3 bảng quảng cáo bỏ hoang từ năm 1986 trên con đường ít người lui tới một ngày có ảnh hưởng to lớn đến một thị trấn nhỏ bình yên ở vùng nông thôn nước Mỹ. Có lẽ chỉ có những đạo diễn tài năng như Martin McDonagh mới có khả năng phát triển câu chuyện một cách tài tình từ những thứ tưởng như vô dụng như vậy.

Three billboards là bộ phim thứ 3 của đạo diễn người Ai Len Martin McDonagh, và một lần nữa, anh khẳng định bản thân trong thể loại hài đen với những yếu tố mang tính châm biếm trong một xã hội vốn tưởng như bình yên nhưng bên trong nó là những sai lầm và sự thù ghét vốn luôn luôn sẵn sàng bùng lên khi có dịp. Three billboards càng đúng hơn khi đặt trong xã hội Mỹ ở thời điểm hiện tại với vị tổng thống mới đang khuấy lên trong lòng nước Mỹ những sự thù địch không đáng có.

Trong một lần lái xe qua con đường vắng chẳng còn mấy người đi, Mildred Hayes (Frances McDormand) nảy ra ý tưởng thuê 3 tấm biển quảng cáo bỏ không. Bà đi thẳng đến hãng cho thuê quảng cáo, bỏ ra 5000 usd cho tháng thuê đầu tiên để đặt vào đó 3 tấm biển. Tấm biển số 1 ghi là: “Bị hãm hiếp trong khi hấp hối”, tấm thứ 2 ghi là: “Và đến giờ vẫn chưa ai bị bắt?”, còn tấm thứ 3: “Sao lại vậy hả cảnh sát trưởng Willoughby?” Những chữ đó trên nền đỏ thẫm nổi bật trên đường như một sự thách thức. Quả thực, Mildred người mẹ mất con cách đây 7 tháng đang thách thức công quyền vì họ đã thất bại trong việc tìm bắt thủ phạm hại chết con gái họ.

Ebbing ở vùng Misouri vốn dĩ là một thị trấn bình thường, đơn điệu, đồn cảnh sát với những nhân viên lười biếng và rảnh rỗi dưới trướng cảnh sát trưởng Willoughby (Woody Harrelson) mẫn cán. Nhưng Mildred chưa bao giờ bình yên kể từ ngày cô con gái mất. Nỗi đau khổ, sự mất mát thấm đẫm trên khuôn mặt gầy khắc khổ của người mẹ. Đôi khi quá khứ quay về, sự cay nghiệt của bà với con gái như châm thêm vào vết thương khiến nó mãi không thể lành. Và đặc biệt, bà không thể chấp nhận được việc kẻ thủ ác chưa bị bắt.

Những tấm biển được dựng lên. Truyền hình đến đưa tin, những người dân đồng cảm với bà nhưng không ủng hộ việc bà làm. Vì trong mắt họ, viên cảnh sát trưởng Willoughby là một người tốt, một người đàn ông mẫu mực. Còn cảnh sát thì bực tức và khó chịu. Họ đã cố gắng như lời giải thích của Willoughby, có những trường hợp không thể tìm ra được thủ phạm và đôi khi thủ phạm chỉ có thể xuất hiện tình cờ, sau một thời gian dài. Còn Dixon (Sam Rockwell) – viên cảnh sát dưới quyền có tính cách kì thị chủng tộc và dễ dàng nổi nóng có những hành động bốc đồng bằng bạo lực để giải quyết vấn đề.

Nhưng dù gì, Mildred vẫn quyết tâm với hành động của mình, mặc cho cha xứ đến khuyên bảo, hay đứa con trai tỏ ra bực bội vì bà mẹ làm cậu bé phải nhớ lại chuyện khủng khiếp của chị mình mỗi ngày đi học. Mildred nghĩ khác, đó là hy vọng duy nhất của bà để công chúng còn nhắc đến, tức là cơ hội tìm ra thủ ác mới còn. Sự xuất sắc trong diễn xuất của Frances McDormand khiến đôi khi làm chúng ta nghẹn lại. Luôn tỏ ra mạnh mẽ, nhưng sâu thẳm bên trong là một trái tim kiệt quệ, yếu đuối. Bà thương con, muốn tìm lại công lý cho con. Nhưng có thể thấy bà vẫn chỉ là một người phụ nữ quê mùa bị chồng cũ bạo hành, luôn cố gắng kìm nén cảm xúc để có thể giữ vững được thái độ cương quyết của mình với cảnh sát.

Điều đó vô hình chung đã làm động lòng cả viên cảnh sát trưởng đang bị ung thư sắp chết. Ông ta không phải không muốn hoàn thành công việc, mà bất lực trước chứng cứ không có, không đủ để tìm ra kẻ thủ ác. Harrelson hoàn thành tốt vai trò của mình trong phim. Còn Sam Rockwell mới thực sự là một vai diễn đột phá. Tay cảnh sát ưa bạo lực, kì thị chủng tộc, nhưng bám váy mẹ là đối trọng hoàn hảo của Mildred. Thái độ của cả hai quyết định bộ phim, đầy bộ phim tiến về phía trước, giúp câu chuyện được hoàn thiện.

Chỉ khởi đầu với 3 tấm bảng quảng cáo, đạo diễn đã vô cùng tinh tế xây dựng nên một bộ khung tuyệt vời để từ đó, kể về những phận người trong xã hội hiện đại với tội lỗi và việc cố gắng sửa sai nhưng rồi mọi chuyện rối tung như bất kì ai trong chúng ta. Nó là chân diện thực của xã hội với bạo lực và kì thị. Âm nhạc đồng quê đã làm cho bộ phim có một tiết tấu vừa phải, chậm rãi, nhưng mang đậm chất Mỹ. Điều này gây nhiều tranh cãi vì một đạo diễn châu Âu liệu hiểu bao nhiêu về nước Mỹ? Nhưng có điều chắc chắn, nếu đặt câu chuyện ra ngoài bối cảnh thì bộ phim có thể đặt ở bất cứ đâu, nơi dân chủ tồn tại, và nơi con người cần tìm thấy công lý mà họ xứng đáng được có. Three Billboards outside Ebbing, Misouri do đó hoàn toàn xứng đáng được xướng tên trong lễ trao giải Oscar 2018.

Facebook Comments Box

Comment