Cafe Society là phim mới nhất của Woody Allen, được chiếu mở màn ở LHP Cannes danh giá. Nội dung của phim vẫn theo chủ nghĩa lãng mạn quen thuộc của Woody và có thể coi là phim thứ 3 trong trilogy hoài cổ của vị đạo diễn này sau The Purple Rose Of Cairo và Midnight in Paris.
Cùng với những suối nhạc Jazz tuôn ra từ những khung cửa sổ rón rén tiếng bước chân của gió, Cafe Society mang phong vị của một thời hoàng kim những năm 1930 ở Hollywood, những năm tháng của sự lãng mạn lên ngôi và những hộp đêm toàn nhạc Blue với những vị khách gật gù say đắm. Một thời kỳ đẹp rù quến và làm nao lòng người nhưng cũng hàm tàng trong nó một nỗi buồn màu xanh, màu xanh của nửa đêm, màu xanh trong ánh mắt người tình chưa bao giờ cưới. Bộ phim đặt con người ta vào hoàn cảnh phải đứng giữa những sự lựa chọn khác nhau, nơi sự chiêm nhiệm là không đủ để làm vai trò hướng dẫn cho người ta phải chọn con đường nào giữa những xa lộ không quen đó.
Nội dung phim kể về anh chàng Bobby (Jesse Eisenberg), một thanh niên Do Thái ngoan đạo và thuần hậu. Anh rời khỏi quê nhà New York để đến xin học việc cùng ông chú Phil của mình ở Hollywood, nơi những con người thời thượng gặp nhau trong bữa tiệc cà phê sang trọng (cafe society), diện những bộ tux bóng lộn và bộ váy Chanel kiều diễm, củng cố các mối quan hệ xã giao, tán chuyện phiếm và dèm pha những điều không hay về người khác. Riêng Bobby, với bản tính chất phác có phần nhà quê, anh không mấy hứng thú với những phù phiếm của xã hội thượng lưu như thế. Anh gặp Vonnie (cách đọc tắt duyên dáng của Veronica – do Kristen Stewart thủ vai), Bob đã xa ngay vào lưới tình, khi Vonnie cũng giống cậu ta, cô cũng cảm thấy mình không thuộc về thế giới hoàng nhoáng của nhạc Jazz và rượu vang đỏ ấy.
Bob cứ tiếp tục trồng cây si với Vonnie dù cô đã có người yêu. Cho đến một buổi tối lung linh ánh nến trong căn hộ cho thuê của mình, Vonnie gõ cửa nhà anh với đôi mắt đẫm lệ và nói cô bị người yêu bỏ rồi. Bob không ngần ngại bày tỏ muốn giành cơ hội sau khi đã kiên nhẫn xếp hàng chờ đợi đến lượt mình. Vonnie tuy vẫn còn sâu đậm với gã người yêu đã có gia đình kia nhưng lại cảm động trước tấm lòng của Bob. Và thế là hai người cùng nhau chia sẻ tình cảm dưới nắng và gió ở Hollywood, ăn tối trên chiếc bàn bày đầy đĩa bạc rát màu vàng ngọt rót xuống từ các bóng đèn Cuba và trao nhau những câu chuyện của những người đang yêu. Thế nhưng trong lúc Bob đang lênh đênh thuyền tình với Vonnie thì người yêu của cô quay lại và tỏ ý cầu hôn cô. Khi ấy Bob mới ngỡ ra cái gã bỏ cả vợ con để ngoại tình với Vonnie không ai khác lại chính là ông cậu Phil của mình.
Từ đó, cậu thoát khỏi hình bóng ngây thơ. Cuộc đời cậu sang trang mới ở nơi phồn hoa đô hộ và đầy dối lừa của Hollywood.
Kết thúc phim là câu hỏi để mở với mỗi khán giả. Bob có từ bỏ vợ con mình hay không. Vonnie có rứt tình với người đã thay đổi cuộc đời để đến với mình hay không thì chỉ họ mới biết được. Bởi vì vốn dĩ, như văn hào người Mỹ Earnest Hemmingway từng nói:
“Chúng ta phải quen với một thực tế rằng, trên những ngã rẽ quan trọng nhất của cuộc đời lại không có đèn tín hiệu giao thông…”
Hôn nhân luôn là chuyện khó nói. Bởi vì khi tình yêu đã dạo bước qua bậc thềm hôn nhân, khi sự nồng đượm ban đầu đã không còn nữa, khi tình yêu không còn có vai trò là lời ru trên cái tổ ban đầu là hôn nhân nữa thì rất có khả năng là một trong hai phía sẽ phải chuyển đến những sự phiêu lưu khác. Hay như người ta thường nói, đàn bà, sống với họ vĩnh viễn thì không thể sống, mà không có họ, ta cũng không thể sống vĩnh viễn. Hôn nhân là như vậy, sự gắn bó giữa 2 người là như vậy. Bob vốn dĩ vẫn dành nhiều tình cảm nhất cho người chưa bao giờ là vợ anh ta. Vonnie vốn chưa bao giờ chọn Bob làm chồng thực chất chỉ vì anh ta chưa có tiền. Cái bong bóng ái tình giữa hai người chỉ càng lúc càng to hơn mà thôi.
Bởi vì cuộc sống rất ngắn nên có thể người ta vẫn sẽ chọn cách làm theo cảm tính của mình và đi ngược lại với mục đích tối thượng của linh hồn là leo đến sự chân thiện của lý trí. Nhân vật anh cả gang-xtơ của Bob, trước khi chết vì án tử hình đã chuyển sang đạo thiên chúa. Anh ta muốn được chết như một người Công giáo bởi vì không thể chịu nổi ý niệm rằng cuộc đời của mình sẽ kết thúc mãi mãi. Người Do Thái không tin vào linh hồn và cũng không có kiếp sau. Vì thế mà những người theo đạo phải chấp nhận một sự thật rằng trước khi đi vào đêm tĩnh lặng, cuộc sống con người thì rất hữu hạn, nhưng khi ra đi, sẽ là đi mãi mãi. Vậy là hoá ra, kiếp sau không phải là để răn đe người ta phải sống tốt mà là để an ủi những người sợ chết. Tất cả các tôn giáo đều một cách nào đó xoa dịu nỗi sợ chết của tín hữu của mình. Gã anh cả của Bob dù thấu rõ bùn tanh nhơ nhuốc trên tay mình nhưng trong ánh chiều tà của một cõi đời, vẫn phải bám víu vào niềm tin của kiếp sau để xoa dịu nổi sợ của mình trước khi thực hiện chuyến đi vào bóng tối. Tôn giáo nào bảo cái chết rất tệ và mặc kệ tín hữu của mình sợ chết. Tôn giáo đó hỏng bét.
Woody Allen chọn phút giao thừa làm thời điểm cho cảnh kết của mình, hẳn là phải có lý do. Bởi đó là khi ý niệm thời gian trôi trong đầu của đôi tình lang-tình nương lén lút hiện rõ nhất. Khi ấy vợ và chồng của cả hai đều bị giật đi theo các cuộc xã giao trong ánh đèn nhộn nhịp phù hoa, nơi Bob và Vonnie vốn không thuộc về. Họ đứng còn lại một mình, lặng nghe bánh xe của thời gian lăn của cuộc đời. Liệu họ có đủ kiên định và vững vàng để không cuốn theo cái vòng quay hợp tan của hôn nhân và ngoại tình không? Chỉ khi đang trong câu hỏi ấy, họ mới nhận ra hình bóng của mình đã vang vọng vào cuộc đời người kia đến mức nào. Woody đã chọn điểm dừng rất chính xác. Bởi vì suy cho cùng, hiện tại cũng chỉ là ranh giới làm điểm hẹn giữa quá khứ và tương lai, tất cả chúng ta chỉ là những tâm hồn đang bơ vơ không đoán định trước giao lộ thênh thang của cuộc đời mà thôi.
Minh Quân