The Big Short nhận 5 đề cử Oscar, trong đó có giải diễn viên phụ dành cho anh Batman Christian Bale, vậy là anh Batman sẽ đấu với anh Banes Tom Hardy, nhưng tôi tin phần thắng sẽ thuộc về anh Rocky Sylvester Stallone.

The Big Short là một bộ phim khá khó xem, không phải vì cấu trúc rắc rối gì, mà vì những thuật ngữ kinh tế được sử dụng ở mật độ cao, khiến cho những ai không am hiểu đôi chút về kinh tế, thì sẽ rất khó nắm bắt và lý giải những nguyên nhân và kết quả mà các nhân vật trong phim đề cập đến thường xuyên. Tôi đi xem lần đầu ở ngoài rạp, mà nói chung hiểu rất mơ màng nên không dám viết gì, chỉ thấy thích cách các nhân vật diễn xuất, thích kịch bản được xây dựng với tiết tấu nhanh, linh hoạt, và độc đáo, khi bộ phim dành ra những khoảng nghỉ để nhắc ta nhớ về văn hoá sự kiện thời kì đó, hoặc đôi khi là để giải thích cho ta những thuật ngữ “trời ơi” của kinh tế, nhằm tạo ra những định nghĩa cơ bản nhất mà bất kì ai cũng có thể “lờ mờ” sờ nắn thấy.

Bối cảnh là cuộc kiện khủng hoảng kinh tế Mỹ vào năm 2008, khi bong bóng bất động sản vỡ bung khiến hàng triệu người rơi vào tình trạng phá sản và thất nghiệp. Bộ phim kể về “đêm trước” của khủng hoảng, khi mọi thứ dường như đều ở mức an toàn, và không ai có thể tin kinh tế Mỹ sẽ sụp đổ. Lúc đó, một tay quản lý quỹ Michael Burry (Christian Bale), một thiên tài lập dị (có thiên tài nào không lập dị theo một cách nào đó), chuyên gia về số liệu, phát hiện ra những điểm đáng ngờ, và tin chắc vào cuộc khủng hoảng sẽ diễn ra, vậy là anh chàng đi đến các ngân hàng để “đặt cược”. Sự đầu tư kì lạ đó được một gã môi giới chú ý Jared Vennett (Ryan Gosling – Toàn tài tử điển trai thôi), từ gã môi giới đó, việc lại đến tay một gã quản lý quỹ khác Mark Baum (Steve Carell), rồi cuối cùng là rơi vào tầm ngắm của một đôi thanh niên đang có tham vọng làm giàu với sự giúp đỡ của một gã banker Ben Rickert (Brad Pitt – nói rồi, toàn trai xịn thôi). Đấy là những kẻ có khả năng nhìn xa trông rộng, có tham vọng kiếm tiền, có sự nhạy cảm tuyệt vời để nắm bắt cơ hội. Tất cả những kẻ đó đều tin vào sự sụp đổ của thị trường bất động sản. Bộ phim là những cuộc điều tra cá nhân của những tay làm kinh tế đó, là sự đặt cược, là những nghi ngờ của những người đầu tư đặt lên vai những người quản lý quỹ…

Mặc dù nội dung có vẻ khô khan, nhưng chủ đề về kinh tế lại có sức hấp dẫn rất đặc thù, vì trên hết, những kẻ hám kiếm tiền là những kẻ có một nét quyến rũ rất đặc biệt, đó là sự tự tin, lập dị, quyết đoán và dám làm những điều mà không ai làm. Nên xem họ, ta cảm giác như ta đang xem những thứ ta còn thiếu ở trong bản tính của mình, chính vì vậy mà ta trầm trồ, và ngưỡng mộ theo một cách nào đó, như thể bù đắp cho chính ta vậy. Do vậy mà, dù có không hiểu hết được, nhưng cũng không khiến ta thấy chán, mà ngược lại, ta cứ cuốn theo nó, như cách mà đồng tiền cuốn người ta lao vào một canh bạc mà người ta chưa chắc đã thắng. Ta cứ xem thôi.

Bộ phim cũng cho chúng ta thấy được góc tối của hệ thống ngân hàng, những con số ảo, sự tự tin của nền kinh tế hàng đầu thế giới bị sụp đổ như nào? Nó bóc mẽ sự giàu có của giới tài chính ngân hàng, và sự khó khăn mà người dân phải gánh chịu qua những đề nghị đường mật một cách vô tâm của các nhà đầu tư. Sự sụp đổ của nền kinh tế Mỹ năm 2008, với sự phá sản của nhiều hãng lớn là lời cảnh báo, tuy nhiên, theo như cách những nhân vật trong phim nói, nó không có tác động lớn đến những kẻ đứng đằng sau nguyên nhân gây sụp đổ này, vì rồi nhà nước sẽ giang tay ra cứu, và mọi thứ sẽ lại đâu vào đấy.

Đạo diễn Adam Mckay là người chuyên làm phim hài, chính vì vậy mà bộ phim có khá nhiều chi tiết hài hước được cài cắm, để làm giảm căng thẳng cho bộ phim, và điều tiết lại nhịp phim sao cho kịch tính không được đẩy quá cao, mà cũng không gây ra sự nhàm chán vì sự khô khan của lời thoại. Nếu những tác phẩm trước chỉ thuần tuý hài và có đôi phần nhảm nhí, thì ở The Big Short, Adam Mckay đã thực sự có nhiều tiến bộ, và chắc tay hơn trong việc tạo ra một cấu trúc kịch bản chặt chẽ, vững vàng, và hấp dẫn khi ông cùng viết kịch bản với Charles Randolph dựa theo quyển sách của Michael Lewis. The Big Short cũng là bộ phim thứ 3 mà Brad Pitt đứng tên sản xuất được đề cử giải Oscar, sau 12 Years A Slave (2013) và Moneyball (2012). Nên trong sự nghiệp của mình, dù được đề cử hai lần cho diễn xuất, nhưng Brad Pitt lại được nhận Oscar trong vai trò sản xuất cho bộ phim 12 Years A Slave, nên nếu lần này Leonardo mà trượt Oscar thì có lẽ nên học theo Brad Pitt, đi làm sản xuất, dễ ăn hơn.

Facebook Comments Box

Comment