Tuấn Lalarme

20 năm ra đời, Titanic vẫn mãi là bộ phim “ai xem cũng khóc”

20 năm ra đời, Titanic vẫn mãi là bộ phim “ai xem cũng khóc”

Đúng 20 năm về trước, bộ phim Titanic ra mắt khán giả đại chúng. Ngay sau đó, nó trở thành hiện tượng toàn cầu với doanh thu cao nhất mọi thời đại tính cho đến thời điểm đó. Bộ phim đưa James Cameron trở thành đạo diễn vĩ đại, biến nam diễn viên Leonardo DiCaprio thành diễn viên trẻ được yêu thích nhất, còn Kate Winslet mãi là nàng thơ của Hollywood. 20 năm sau, người ta vẫn không ngừng nói về nó.

Chiến thắng của một chuyện tình buồn

Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Vanity Fair nhân kỷ niệm 20 năm ngày ra mắt bộ phim, James Cameron phàn nàn về việc suốt bao nhiêu năm qua, khán giả chất vấn ông về tình huống cuối phim, đáng lẽ Jack (Leonardo DiCaprio thủ vai) có thể sống sót nếu lên nằm cùng với Rose (Kate Winslet) trên cánh cửa:

“Câu trả lời rất đơn giản, đó là vì trang 147 của kịch bản phim viết rằng Jack phải chết. Cực kì đơn giản. Tất nhiên đó là một lựa chọn nghệ thuật, cái cánh cửa ấy chỉ đủ lớn để chứa Rose, nhưng không đủ lớn để chứa Jack. Tôi nghĩ là chuyện người ta vẫn tiếp tục bàn tán về nó tận 20 năm sau khá là ngớ ngẩn”.

Quả thực, chính nhờ cái chết đó của Jack, mỉa mai thay đã giúp Titanic được ghi nhận là một trong những bộ phim có cái kết ấn tượng nhất trong lịch sử điện ảnh. Nỗi đau của nàng Rose khi còn sống và chứng kiến người mình yêu chết để cứu mình cũng chính là nỗi đau của khán giả khi chứng kiến một nhân vật vô cùng đáng mến đã không thể sống sót để bảo vệ tình yêu.

Nhưng mặc dù nó mang đến nỗi buồn vô tận cho khán giả, cái kết đó chính là chiến thắng của nghệ thuật theo lời Cameron. Vì điện ảnh, xét cho cùng, chính là bộ môn nghệ thuật có khả năng lôi kéo cảm xúc và khiến khán giả chìm đắm vào số phận nhân vật dù mối giao kết chỉ qua màn ảnh rộng mà thôi.

Dựa theo sự kiện có thật vào năm 1912 khi con tàu khổng lồ Titanic bị va phải tảng băng trôi và chìm ở Đại Tây Dương, đạo diễn James Cameron đã tiểu thuyết hoá bằng một kịch bản lấy yếu tố tình yêu lãng mạn làm trọng tâm trên nền bi kịch vĩ đại của con người trước thiên nhiên.

Rose là một cô gái tiểu thư đài các bị ép gả cưới cho một anh chàng công tử giàu có hòng giúp gia đình thoát khỏi giai đoạn khó khăn về mặt tài chính. Còn Jack là một thanh niên trẻ ngang tàng, một nghệ sĩ tài năng nhưng không có đồng xu nào trong túi, một đứa trẻ mồ côi sống bằng tài lanh của mình. Một người ở khoang hạng nhất, và một kẻ nằm ở khoang hạng bét. Họ gặp nhau, và tìm thấy nhau sự đồng điệu trong tâm hồn, điều mà họ chưa bao giờ có trước đây. Rồi họ yêu nhau.

Cứ vậy, trên nền của thảm hoạ mà con tàu khổng lồ phải hứng chịu do sự ngạo mạn của loài người, là bi kịch Shakespeare. Bộ phim chính là Romeo và Juliet thời hiện đại.

Nhưng điều gì đã khiến hãng 20th Century Fox và Paramount dám bật đèn xanh cho một bộ phim tình cảm dài hơn 3 tiếng được thực hiện. Cameron kể, khi ông đưa kịch bản cho lãnh đạo của hãng phim, họ nói “Được rồi – một bộ phim sử thi tình cảm dài ba tiếng? Chắc chắn là thứ chúng tôi muốn rồi, trong phim có chút nào của Terminator không? Có đua xe, bắn súng… không”.

Họ nghĩ đây là phim hành động, vốn đã mang James Cameron danh tiếng khủng khiếp lúc bấy giờ qua bộ phim hành động The Terminator. Thật may mắn, dẫu nghi ngờ về việc bộ phim sẽ thành công, nhưng vì muốn có quan hệ lâu dài với Cameron, nên họ đồng ý, dù ông đã trở lời “Không, không, bộ phim không giống vậy đâu.”

Thành công ở mọi mặt trận, doanh thu và phê bình

Titanic không nghi ngờ gì, là bộ phim thành công nhất của James Cameron trên mọi phương diện. Nhận được 14 đề cử Oscar và dành tới 11 tượng vàng bao gồm cả phim hay nhất và đạo diễn xuất sắc nhất. Nó tương đương với bộ phim kinh điển All about Eve (1950) về số lượng đề cử, và bộ phim Ben Hur (1959) về số lượng giải thưởng. Câu thoại trong phim “Ta là vua của thế giới này” đã nghiệm đúng vào James Cameron. Khán giả lũ lượt ra rạp coi phim mặc cho trước đó, bản thân đạo diễn cũng tưởng phim của mình sẽ trở thành thảm hoạ.

Nhưng nhờ truyền miệng, nhờ sự xúc động của cái kết, nhờ nhạc phim hay và 2 nam nữ diễn viên xuất chúng đã giúp cho bộ phim lan toả rộng rãi. Theo thống kê đa phần phụ nữ đều ra rạp đến vài lần, bản thân Titanic được đánh giá là một trong những phim khiến “nam giới cũng phải khóc.” Do đó bộ phim đã thu đến 1,84 tỷ đô la toàn cầu vào thời điểm đấy. Thêm hơn 300 triệu đô thu được vào năm 2012 khi bộ phim được ra mắt trở lại với định dạng 3D, Titanic trở thành bộ phim có doanh thu cao thứ 2 mọi thời đại chỉ đứng sau Avatar cũng là một bộ phim khác của James Cameron.

Sau khi bộ phim ra mắt, rất nhiều nhà phê bình khen ngợi nó, thậm chí tờ The New York Times còn so sánh phim với Gone With The Wind. Dù cho vài nhà phê bình chê Titanic vì dài, vì thoại không thực sự hấp dẫn, nhưng không thể không phủ nhận công sức của James Cameron trong việc tạo ra một bộ phim sử thi hoành tráng và lộng lẫy.

Đặc biệt bộ phim có ý nghĩa về mặt lịch sử, khi khán giả có thể có một trải nghiệm độc nhất đầy bi thương cách mà thảm hoạ đã diễn ra, và cách mà con người cố gắng thoát khỏi số phận nghiệt ngã của mình.

Và trên một bối cảnh như vậy, tình yêu đã được James Cameron khéo léo cài cắm, đẩy câu chuyện tiến lên, giúp khán giả có thể thấu cảm tình yêu của Jack và Rose để rồi, những giọt nước mắt dành cho bộ phim là thật và có giá trị bất biến với thời gian.

Có thể ở thời điểm hiện tại, nhiều người thấy không bộ phim không còn hay nữa, hoặc người ta thấy “ghét” vì nó quá thành công. Nhưng Titanic bằng vào ý nghĩa của nó về khi trở thành một hiện tượng văn hoá đại chúng trong những năm cuối thể kỉ 20, sẽ mãi mãi là một bộ phim “đáng trân quý” dành cho mọi tầng lớp khán giả.

Nó là bài học của con người trước thiên nhiên, nó là tuyên ngôn tình yêu của con người trước mọi bất hạnh và nó là bằng chứng cho tài năng tuyệt vời của James Cameron trong việc khiến thế giới này phải ngạc nhiên hết lần này đến lần khác trước khả năng sáng tạo của ông trong nghệ thuật điện ảnh.

Exit mobile version