: “Đàn ông nên đọc Bố Già, nghe nhạc Frank Sinatra và học cách ăn mặc của Paul Newman”. Thực vậy, nếu Bố Già là cuốn kinh thánh gối đầu giường của đàn ông, cuốn sách tuyệt vời hơn bất cứ một cuốn self-help, sách lược, quản trị, đầu tư, thậm chí đắc nhân tâm nào từng được xuất bản, thì Paul Newman là hình ảnh-định-hướng-hoàn-hảo mà mỗi người đàn ông đều khao khát hướng tới suốt 5 thập kỉ qua. Mỗi bộ cánh ông mặc, mỗi chuyển động cơ thể, mỗi cái nhếch môi bất cần, mỗi cái nhìn thăm thẳm mơ màng của đôi mắt màu xanh đều toát ra cái khí khái của một gã trượng phu mà ai cũng muốn sở hữu.

Khi Paul Newman qua đời do ung thư ở tuổi 83, từ radio địa phương cho đến sóng truyền hình quốc gia đều dành giờ vàng để tưởng nhớ ông, người đã chạm vào tâm hồn Mỹ qua hàng chục bộ phim với hàng loạt giải thưởng danh giá trong suốt nghiệp điện ảnh. Cái chết của Paul Newman không giản đơn là cái chết của một lão ông 83 tuổi, hay một cáo chung của một diễn viên điện ảnh đến tuổi về trời. Cái chết của Paul Newman là cái chết của một giá trị Mỹ, nhắc nhớ người yêu điện ảnh về một gã tài tử điển hình của thế kỷ XX – kẻ đã tái định nghĩa hình mẫu người đàn ông trên toàn xứ cờ hoa suốt mấy mươi năm sóng gió. Trong bộ phim đáng nhớ nhất của mình, Hud, Melvyn Doughlas trong vai cha của Paul Newman đã có một câu vô cùng đúng khi ứng vào cách nước Mỹ nhìn về Newman: “Little by little, the look of the country changes because of the men we admire”. Cả nước Mỹ ngưỡng mộ Paul Newman, và vì sự ngưỡng mộ đó, Newman đã thay đổi hoàn toàn định nghĩa về một nước Mỹ hiện đại nói chung và hình ảnh của người đàn ông Mỹ nói riêng.
Sự nghiệp diễn xuất của gã trai xứ Ohio khá êm xuôi và may mắn. Cậu bé có đôi mắt xanh rất điện ảnh ấy sinh trưởng tại Cleveland, Ohio, trong một cửa hàng bán đồ thể thao chuyên dụng do cha cậu làm chủ. Cậu lớn lên dưới sự dạy dỗ chuẩn mực của mẹ, học phép lịch sự, học đọc sách, học nghe nhạc – nền tảng cho chủ nghĩa duy tâm và cuộc sống nề nếp, quy củ mà cậu theo đuổi sau này.

 

Có xuất thân từ môi trường quân ngũ (từng tham gia Thế Chiến 2), sau một vài màn trình diễn trên sân khấu Broadway, Paul Newman xuất hiện trên màn ảnh rộng như một phát pháo sáng. Ông được xem là gương mặt đại diện cho một thế hệ diễn viên trẻ làm luân chuyển những chuẩn mực thẩm mỹ cả về điện ảnh lẫn phong thái đàn ông. Các bậc tiền bối trước Newman như Clark Gable, Gary Cooper, Errol Flyn, Jimmy Cagney, John Wayne đại diện cho một giá trị khác – giá trị của lớp đàn ông trầm lặng, đĩnh đạc, ưa ra lệnh. Các nhân vật của họ quyết đoán trong tình cảm, gia đình, công việc, xã hội. Bối cảnh chiến tranh loạn lạc lúc bấy giờ chi phối cá tính và hành vi của những gã đàn ông không còn cách nào khác ngoài việc sống rắn rỏi, rõ ràng, không phức tạp. John Wayne và những người bạn đồng môn không có thời gian cho việc tự vấn hay đấu tranh nội tại. Lớp tài tử này khiến người ta nghĩ đến từ “Alpha Male” – những người đàn ông của quyền lực và sự chắc chắn, đại diện cho sự tự tin mà nước Mỹ đang cần- không gì ngăn cản được. Họ được xem như “quốc bảo,” là “biểu tượng của những phẩm chất căn bản nhất khiến nước Mỹ trở nên vĩ đại.”

Paul Newman nói riêng và thế hệ của ông nói chung hoàn toàn khác. Giấc mơ Mỹ dù có đẹp đẽ đến mấy cũng có những góc khuất. Nếu Gary Cooper, John Wayne vĩ đại và đậm đà như loại rượu vang lâu năm, thì Paul Newman là loại bia tươi đựng trong tháp nơi các quán bar địa phương đậm tính phong lưu Mỹ quốc. Trong góc quầy bar ấy, Newman bé nhỏ, mỏng manh, đầy nghi hoặc, vừa cả nghĩ lại như bất cần. Đó cũng chính là thái độ sống của lớp đàn ông thời hậu chiến cuối thập niên 50 đầu thập niên 60. Chính Paul Newman là người đại diện cho cốt cách đó.

 

Ở thời John Wayne, các nhân vật điện ảnh đều như đang thực thi một sứ mệnh nào đó. Mọi khó khăn chỉ là ngoại tại. Đến thời Newman, người đàn ông trên màn ảnh hiểu ra rằng, điều nguy hiểm nhất xuất phát từ nội tại. Nếu các ngôi sao tiền bối chăm chút cho makeup, giọng nói, ngôn ngữ cơ thể thì bậc diễn viên kế thừa như Newman chăm chỉ gọt giũa nội tâm với những mâu thuẫn sâu bên trong.

Thường được đem ra so sánh với hai ngôi sao cùng thời là James Dean và Brando Marlon, cả ba đều sắm vai những gã trẻ trai, âu sầu, nổi loạn và mang thái độ thách thức với xã hội đảo lộn của nước Mỹ thời 50. Tuy nhiên, Paul Newman tự mình tách hẳn ra khỏi hai người bạn đồng môn. Newman không mang thần thái nổi loạn như Brando Marlon, không giận dữ như James Dean, ông “mang bộ mặt không phải của bọn trộm cướp”. Những Ben Quick trong The Long, Hot Summer, Eddie Felson trong The Hustler, Hud Bannon trong Hud, hay Luke trong hit đình đám Cool Hand Luke đều lã những gã “antisocial”, tự yêu bản thân đến mức không thể cứu vãn. Chính Newman nói về nhân vật Hud như sau: “He didn’t give a goddamn ’bout what happened to anyone else.” (“Tay Hud chẳng quan tâm quái gì đến chuyện người khác có vấn đề”).

Những vai diễn của Newman luôn đề cao bản thân, nhưng sau một cú sốc, họ nhận ra giới hạn của sự ích kỷ. Nhân vật của Newman không tìm kiếm điều gì lớn lao ngoài sự tự-thoả-mãn, và họ phải trả những cái giá thật đắt. Vai diễn tay vô địch boxing Rocky Graziano trong Somebody Up There Likes Me là một vai diễn như thế. Paul Newman dạy cho người Mỹ rằng: nếu không biết cách kết nối với xã hội thì sẽ bị huỷ hoại bởi những mặt tối của nội tâm.

Nổi tiếng là thế, được xem như style icon, sex symbol, nhưng Newman lại có đời tư chuẩn mực, không scandal. Cuộc sống của ông không mang dáng vẻ hào nhoáng của xứ Hollywood hay dạy hư người nổi tiếng. Sau khi chia tay người vợ đầu, ông kết hôn với người vợ sau, cô đào ông từng sóng đôi trên sân khấu Broadway năm nào và hạnh phúc suốt 50 năm với câu nói trứ danh về đời sống hôn nhân: “I have steak at home.Why go out for a burger?”

Cả khi đã ở gần cuối sự nghiệp, Paul Newman vẫn được xem như một biểu tượng xứ cờ hoa. Ông là một ngôi sao màn bạc, nhưng lại cực khiêm tốn; một người của công chúng, nhưng lại có đời sống rất mực riêng tư; một tài tử điển trai phong nhã, được săn đuổi qua nhiều thập kỉ bởi dung mạo lãng tử, nhưng lại thuỷ chung với vợ suốt hơn nửa đời người. Ông mang đến sự tinh tế và nhạy cảm cần thiết lên màn ảnh, qua đó tái thiết giá trị của người đàn ông trong xã hội Mỹ.

Facebook Comments Box

Comment