Tác phẩm điện ảnh Burning của đạo diễn Lee Chang Dong dựa theo truyện ngắn “Barn burning” của nhà văn Haruki Murakami giàu chất thơ và đầy bí ẩn với những suy tư của những người trẻ bị lạc lối trong xã hội hiện đại.
Kể từ bộ phim Poetry (2010) giành được giải kịch bản xuất sắc nhất tại liên hoan phim Cannes, Lee Chang Dong mới trở lại làm phim với tác phẩm Burning. Khi công chiếu tại liên hoan phim Cannes 2018, Burning đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình.
Dù giải thưởng Cành Cọ Vàng cuối cùng thuộc về Nhật Bản với bộ phim Shoplifters của đạo diễn Hirokazu Kore-eda, nhưng Burning vẫn được xem là một trong những phim xuất sắc nhất tại Cannes.
Dựa theo truyện ngắn Barn burning của nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami, đạo diễn Lee Chang Dong đã dùng ngôn ngữ điện ảnh đặc sắc của mình để kể câu chuyện về tuổi trẻ một cách độc đáo. Bộ phim chứa đầy sự bí ẩn với những khúc mắc không lời giải đáp về sự lạc lõng cô đơn đến tột cùng của tuổi trẻ. Đây vốn là một trong những chủ đề được sử dụng nhiều trong các truyện ngắn và tiểu thuyết của nhà văn Haruki Murakami.
Sự kết hợp giữa chất điện ảnh giàu tính tự sự của Lee Chang Dong và phong cách viết chứa đầy sự cô đơn của Murakami đã tạo nên một hiệu quả đặc biệt mà những bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết của Murakami trước đó như Rừng Na Uy của Trần Anh Hùng chưa thể thể hiện trọn vẹn.
Phim của Lee Chang Dong không bao giờ rõ ràng, nó luôn tối nghĩa một cách thơ mộng. Nó đòi hỏi sự kiến giải của khán giả qua thời gian nhờ vào trải nghiệm sống.
Điều đó thể hiện rất rõ trong các tác phẩm như Oasis (2002), Secret sunshine (2006), Poetry (2010). Với tác phẩm Burning điều này càng rõ rệt với một cái kết đầy bất ngờ và không thể lý giải. Những nhân vật của Lee Chang Dong thường là thành phần khiêm tốn trong xã hội, ở mức độ nào đó, họ luôn muốn trốn thoát khỏi cuộc sống bằng nhiều cách khác nhau.
Nhân vật chính của Burning là Jongsoo (Yoo Ah-in) – một nam thanh niên trẻ đang muốn trở thành nhà văn. Jongsoo thuộc gia đình lao động, sống một mình trong một căn nhà bừa bộn ở thôn quê.
Hàng ngày, Jongsoo đi làm những công việc như khuân vác, giao hàng để sống. Một ngày, Jongsoo gặp lại người bạn hàng xóm thuở còn bé là Haemi (Jeon Jong-seo). Haemi là cô gái trẻ giàu năng lượng. Cô cố gắng kiếm tiền để đi du lịch, và điểm cô sẽ đến là châu Phi nơi cô muốn đi tìm ý nghĩa của cuộc sống:
“Đối với thổ dân Karahari ở Nam Phi, có hai kiểu người đói. Người đói lớn và người đói nhỏ. Người đói nhỏ là những người đói khát về mặt sinh lý. Người đói lớn là những người khao khát tìm ý nghĩa của sự tồn tại. Tại sao chúng ta sống, ý nghĩa cuộc sống nằm ở đâu? Những người đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi đó. Loại người này mới thực sự đói khát.”
Haemi đi du lịch châu Phi và nhờ Jongsoo thỉnh thoảng đến căn hộ của mình để cho con mèo của Haemi ăn. Jongsoo chưa bao giờ nhìn thấy con mèo đó, chỉ biết nó có tồn tại qua việc thức ăn biến mất và phân mèo để lại. Anh đến căn hộ, thủ dâm, nghĩ về Haemi và mong đợi cô trở về. Nhưng Haemi không trở về một mình, cô đi về cùng với một anh chàng công tử giàu có Ben (Steven Yeun).
Bộ phim là một chuỗi tự sự của Jongsoo, một kẻ cô đơn, câm lặng và cam chịu. Jongsoo yêu Haemi, nhưng nhìn Haemi đi với người đàn ông khác còn mình lùi về vị trí như một người bạn. Ben ở một tầng lớp khác của xã hội như đại gia Gasby của Scott Fitzgerald, không ai biết Ben làm việc gì.
Anh ta có căn hộ sang trọng ngay trong lòng Seoul, đi xe thể thao và thường xuyên tổ chức tiệc tùng với bạn bè. Đặc biệt, Ben có thú vui khá kì lạ, cách một khoảng thời gian, anh ta sẽ đi tìm một nhà kính bằng nhựa bỏ hoang để đốt, Ben kể với Jongsoo như vậy.
Burning của Lee Chang Dong đôi lúc muốn phô diễn sự phân tầng lớp trong xã hội Hàn Quốc. Những thanh niên giàu có đầy rẫy trong xã hội mà không biết nguồn gốc sự giàu có đến từ đâu.
Còn những người như Jongsoo sinh ra trong một gia đình nghèo khó, người cha đang có nguy cơ bị đi tù vì cách cư xử thô bạo với người thi hành công vụ. Một cảnh quay hiếm hoi khi Jongsoo có cơ hội nói chuyện riêng với Haemi ở căn hộ của Ben, trong một không khí thoái mải và thân thiện, nhưng khuôn mặt tuyệt vời đậm chất điện ảnh của Yoo Ah-in đã lột tả hết được sự bối rối của một tâm hồn ngây thơ khi Jongsoo cảm thán về sự nghèo khó của những kẻ như mình.
Nhà quay phim Kyung-pyo Hong có khả năng kiểm soát hình ảnh tuyệt vời. Những góc máy ngược hoàng hôn tuyệt đẹp, đặc biệt, có một phân đoạn vô cùng ấn tượng khi Haemi khoả thân nửa trên cơ thể và bắt đầu nhảy, phía xa mắt trời đang dần khuất sau chân trời, một bản nhạc jazz được chơi làm nền cho Haemi.
Ngay sau đó Haemi khóc, tiếng khóc của một cô gái đang bối rối và lạc lõng trong cuộc đời. Đây là một trong những phân đoạn đẹp và giàu ý nghĩa nhất trong điện ảnh 2018.
Khuôn mặt ngây thơ nhưng ngang tàng của Jong-seo Jeon đã lột tả vô cùng xuất sắc nhân vật Haemi. Thật không ngoa khi cho rằng, cô sẽ trở thành nàng thơ mới của điện ảnh nghệ thuật Hàn Quốc. Sẵn sàng khoả thân khi cần, nhập tâm vào tính cách nhân vật để mỗi tiếng cười và tiếng khóc của cô đều cho thấy sự mỏng manh và dễ vụn vỡ của tâm hồn một cô gái yếu đuối bên trong nhưng luôn tỏ ra mạnh mẽ và giàu năng lượng ở vẻ bề ngoài.
Phần 3 của phim được đạo diễn chuyển tông sang không khí có vẻ ly kỳ, trinh thám khi Haemi đột nhiên biến mất. Nhưng ông không chủ động giải thích cho khán giả. Lee Chang Dong để máy quay chạy theo nhân vật Jongsoo đang cố gắng tìm kiếm Haemi với rất nhiều nghi vấn.
Có lẽ điều cốt tuỷ mà Lee Chang Dong muốn khán giả cảm nhận là sự cô đơn tột cùng của Jongsoo. Liệu Haemi có thật, con mèo của Haemi có thật, liệu tất cả những gì đang xảy ra không phải là sự tưởng tượng của một kẻ đang muốn trở thành nhà văn đầy cô đơn và bất an.
Bộ phim giống một bài thơ, nơi hình ảnh không mang tính kể chuyện, mà mang tính thể nghiệm đưa khán giả đến thế giới nơi tồn tại của những người kẻ hoang hoải và không có mục đích sống. Chúng đứng bên rìa xã hội, cố gắng tìm cách trốn thoát số mệnh của mình. Burning thực sự là sự kết hợp hoàn hảo của không khí văn học của Haruki Murakami và ngôn ngữ điện ảnh giàu chất thơ của Lee Chang Dong.