Tuấn Lalarme

Blue Jay – tình yêu không chỉ có hai màu đen trắng

Kí ức lẩn khuất trong cuộc sống của mỗi người. Nó luôn chờ dịp để có cơ hội quay lại. Bộ phim Blue jay tinh tế nắm bắt khoảng khắc khi kí ức ùa về với hai người từng là tình nhân của nhau, để họ có lại được những giây phút đẹp trong cuộc sống vốn bình lặng ở hiện tại.

Ngọt ngào và cay đắng là hai vị không thiếu của mọi mối tình, vì quả thực không có mối tình nào có thể trọn vẹn. Luôn luôn có những vị đắng len trong vị ngọt tuyệt diệu của tình yêu điều mà sẽ làm cho những kẻ từng là tình nhân sẽ mãi mãi không thể quên được mối tình từng có của mình.

Nắm bắt được điều đó, trong một phong cách mang dáng dấp của bộ ba phim Before của đạo diễn Richard Linklater, đạo diễn Alex Lehmann đã vẽ nên một bức tranh đơn giản, tinh tế và đượm buồn của những gì đã qua được khơi gợi lại bằng sự tình cờ dễ thương và ngọt ngào.

Xảy ra trong một thị trường nhỏ nước Mỹ, Amanda (Sarah Paulson) và Jim (Mark Duplass) bằng một sự sắp đặt tài tình của định mệnh đã gặp lại nhau sau 22 năm chia tay trong một cửa hàng siêu thị. Lúc này họ đều đã chững chạc, đã trưởng thành.

Amanda có gia đình với chồng và hai đứa con riêng của chồng. Jim mới mất việc, chưa có gia đình. Họ tình cờ gặp lại nhau trên giao lộ định mệnh của cuộc đời. Nhận ra nhau và gần như ngay lúc đó, những kí ức mà hai người có với nhau đã sống lại. Họ chào từ biệt, nhưng rồi không thể, họ để lại hai chiếc xe hơi đậu trong khuôn viên siêu thị, họ bắt đầu đi bộ ngược về quá khứ, 22 năm trước, khi họ còn là những người yêu nhau cuồng nhiệt.

Điều thú vị của những cuộc hội thoại giữa những người yêu cũ là điểm dừng. Nếu dừng quá sớm thì chẳng có gì để nói, nhưng nếu dừng quá muộn, nó sẽ đi xa và mang hai người đến với những mặc cảm tội lỗi với hiện tại của mình. Còn Amanda và Jim thì sao? Họ chưa biết cuộc hội thoại thể hiện những sự hiểu biết về nhau vẫn chưa lãng quên, thể hiện rằng tình cảm họ từng có với nhau mãnh liệt như thế nào sẽ dẫn họ tới đâu. Cái thứ tình cảm đã thuộc về quá khứ, có đủ sức để đẩy tung cánh cửa đóng chặt của hiện tại hay không?

Với những tác phẩm điện ảnh như Blue Jay, mọi thứ phải thực sự được thể hiện trọn vẹn mới mang đến sự hấp dẫn của câu chuyện đến với khán giả vì phim không có kịch tính và cao trào. Nó không chỉ cần một kịch bản dễ thương, những câu thoại chân thật, mà còn ở dàn diễn viên khiêm tốn và nhập vai, cũng như những góc máy tinh tế, sâu sắc phô bày thứ tình cảm mà họ luôn luôn muốn giấu đi, luôn luôn không muốn nó lộ diện.

Blue Jay làm được điều này. Kịch bản do Mark Duplass chấp bút, đã giúp cho chính anh hoá thân tốt vào một người đàn ông, từng vì sợ hãi mà trở nên vô trách nhiệm, để rồi có những sự hối tiếc trong mối tình đẹp của mình. Còn Sarah Paulson có lối diễn tự nhiên, dễ thương, chân thành và đầy trách nhiệm. Một người phụ nữ cố gắng không vượt qua giới hạn trong những hành động của mình.

Quay phim bằng hai màu đen trắng, những cảnh phim hiện lên tuyệt đẹp trong sự tương phản giữa hai mảng sáng tối làm cho câu chuyện thực sự mang hơi thở của một chuyến hành trình đi tìm lại những gì đã mất của hai nhân vật. Qua đó, ta thấy trong cuộc sống của họ, những mảng màu khác hiện lên, những mảng màu huy hoàng của tuổi trẻ, của những bản nhạc và điệu nhảy yêu đương, và mảng màu u ám của hiện thực và trách nhiệm quá lớn đã đánh sập tình yêu của họ.

Blue Jay không mang điều gì mới mẻ, nhưng chính vì nói lại những thứ mà chúng ta ai cũng có thể bắt gặp trong đời sống bằng một cách tinh tế, giản đơn và gần gũi đã khiến bộ phim giống như một phiến ghế đá trong công viên cho khán giả ngồi lại và ngẫm nghĩ về đời mình và những gì đã trải qua bao gồm cả ngọt ngào, đắng cay, hối tiếc và hạnh phúc, nên Blue Jay thực sự là một tác phẩm điện ảnh độc lập đáng để thưởng thức.

Vì đôi khi trong chúng ta, ai cũng sẽ tự nhiên nói với lòng mình rằng:

“Em có một cuộc sống bình thường, không có gì để phàn nàn. Đáng lẽ em nên hạnh phúc. Nhưng rồi với nỗi buồn đang có này, em không biết nó đến từ đâu?

Exit mobile version