Khi người cha thốt lên trước Chúa Trời rằng: “tại sao Người biết rằng con gái con bị hãm hiếp, và con sẽ trả thù, mà người vẫn để mọi chuyện xảy ra. Con không thể hiểu nổi Người nữa?”, Ingmar Bergman đang muốn đưa ra câu hỏi muôn đời về đức tin đối với tôn giáo của con người. Liệu đức tin có phải là điều cần phải nghi ngờ và do dự, liệu Chúa Trời có chấp nhận sự nghi ngờ vào phán quyết của Người, và liệu con người, bằng bản năng nguyên thuỷ của mình, có đủ sức níu giữ được đạo đức trong những tình huống ngặt nghèo nhất của đời sống.

Bằng cốt liệu đơn giản là câu chuyện cổ ở thế kỉ thứ 13 của Thuỵ Điển, một người con gái còn trong trắng trên đường đi đưa nến đến nhà thờ đã bị hai gã chăn dê hãm hiếp, sau đó, người cha của cô gái đã trả thù, đạo diễn Ingmar Bergman và biên kịch Ulla Isaksson đã xây dựng một bộ phim để nêu bật lên cái xấu và cái tốt trong bản chất cuộc sống của con người bằng sự tàn bạo, sự báo thù, lòng khoan dung và sự hối lỗi.

Bộ phim bắt đầu bằng cảnh quay một cô gái đang mang thai, khuôn mặt hoang dại, và đôi mắt đầy thù hận, cô đang cầu xin thần Odin đến cứu giúp cô. Ta không hiểu chuyện gì xảy ra. Bergman bắt đầu câu chuyện bằng một nút mở, để từ đó những khuôn mặt khác nhau xuất hiện, tạo nên một không gian phức hợp của một gia đình giàu có, mà trong đó, cô gái mang thai bị hắt hủi vì đứa con hoang cô đang mang. Mỗi nhân vật trong hiện trong bức tranh quê ở thời trung cổ tại Thuỵ Điển được khắc hoạ bằng góc máy và hành động để nêu bật lên chân dung mỗi người.

Một cú máy tĩnh quay toàn cảnh bữa ăn của gia đình, đạo diễn Ingmar Bergman dàn cảnh với từng vị trí giống như bức tranh nổi tiếng Bữa ăn tối cuối cùng do Leonardo DeVinci, tạo cho ta một cảm giác rất rõ ràng về niềm tin tôn giáo, sự mộ đạo của gia đình. Cứ vậy, những cú máy của nhà quay phim hai lần nhận giải Oscar Sven Nykvist tạo ra những khuôn hình chặt chẽ và đầy ý nghĩa để cùng với những diễn viên lột tả được sự chân thực của câu chuyện mang đậm màu sắc tôn giáo của bộ phim.
71prCOAr6FL._SL1024_

Là một gia đình mộ đạo, họ muốn con gái họ – cô gái đồng trinh Karen phải đi đưa nến đến nhà thờ như một nghi lễ cần làm của những người Công Giáo. Karen được nuông chiều, yêu thương, trong sáng, ngây thơ, cô được cha mẹ mình rất mực yêu thương. Cô được ngủ nướng đến tận trưa, được làm những gì mình thích.  Sự chú trọng của kịch bản vào nhân vật cô gái đồng trinh như muốn nhấn mạnh đến tính chất vô tội, để từ đó đẩy đến cao trào về sự thử thách của Chúa trời dành cho người cha, dành cho khán giả xem phim về lòng khoan dung và sự thấu hiểu khi cô gái đó bị những gã chăn cừa hãm hiếp trên đường đi đến nhà thờ làm lễ. Trong lịch sử điện ảnh, cảnh phim hãm hiếp được Ingmar Bergman thể hiện trong The Virgin Spring là một trong những cảnh phim gây ám ảnh nhất. Nó cho ta thấy được bản chất của cái ác và cái tốt, cho ta nhìn một cách trực diện vào thú tính của con người trước một hình hài trinh nguyên vô tội.

Ingmar Bergman thể hiện câu chuyện đơn giản, không thể đơn giản hơn, nhưng bằng sự tài tình của đạo diễn lớn, ông đã đưa ra diễn giải một cách vô cùng tinh tế về đạo đức của con người. Khi người cha làm đi chặt cành cây để tự quật lên người mình trước khi trả thù cho con gái như một thủ tục cần thiết để xưng tội, ông đã để mặc cho bản năng nguyên thuỷ của mình được bộc phát. Một chút lòng thương hại cuối cùng chỉ được được nhen nhóm lên 1 khoảnh khắc, trên khuôn mặt đau khổ đó, nhưng nó không đủ sức thắng được sự giận dữ và bản năng của mình. Thay vào đó, chân dung của người mẹ cô gái hiện ra, trong nét đẹp của sự cuồng tín và sùng đạo, những ẩn ức về lòng trắc ẩn được hiển lộ, đau đớn và buồn bã, thương hại và khoan dung.

Một tác phẩm khắc hoạ một cách vô cùng sâu đậm tất cả những gì liên quan đến tôn giáo, bao gồm cả sự vô thần hay theo tà giáo, The Virgin Spring, đặt ta vào một thứ triết thuyết đơn giản của cuộc sống về đạo đức, cái tốt, cái xấu, mà mỗi cá nhân tự tìm thấy cho chính mình qua những hình ảnh phản chiếu niềm tin tôn giáo. Một dòng suối tươi mát chảy ra bên dưới chỗ nằm của xác chết cô gái đã hoá giải mọi thù hận và giúp Ingmar trả lời cho niềm tin của ông vào Chúa. “Phúc cho ai không thấy mà tin”. Nhưng tôi muốn tin rằng,  cái phúc đấy, nằm ở lòng khoan dung và sự vị tha cho chính tội lỗi của mình, cũng như tội lỗi của người khác gây ra cho mình.

Thông tin thêm: Bộ phim đã đoạt giải Oscar dành phim nước ngoài xuất sắc nhất năm 1961.

Facebook Comments Box

Comment