Tuấn Lalarme

Cannes – Điểm đến của điện ảnh đích thực

Poster chính thức của Liên hoan phim Cannes lần thứ 67 năm 2014.
Poster chính thức của Liên hoan phim Cannes lần thứ 67 năm 2014.

Thế giới chưa bao giờ ngừng xung đột, chiến tranh chưa bao giờ thực sự chấm dứt. Nhưng con người cũng chưa bao giờ dừng nuôi dưỡng tâm hồn mình bằng nghệ thuật. Trong đó, điện ảnh ngày càng có tiếng nói mạnh mẽ, mang đến nhiều cung bậc cảm xúc và sự đồng cảm hơn mọi bộ môn nghệ thuật khác vì tính tương tác thị giác của nó. Chính thế mà những liên hoan phim xuất hiện như một phương tiện để đánh giá và giới thiệu những gì mà điện ảnh đã làm được trong một khuôn khổ nhất định. Cannes chính là một trong những liên hoan phim danh giá nhất của năm mà điện ảnh có được. Mở màn vào tháng 5 và kết thúc trong cùng tháng, Cannes mang đến một thứ điện ảnh thuần khiết và giàu nghệ thuật hơn mọi liên hoan phim khác có thể làm được.

Quay ngược dòng lịch sử, nói không ngoa thì chính bởi sự hiện diện của phát xít Đức và Ý mà liên hoan phim Cannes được khai sinh. Khi điện ảnh với sự phát minh của anh em nhà Loumiere ra đời, thế giới được thưởng thức một loại hình nghệ thuật đặc biệt thông qua phương thức ghi hình sự trình diễn rồi chiếu lại, điện ảnh đã tạo thêm công cụ cho người nghệ sĩ đưa những ý tưởng của mình thành những thước phim để tiếp cận công chúng. Nhưng khi phát xít kìm hãm sự tự do, kìm giữ nghệ thuật chân chính để điều khiển và chi phối theo những ý đồ chính trị của mình, thì những người Pháp đã quyết định tạo ra một liên hoan phim cho riêng mình và cho tất cả những nhà làm phim đến từ khắp nơi trên thế giới. Ra đời năm 1946 đến nay là được 67 năm, liên hoan phim Cannes ngày càng khẳng định tính chân chính đích thực của một sân chơi giành cho giới điện ảnh ở khắp nơi trên thế giới.

1. Giấc mơ của những nhà làm phim trẻ:

Những liên hoan phim danh tiếng thế giới luôn là điểm đến tốt nhất cho những nhà làm phim trẻ để giới thiệu và quảng bá những bộ phim đầu tay của mình như liên hoan phim Berlin, liên hoan phim Venise, vì đó là những liên hoan mở và có nhiều giải thưởng dành riêng cho những nhà làm phim còn chập chững, ở đó họ giới thiệu những bộ phim của mình và cạnh tranh với nhau chứ không phải chạm trán với tầng lớp đạo diễn hàng đầu khác của điện ảnh thế giới. Liên hoan phim Cannes là một nơi như vậy khi ra đời với mục đích khuyến khích sự phát triển của nghệ thuật điện ảnh trên mọi hình thức và xây dựng tinh thần cộng tác giữa các nhà điện ảnh đến từ các quốc gia khác nhau.

Được thêm vào thành giải thưởng chính thức từ năm 1978 do nhà phê bình điện ảnh Gilles Jacob khởi xướng, giải thưởng Camera vàng là giải thưởng danh giá dành cho tất cả những đạo diễn trẻ có phim đầu tay được tuyển lựa tham dự liên hoan phim Cannes. Với một ban giám khảo độc lập gồm 15 người – ban Tuần lễ phê bình điện ảnh (Semaine de la Critique)  bao gồm những nhà phê bình, những nhà nghiên cứu và theo dõi điện ảnh, những ký giả của các tờ báo điện ảnh hàng đầu thế giới, hàng trăm tác phẩm điện ảnh của những đạo diễn trẻ tài năng khắp nơi trên thế giới được gửi về để họ đánh giá và tuyển lựa ra phim xuất sắc nhất. Với sự uy tín và danh giá của mình, Cannes đảm bảo một tấm vé vàng để đưa tác phẩm đến với công chúng thế giới, cũng như là một lá phiếu bảo chứng một cá tính điện ảnh mới đáng chờ đợi. Chính vì là một tấm vé dành cho mọi quốc gia, những nền điện ảnh ít được biết đến thường luôn cố gắng tiếp cận giải thưởng này để giới thiệu nền điện ảnh của nước mình, và đó cũng là một bước trung gian dễ dàng nhất để có thể tiếp tục tiếp cận được giải thưởng danh giá mà những người làm điện ảnh luôn mong muốn được chạm đến, giải thưởng Oscar của viện hàn lâm Mỹ.

Năm 1993, đạo diễn Trần Anh Hùng với bộ phim Mùa Đu Đủ Xanh đã vinh dự dành giải Camera vàng, anh đã mở cửa cho thế giới biết đến cái tên điện ảnh Việt Nam, khi đó hầu như không hề được định vị trên bản đồ thế giới của nghệ thuật thứ 7 ngoài những bộ phim thời kì cách mạng vốn đã qua rất lâu trước đó. Giải thưởng thực sự là một bước đêm vững chắc cho sự nghiệp của vị đạo diễn tài năng mang trên mình hai quốc tịch Việt Nam và Pháp, những bộ phim sau này của anh luôn luôn được giới phê bình đánh giá cao và chờ đợi. Anh là đại diện Việt Nam duy nhất từ trước đến nay được lọt vào danh sách đề cử cho giải thưởng Oscar danh giá. Kể từ sau đó, những dự án của Trần Anh Hùng luôn có sự hấp dẫn nhất định trong việc xin tài trợ và có được trợ lực sản xuất từ các hãng phim khác nhau của Pháp, Nhật, Việt Nam… Hiện tại, anh đang triển khai một dự án phim nói tiếng Pháp với sự tham gia của nhiều diễn viên Pháp nổi tiếng như Audrey Tautou và Bérénice Bejo. Đến năm 2010, một tin vui khác từ Cannes đến với nền điện ảnh yếu ớt của Việt Nam, bộ phim Bi ơi, đừng sợ của đạo diễn Phan Đăng Di được tuyển chọn vào danh sách đề cử của giải thưởng Camera Vàng. Những tín hiệu tích cực đến từ một liên hoan phim danh tiếng nhất nhì thế giới luôn là những điểm sáng của những nền điện ảnh mà ở đó sự phát triển của bộ môn nghệ thuật thứ bảy còn nhiều hạn chế.

2. Sự cân bằng của các nền điện ảnh khác nhau:

Khi mà giải thưởng Oscar là nơi thống trị của điện ảnh Mỹ và những bộ phim nói tiếng Anh, ngoài một hạng mục duy nhất dành cho phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất thì liên hoan phim Cannes là nơi quy tụ của điện ảnh thế giới, nơi vinh danh những tác phẩm điện ảnh nghệ thuật thực thụ bất kể màu da, sắc tộc và ngôn ngữ. Sự đa dạng trong đối tượng tham dự và sự hoàn thiện về mặt nghệ thuật của tác phẩm được yêu cầu khiến cho giải thưởng càng thêm phần danh giá và đáng được tôn vinh. Ở Cannes là một cuộc chơi cân bằng thú vị của các nền điện ảnh từ khắp các châu lục khác nhau. Chính vì thế, những bộ phim lạ, độc đáo và giàu chất điện ảnh từ những nước còn chưa được biết đến đã được phát lộ. Đây thực sự là một điểm mạnh của liên hoan phim này. Nhớ lại năm 2010, một bất ngờ vô cùng lớn dành cho nền điện ảnh Thái Lan nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung khi bộ phim Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives của đạo diễn Apichatpong Weerasethakul đoạt giải Cành Cọ Vàng, giải thưởng lớn nhất của liên hoan phim. Chiến thằng của Thái Lan đã mang đến niềm hy vọng cho các nền điện ảnh nhỏ, mang đến một phản hồi tích cực rằng tấm thảm đỏ sẽ dành cho tất cả những ai thực sự có năng lực với những tác phẩm giàu chất điện ảnh ở bất cứ nơi nào trên thế giới.

Không phải thường xuyên, nhưng việc đoạt được Cành Cọ Vàng mang đến rất nhiều hy vọng cho một tượng vàng Oscar cho chính bộ phim đó. Bộ phim Amour của đạo diễn Michael Haneke là một ví dụ, chiến thắng áp đảo tại liên hoan phim Cannes 2012 đã khiến Viện Hàn Lâm Mỹ trao giải Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất một cách không hề hoài nghi. Đó là nói chuyện phim ảnh, còn ở khía cạnh cá nhân, những đạo diễn từng được Cành Cọ Vàng luôn trở thành một tên tuổi đáng chờ đợi của nền điện ảnh thế giới. Hơn nữa, nhờ vào việc tôn vinh sự sáng tạo, chất điện ảnh vốn đang bị Hollywood xem nhẹ hơn là nội dung và tính giải trí, những cá tính đạo diễn đó luôn tràn đầy hy vọng cho tượng vàng Oscar – đỉnh cao nhất của sự tôn vinh nghề nghiệp của họ.

3. Tôn vinh những giá trị con người:

Quả vậy, nếu Oscar mang đậm màu sắc chính trị và những xung đột bên ngoài của con người, thì Cannes cho chúng ta nhìn thấu suốt vào bên trong, bản chất của cuộc sống. Blue is the warmest colour được Cành Cọ Vàng 2013 là một ví dụ. Bộ phim có câu chuyện đơn giản, đời thường, nhưng nó lại chứa đựng sự sâu sắc khi diễn tả khủng hoảng tuổi trưởng thành, sự bối rối trước hạnh phúc mà tình yêu mang lại… Hay như Taxi Driver của Martin Scorsese là một ví dụ kinh điển về sự đổ vỡ trong văn hóa Mỹ, đời sống của công dân Mỹ, nó cho thấy sự bế tắc, sự hoang đường của giấc mơ Mỹ và những hệ lụy vỡ nát vì mất phương hướng. Cannes đơn giản vậy, ưa thích những gì không màu mè, nhân bản được đề cao, tính nhân văn được chú trọng, cũng như ưu ái những bộ phim có nhiều yếu tố tình dục hay bạo lực, hai thành tố quan trọng của bản năng con người. Tình dục và bạo lực, khi được mô tả qua bản năng thô ráp của con người thường đi ngược với luân lý đạo đức, nhưng nhờ thế ta thấu hiểu hơn cái ngã của mình và sự tồn tại đầy giả hiệu của con người. Phim ảnh không chỉ mang đến sự ám ảnh mà còn khiến ta suy nghĩ thấu đáo hơn về bản chất thực sự của con người mình.

Chẳng thế mà, những bộ phim đầy ám ảnh về tính dục và mang đậm yếu tố bạo lực của Kim Ki-Duk, của Lars Von Trier… luôn luôn được chú ý tại Cannes. Những đạo diễn như vậy, mạnh bạo đi sâu vào bản chất con người luôn là những “con cưng” của liên hoan phim lâu đời này.

Đến hẹn lại lên liên hoan phim Cannes lần thứ 67 sẽ được tổ chức từ 14 đến 25 tháng 5 năm 2014 tại Pháp. Tại đây giới điện ảnh lại tụ về, giới thiệu những bộ phim đầu tay, những dự án sản xuất mới, nói chuyện nghề và quảng bá cho danh tiếng của mình. Liên hoan phim Cannes lần 67 này chỉ có duy nhất một đại diện châu Á tham dự là phim Still the water của Nhật Bản. Còn lại là các đại diện đến từ châu Âu và Mỹ, trong đó Pháp chiếm một số lượng tương đối lớn các đề cử. Lần liên hoan này đặc biệt có sự góp mặt trở lại của Jean-Luc Godard với tác phẩm Goodbye to Language, cái tên lão làng của điện ảnh, một đại diện xuất sắc cho thời kì Làn Sóng mới (New Wave) của điện ảnh Pháp. Thêm vào đó là những cái tên đạo diễn gạo cội khác như David CronenbergMike Leigh

Chính thứ điện ảnh thuần khiết mà Cannes mang đến đã khiến cho danh tiếng của liên hoan phim này chưa bao giờ giảm sút. Không như Oscar mang nặng yếu tố chính trị và đậm văn hóa Mỹ, Cannes mang đến điện ảnh nguyên bản, một điều chưa bao giờ thay đổi từ thời khởi nguyên đến bây giờ. Có Cannes, ta chọn lọc được những bộ phim thực sự mang đậm tính điện ảnh, mang đậm tài năng và cá tính của cả ekip làm phim trong khi sự can thiệp của kĩ thuật được tối giản. Cannes kể một câu chuyện đời thường với đủ màu sắc đơn thuần nhất của cuộc sống, đó là lý do nó tồn tại và luôn là một trong những sân chơi được chờ đợi nhất của điện ảnh.

 

 

 

 

 

 

 

Exit mobile version