Tuấn Lalarme

Cửu Long Thành Trại: Vây Thành – vẻ đẹp nam tính của tình huynh đệ

Lâu lắm mới lại thấy một phim dành cho đàn ông khiến ta cảm nhận được thứ tình cảm với máu lửa, vừa sến, nhưng không bi luỵ và giúp ta cảm thấy được vì sao mà những kẻ xưng huynh gọi đệ có thể sống chết vì nhau.

Cửu Long Thành Trại của đạo diễn Trịnh Bảo Thuỵ mang đến một bộ phim giải trí tuyệt vời gợi cho cho khán giả rất nhiều về một Hong Kong xưa cũ mà khán giả Việt vốn từng rất quen thuộc với giọng Quảng Đông, những diễn viên như Hồng Kim Bảo, Cổ Thiên Lạc, và một câu chuyện của những kẻ sống bên lề xã hội bao gồm cả xã hội đen sống vô luật pháp, nhưng giàu tình cảm anh em và đầy nghĩa khí dù đôi khi cũng có những kẻ phản bội, và những kẻ độc ác táng tận mà ta không thể nào thông cảm được.

Diễn ra không khoảng đầu những năm 1980, khi hiệp ước Trung – Anh về việc trao trả lại Hong Kong cho Trung Quốc được kí kết, bộ phim gần như gói gọn trong một bối cảnh là khu chung cư cũ đổ nát và “hoang đường” có tên Thành Trại. Đây từng là địa danh rất nổi tiếng của Hồng Kong, là nguồn cảm hứng cho rất nhiều bộ phim khác nhau, mà ở đó luôn là câu chuyện của những kẻ anh chị đến tranh giành địa bàn, một khu vực “vô chính phủ” được cai quản bằng bạo lực, và những hoạt động đầy màu xám của xã hội. Một “thành phố đổ nát” nhìn siêu thực như một tác phẩm hậu tận thế, trong cái không gian bẩn thịu, chật hẹp, luôn gợi lên cảm giác nếu có cháy nổ thì chắc “toang”, nhưng trong đó lại trở thành một nơi giàu tình người với sự quản lý của Long Quyền Phong (Cổ Thiên Lạc), một kẻ đã từng có ân oán với các băng nhóm khác trước khi tiêu diệt được kẻ thù và trở thành người quản lý dưới sự bảo kê của ông chủ Địch Thu.

Chính vì Long Quyền Phong vốn là kẻ giàu tình cảm, đặc biệt là thứ tình cảm huynh đệ sống chết và tấm lòng rộng rãi, ông ta đã cố gắng bảo vệ Trần Lạc Quân (Lâm Phong) một kẻ tị nạn đến Hong Kong và vô tình vướng vào ân oán với băng đảng xã hội đen của Lão Đại (Hồng Kim Bảo). Lạc Quân cảm kích vì một mái nhà anh ta chưa bao giờ có, và những người huynh đệ sống tử tế, luôn tìm cách bảo vệ những người dân yếu thế trong thành trại.

Bộ phim gây ấn tượng thị giác mạnh về một bối cảnh đổ nát với góc máy hẹp nhưng linh hoạt khiến những màn hành động trong khu chung cũ cũ trở nên hấp dẫn và kích thích sự hưng phấn cho khán giả xem phim. Những cảnh hành động liên tục không khỏi khiến tôi liên tưởng đến tác phẩm hành động cực hay của Indonesia là The Raid, chân thực, tàn bạo nhưng lôi cuốn và đầy hưng phấn. Đạo diễn Trịnh Bảo Thuỵ đã thực sự tạo được một bầu không khí của điện ảnh võ thuật Hong Kong vốn gắn liền với thế hệ 7x và 8x.

Tất nhiên, một bộ phim thuần hành động sẽ mang lại vài yếu tố phi logic, cũng như để làm dịu những màn cận chiến phim mang đến khá nhiều phân cảnh “sến” mà đạo diễn hoàn toàn có thể cắt bớt để nhịp phim liên tục hơn. Nhưng tôi nghĩ, nếu không có sự phi logic trong sức mạnh của trùm cuối thì khó xây dựng được một trường đoạn hành động mãn nhãn đến vậy, và cái sự sến giúp ta tìm lại được một thời “huynh đệ” sống chết mà ta vẫn thấy trong phim xưa.

Cửa Long Thành Trại: Vây Thành với tôi là một phim xem giải trí tuyệt vời, dàn diễn viên kì cựu và dàn diễn viên trẻ đều tròn vai, mang đến cho khán giả một vẻ đẹp khá siêu thực trong một thế giới mà ta không mường tượng được nếu sống ở đó sẽ ra sao. Thật buồn, u ám nhưng lại đẹp đẽ làm sao.

Exit mobile version