Hôn nhân gia đình luôn là một trong những chủ đề chính trong các tác phẩm của đạo diễn Iran Asghar Farhadi, mà đặc biệt qua những bộ phim như A Separation (2011), The Past (2013) hay bộ phim mới nhất The Saleman mới dành được giải thưởng Oscar cho bộ phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất. Sự xuyên suốt và thống nhất trong chủ đề, nhưng bóc tách dưới những góc nhìn khác nhau không mang đến cho khán giả sự nhàm chán, mà ngược lại, nó cho thấy sự tinh tế của đạo diễn trong mỗi tác phẩm điện ảnh, để sử dụng điện ảnh như một công cụ truyền tải thông điệp về sự tha thứ, về sự thấu hiểu, và đặc biệt là cách mà hai vợ chồng sẽ tiếp cận để duy trì hay làm rạn vỡ cuộc sống gia đình của mình ở cách tối giản nhất. The Saleman vẫn mang đậm dấu ấn của Farhadi như vậy, mỗi khung hình mang ý nghĩa cần thiết để bóc trần cảm xúc của hai nhân vật chính đang giấu đằng sau câu chuyện về sự trả thù của một người đàn ông đối với kẻ thủ ác với vợ mình.
Đây là cách một cuộc sống vận hành. Chúng ta được sinh ra, lớn lên dưới sự che trở của ba mẹ, nhưng rút cuộc sẽ tìm đến một ai đó xa lạ để sống cùng, và lập gia đình. Cùng với họ, ta chịu trách nhiệm trước cuộc đời, duy trì cuộc sống, duy trì xã hội. Hầu như ai cũng vậy, dù kiệt xuất hay hèn kém. Đến một tuổi nào đó, cuộc sống chỉ quẩn quanh trách nhiệm với gia đình, và trách nhiệm với công việc. Đến lúc đó, bên dưới sự bình yên của một gia đình, luôn tồn tại những vết nứt rất nhỏ, mà nếu chỉ cần một tác động nào đó, dù vô tình hay hữu ý, vết nứt sẽ lớn dần, và cuộc hôn nhân đó, sẽ chỉ còn lại sự dày vò và dằn vặt nhau cho đến khi nào, ai đó thực sự thấu hiểu và tha thứ.
Hai người dọn đến ở tạm trong một căn phòng mượn được của bạn bè mình. Chủ trước của căn phòng đó là một người phụ nữ chưa bao giờ xuất hiện trong bộ phim, nhưng dấu ấn của cô ta lại sâu sắc và rõ nét. Từ đó, Farhadi tạo nên được một không khí rất Hitchcock (phong cách tạo ra phẩm chất lơ lửng bí ẩn cho bộ phim rất đặc trưng trong các phim ly kì) khi luôn luôn có một bóng ma chen vào giữa cuộc sống của hai vợ chồng, khiến sinh hoạt của họ bị đảo lộn. Đặc biệt vào một ngày, khi Emad trở về nhà, anh phát hiện ra từ cầu thang đến cửa phòng anh có rất nhiều vết máu, vợ anh không có nhà, cô ấy đã bị thương nặng và vào bệnh viện vì một kẻ đột nhập nào đó đã vào phòng lúc cô tắm và gây thương tích cho cô. Kẻ thủ ác ra đi vội vàng, hắn không lấy cắp gì, ngược lại hắn còn bỏ lại tiền, và để quên chìa khoá xe chở hàng do vội vàng. Điều đó dẫn Emad đưa ra suy đoán rằng, người đàn ông đó đã đến vì người chủ trước của căn hộ, vì hắn không biết hai vợ chồng họ mới dọn đến.
Chấn động về tâm lý đã khiến Rana hoảng sợ, cô yêu cầu chồng nghỉ dạy học để ở nhà với cô, nhưng đồng thời cô cũng muốn ở một mình. Rana trải qua khủng hoảng khi đối diện với nỗi sợ hãi do kẻ ác gây ra, nhưng đồng thời cô cũng muốn bỏ qua mọi chuyện. Sự hằn học, khó chịu, tâm lý mâu thuẫn của Rana đã gây khó chịu cho Emad – người vốn quá bận rộn với công việc dạy học ban ngày, sản xuất một vở kịch (Vở Death of the Saleman của Arthur Miller) vào buổi tối. Anh không biết làm sao để khiến vợ mình yên lòng, không biết làm sao để trút bỏ được sự bực bội trong người. Anh quyết tâm đi tìm kẻ thủ ác. Bộ phim lúc này trở thành hành trình “thám tử nghiệp dư” của Emad đi tìm kiếm kẻ gây thương tích cho vợ. Hành trình đó được bao bọc bên ngoài bằng sự trả thù, nhưng thực chất ở bên trong, Emad muốn tìm kiếm ai đó để trút đi sự mệt mỏi của bản thân. Một lần nữa, Farhadi không thoả mãn khán giả bằng một câu chuyện trả thù, mà ông đặt ra cho chúng ta câu hỏi, có thực vì bóng ma đó mà quan hệ của hai vợ chồng trở nên bất hoà, bất an, hay thực chất, nó vốn đã âm ỉ quá lâu, và chỉ cần một cú chạm thôi, là mọi thứ đã không thể kiểm soát được nữa.
The Saleman có cách xử lý vô cùng hay, bằng những góc máy gần, chiếc handy cam đi theo nhân vật, để lột tả từng lát cắt của cuộc sống ở sự chân thực và bình dị nhất, thông qua sự xuất sắc của dàn diễn viên. Từ đó, đạo diễn lật mở ra những không gian riêng tư của vợ chồng một cách gián tiếp bằng cách ứng xử của họ với người lạ, bằng sự tha thứ, bằng thái độ thù địch và ý định trả thù. Bộ phim The Saleman chính vì thế, hoàn toàn xứng đáng nhận giải thưởng Oscar cho phim nước ngoài xuất sắc nhất. Iran vốn là mảnh đất chứa đựng rất nhiều sự cấm đoán trong đời sống xã hội, nhưng đấy cũng là mảnh đất vàng của điện ảnh, khi mà ở đó, chưa năm nào thiếu vắng những tác phẩm điện ảnh xuất sắc của những đạo diễn gạo cội hay lớp đạo diễn đương đại. Đấy chắc chắn là mảnh đất điện ảnh mà Việt Nam cần học hỏi nhiều để cho ra những tác phẩm đơn giản, kinh phí thấp nhưng chất lượng nghệ thuật vô cùng cao.