Tuấn Lalarme

Breathless (À Bout de Souffle) – Niềm Vui Của Sự Tự Do

Breathless tượng trưng cho sự tự do của Jean Luc Godard trong việc mở ra khả năng vô tận trong việc làm phim, tự do của Michel trong việc chọn hư vô để không bị bất cứ thứ gì của đời sống tầm thường này chi phối, tự do lựa chọn của cô gái Mỹ Patricia khi muốn thử để hiểu mình có yêu không, tự do như chúng ta chọn một phim cũ để xem hòng cảm nhận được nhịp đập của trái tim mình, đồng điệu ra sao với thế giới này.

Những cú chuyển cảnh, những hành động bất cần của Michel (Jean-Paul Belmondo), những bước đi tự tin, độc lập, khuôn mặt cười như không, vui như không, buồn như không của Patricia (Jean Seberg) liên tục hiện ra trước mặt tôi, trên màn ảnh rộng như một bản tấu không theo bất kì nguyên tắc nào, tôi nghĩ nó mang lại cảm giác thích thú và phá cách. Như cách mà làn sóng mới của điện ảnh Pháp đã thổi hồn vào điện ảnh thế giới bằng sự tươi mới, trẻ trung và đi ra ngoài những khuôn khổ gò nén theo công thứ mà Hollywood đang rơi vào lối mòn. Cái phá cách của Jean Luc Godard không mang yếu tố châm biếm, xoá bỏ, nó thay đổi, cải tiến và tạo ra những nhìn mới cho điện ảnh. Chẳng thế mà phim của Godard nếu như làm nhịp chậm lại, chuyển cảnh mượt mà hơn, ta hoàn toàn có thể thấy chân diện của những bộ phim Mỹ từ phong cách ăn mặc, cử chỉ và cách câu chuyện diễn ra. Chính vậy, nên làn sóng mới của Pháp mà những bộ phim tiêu biểu như Breathless (À Bout de Souffle) tạo nên sự ảnh hưởng sâu rộng đến điện ảnh thế giới từ đó về sau.

Breathless (À Bout de Souffle) – Niềm Vui Của Sự Tự Do

Breathless kể về một kẻ lông bông, sống với chủ nghĩa hư vô, hắn ta ăn cắp xe, lừa tiền phụ nữ, sẵn sàng làm mọi thứ để sống qua ngày, để tồn tại theo cách hắn thấy phấn khích nhất, là tự do, phá bỏ mọi rào cản, cản bước chân vô ưu của hắn lại. Trong một lần cướp xe, hắn đã giết cảnh sát, kẻ theo đuôi mình. Câu chuyện tiếp diễn bằng những phân đoạn lẩn tránh cảnh sát của hắn, trên đường phố Paris, cùng cô phóng viên người Mỹ có mái tóc tém, khuôn mặt thông minh và yêu hắn.

Hoặc không yêu hắn, và chỉ hắn yêu, hoặc hắn cũng không yêu cho lắm. Máy quay cầm tay đi theo hai người từ đường phố, đến căn hộ nhỏ chật hẹp, từ những cuộc trò chuyện đầy tính hiện sinh, đến những màn ái ân được cắt cảnh chớp nhoáng, chuyển cảnh vội vàng, xoá hết mọi không gian và thời gian, khán giả chìm đắm trong phim, nhịp đôi chân mình theo nhịp cắt và chuyển cảnh như đang chiêm ngưỡng một giai điệu nhạc jazz đầy ngẫu hứng. Có một sự thật thú vị là những cú Jump-cut của phim được thực hiện một phần là do phim ban đầu có thời lượng quá dài nên với tư vấn của Jean-Pierre Melville (đạo diễn và là diễn viên thủ vai tay nhà văn trong phim này của Godard), Godard đã cắt bớt chỗ này chỗ kia nên đã tạo ra những phân cảnh nhảy nhót tuyệt vời như bản phim mà chúng ta được xem.Phim đầu tay của Jean Luc Godard đã thể hiện được rõ ràng phong cách của ông, phong cách mà ông cải tiến, đeo đuổi và sẽ đi theo ông hết cả sự nghiệp của mình, phong cách của một auteur.

Một bộ phim như Breathless sẽ hay ở đâu? nếu bộ phim tiếp cận khán giả đại chúng? Tôi luôn muốn nghĩ xem một bộ phim hay thì hay ở đâu để có thể thể hiện điều đó khi tôi truyền đạt cho người đang đọc những bài viết của tôi. Tôi nghĩ nếu có thể chạm được vào cái sự tự do mà tôi nói ở đầu bài viết, khán giả sẽ thấy phim thật thú vị, như khi Patricia đọc lên câu trích dẫn từ cuốn Cọ Hoang của WIlliam Faulkner “Giữa đau khổ và hư vô, tôi chọn đau khổ”. Tôi nghĩ đa phần sẽ chọn đau khổ, nhưng dù vậy, chọn hư vô cũng chẳng sao, bản chất cuộc sống bất toàn, gì cũng được, sống là được, như cách mà Michel nghĩ, tôi tin vậy.

Xung quanh thời điểm phim ra mắt vào năm 1960, có hai bộ phim khác cũng định hình nên Làn sóng mới được công chiếu là The 400 Blows (1959) của Truffaut và Hiroshima Mon Amour của Alain Resnais (1959).

Bộ phim đang được chiếu rất giới hạn trong khuôn khổ Điểm Hẹn Điện Ảnh Pháp, các bạn theo dõi fanpage French Cinema Rendez-vous để xem lịch chiếu nhé.

KẾT NỐI VÀ CHIA SẺ THÊM VỚI TÔI TẠI TRANG FACEBOOK – TUAN LALARME

Exit mobile version