Tuấn Lalarme

“Cô gái viết nỗi cô đơn” – Cuộc sống sao lại khắc nghiệt thế, trong những căn phòng hiu quạnh

“Cô gái viết nỗi cô đơn,” của Shin Kyung Sook, vốn có tên gốc là “Căn phòng hiu quạnh” được giải thưởng văn học Manhae năm 1996, có lẽ là một cuốn tiểu thuyết mang rất nhiều yếu tố tự truyện nơi việc kể lại câu chuyện đời mình trong giai đoạn khốn khó nhất đời trở thành nét chủ đạo, nhưng đồng thời cũng là nơi nhà văn thể hiện sự hòa quyện hài hòa giữa hiện thực và hư cấu. Không chỉ là một cuốn sách đi tìm quá khứ, “Cô gái viết nỗi cô đơn” còn là một nỗ lực của nhà văn, đầu tiên là để dám nhìn lại những quá vãng, dám đương đầu với nỗi đau và mất mát, dám gặp lại, trong tâm tưởng, những con người mình đã hạnh ngộ trong đời. Đi xa hơn thế, tiểu thuyết còn là những trăn trở về văn chương, và về sự viết.

Người đọc Việt Nam thân thuộc với Shin Kyung Sook qua tác phẩm “Hãy chăm sóc mẹ” có thể dễ dàng tìm thấy những bù đắp về mặt thông tin nếu cố gắng coi “Cô gái viết nỗi cô đơn” là một phần truyện trước đó của “Hãy chăm sóc mẹ”. Sự trùng lặp hiển hiện ở khắp nơi, khiến độc giả khó mà chối từ cái ham muốn được làm như vậy: đó là hình ảnh người anh trai cả hết mực hy sinh vì các em, đã từng làm ở ủy ban phường Yongsan, đó là cô em gái 16 tuổi được mẹ đưa lên Seoul để học cấp 3 và ở cùng anh trai, là cái làng quê nghèo khó không có cả điện thoại của tuổi thơ và ngôi nhà của bà mẹ bị mất trí, là cái nghèo đói đeo bám số phận của tất cả các thành viên trong gia đình, là cô nhà văn của thời hiện tại chính là cô con gái thứ hai giờ đây đã thành công. Các nhân vật quen thuộc của “Hãy chăm sóc mẹ” được miêu tả chi tiết ở giai đoạn trưởng thành, giúp soi rọi cho người đọc cái quãng đời đã qua mà cuốn tiểu thuyết sau này chỉ lướt qua nhanh chóng. Cả hai cuốn sách hàm chứa những sự thật mang tính tự truyện mà nhà văn đã cấy ghép rất tài tình với yếu tố hư cấu, để rồi nằm chảy trên cái bờ ranh giữa chúng.

Nhưng dĩ nhiên, “Cô gái viết nỗi cô đơn” hoàn toàn nên là một tác phẩm tách ra đọc riêng, độc lập, tập trung vào thời kỳ niên thiếu những năm 16 đến đôi mươi của nhân vật chính, và xung quanh cô là một loạt các nhân vật khác, không tên, những số phận sống khắc nghiệt ở Hàn Quốc giai đoạn cuối Duy Tân. Đặc biệt hơn, làm nền cho những số phận cá nhân ấy, còn là những biến đổi lớn lao về mặt chính trị của đất nước Nam Hàn, cái giai đoạn tổng thống Park Chung Hee bị ám sát, cuộc biểu tình đẫm máu Gwangju, hay cụ thể hơn, khi Nam Hàn bắt đầu bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, và diện mạo đất nước dần thay đổi những năm 1980. Tất cả được nhìn qua đôi mắt của một cô bé 16 tuổi, rời quê nhà, lên thành phố, đi lao động trong nhà máy, và đồng thời đi học cấp 3 ban đêm.

“Cô gái viết nỗi cô đơn” là một tiểu thuyết xáo trộn về mặt thời gian, khi nhân vật nhà văn Kyung Sook của thời hiện tại, viếng thăm quá khứ đau buồn bằng những cuộc hồi tưởng và cuốn sách là nơi bà đan cài giữa các ký ức, nơi bóng ma quá khứ đổ dài và đổ mãi. Nhận được một cú điện thoại của bạn cũ cấp 3 ngày xưa với băn khoăn sau cậu chẳng viết gì về chúng tớ, người phụ nữ 32 tuổi ở hiện tại đột nhiên bị sự kiện ấy ám ảnh thường trực. Dần dần, khi câu chuyện được triển khai, người đọc nhận ra, cái quãng đời từ năm 16 tới 19 tuổi ấy, chỉ ba năm ngắn ngủi, mà cô gái 16 đã thành như 32, khi những gian khó nhất cuộc đời dồn đọng lại đè nặng lên vai làm người ta già đi nhanh chóng và cứ thế mà chững lại trong một cái tuổi tinh thần già hơn tuổi thực đến gấp đôi.

Cuộc sống vất vả của Kyung Shook hiện lên qua lời kể về cô gái 16 tuổi, cái tuổi được nhắc đi nhắc lại đến ám ảnh trong tự sự, được nhận vào đứng xây chuyển sản xuất nhà máy lắp ráp, nơi cô và chị họ được đặt cho một biệt danh số, nơi con người, như bước ra từ trong bộ phim câm “Thời hiện đại” của Charles Chapin, trở thành một cái máy, một bộ phận lắp ráp, trong một chuỗi dây chuyền. Cuộc sống khó khăn, đồng lương ít ỏi không đủ sống, cô cùng anh trai cả và chị họ, ở trọ thuê trong một căn phòng nhỏ, trống trụ qua những mùa đông dài rét mướt. Cuộc sống của cô gái ấy, teo nhỏ thành những hoạt động ở nhà máy với công việc nặng nhọc, với sự đấu tranh quyền lực giữa công đoàn và bộ phận lãnh đạo, giữa việc cố gắng nhập học cấp 3 vào buổi tối với bao cô bạn gái công xưởng đồng cảm cộng khổ  khác. Cuộc sống ấy còn là những căn phòng hiu quạnh, cùng với nỗi cô đơn gặm nhấm và tàn phá không biết tâm sự cùng ai.  Họ yêu thương nhau, đùm bọc nhau, cãi cọ nhau, mỗi người cứ cúi gằm mặt xuống mà đắp đổi qua ngày, ai cũng bảo nhau chịu đựng một thời gian nữa thôi, ai cũng cố không nghĩ quá nhiều về sự cực khổ.

Thành phố Seoul hiện lên những năm 1980 ấy là những khu nghèo của người lao động hiếm khi mạo hiểm ra khỏi con đường tới nhà máy hay trường học.  Ở trung tâm của bức tranh ảm đạm đó là người bạn hàng xóm, người giúp nguôi bớt nỗi cô đơn ám ảnh của cô bé 16 tuổi, người cô mãi mới dám gọi tên, đầy mơ hồ và khó nắm bắt, mà kết cục bi kịch là nỗi day dứt Kyung Sook tới hiện đại. Trong khi cô gái Kyung Sook hay anh cả và chị họ còn có ước mơ để thay đổi cuộc đời, để thoát khỏi những căn phòng hiu quạnh, thì chị Hee Jae chỉ có cuộc sống khắc nghiệt và tuyệt vọng làm sản: cuộc đời và thân phân chị hóa thân làm một với chính cái phòng hiu quạnh vài mét vuông cư ngụ. Viết văn, không hẳn thực, không hẳn hư cấu, viết văn, với nhà văn trong “Cô gái viết nỗi cô đơn” là công cụ để cô đối mặt với căn phòng cô đã quay đầu đi không một lần quay lại kể từ cái ngày chị Hee Jae kết thúc đời mình, và viết, cũng là để lưu giữ, để bất tử hóa người chị sống và đeo đuổi mãi trong ký ức của nhà văn.

“Cô gái viết nỗi cô đơn” của Shin Kyung Sook với một giọng văn được điều khiển và kiểm soát rất tốt, nhẹ nhàng, đong đầy cảm xúc nhưng chưa bao giờ rơi vào bi lụy. Văn chương của bà rất đỗi bình dị, không văn hoa, không lên gân, không màu mè, nhưng chuyển tải nỗi cô đơn và nỗi đau một cách ngồn ngộn hiếm có một nhà văn nào làm được. Những câu chuyện đời sống độ nhật, nhưng đồng thời lại đen tối một cách kỳ lạ, phản ánh bao thân phận con người đất nước Hàn Quốc trong một giai đoạn lịch sử. Không có được sự hấp dẫn và nhanh gọn như “Hãy chăm sóc mẹ,” “Cô gái viết nỗi cô đơn phù hợp cho lối đọc chậm rãi, để người đọc thấm cùng nhân vật, cái nỗi đau của làm người, đồng thời, cũng là thấm những trang văn đẹp và giàu có về cảm giác. Ai có thể không rung động trước cái kỷ niệm của cô gái 16 tuổi đi cùng cậu bạn mối tình đầu phảng phất mùi xà phòng thơm vừa tắm cho đến cuối đường ray cho đến khi sao mờ cho đến cái buổi đêm hôm ấy? Hay cái ngõ nhỏ đen tối mờ sẫm với căn phòng hiu quạnh với nỗi cô đơn dài dặc của những con người bé mọn không ước mơ không ngày mai nơi cuộc sống đè bẹp bất hạnh như của chị Hee Jae?

CÔ GÁI VIẾT NỖI CÔ ĐƠN
Của Shin Kyung Shook. Dịch bởi Huyền Vũ. Nhã Nam & NXB Hà Nội. 473 trang. 108.000 đ.
Đánh giá: ***1/2 *

Exit mobile version