Mùa hè sắp trôi qua, những ngày nắng nóng cuối cùng chợt quay trở lại khiến tôi nhớ những ngày tôi ở Ý vào mùa hè năm ngoái, tôi đã liều mạng nhảy từ trên vách đá xuống biển, vách đá không cao, nhưng mặt nước biển địa trung hải xanh ngắt, yên bình đầy đe dọa đã suýt chút nữa thắng được nỗi ham muốn nhảy xuống của tôi. Tôi luôn thấy một giới hạn bao vây lấy lý trí của mình, một giới hạn khiến cho nhiều điều tôi muốn mà không dám làm nếu không cố gắng hết sức mình, vắt tâm hồn qua cái hàng rào đó để thoát ra khỏi sự sợ hãi đơn thuần cuộc sống. Tôi nhảy. Khoảng khắc chạm mặt biển là khoảng khắc tôi nói với thần Chết rằng: “Này, đừng hòng bắt được ta, ta còn phải sống đã”. đó là câu nghĩ luôn ở trong đầu tôi, đã theo tôi nhiều năm trời, sau khi tôi đọc xong quyển sách Zorba – con người hoan lạc (Zorba The Greek) của Nikos Kazantzaki – nhà văn, nhà triết học người Hy Lạp. Chính vì vậy, tôi luôn tâm niệm rằng đấy là một trong những quyển sách đã ảnh hưởng rất đến cuộc đời tôi, đặc biệt nếu ta đọc nó khi ta còn rất trẻ, còn đang đầy nông nổi, và bối rối tìm cách vượt qua những giới hạn vô hình nhưng bao quanh ta thật chặt bằng những quy chuẩn đạo đức từ bên ngoài chi phối thì nó thực sự có ý nghĩa lớn lao cho cách ta sống tiếp trên đời này.

Đây không phải là quyển sách dành cho những ai quá nhiều nguyên tắc sống, quá nhiều những luân lý chuẩn mực đạo đức phải tuân theo, những kẻ tham vọng đạt được thành công trong xã hội, “những kẻ lấy việc sống cuộc đời mình, ăn uống, làm tình, trở nên giàu có và nổi danh làm mục đích”. Không, nó dành cho những tâm hồn muốn được hiểu thế nào là tự do, thế nào là sống, những tâm hồn còn đang trăn trở băn khoăn về cuộc đời, những kẻ mê đắm hành trình của Christopher McCandless (trong tác phẩm Into the Wild) nhưng không đủ sức mạnh để vứt bỏ đi cuộc đời thường nhật mà lao thân mình vào một nơi trốn mà mình không chắc mình có thuộc về hay không, những người mê mẩn hành trình xuyên xa mạc của Robyn Davidson đã được dựng lại thành một bộ phim rất hay vào năm 2013 với tựa đề là Tracks dựa theo hồi kí của bà.

Zorba là một lão thủy thủ già, một Sinbad – nhà hàng hải, người đã lăn lộn với cuộc đời, trải qua tất thảy những niềm hạnh phúc, khoái lạc cũng như đau khổ của kiếp làm người, một ông già có thể làm đủ thứ việc trên đời, có khả năng chơi đàn Santuri đầy mê hoặc, và chứa đựng trong mình lão những câu chuyện vô giá về những trải nghiệm mà đời một người bình thường không thể có. Giọng nói khỏe khoắn, tự tin, thẳng thừng, lão gây ấn tượng mạnh ngay lần đầu tiên đến nhân vật tôi, một gã đàn ông trẻ, đang dự định đến hòn đảo Crete hiu quạnh hẻo lánh để khai thác mỏ than, đồng thời là một nhà văn, đang có những trăn trở lớn về một tác phẩm về Phật qua nhân diện của cuộc sống. Vậy là họ đi cùng nhau đến đảo Crete, một gã trẻ còn đang mơ mộng, chứa đầy trong đầu sách vở, những trải nghiệm tự có thì ít mà thâu nạp qua sách vở thì nhiều. Một đầu óc khôn ngoan nhưng dập khuân và thiếu sắc thái quyến rũ của việc trải nghiệm bằng chính bản thân mình, điều mà Zorba có rất nhiều, không những nhiều, mà sâu sắc và luôn đạt tới cực hạn, không bao giờ nửa vời. “Thượng đế chắc hẳn phải chán ghét ma quỷ nửa vời hơn rất nhiều một kẻ đại ma quỷ”, Zorba nói. Đi theo hai người họ, sống cùng họ tại ngôi làng tại đảo Crete trong suốt những trang sách của Nikos là một hành trình tuyệt vời mà một quyển sách có thể mang lại, vì nó vô cùng sống động, vô cùng tinh tế, vô cùng ấn tượng cho bất cứ tâm hồn mơ mộng nào.

Ở ngôi làng đó, Zorba nói về tình yêu, về đàn bà, về cuộc sống và về cả tôn giáo. “Trong đời người đàn ông, thì nhất thiết phải làm việc cật lực, chơi hết mình, và nếm vị đàn bà” Zorba nói vậy. Quả là phi thường trong cách Zorba nghĩ về đàn bà, yêu đàn bà và hết lòng vì họ “Vậy thì ai đã tạo ra cái mê cùng ấy của phân vân do dự, cái điện thờ ấy của kiêu sa, cái bình chữa tội lỗi ấy, cái cánh đồng với muôn ngàn hạt giống lọc lừa, cái cổng vào địa ngục, cái lẵng quả đầy tràn xảo quyệt, cái thứ thuốc độc ngọt như mật ong, cái dây xích cột chặt chúng sinh vào cõi trần ai này: đàn bà?”. Đây là điều đầu tiên tôi muốn nhắc đến Zorba, cái giống đực mạnh mẽ luôn luôn muốn hưởng lạc thú ở đời, mà đàn bà là cái vị ngọt nhất mà ta có thể nếm. Nhưng không chỉ vì nếm mà lão già đó coi thường hay xem đàn bà chỉ là đồ trang sức, lão yêu hết lòng, lão thương họ, lão thấy thân phận buồn bã của những người phụ nữ lão yêu, nên lão thấu hiểu hơn ai hết họ yếu đuối và đáng thương thế nào. Để rồi lão bảo vệ, che chở, đôi khi sẵn sàng hy sinh cái tôi to đùng của mình hòng làm một người đàn bà hạnh phúc.

Zorba quả thực là một kẻ biết và hiểu cuộc sống đến tận cùng. Lão chấp nhận để trái tim mình bị xé toạc, đầy vết thương, vì đối với lão, một cuộc đời đáng sống là một cuộc đời không phải cứ chăm chú tìm kiếm kiến thức và sự uyên bác qua sách vở, mà là một cuộc đời dám bứt mình ra khỏi những giới hạn giam cầm khiến mình không bao giờ dám làm điều mình muốn. Chẳng thế mà khi nhân vật tôi, một đêm dứt được cái chấp ngã đầy dè dặt đối với phụ nữ đã chạy đến vòng tay của một người đàn bà để làm tình, đã thực sự tìm thấy niềm hoan lạc trong tâm hồn, mà anh cứ mãi hoài tìm kiếm qua những đêm nằm vắt tay lên chán, nhìn sao trời để rồi chẳng thể thoát ra được sự bế tắc.
alexis-zorba-con-nguoi-hoan-lac

Chúng ta ai cũng đôi lần tự hỏi ý nghĩa của cuộc đời ta là gì? Ta sinh ra để làm gì nếu như sẽ phải chết đi. Ta sống, học tập, làm việc, lấy vợ, lấy chồng, rồi ổn định rồi chết. Lãng xẹt và vô vị? Tùy theo hệ quy chiếu của mỗi người mà suy xét. Nhưng mạn phép tôi đặt hệ quy chiếu vào Zorba để nói vì tôi giống như anh nhà văn mơ mộng trong cuốn sách, tiền bạc luôn là thứ gì đó ngoài thân mà chỉ cần cố công thì không lý do gì ta không lấy lại được, nhưng có một người bạn như Zorba thì có đánh đổi bất cứ thứ gì trên đời cũng đáng. Có điều khác ở Zorba mà tôi rất thích, đó là sự thấu hiểu Thượng Đế chí tôn mà không một nhà tu hành nào có thể hiểu được. Zorba luôn chỉ coi mình là con sâu trước Thượng đế nhưng chính vì thế, ông nhận ra rằng không có thượng đế nào chừng phạt con người nếu họ vi phạm 10 điều răn cả, vì rốt cuộc, thượng đế đã cũng tạo ra ma quỷ, tạo ra satan cho chính mình “Sếp có để ý thấy mọi cái tốt đẹp trên đời đều là phát minh của ma quỷ không? đàn bà đẹp, mùa xuân… đều do ma quỷ tạo ra hết!, thượng đế chỉ tạo ra tu sĩ, chay tịnh, trà cúc và đàn bà… xấu xí”. Zorba một một kẻ hiện sinh đúng nghĩa, một người chứa đựng tinh thần hiện sinh của cả Camus lẫn Satre, cả Nietszche lẫn Kierkegaard. Một kẻ vùng vậy thoát ra khỏi sự sắp đặt và cố chấp của loài người, xã hội để vươn tới tự do tuyệt đối cho bản thể, một kẻ tự cắt đứt dây diều của chính mình để mặc cho gió thổi bay đến đâu thì đến, hoặc tệ nhất là rơi xuống đất. Quá khứ và tương lại không chạm được vào ông, mọi thứ ông đang sống là dành cho hiện tại, rượu, công việc, đàn bà và tình nghĩa với người mình yêu quý.

Tất nhiên câu chuyện không chỉ là những câu chuyện của Zorba, về cách ông nghĩ về cuộc đời, câu chuyện đan vào đó là cuộc sống của ngôi làng hẻo lánh, nơi ai cũng biết nhau, nơi những suy nghĩ bị bó chặt và đầy hạn hẹp, nơi lòng vị kỉ và sự hiểu biết không thoát ra khỏi mép nước của hòn đảo. Tại đó, Nikos cũng lột tả được phần nào phẩm hạnh của con người, của cách họ đối xử với nhau, của tư duy nông cạn về những gì mắt thấy hơn là đi vào chiều sâu của vấn đề. ở đó, có nhà thờ và những vị tu sĩ, họ là đại diện của Chúa nhưng dường như tính tình còn vụn vặt và nhỏ nhen hơn kẻ vô thần mà hữu thần Zorba vô cùng nhiều.

Một cuộc đời có thể ngắn có thể dài, nhưng nó không bao giờ nên được đo bằng con số cụ thể về mặt số học, nó nên được đong đếm bằng những vết rách của trái tim, và sự hư vô mênh mông của tâm hồn. Zorba không phải chỉ là kẻ biết chơi, biết yêu, mà còn là kẻ hiểu đời, hiểu thấu sự hữu hạn của đời sống. Lão nói đáng lẽ với những người như lão, thì hẳn phải đáng sống một nghìn tuổi để nếm trải cho toàn vẹn vị của cuộc đời. Vì chỉ có những kẻ như lão, mới biết nấu món súp tuyệt diệu cho tâm hồn, lão còn hơn một nhà hiền triết, một trí thức, một kẻ chỉ ngồi bên bàn giấy và đọc hết cuốn sách này đến cuốn khác, bản thân lão là một quyến Almanach về kiếp nhân sinh. Lão đã kinh qua hết hảy, chiến tranh, giết người, thương xót, hối hận, có gia đình, có con cái, rồi mất tất cả, rồi lang thang, tứ cố vô thân, chỉ có cây đàn làm bạn, và những điệu nhảy tự do làm thay cái miệng lão giúp lão trút khỏi đầu óc mình những câu chuyện lão muốn nói.

Tôi đã khóc khi đọc xong cuốn sách, tôi không bao giờ nghĩ đến việc giấu giếm giọt nước mắt, thứ mà người ta sẽ cho rằng nó thật yếu đuối nếu được rơi ra từ một người đàn ông. Zorba cũng bảo rằng không nên khóc trước mặt đàn bà, nhưng trước mặt đàn ông thì không sao, đàn bà yếu đuối, nếu ta khóc thì họ biết bám víu vào ai. Tôi đã khóc trước Zorba, một con người tuyệt vời, một nhân cách tối thượng mà một con người có thể đạt được. Tôi thấy mừng vì tôi đã được biết đến ông, và cũng từ đó tôi thấy buồn vì tôi lại thấy mình giống anh nhà văn kia, những suy nghĩ cứ đầy ắp và bất tận, đầy hoài nghi và đầy những câu hỏi không thể trả lời, để rồi thời gian trôi, tôi sẽ thấy mình đã không làm được những điều mà mình muốn, tôi đã không dám và không thực sự mạnh mẽ đi theo con đường của mình. Tôi sẽ không dám thoát ra khỏi Hà Nội của mình, không nghe theo tiếng gọi của trái tim mà vứt mình vào những con đường dài bât tận trên hành trình nước Mỹ mà tôi luôn luôn tâm niệm và ấp ủ. Tôi chợt thấy tôi đang già đi ở tuổi 27 này. Tôi thấy tôi sẽ không dám nhảy từ vách đá xuống biển. Hay không dám lao xuống bể bơi nơi có độ sâu 3 mét để tập bơi một mình nữa. Tôi chợt buồn nhận ra rằng, Zorba là nguồn cảm hứng để tôi làm người, nhưng tôi lại chỉ dùng nguồn cảm hứng đó để nghĩ, nghĩ hoài về số kiếp mình, mà rồi chẳng có hành động nào xảy ra. Lúc này đây, tôi thực muốn hôn người phụ nữ tôi muốn yêu, tôi nghĩ, liệu trong sự mê đắm đó, tôi có chịu vứt hết mọi thứ khác đầy ắp trong đầu, để chỉ sống cùng nụ hôn đó, khiến nó đê mê bất tận. Tôi xin trích dẫn một câu cuối của Zorba đại để là, hãy để phụ nữ cảm thấy họ đang mang lại khoái lạc cho ta, chứ đừng để họ cảm thấy ta nghĩ ta mang lại khoái lạc cho họ.

Gã đó là Zorba, người Hy Lạp, gã Sinbad bằng xương bằng thịt, gã tôn thờ sự sống và hưởng nó trọn vẹn đến giờ phút cuối cùng của cuộc đời.

PS: Những câu trong ngoặc kép là trích dẫn, có thể đúng nguyên văn, có thể sai khác 1 chút vì không phải câu nào cũng được tôi chép lại từ quyển sổ của mình, nhiều câu tôi nhớ mang máng nội dung như vậy.

Bản dịch tác phẩm của Dương Từờng, nhà xuất bản Nhã Nam.

Facebook Comments Box

Comment