Tuấn Lalarme

Cô Gái Đến Từ Hôm Qua – Cho ta tấm vé về thanh xuân

Sự ngoạn mục của Em Chưa 18 của đạo diễn Lê Thanh Sơn trên thị trường phim chiếu rạp đã mang lại hy vọng nhưng cũng gây áp lực cho dự án phim về học trò Cô Gái Đến Từ Hôm Qua của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Hy vọng vì hai phim cùng đề tài, còn áp lực vì hai bộ phim là hai bối cảnh khác biệt, một phim mang dấu ấn hiện đại, còn một phim là hoài niệm của một thời đã xa. Tuy nhiên bù lại yếu tố sai biệt về thời đại, Cô Gái Đến Từ Hôm Qua là một bộ phim chỉn chu, đáng yêu đầy tính gợi nhớ dành cho thế hệ 8x, 9x đời đầu với sự sáng tạo linh hoạt để kể một câu chuyện đơn giản và trong sáng của tuổi học trò.

Sau thành công của Em Là Bà Nội Của Anh vốn là bản phim làm lại từ điện ảnh Hàn Quốc, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh mới bước vào thử thách thực sự cho một bộ phim mà anh hoàn toàn làm chủ từ kịch bản, cho đến bối cảnh và xây dựng câu chuyện. Cốt liệu của truyện Nguyễn Nhật Ánh chưa bao giờ mạnh để chuyển thể thành phim vì sự đơn giản, mang tính đời thường và rất thiếu kịch tính vốn là thước đo để tạo nên thành công cho một tác phẩm điện ảnh. Như bộ phim Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh hoàn toàn lấy được sự cảm mến của khán giả thông qua thị giác mà không hề để lại dấu ấn về mặt câu chuyện. Cô Gái Đến Từ Hôm Qua cũng sẽ gặp tình trạng tương tự nếu đạo diễn thuần tuý diễn lại truyện chữ thành truyện phim. Nhưng rất may bằng vài thủ thuật, cộng với dấu ấn cá nhân trong việc tạo chuyện phụ cho chuyện chính, và cách tạo ra các nút giao cảm xúc ấn tượng, bộ phim đã thoát khỏi sự đơn điệu, để thành một tác phẩm điện ảnh đúng nghĩa.

Với cách kể chuyện phi tuyến, đan cài giữa quá khứ và hiện tại, bộ phim mang khán giả về thời đại không smartphone, không internet. Thư “thẩn” (Ngô Kiến Huy) là một cậu chàng ngỗ ngược, ham chơi, lười học nhưng ngoan. Bước ngoặt của cuộc đời cậu đến khi cô gái Việt An (Miu Lê) thông minh, cá tính vào học trong lớp cậu. Thế giới quan của Thư hoàn toàn thay đổi, thế giới của một cậu bé bắt đầu biết yêu. Cậu trở nên mơ mộng, mơ tưởng và tưởng bở. Sự hoạt hoá suy nghĩ để diễn đạt tình cảm của Thư là điểm cộng đáng kể của bộ phim. Ai cũng sẽ tìm thấy mình ở anh chàng Thư ước mong được cô bạn gái mình thầm thương trộm nhớ chú ý. Và đó là lúc Thư nhớ lại quá khứ “hào hùng của mình” khi còn là thằng nhóc con (Minh Khang), bắt nạt cô bạn nhỏ Tiểu Li (Tiểu Li).

Lớn thì bị quay như quay dế, còn bé thì “anh hùng rơm”. Bộ phim giàu nhạc tính khi đạo diễn sử dụng âm nhạc hợp lý và đầu tư trong việc dàn cảnh và tạo ra những khoảng khắc đẹp để đẩy căng cảm xúc và kéo khán giả trở về một thời điểm nào đó trong quá khứ của mình với tình cảm dành cho cô bạn cùng lớp, hoặc đứa trẻ hàng xóm. Tôi đã thực sự xúc động khi trong một cảnh phim đầy tính điện ảnh, Thư lững thững trên đường quốc lộ và Trúc Nhân xuất hiện trên chiếc xe bò hát lên ca khúc dành riêng cho phim “Ngồi hát đỡ buồn”. Đấy là cảnh quay đắt, không chỉ thể hiện tư duy tốt của đạo diễn, mà nó làm cho tính bi của tình huống trở nên vừa đáng yêu vừa buồn.

Kĩ xảo là điểm yếu và cũng là điểm mạnh. Điểm yếu vì nhiều lúc chi tiết được “vẽ” thêm vào lạc điệu và thừa, còn điểm mạnh chính là tạo cho cốt truyện vốn rất mỏng có cơ hội được kéo giãn và tạo cảm giác tốt về mặt cảm xúc và thị giác. Một điểm đáng kể nữa chính là âm nhạc và sự tri ân của đạo diễn dành cho các bộ phim về học trò của điện ảnh thế giới, đặc biệt là trường đoạn mơ của Thư với âm nhạc là bản Tình Thơ nổi tiếng một thời được dàn cảnh giống hệt như 10 Things I Hate About You do Heath Ledger diễn xuất không chỉ mang đến sự thú vị mà còn rất thi vị. Nó là giấc mơ của chính đạo diễn về tham vọng điện ảnh, và là giấc mơ của mọi chàng trai trên đời đều muốn cho cả thế giới thấy mình yêu cô bạn gái nhiều như nào.

Không tránh khỏi việc thiếu sót và chưa hoàn chỉnh, đặc biệt là tuyến truyện của lớp trưởng Chiêu Minh và thầy giáo Lực, do dành quá nhiều thời lượng cho hai nhân vật chính và hai quân sư của nhân vật chính. Do đó câu chuyện học trò yêu thầy giáo trở nên gượng ép và thiếu sức sống. Thêm vào đó, do câu chuyện của Nguyễn Nhật Ánh đơn giản và trong sáng, nên để kéo bộ phim dài đến 120 phút (theo đời đạo diễn là anh đã phải cắt đi rất nhiều rồi), nên bộ phim cần rất nhiều các yếu tố phụ, các chiêu trò đầy tính ngẫu hứng của học trò để làm dày thêm hình ảnh, vô hình chung, điều đó đã khiến phim tạo cảm giác hơi dài và thừa.

Nhưng đạo diễn đã thực sự làm rất tốt đoạn đầu và đoạn cuối để tạo ra một bộ phim giàu cảm xúc. Cao trào được xây dựng khéo léo, sự chia cắt của tuổi thơ, và tình yêu của tuổi mới lớn cứ vậy không cần mang thông điệp, mà tự nó là một cử chỉ không bao giờ quên của bất kì thế hệ nào, ngay cả thế hệ hiện đại nơi văn hoá phương tây còn chưa xâm nhập nhiều ở nhiều nơi. Tiểu Li khóc, Thư khóc, Việt An khóc và khán giả, có lẽ sẽ nhiều người khóc. Vì thanh xuân chỉ đến một lần, và điện ảnh, là tấm vé duy nhất đưa chúng ta về lại được thanh xuân. Hãy cảm ơn tấm vé của đạo diễn dành cho chúng ta.

Exit mobile version