Tuấn Lalarme

A simple life – Một cuộc đời đơn giản

Chúng ta cần đến bao nhiêu tuổi để dám nói mình trưởng thành, để nói mình đã đủ trải nghiệm trên cuộc đời, và liệu một cuộc đời phải sống như nào mới khiến ta thỏa mãn, mới khiến ta nhìn vào và nhắm mắt xuôi tay. Tôi không bao giờ quên được câu nói của thầy giáo dạy Triết của tôi hồi lớp 11, “Khi con sinh ra đời tất cả mọi người đều cười riêng mình con khóc, con hãy sống làm sao để khi con chết đi tất cả mọi người đều khóc riêng mình con cười”. “A simple life” – một bộ phim Hồng Kông của tài tử Lưu Đức Hoa, đạo diễn Ann Hui cho chúng ta một góc nhìn giản dị về một cuộc đời, một cuộc đời đơn giản vô cùng nhưng cũng khiến người ta phải suy nghĩ rất nhiều về ý nghĩa của cuộc sống.

Cuộc đời đó là A Đào, một đứa trẻ mồ côi được nhận nuôi trong thế chiến thứ 2 khi Nhật chiếm đóng Hồng Kông. Sau đó bà phục vụ cho bốn thế hệ của một gia đình Trung Quốc, và cuối cùng là phục vụ cho Roger (Lưu Đức Hoa) – một nhà sản xuất phim, người duy nhất của gia đình đó còn lưu trú tại Hồng Công (còn gia đình đã chuyển hết sang Mỹ định cư). Một biến cố xảy ra của tuổi già, bà bị tai biến mạch máu não, vì không muốn làm khó Roger, bà đã quyết định chuyển vào viện dưỡng lão, cho đến hết phần đời còn lại. Tất nhiên đấy là dòng chảy và cái đích đến của 118 phút của phim. Nhưng trong một dòng chảy, một đoạn đường cái quan trọng không bao giờ là đích đến, mà những cái ta gặp trên đường đấy.

60 năm phục vụ cho gia đình đấy, bà đã chăm sóc Roger từ khi cậu mới sinh ra, biết mọi thói quen, quan tâm đến mọi thứ, còn lưu giữ rất nhiều vật kỉ niệm của thời thơ ấu của Roger. Bà là một người giúp việc tận tụy, chu đáo trong từng bữa ăn, trong từng tiểu tiết để gia đình đó mà đặc biệt là cậu chủ Roger thoải mái nhất. Khi bà bị đột quỵ, Roger có bảo bà về nhà ở và sẽ thuê người giúp việc để giúp bà nhưng bà không chịu mà nhất định đi ở viện dưỡng lão. Bà lúc nào cũng lo cậu chủ bị tốn tiền, gia đình của Roger tốn tiền chăm sóc. Là một người phụ nữ trung thành tận tụy hết mức và vô cùng độc lập, bà không cần ai chăm sóc dù trong viện dưỡng lão, luôn cố gắng tự mình làm, từ chối sự giúp đỡ của người khác. Nói như trong đạo Phật (mặc dù bà theo đạo Thiên Chúa), bà đã gieo được nhân tốt để đến bây giờ bà nhận lại một quả tốt tương ứng. Roger mặc dù là một nhà sản xuất phim, và luôn giao tiếp với tầng lớp cao của xã hội nhưng không vì thế anh trở nên xa cách, và lạnh nhạt. Roger và bà Đào đã trở thành một cặp nhân vật thể hiện rõ nhất cái tình người trong cuộc sống. Anh trả nghĩa hết cho người giúp việc, bà vú, người đã chăm sóc anh từ khi anh còn bé. Tình cảm của anh rất đáng trân trọng khi dù còn bận rộn công việc, và là người đã được chăm sóc nuông chiều từ bé nhưng anh cũng hết lòng hết sức chăm sóc bà Đào như người mẹ thứ hai của mình. Roger và bà Đào với những tính cách mà dường như đang dần trở nên khan hiếm trong xã hội hậu hiện đại bây giờ đã mang đến cho chúng ta một thứ tình cảm vô cùng đáng yêu và nồng ấm.

Vai diễn bà Đào của diễn viên Deannie Yip thực sự là một vai diễn vô cùng thành công. Deannie Yip đã thể hiện một cách quá xuất sắc của một người giúp việc chân chất, một người sống đơn giản, giàu tình thương, không bao giờ biết giận dỗi, luôn luôn trung thành và phục vụ hết mình một cách tận tụy, sẵn sàng giúp đỡ người khác khi có thể. Xem bà diễn ta không còn cảm thấy đó là diễn viên nữa mà đó chính là cuộc đời và tính cách thật của bà vậy, từng cử chỉ thái độ và lối diễn thực sự vô cùng thuyết phục, Lưu Đức Hoa cũng vậy, vai diễn đầy nội tâm của anh cũng đã khiến cho câu chuyện trở nên rất thật và đẹp. Ngoài câu chuyện của hai nhân vật chính đó, tuyến nhân vật phụ ở trại dưỡng lão cũng rất thú vị, là viện dưỡng lão nơi những người già cả không nơi nương tựa, những người già bị con cái bỏ rơi, những người muốn vào đấy để tìm sự đồng điệu. Những nhân vật trong đấy đã thể hiện một cách khác những cách sống trong nhiều mảnh đời khác nhau. Một thế giới thu nhỏ, nơi họ như thể là những đứa trẻ phải được chăm sóc tận răng, họ cũng có những tật xấu, và còn có người còn biết hưởng lạc thú của việc đi phố đèn đỏ. Một thế giới đường như đơn sắc nhưng lại chứa đựng những mảnh đời tán sắc một thứ sắc dịu nhẹ và giàu sức sống, những sức sống tàn tạ cuối của nhiều đời người.

“Một cuộc đời giản dị”, bộ phim nhẹ nhàng sâu sắc và cảm động đã cho ta, những người trẻ đang vật vã đi tìm ý nghĩa của cuộc sống những luân lý bất tử của tình người, chỉ có tình người là cái tồn tại vĩnh cửu. Tình người nằm trong chủ nghĩa nhân văn cái mà đang bị che khuất bởi những khuất tật của xã hội kim tiền. Cái tình người đó chính là điều cốt yếu để ta đạt đến, ta hướng tới, đó là điều sẽ định hướng bản ngã của chúng ta. Còn giữ được tình người thì bản thân ta sẽ không bao giờ là người thất bại, vì tình người là sợi dây lý tính vô hình gắn kết những tâm hồn gắn kết lại với nhau một cách vững bền nhất.

Exit mobile version