Bản nhạc Souls No Regrets của Little Willie Johnson cất lên ở cuối phim Blue Ruin khơi lên một nỗi buồn khôn tả về hành trình trở lại quê nhà của một gã lang thang bỏ nhà ra đi đã 10 năm. Khi đó, vì nỗi đau mất cha mẹ quá lớn, còn giờ đây, gã phải trở lại để bảo vệ gia đình ấy. Nó gợi nhắc lại hình ảnh của một kẻ tứ cố vô thân, phải lục lọi thùng rác để kiếm thức ăn hay trộm lẻn vào những ngôi nhà vắng người để tắm rửa, một kẻ không còn gì khác ngoài đôi mắt luôn chất chứa sự vô hồn và nỗi tuyệt vọng. Chuyện gì đã xảy ra? Cuộc đời gã cuối cùng sẽ ra sao? Blue Ruin của đạo diễn Jeremy Saulnier là một bộ phim dạng trả thù, ly kỳ và nhẫn tâm. Nó không gây ám ảnh về sự tàn bạo như cách bộ ba phim của đạo diễn Hàn Quốc Park Chan Wook đã làm, nhưng nó để lại trong ta một nỗi buồn sâu sắc và khiến đầu óc phải căng như dây đàn trong suốt cả 90 phút của phim.
Mở đầu chậm rãi, gam màu trung lập, mọi thứ tạo cho ta cảm giác chờ đợi và lửng lơ. Rồi một người đàn ông lộ mặt khỏi buồng tắm, bộ râu rậm, lo lắng, gã vội vàng ngắt vòi nước, lao ra khỏi cửa sổ trong khi chưa kịp mặc quần áo. Một gã lang thang, một kẻ có hành tung mờ ám, một người mà khi cảnh sát chỉ hỏi chuyện đã bất an lo sợ. Chuyện gì sẽ xảy đến với gã? Câu hỏi được trả lời qua một sĩ quan cảnh sát, người mời gã về đồn để báo tin và nhắc hắn nên cẩn thận, bởi có một kẻ nào đó đã vừa được ra tù sau 10 năm bị giam giữ.
Câu chuyện sẽ dẫn đến đâu? Tôi luôn nghĩ rằng một bộ phim hay là một bộ phim luôn khiến người xem phải đoán trước những tình huống sẽ xảy ra tiếp theo trong kịch bản, và ta sẽ chưng hửng khi biết ta nghĩ sai, kịch bản chẳng ngờ lại đi theo một chiều hướng khác, ta lại có những câu hỏi khác, ta lại để trí tưởng tượng gấp gáp của mình vội vàng lao lên trước, rồi ta lại sai, chỉ còn lại đôi mắt ta đang nhìn vào thực tế, vào những thước phim, vào nhân vật mà thôi. Dwight – gã lang thang do Macon Blair thủ vai, đi đến nơi ở của kẻ vừa ra tù, khuôn mặt đau khổ, tiếng khóc uất nghẹn khi nhìn thấy hắn. Hành trình tìm đến đó không hề dễ dàng, Dwight luôn thể hiện mình đau buồn đến thế nào qua mỗi hành động của gã, và trong tuyệt vọng, gã ăn cắp khẩu súng đã bị lắp khóa chống trộm. Ta cảm nhận được vô cùng rõ ràng nỗi đau của gã, nỗi đau xuyên từ màn hình đi thẳng đến trái tim ta, một nỗi đau mà đạo diễn đã không cảnh báo người xem ngay từ đầu, chỉ dần dần hé lộ cho ta trong những khung hình về sau. Nỗi đau quá lớn cùng với sự hoảng sợ khi nghĩ rằng kẻ đó sẽ đột ngột tìm mình, Dwight giết hắn, tàn nhẫn nhưng cũng chỉ là để tự vệ. Mọi thứ được đặt vào tay Dwight một cách không chủ đích, gã không có kế hoạch gì, gã chỉ đi theo cảm xúc của mình, để rồi khi tình huống xảy ra, bằng nỗi tuyệt vọng nhưng nhanh nhạy, gã cố gắng hoàn thành nốt việc mình phải làm. Bảo vệ gia đình mình (em gái và hai đứa cháu nhỏ) khỏi gia đình của kẻ được cho là giết bố mẹ gã, một gia đình độc ác, cục cằn, thiếu giáo dục và thiện chí.
Dwight biết việc mình làm sẽ khiến gia đình của Wade (kẻ mà gã giết) đi tìm gã và em gái để trả thù. Ở một mức độ vừa đủ để tạo nên kịch tính, bộ phim kéo căng ra như sợi dây sắp đứt, khuôn mặt của Dwight, cách gã phải đối mặt với tình huống do chính mình gây ra khiến cho khán giả luôn luôn lo lắng và thấp thỏm sợ hãi, khiến cho bộ phim mang một sắc màu buồn nhưng không bị chùng xuống bởi bi kịch mà vô cùng căng thẳng, tuy rằng không phải theo kiểu đấu trí, mà là dạng thức khi ta đột nhiên bị đặt vào một tình huống không lường trước, chỉ có bản năng dẫn lối và lo lắng chỉ đường.
Những bộ phim indie kinh phí thấp được viết, sản xuất và đạo diễn đều bởi cùng một người như bộ phim này, luôn khắc họa đậm nét dấu ấn riêng biệt của đạo diễn, đầy cá tính và đậm chất nghệ thuật qua từng cú máy và tình huống được xử lý. Một con người tuyệt vọng khi cần phải làm thì sẽ làm ra sao? Một cuộc đời đang bình thường, bất hạnh đột nhiên ập đến thì sẽ hành xử thế nào? Và lý do họ chọn cho cách hành xử ấy là gì? Con người ta luôn đặt ra những câu hỏi về mọi chuyện trên đời, có nhiều người chọn cách trả lời trực tiếp, có những người chọn cách im lặng, cũng có những người tạo tình huống để gợi mở. Tôi luôn nhìn thấy ở Dwight một điều rất đáng phục: Gã không cố chấp và phán xét hành động của cha mình, dù cho hành động đó đã đẩy gã thành kẻ lang thang, lẩn trốn chính cuộc đời mình.
Bộ phim không cho ta thông điệp về hành động đúng hay hành động sai, chỉ là hành động phải làm, hành động mà Dwight cho rằng mình phải gánh vác trách nhiệm, phải bảo vệ cho em gái mình. Dwight không dừng lại quá lâu để nghĩ, để do dự, Dwight không phải sát thủ chuyên nghiệp, nhưng gã đã không do dự, không hối tiếc, hoặc không kịp hối tiếc. Với những dạng phim tâm lý hồi hộp ly kỳ, thì Blue Ruin quả thực đã làm rất tới, đủ khiến ta tập trung và lo lắng, đủ khiến ta chờ đợi kết cục và hy vọng nó sáng hơn cuộc đời đáng buồn của Dwight.
Không có nhiều hơn để cắt nghĩa nữa, Blue Ruin đơn thuần là một bộ phim hay, đầy tính chân thực và đậm chất nghệ thuật, bộ phim cho ta hiểu một điều: con người không được sinh ra để đi giết kẻ khác, nhưng khi cần, một con người cần phải làm hết khả năng của mình để không hối tiếc kể cả là phải giết người.