Tuấn Lalarme

Dạ Cổ Hoài Lang – Kịch bản lỗi, và phiên bản phim không có tính điện ảnh

Điện ảnh Việt Nam đang ở trong giai đoạn chuyển mình, đã qua rồi cái thời một năm điện ảnh Việt cho ra đời chỉ 10 tác phẩm với sự hạn chế về mặt đề tài. Mà ở thời điểm hiện tại, sự thay đổi về lượng và chất của cả nền điện ảnh đang có những tín hiệu tích cực, phim Việt liên tục ra mắt ở mọi thời điểm mà không còn bó vào hai thời điểm chính là hè và Tết nữa. Và hơn hết là đề tài cũng đã được mở rộng một cách mạnh dạn hơn, điển hình chính là tác phẩm Dạ Cổ Hoài Lang do đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thực hiện vừa ra mắt tại các rạp trên toàn quốc.

Vì sao nói Dạ Cổ Hoài Lang là một tác phẩm mạnh dạn, là vì nó thoát ra khỏi khuôn khổ thường có của một phim Việt không thuộc nhà nước, không còn những chiêu trò hài hước câu khách, không có dàn diễn viên trẻ đẹp đi lên từ giới ca sĩ người mẫu. Ngược lại, Dạ Cổ Hoài Lang là một đề tài nghiêm túc, mang thông điệp nhân đạo về tình người trong bối cảnh xã hội đang xung khắc dữ dội giữa truyền thống và hiện đại, giữa thế hệ trẻ và già trong cùng gia đình, cũng như những vấn đề về tâm tính Việt của những người con xa xứ. Một đề tài nghiêm túc sẽ đi ngược lại xu hướng giải trí của giới trẻ và sẽ khó đảm bảo được doanh thu. Nhưng Dũng “khùng” đã dám làm, đó là một điều đáng ghi nhận dù cho bộ phim, vốn vấp phải những thiếu sót cơ bản mà phim Việt vẫn đang trên đường tìm kiếm lối thoát, sự thiếu tinh tế của kịch bản, và tư duy đạo diễn chưa linh hoạt để bộ phim thoát khỏi cái bóng của vở kịch Dạ Cổ Hoài Lang của Thanh Hoàng.

Vai diễn “thoát bóng hài nhảm” của Hoài Linh

Có lẽ sự lựa chọn Hoài Linh và Chí Tài cho hai nhân vật Tư Lành và Năm Triều là một sự lựa chọn khôn ngoan. Vì cả hai diễn viên đó đều có thời gian dài sống ở nước ngoài, họ thấu hiểu được tâm lý của những người do hoàn cảnh bắt buộc phải xa quê, xa đất nước. Họ cũng thấu hiểu những người Việt Nam thuộc thế hệ thứ 2, thứ 3, vốn được bố mẹ đầu tư mọi thứ cho ăn học để đổi đời, nhưng đồng thời, chúng cũng hưởng thụ nền văn hoá tự do của phương Tây, thứ vốn không phù hợp với văn hoá truyền thống Việt Nam. Có lẽ vì vậy, Hoài Linh và Chí Tài không cần quá “diễn” để trở thành nhân vật trong phim. Họ chỉ bỏ vào trong nhân vật đó chút duyên hài của mình, hòng tạo cho không khí phim giãn ra, những bi kịch được giải toả, và những nỗi buồn được hoá giải để trở nên nhẹ nhàng và lắng đọng.

Hai ông già, là bạn nối khố, một người giàu, một câu thanh niên nghèo, cả hai cùng phải lòng một cô gái. Nhưng Tư Lành dù nghèo nhưng biết đàn và hát rất ngọt bài vọng cổ Dạ Cổ Hoài Lang của Cao Văn Lầu, nên được lòng cô gái. Dù là tình địch, nhưng hai thanh niên ở một vùng quê nghèo sống với nhau bằng sự chân thành đã không hề có ý niệm ganh ghét nhau. Họ duy trì mối tình cảm tâm giao đó cho tới tận lúc già, khi cả hai vì nhiều lý do trôi dạt đến Mỹ, và sống nốt cuộc đời còn lại đầy hoài niệm của mình. Tư Lành qua ở với con trai và cháu gái sau khi vợ mất. Ông được con trai cho ở trong viện dưỡng lão. Bộ phim bắt đầu bằng cảnh ông trốn viện trở về nhà, sau khi gặp cô cháu gái đang ngủ với bạn trai, ông và cô cháu gái bắt đầu một chuỗi những xung đột do sự khác biệt về văn hoá mà vì cả hai chưa gặp nhau đủ lâu để có thể hiểu nhau và tôn trọng được sự khác biệt.

Bộ phim là sự đan xen giữa hiện tại nơi nước Mỹ với tông màu lạnh, tối và quá khứ ở Việt Nam với màu nóng và tươi của đồng lúa và nông thôn. Đạo diễn Quang Dũng sau 3 năm trời quay phim, với bối cảnh ở Canada và Việt Nam đã mang đến một sự tương phản đầy ý nghĩa, con người có cội nguồn, sự hiện đại nhưng xa lạ chỉ khiến cho những tâm hồn hoài cổ trở nên khổ tâm và cam chịu. Ông Tư Lành muốn qua sống với con để chúng nó hạnh phúc, nhưng thực sự có ai hạnh phúc? Con trai phải làm nhiều việc hơn để đủ tiền cho ông vào viện dưỡng lão, còn bản thân ông không biết tiếng Anh, không thể có bạn bè, còn cô cháu gái thì luôn tin, ông là lý do mà ba mẹ nó ly dị. Một bối cảnh bức bối, bốn bức tường bức bối. Bộ phim đôi lúc lên đến cao trào khiến ta cảm thấy bế tắc và bung bét. Chỉ có mỗi tình bạn già của hai ông già, với những tiếng cười ý vị, giàu tình cảm mới khiến cho cảm xúc của ta được xoa dịu và ấm áp.

Kịch bản nhiều lỗi, và những khung hình không mang tính điện ảnh

Tuy nhiên, đáng lẽ một bộ phim như vậy, với những chi tiết hay, và hai diễn viên tốt sẽ mang đến những cảm xúc tuyệt vời khiến cho khán giả không thể không khóc, nhưng thay vào đó, cảm xúc đôi khi bị phá hỏng vì những chi tiết thiếu trau chuốt của kịch bản tạo nên những lỗ hổng không đáng có, những lỗi mà chỉ có thể xuất hiện trong kịch để ta bỏ qua, chứ với một tác phẩm điện ảnh, không gian phim rộng lớn hơn, điểm nhìn của khán giả bao quát hơn, thì điều đó vô hình chung làm giảm chất lượng của bộ phim đi rất nhiều. Bên cạnh đó, kịch tính được xử lý không tốt, nên những điểm nút thắt mở của bộ phim luôn luôn thiếu một chút tinh tế để khán giả đồng cảm.

Thêm nữa, những khung hình cố định, đóng khung trên khuôn mặt diễn viên, khiến cho bộ phim bị mất đi tính điện ảnh, thay vào đó, những hình ảnh trên sân khấu về vở kịch Dạ Cổ Hoài Lang lại hiện về. Thế mạnh điện ảnh đáng lẽ nên có lại bị triệt tiêu, lợi thế của máy quay giúp xoá đi khoảng cách giữa khán giả và bối cảnh đã hoàn toàn không được sử dụng. Ngoài nhưng đại cảnh tuyết trắng và đồng lúa, bộ phim hoàn toàn dừng lại ở việc mô tả ở bề mặt, mà không hề có chi tiết góc máy nào đủ đắt giá để lay động người xem.

Nhưng đáng ra rạp xem phim

Không chỉ vì có sự hài hước, hay âm nhạc do Đức Trí phối khí được sử dụng khéo léo, mà vì tính nhân bản của bộ phim. Mặc dù lấy bối cảnh là những người con xa xứ, nhưng bộ phim cũng áp dụng được cho xã hội Việt Nam hiện đại, khi thế hệ cha mẹ và thế hệ con cái có những sai lệch nhất định về mặt quan điểm do ảnh hưởng của văn hoá Phương Tây. Cô cháu gái cuối cùng có hiểu được tình cảm của ông nội hay không? Ông nội có hiểu cho lối sống quá “tây” hoàn toàn khác biệt với mảnh đất “quê” ông hay không? Điều đó như những cơn gió lạnh thổi vào lòng mỗi người xem để họ tự nhìn lại mình, tự nhận định về cuộc sống của mình, và tham chiếu vào cuộc đời của thế hệ trước, hoặc thế hệ sau. Đến cuối cùng, gia đình vẫn là điều thiêng liêng nhất, nhưng để điều thiêng liêng đó luôn luôn sưởi ấm mỗi trái tim con người, thì luôn cần tôn trọng sự khác biệt, chỉ có vậy, con người mới đủ tình yêu để sống với nhau.

Tuổi Trẻ

Exit mobile version