Chế giễu Oscar luôn là một trò vui. Và sau lễ trao giải diễn ra vào tháng 4 vừa qua, giải thưởng này dường như đã chạm đáy. Nhưng cần hiểu rằng, Oscar không chỉ là sự kiện thảm đỏ hào nhoáng, rỗng tuếch với tượng vàng được trao cho những kẻ chải chuốt. Trong bối cảnh ngày nay, khi các hãng phim Hollywood không còn chủ yếu đầu tư vào phim điện ảnh, hệ sinh thái của ngành đang bị đe dọa, ta cần Oscar để cứu những phim điện ảnh chất lượng được làm ra vì sự tồn tại của giải thưởng này.
Gần đây, Oscar không phải là mục tiêu chính của Viện Hàn lâm về Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh (gọi tắt là Viện). Viện hiện tiêu tốn nhiều thời gian, năng lượng và nguồn lực vào dự án Bảo tàng Hàn lâm về Điện ảnh (gọi tắt là Bảo tàng). Sau khoảng thời gian dài trì hoãn vì đại dịch, vào ngày 30/09 vừa qua, Bảo tàng đã chính thức mở cửa. Nó chắc chắn là một trải nghiệm thú vị cho bất kì ai yêu điện ảnh. Trong bảo tàng, có một hành lang với chủ đề “Tương lai của Điện ảnh” được lấp đầy bởi rất nhiều câu trích dẫn của những người làm trong ngành.
Quay trở lại với Oscar, có thể thấy, kể từ làn sóng #OscarsSoWhite cách đây 6 năm, Viện đã tích cự mở rộng và đa dạng hóa màu da đối với thành viên của mình. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ. Oscar ngày càng kém hấp dẫn với khán giả. Nhưng nếu Oscar biến mất, nhiều phim tốt nhất cũng sẽ biến mất theo. Nhiều người trong ngành, giấu tên, sẵn sàng chia sẻ cho IndieWire ý kiến của họ về điều này.
Oscar duy trì các tiêu chuẩn của phim điện ảnh
Nhiều phim tốt nhưng chỉ có thể nhờ vào các giải thưởng (giải của nhà phê bình, của các hiệp hội, giải cho các phim độc lập, giải Oscar) để thúc đẩy quảng bá. Các chiến dịch vận động cho Oscar sẽ giúp phim có nhiều khán giả hơn.
Một nhà phân phối phim cho biết, “Dù có nhiều hạn chế, nó [Oscar] vẫn là tiêu chuẩn mà chúng tôi cố gắng đạt được khi làm phim. Giống như trong thể thao vậy… Các đội mà vào được Super Bowl, NBA Finals hay World Series đều rất giỏi rồi, nhưng chúng tôi đều muốn xem ai sẽ chiến thắng sau cùng! Và chúng tôi vẫn thừa nhận thành tích của những đội khác.”
Theo một luật sư chuyên về mảng giải trí ở New York, Oscar tạo ra tập giá trị phụ cho một bộ phim. “Di sản của Harvey Weinstein trong nghành này, ngoài hành vi phạm tội đáng ghê tởm của ông ta, là việc ông ta đóng vai trò chính trong sự hình thành nên dòng “Phim Giải thưởng…” Từ quan điểm tài chính, dòng phim này không nhất thiết mang ý nghĩa nào đó, nhưng thanh thế và những lời tung hô mà nó mang lại cho hãng phim/nền tảng chiếu phim, bằng cách nào đó, đã chứng tỏ sự tồn tại của nó và cả sự tồn tại của số tiền quảng bá khổng lồ được chi ra để giúp phim giành chiến thắng. Hiện tượng này giúp ta bảo vệ nguyên vẹn hình thức kể chuyện [bằng điện ảnh]. Và nếu sự tồn tại của điện ảnh bị đe dọa, ta sẽ gặp rất nhiều rắc rối.”
Oscar khuếch đại sự thành công của phim trên quy mô toàn cầu
Các ứng viên của giải Oscar, đặc biệt ở những hạng mục chính, thường có doanh thu phòng vé cao. The Shape of Water – tác phẩm của đạo diễn Guillermo del Toro, đoạt giải Phim hay nhất tại Oscar 2018 – có kinh phí 19.3 triệu đô và thu về 198 triệu đô trên toàn thế giới. Nomadland – một tác phẩm kinh phí thấp khác của Searchlight, đoạt giải Phim hay nhất tại Oscar 2021 – cũng đạt doanh thu gần 40 triệu đô ngay giữa thời điểm đại dịch.
Các hãng phân phối phim như Searchlight, Focus Features (Promising Young Woman), A24 (Moonlight), Sony Pictures Classics (The Father), Roadside Attractions (Judy), Neon (Parasite) và nhiều hãng khác cần các giải thưởng để tăng sự chú ý và hiệu ứng truyền miệng cho phim trong khoảng thời gian phim ra rạp. Họ có thể tìm cách khác để kiếm sống (Như Searchlight đang phân phối phim và series cho Hulu), nhưng họ cũng cần các giải Oscar để tạo cú hích.
Oscar quảng bá phim và thúc đẩy việc xem phim
Điều đó có nghĩa là, nó góp phần giúp cho phim nghệ thuật tồn tại. Hiện nay, các hãng phim độc lập đều quyết định cắt giảm thời lượng (để tăng suất chiếu rạp) cho các phim tốt nhất của mình (Titane, Bergman Island). Việc lờ đi các nền tảng phát hành giới hạn và nhắm vào thị trường VOD có vẻ sẽ không giúp ích gì nhiều cho các phim nghệ thuật.
Lễ trao giải Oscar vừa qua đã không làm rõ được sứ mệnh của nó: quảng bá phim – điều rất cần thiết để góp phần thúc đẩy trở lại việc ra rạp xem phim trên toàn thế giới. Thông điệp này mất đi là bởi Dawn Hudson – CEO của Viện – tập trung vào việc chuyển đổi lễ trao giải theo hướng trực tuyến, thay đổi hiệu lực về điều kiện đầu vào (thời gian chiếu rạp) của giải, và mở cổng chiếu phim online (thu phí 12,500 đô đối với nhà phân phối của mỗi phim trong danh sách đề cử hạng mục Phim hay nhất) thay vì chiếu phim trực tiếp cho các thành viên hội đồng xem (lấy lí do vì đại dịch). Sẽ rất thú vị khi theo dõi các quy định của lễ trao giải thay đổi ra sao ở thời kì hậu đại dịch.
Hudson có quan hệ thân thiết với Ted Sarandos – đồng giám đốc điều hành của Netflix – và đã đưa anh lên làm chủ tịch hội đồng quản trị của Bảo tàng, thay thế Ron Meyer – ông chủ nhiều tai tiếng của Universal. Steven Speiberg – thành viên hội đồng quản trị của Viện – từng phản đối Netflix, giờ cũng đã hợp tác với Netflix, như một nửa Hollywood đã làm. Sarandos quan tâm đến Oscar – số giải Oscar anh nắm trong tay đủ chứng minh điều đó – vì đó là cách hiệu quả nhất để xây dựng thương hiệu cho một phim và biến nó thành một phim phải-xem. Anh đang cạnh tranh cho một vị trí trong hội đồng quản trị của Viện. Nghe mỉa mai, nhưng nếu có ai có thể tìm ra cách để cứu Oscar, thì đó sẽ là anh.
Oscar nâng tầm danh tiếng cho các ngôi sao, cả trẻ lẫn già
Sự nghiệp của Timothée Chalamet phất lên sau khi anh được đề cử Nam chính xuất sắc nhất cho Call Me by Your Name. Năm nay, có khả năng anh sẽ quay trở lại Oscar với Dune.
Về phía diễn viên lâu năm, Olivia Colman là một ví dụ điển hình. Cô thắng giải diễn xuất với The Favourtite, ở mùa giải sau tiếp tục được đề cử cho vai diễn trong The Father, và thắng Emmy với The Crown. Năm nay, cô có thể quay trở lại Osscar với The Lost Daughter (Netflix).
Uy tín và quyến rũ
Uy tín của Oscar là điều không cần bàn cãi: Nó là con dấu chấp thuận từ 9,300 thành viên đến từ 17 nhánh của ngành. Còn quyến rũ, nằm ở chính điện ảnh, và giải thưởng cũng tạo ra thu nhập cho nhiều người. Cuối cùng, những thứ lấp lánh đó chỉ vì mục tiêu duy nhất: thu hút mọi người xem phim. Khi phim được quan tâm, người xem nó sẽ tăng lên.
Oscar đại diện cho giới thượng lưu
Đây là con dao hai lưỡi. Oscar cần sang trọng và khiến người khác thèm muốn, nhưng như vậy thì nó sẽ ngày càng xa rời lượng lớn người xem phim. Hội đồng quản trị của Viện dường như chưa nắm được cách quảng bá Viện lẫn Oscar. Khi đài ABC yêu cầu rằng cần một lễ trao giải trẻ trung hơn, hội đồng đã đưa ra những thay đổi kì quặc – như không công bố toàn bộ các hạng mục liên quan đến kĩ thuật, hay thêm giải Phim phổ biến nhất. Những quyết định này của họ đã gây hiệu ứng ngược.
Nhiều người trong ngành cho rằng Oscar nên dân chủ hơn. Một nhà sản xuất độc lập cho biết, “Giải Oscar chỉ cần thiết cho tương lai của ngành khi nó thu hút được lượng khán giả đông đảo nhất có thể để tôn vinh điện ảnh, khi nó trở nên gần gũi với nhiều người, trở nên vui nhộn, truyền cảm hứng và quan trọng với văn hóa… [Nó] có nguy cơ ngày càng ra rời công chúng nếu cứ tiếp tục tự mãn, co cụm và chạy theo chủ nghĩa tinh hoa.”
Oscar không được “mờ”
Đạo diễn Paul Shcrader (The Card Counter) nói, “Nó [Oscar] là ngọn đèn lớn. Ở [lễ trao giải] lần trước, ta đã được thấy chuyện gì diễn ra khi làm mờ đi ánh sáng của ngọn đèn lớn này. [Nếu tổ chức như vậy] thì một buổi trao giải ảo còn hay hơn. [Tổ chức kiểu vậy] khiến buổi lễ trao giải trở nên nhỏ bé, như vậy là làm chết đi khái niệm về Oscar. Cần lấy lại vị thế của nó như là một chương tình lớn.”
Shcrader đề xuất Oscar nên có hai buổi lễ trao giải vào hai đêm: một cho phim truyền hình có các tập phim tương đối độc lập với nhau (episodic television – tạm dịch: phim nhiều tập độc lập), một cho phim chiếu rạp. “Điều đó sẽ làm tăng gấp đôi sự hấp dẫn [cho giải]. Phim nhiều tập độc lập xuất sắc nhất và Phim chiếu rạp xuất sắc nhất. Cần phải làm gì đó để khiến giải thưởng trở nên lớn và quan trọng trở lại. Hầu hết mọi người giờ đều xem The Crown. Đau lòng thật. Oscar cần tìm ra cách để thích nghi với điều đó. Tôi không nghĩ ta có nhiều lựa chọn cho lắm. Độ yêu thích của giải cứ giảm dần. Cần có người trả tiền cho [việc xây] Bảo tàng chứ.”
Nguồn: IndieWire
Đọc thêm các bài cùng chuyên mục: Tuanlalarme