Cyberbully là một bộ phim nói về nạn bắt nạt trên mạng, một trong những vấn nạn mới của xã hội hiện đại. Hơn một giờ đồng hồ của phim đươc gói trọn trong căn phòng ngủ của cô bé Casey Jacobs, và diễn viên chính, không ai khác, là Casey và chiếc máy tính của cô.
Một buổi tối, thông qua viêc chat với Megan, cô bạn thân nhất của mình mà Casey biết được rằng bạn trai cũ của cô, Nathan, đã đăng một status Twitter châm biếm về việc sử dụng thuốc chống trầm cảm của Casey. Để trả thù hành động xấu xa này, Megan nhờ Alex, (một người bạn chung của cô và Casey) hack tài khoản Nathan, nhưng cậu bạn này từ chối vì sợ hãi. Sau khi Casey và Megan kết thúc cuộc trò chuyện, Casey đột nhiên nhận được một tin nhắn từ nickname của Alex với lời đề nghị rằng cô có thể “làm trò” gì đó với tài khoản của Nathan vì anh đã hack được cho cô rồi. Ngay lập tức, Casey đăng tải một tweet đáng xấu hổ về rối loạn chức năng cương dương của Nathan lên mạng và hả hê gặm nhấm sự thú vị khi thông tin đó được lan truyền. Tuy nhiên, sau khi thấy cách chat kì lạ của Alex, Casey nghĩ ngay tới việc có ai đó đã hack nick của anh chàng để chat với mình. Và đúng như suy luận của cô, hacker đã xuất hiện với những màn trình diễn khiến cô thót tim sau đó. Sợ hãi, căng thẳng, cảm thấy tội lỗi và đôi lúc muốn buông xuôi là những gì Casey cảm nhận được trong những giờ phút kinh hoàng khi phải đối mặt với tên hacker bí ẩn.
Để đạt được sự chân thực cho câu chuyện trong phim, đạo diễn Ben Chana đã tham khảo các kinh nghiệm thực tế về vấn nạn bắt nạt trên mạng xã hội trong độ tuổi vị thành niên, thậm chí ông còn tham khảo cả ý kiến từ cô con gái tuổi teen của mình. Vai chính càng phù hợp hơn khi lựa chọn Masie Williams vì cô đã từng là nạn nhân của nạn bắt nạt trên mạng, sau khi thành công với vai diễn đình đám Arya trong Game Of Thrones. Có lẽ vì đã được trải nghiệm cảm giác sống trong sợ hãi cũng như bị tổn thương bởi những lời chỉ trích trên mạng nên Williams diễn khá tròn vai.
Bối cảnh phim không rộng, góc quay không quá đặc biệt, vậy điều gì đã làm nên 60 phút căng thẳng tột cùng cho phim? Đó chính là những tình tiết đe doạ theo cấp độ tăng dần của tên hacker, cộng với biểu cảm qua đôi mắt rất tốt từ Masie Williams – “Arya Stark” của Game Of Thrones. Thêm vào đó, ngay bản thân đề tài phim cũng đã rất thức thời, rất “thật” với đời sống hiện đại nên người xem dễ bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc đối thoại giữa Casey và hacker.
Riêng với Masie Williams, thành công quá lớn từ nhân vật Arya dường như khiến cô bé bị đóng đinh với hình tượng một cô bé dũng cảm, kiên định và mạnh mẽ. Masie đã nhiều lần cố thoát ra khỏi bóng nhân vật này bằng những vai diễn trưởng thành hơn như trong Lydia Lamont trong The Falling, thậm chí cô còn dám đóng những cảnh nóng để thể hiện sự táo bạo của mình. Tuy nhiên ở Cyberbully, Masie chọn cách là chính mình. Cô sống đúng với tuổi của mình, vẫn là một Arya nhưng là Arya trong thế giới hiện đại, là một cô bé trong tuổi vị thành niên, cá tính nhưng cũng có lúc yếu lòng và bật khóc vì sợ hãi. Cái “chất” của nhân vật Arya vẫn còn đâu đó trong ánh mắt của Casey, “chất” ấy thể hiện rõ nét nhất trong đoạn cuối phim, khi cô cố gắng tìm ra danh tính của tên hacker và buộc tội ngược lại hắn. Có thể nói, nếu nhận được vai diễn đúng lứa tuổi, đúng tâm trạng thì diễn viên nào cũng có thể diễn xuất một cách tốt nhất, và ở đây, Masie Williams đã chọn đúng vai diễn cho mình.
Khi mạng xã hội phổ biến, những nội dung xấu lan truyền nhanh thì rất có thể bạn sẽ là nạn nhân của trò bạo hành online. Hoặc đôi khi, vô tình những lời comment của bạn sẽ khiến bạn trở thành đồng lõa trong trò bắt nạt người khác. Ngoài đời có thể bạn là một người tốt nhưng nếu người khác nắm được điểm yếu của bạn và lấy đó làm cái cớ khống chế hành vi trên mạng, rất có thể bạn sẽ thành người xấu trong mắt những người xung quanh. Vậy nên hãy cẩn thận và cân nhắc kĩ khi đăng bất cứ một thông tin nào trên mạng.
Phim cho ta một cái nhìn toàn cảnh về thực trạng mạng xã hội hiện nay. Trên mạng xã hội, không gì là không thể. Vài phút trước bạn là người cười vào mặt người khác khi họ đăng tải những điều lố bịch, nhưng chỉ vài giây sau, có thể chính bạn lại là người bị cười vào mặt khi đám bạn “đào mộ” được tấm hình cũ kĩ. Nếu không thực sự cẩn trọng thì những người bạn ảo sẽ gây ảnh hưởng thật tới cuộc sống của bạn. “Ông là ai phía sau bàn phím?” là câu hỏi luôn đau đáu trong đầu Casey và cũng là câu hỏi xuyên suốt phim. Liệu gã hacker là ai? Gã có thể là một người bạn quen biết, hoặc cũng có thể là người lạ. Gã không là ai cả, và cũng có thể là tất cả mọi người. Vậy nên dù là ở đâu, trên mạng hay ngoài đời, hãy nên cẩn trọng với những gì diễn ra xung quanh mình. Quan trọng hơn cả, phim mang lại cho ta những bài học bỏ túi nho nhỏ, như là: Nếu đã vô tình mắc lỗi ở quá khứ, thì hãy cố gắng chuộc tội bằng tương lai. Đừng vì những chuyện tiêu cực mà lãng quên những thứ tốt đẹp xung quanh.
Bott Sparrow