Khi Cha Job hỏi cha Anatoly (Pyotr Mamonov) rằng: “Tôi nên sống thế nào”. Cha Anatoly đã trả lời: “Tất cả chúng ta đều là kẻ có tội, nên hãy sống như cách cha có thể, làm sao cho cha đừng mắc nhiều tội lỗi quá”. quả vậy, bản thân mỗi chúng ta trong cuộc đời đều mắc phải sai lầm, đều mang trong mình những tội lỗi mà đôi khi do định mệnh ta không thể tránh được. Vì định mệnh đó mà Anatoly đã cả đời hối hận. bộ phim The island (Ostrov – 2006) của đạo diễn Pavel Lungin là một câu chuyện đơn giản, bình thường, đậm màu sắc tôn giáo những cũng rất con người, câu chuyện muôn thuở về tội lỗi và cách mỗi người đối diện với tội lỗi của mình. Tôi không phải là một người theo đạo Thiên Chúa, nhưng bộ phim có những rung cảm sâu sắc về cái đẹp của lòng người, về đức tin và về những điều thần kì đôi khi ta không có quyền phán xét rằng liệu nó chỉ là sự ma mị mê hoặc cõi lòng những người khốn khổ, hay nó là thật, nó tồn tại thực sự, tôn giáo đấy, mà đấng tối cao là Thiên Chúa có thể cứu rỗi linh hồn con người.

Năm 1942, thủy thủ Anatoly cùng thuyền trưởng Tikhon trên một chiếc tàu kéo theo một xà lan trở than đã bị bắt bởi quân phát xít Đức, để có thể sống sót, quân đức bắt Anatoly phải bắt chết thuyền trưởng của mình. Tikhon bị bắn và rơi ra khỏi tàu xuống biển, Anatoly được tha, nhưng chiếc tàu đã bị đặt thuốc nổ, ông được cứu sống ngày hôm sau bởi một tu viện nhỏ theo dòng Chính thống giáo của Nga (Russian Orthodox). 30 năm sau, Anatoly lúc này đã trở thành cha đạo. Khác với tất cả các cha đạo khác, ông bị chính những người đồng đạo xem là người lập dị, sống tại lò đốt than của tu viện, không rửa mặt, cao râu, chấp nhận một đời sống khổ hạnh và khổ sở, vì mặc dù một thời gian dài đã qua, nhưng ông luôn ăn năn hối lỗi, luôn mong linh hồn mình được cứu rỗi bởi tội lỗi mình đã gây ra trong quá khứ. Bên cạnh đó, cha Anatoly cũng được cho là người mang những phép màu của Chúa, có quyền năng huyền bí có thể giúp chữa bệnh cho người khác, cũng như đưa ra những lý giải về tâm linh khi họ tìm đến ông xưng tội. Tại nơi tưởng khổ hạnh đó, cha Anatoly cho đến tận cùng cuộc đời của mình, chỉ sợ một điều duy nhất, không phải sợ chết, mà sợ đứng trước mặt Chúa với tất cả tội lỗi mà ông đã gây ra.

Bộ phim giống như hành trình của một con thuyền nhỏ lênh đênh trên biển đang tìm hướng đi vào bờ, để được neo đậu, được cứu rỗi vì trên con thuyền đó chứa đựng tội lỗi, một tội lỗi mà chiếc thuyền vì nó cứ mãi lênh đênh trên những con sóng, chống chịu với giông tố, với mưa bão mà không dám đậu lại, nó sợ không được tha thứ, nó sợ mang sự ô uế vào đất liền, khiến tội càng chồng thêm tội. 30 năm tu hành, khổ hạnh của cha Anatoly là hành trình như vậy. Khuôn mặt gầy gò luôn đen nhẻm vì than, răng chiếc còn chiếc mất, đôi mắt tinh anh trong một vóc dáng cao gầy, ngủ ngay tại vỉa than, trong nhà đun lò của tu viện, chẳng ai nghĩ ông già đốt than đó chính là cha Anatoly, những người đến tìm ông như tìm kiếm phép màu để giúp đỡ đều luôn hỏi ông về cha Anatoly mà không biết họ đang nói chuyện với chính người họ cần tìm. ông cũng không cho họ biết đó là mình, ở ông có cái gì đó vừa châm chọc, vừa nghiêm túc, vừa uyên bác, vừa hay tỏ ra ngớ ngẩn, để rồi ta luôn bất ngờ với cách ông trả lời những người cần ông giúp, đầy khôn ngoan, thông minh và đầy tình thương. Ngay khi đó, ta chợt tin rằng con người kì quặc này có phép lạ thực sự, một thứ phép lạ được sinh ra đối với những người khổ tu, những kẻ tự giam mình vào chính tội lỗi của mình để xa lánh mọi phù phiếm của cuộc đời. Tôi nghĩ đến những vị tu sĩ ấn Độ, những người mà những mẩu chuyện của họ tôi hay đọc đâu đó trong tiểu thuyết thể hiện sự khôn ngoan cũng như khả năng kì lạ họ có mà tôi không thể hiểu và tin nổi. Bộ phim cũng không cho ta biết liệu cha Anatoly có thực sự có đoán đúng được tương lai, nói đúng được về người chồng đã mất mà một người vợ dạo gần đây hay mơ thấy hiện về, về đứa trẻ sẽ ra đời của một cô gái lỡ dại có mang… Nhưng trong giọng nói quyết đoán, trí tuệ đầy thuyết phục, ta cứ tin như thể những người theo đạo Thiên Chúa tin vào vị Chúa của họ vậy. Nhưng trong ông lúc nào cũng ngập tràn cảm giác tội lỗi.

Những đoạn kinh được đọc xuyên suốt cả bộ phim, những hình ảnh lầm lũi của ông già đi lấy than, kéo theo cái xe cút kít trở than, thân thể già nua, trong cái lạnh căm của xứ sở Nga tuyết phủ, ta luôn có cảm giác ông sẽ ngã bất cứ lúc nào, rồi góc máy được đưa về toàn cảnh, những cảnh rộng, tĩnh thể hiện vóc dáng nhỏ bé, đơn độc, trong một bối cảnh đơn giản, mê hoặc vì sự tương phản của con người và thiên nhiên, cho ta cảm nhận được vô cùng rõ ràng sức nặng của tôn giáo phủ lấp trong cả bộ phim. ông không bao giờ ngã, ở ông có một đức tin vô cùng rõ rằng, triệt để, một thứ sức mạnh vô hình giúp ông làm được những việc cần làm, một kiểu trả món nợ với đời, món nợ với Chúa về tội lỗi mình gây ra. Không có gì ngoài tội lỗi của chính mình trong con tim khối óc của ông trong suốt từng ấy năm trời. Sự tuyệt vọng khi cầu xin tha thứ từ chúa, sự hoang dại trong cách sống, luôn khiến những người đồng đạo cảm thấy kì quặc và khó gần, nhưng ai cũng phải nể trọng, nể trọng lối suy nghĩ khôn ngoan, cách hành xử không toan tính và hết lòng với vị Chúa của họ. Tôi nhớ nhất một trường đoạn, phòng ngủ của vị trưởng tu viện bị cháy, nên ông quyết định xuống ngủ cùng với cha Anatoly. Ông cha đạo mang xuống đấy một cái chăn rất dày ấm, và có một đôi boot rất đẹp. Đang đêm ông ấy tỉnh giấc vì có tiếng động lạ, và hoảng hốt thấy cha Anatoly đang dùng kéo cắt đôi đôi giày của mình, và ném chúng vào lò lửa. Ông hỏi: Cha đang làm cái gì đấy?

Cha Anatoly trả lời: Tôi đang đọc cuốn sách về tội lỗi loài người. Khi tôi đọc xong, tôi sẽ ném nó vào trong lò lửa, vậy là không còn tội lỗi nữa.
Quả thực, những thứ ngoài thân thể, mang đến tiện nghi và một đời sống sung túc tránh xa sự khốn khổ khiến cho đời sống tu hành trở nên quá thi vị và đánh mất đi khả năng tiếp cận với Chúa của những nhà tu. Chúa đã chịu mọi tội lỗi hộ loài người trên cây thánh giá, vậy phải chăng, để thấu hiểu được lòng Chúa, để làm được tất cả những điều mà Chúa răn dạy, họ phải dám từ bỏ sự tiện nghi cho chính mình, dám hy sinh để đẩy mình vào nơi mình có thể chạm tới bản năng của mình nhất. Cha Anatoly không cần đọc sách để hiểu điều đấy, cả đời ông, trong cõi lòng mình, ông đã tự nghiệm sinh và hiểu được vị Chúa của mình.

Bộ phim gợi nhắc rất nhiều đến nhà làm phim vĩ đại Tarkovsky, những cú máy dài đầy kiên nhẫn mang đến vẻ đẹp vô cùng mệ hoặc của một nơi nào đó ở nước Nga, sự tương phản của mặt biển, của mùa đông, những gì rất tự nhiên, nó lột tả vô cùng chân thực cái bản chất của con người trong tự nhiên, vẻ đẹp đượm buồn nhưng tinh tế, như cách hòn đá lia trên mặt nước, những cú nảy bật được nói tiếp nhiều lần khiến ta mê mẩn và không thể nào dứt khỏi màn hình. Một cách tự nhiên nhất, ta chợt thấy như thế ta cũng hiểu về dòng Chính Thống giáo đấy như những vị cha đạo kia, để rồi ta chợt thấy lòng ngu muội của mình khi nhìn cách anatoly tu hành, cách ông đối diện với tội lỗi, cách ông biết được thế nào là đủ, biết được mình cần gì để cho đời sống của mình trọn vẹn, để mục đích của cùng của đời ông là sự tha thứ của Tikhon, và sự cứu rỗi của Chúa.

Facebook Comments Box

Comment