Tuấn Lalarme

Điểm sách: “Chiến tranh và chiến tranh” – Sụp đổ, sụp đổ và sụp đổ: Một cuộc xô đẩy điên loạn

Cuối cùng thì, sau rất nhiều chờ đợi, Krasznahorkai László cũng đã đến Việt Nam qua bàn tay của dịch giả Giáp Văn Chung, một cái tên đã quá quen thuộc. Trước hết, phải nói rằng, chỉ riêng lựa chọn chuyển ngữ tác phẩm của Krasznahorkai đã là một sự dũng cảm. Và dù rằng, tôi nghĩ sẽ ít, rất ít người quan tâm bản dịch trôi chảy và vô cùng cuốn hút này thì sự hiện diện của nó quả là món hời với độc giả xứ ta. Năm 2017 quả nhiên hứa hẹn lắm thóc đãi gà rừng.

Krasznahorkai László, sinh năm 1954 tại Hungary, là chủ nhân của giải thưởng Man Booker Quốc tế 2015. Kể từ khi rẽ hướng sang con đường viết văn, và bắt đầu với tiểu thuyết “Sátántangó” vào năm 1985, Krasznahorkai lập tức trở thành tên tuổi được săn đón ở mọi diễn đàn văn học. Ông viết khá đều tay, cứ vài ba năm ra mắt một cuốn. Tháng 5 tới đây, ông sẽ cho ra mắt cuốn “The Manhattan Project”, đồng tác giả với nhiếp ảnh gia Ornan Rotem.

Bên cạnh việc viết tiểu thuyết, Krasznahorkai László còn là cộng sự của Béla Tarr với vai trò nhà biên kịch qua 6 bộ phim, phần lớn được chuyển thể từ tác phẩm của Krasznahorkai. Năm 2011, sau khi ra mắt “The Turin Horse” (bạn đọc nhà Z có bao người xem rồi?), Béla Tarr tuyên bố chấm dứt sự nghiệp đạo diễn. Thật tiếc, chúng ta sẽ không còn cơ hội nào thưởng thức phim ảnh của bộ đôi này. Thế nhưng, Krasznahorkai đã rất thẳng thắn: “Với tôi, quyết định việc chấm dứt quá ư dễ dàng. Tôi chưa bao giờ có cảm tình với thế giới của các nhà làm phim. Phim ảnh khá xa vời với tôi, đặc biệt là làm phim. 6 bộ phim với Tarr là quá đủ.” Cũng không lấy gì làm lạ, Krasznahorkai từng bảo: “Tôi không thể xem phim”. Lí do nằm ở chỗ, Krasznahorkai cho rằng phim ảnh không thể thoát khỏi gánh nặng của câu chuyện. Không gì tệ hơn những câu chuyện đến từ các hình ảnh rõ ràng. Loại trừ Câu chuyện – Sự rõ ràng, điều này hẳn nhiên không chệch đi đâu được trong các tác phẩm của ông.

Krasznahorkai đặc biệt ngưỡng mộ Kafka. Khi được hỏi ngoài các ông kinh điển như Kafka, ông chọn đọc gì? Ông liền trả lời thế này: “Khi không đọc Kafka tôi nghĩ đến Kafka. Khi không nghĩ đến Kafka tôi nhớ việc nghĩ đến ông. Cứ thế nhớ đến việc nghĩ đến ông trong một thời gian, tôi lại lôi Kafka ra đọc lại. Như thế đấy. Chuyện cũng hệt như vậy với Homer, Dante, Dostoevski, Proust, Ezra Pound, Beckett, Thomas Bernhard, Attila József, Sándor Weöres and Pilinszky…”. Hoạt động viết của Krasznahorkai luôn diễn ra trong đầu, nơi cho phép ông được đuổi theo không đứt đoạn MỘT suy nghĩ của mình. Điều này lí giải tại sao Krasznahorkai chỉ viết những câu văn dài. Ông cho rằng câu văn ngắn là sản phẩm rất chi giả tạo, rằng nó được đẻ ra đã hàng ngàn năm nay như một sự thôi miên người đọc: ngắn = dễ hiểu hơn. Trong một bài phỏng vấn khác, Krasznahorkai thừa nhận mình chịu ảnh hưởng của Faulkner, mê Walden của Thoreau, Miss Lonelyhearts của Nathanael West, và tạ ơn Chúa vì được sống cùng hành tinh với Thomas Pynchon. Nhắc đến câu văn dài, sắp tới đây chúng ta sẽ còn gặp gỡ một nhà văn khác, Thomas Bernhard (qua bàn tay của dịch giả Hoàng Đăng Lãnh). Nếu Bernhard cũng có mặt trong năm nay, ta sẽ được thưởng thức hai ông mê câu dài theo hai kiểu khác nhau, mà nói theo Krasznahorkai thì sự khác biệt lớn giữa họ nằm ở chỗ, Bernhard yếm thế, ông thì không. Tóm lại là rất mong chờ.

Một chút giới thiệu về Krasznahorkai. Tôi thực sự nghĩ mình muốn dành thời gian để đọc những cuốn quan trọng của ông. Cuốn “Chiến tranh và Chiến tranh” cũng đang hối thúc tôi sớm đọc “Madness and Civilization” của Foucault. Có một bài viết cùng tên cuốn sách này, bài của James Wood đăng trên The New Yorker, tuy không quá hay nhưng bạn nào muốn biết sơ sơ về Krasznahorkai thì có thể tìm đọc.

“EXIT”

Không thể có lối thoát, ta đã sớm biết điều đó ngay từ nhan đề. Chiến tranh và chiến tranh, một mạng lưới ken chặt những bảng chỉ dẫn “exit”, chỉ duy ta không bao giờ thoát khỏi mê lộ ấy: “cuộc sống của con người là linh hồn của chiến tranh”. Cuốn tiểu thuyết được cấu trúc thành tám chương. Mỗi chương bao gồm nhiều tiểu đoạn đánh số. Mỗi tiểu đoạn là một câu. Trong một câu này, chúng ta có thể có tất cả những dấu câu khác, ngoại trừ dấu chấm. Tuy là thử thách lớn với những ai không quen đọc câu dài nhưng cũng là cách Krasznahorkai tháo gỡ định kiến đã ăn mòn não, dài = rắc rối, dài = lảm nhảm. Quan trọng hơn, cách tốt nhất để hiểu được câu chuyện của một gã điên, không gì hơn là thâm nhập vào mạch suy nghĩ của hắn, với lô lốc những bất thường và kỳ quặc. Krasznahorkai làm điều này rất dễ dàng. Ông khiến việc đọc những câu văn dài trở nên cuốn hút hơn bao giờ hết. Và sẽ còn rất nhiều những tháo gỡ khác, chúng tụ lại ở phần cuối của cuốn sách, “Asaia đã đến”. Chính ngay phần cuối được chẻ ra thành nhiều câu với nhiều dấu chấm, ta nhận ra tám chương trước đó vốn được viết bởi những câu văn dài ngoẵng hóa ra giữ cho cuốn sách một nhịp điệu rất bình ổn. Sự tỉnh ngộ trong nhận thức luôn là cuộc bùng nổ và bị buộc phải trả giá đắt.

Mọi sự bắt đầu từ cuộc trấn lột của bảy đứa trẻ với người đàn ông kỳ quặc, trên cây cầu ở một tỉnh lẻ bị nuốt chửng trong bầu không khí thời đại công nghiệp. Dr. György Korin, được bọn chúng quả quyết, một gã điên hoàn toàn, một gã điên tuyệt đối, một kẻ ngu nảy nòi. Vào sinh nhật lần thứ bốn mươi tư, có một tiếng nói thì thầm bên tai khiến gã nhận ra cả thế giới bấy lâu gã những tưởng mình đã hiểu hóa ra chẳng hiểu gì cả, và cũng không thể hiểu gì hơn. Thế giới vốn dĩ bất biến vĩnh cửu và ổn định vĩnh cửu của gã giờ đây vỡ ra thành hàng ngàn mảnh hỗn độn. Phong phú phát rồ. Gã không thể chịu nổi một kết cấu mất trật tự. Và lần đầu tiên, sau bốn mươi tư năm, gã nhận thấy hóa ra mình đang ở nhầm chỗ. Vị trí nhẽ không phải ở văn phòng địa phương xó xỉnh, mà là tại “trung tâm thế giới”, không phải một nhân viên lưu trữ bình thường, mà là người hiểu đúng lúc mình cần phải chết. Làm gì có thứ được đặt đúng chỗ trên đời này, mọi tọa độ đều bị chuồi đi theo nhiều phương hướng. Càng tiến gần “trung tâm thế giới”, Korin càng nhận thấy vị trí mình muốn đang nằm ở một chỗ khác.

Nhưng hành trình ấy cần thiết với gã, giúp gã từng bước tiếp cận bản chất thế giới. Công việc kiếm cơm ở phòng lưu trữ địa phương sớm khiến gã biết rằng “lịch sử là bằng chứng không chỉ cay đắng nhất, mà đúng hơn là nực cười nhất của sự không thể tiếp cận sự thật”, nhưng cũng chính nhờ vị trí ấy, gã có trong tay tập cảo bản lạ lùng không đề tên, không niên đại, một bước ngoặt túm gã khỏi mớ bùn lầy đang hành hạ cái đầu nặng nề treo trên cổ. Tất tật những gì được xem là “đại tự sự” đều sụp đổ ngay từ đầu câu chuyện, tất tật những gì dính Korin vào cuộc đời như một sự lệ thuộc, căn nhà của gã, giấy tờ tùy thân v.v., gã lên đường đến New York, mang theo cảo bản như một gánh nặng nhất thiết phải giải thoát, không phải để bắt đầu một cuộc sống mới, mà để kết thúc cuộc sống cũ.

“Mọi thứ đều có sức nặng giống nhau, và mọi thứ đều quan trọng không thể trì hoãn”. Gánh nặng lớn nhất trong đời Korin không nằm ở cảo bản giáng xuống đầu gã, mà là toàn bộ câu chuyện về chính cuộc đời gã, một biện minh cho sự buộc phải chạy trốn. Krasznahorkai đã biến sức nặng kinh khủng đó thành thứ cứu thoát cuộc đời gã. Korin giống như một Scherezade phiên bản nam, đã thoát chết một cách phi thường khỏi những tình huống ngặt nghèo nhờ khả năng kể chuyện không ngừng nghỉ. Tất cả những người đối diện gã đều biết mình đang nghe một gã điên, “nhưng gã không nói năng vô nghĩa, vì người ta phải lắng nghe gã, vì câu chuyện của gã đưa người ta tới đâu đó, và như vậy mỗi từ gã nói đều có ý nghĩa, hơn nữa có ý nghĩa bi kịch”. Đỉnh điểm của sự đập vỡ những thiết lập mang nghĩa trong tiểu thuyết này, mà ta có thể gọi nó một cách hậu hiện đại, nằm trọn vẹn ở những đối thoại (về thực chất là độc thoại) giữa Korin và những người không sử dụng cùng ngôn ngữ với gã, ả người tình của tên phiên dịch Sárváry là một ví dụ. Korin kè kè bên mình một cuốn từ điển Hung-Anh để cố gắng giao tiếp nhưng kể cũng bất lực, nội việc kiểm soát tốc độ lật từ điển sao cho chuẩn xác cũng thật khó khăn. Sự đổ vỡ còn được biểu hiện qua biểu tượng về tháp Babel thể hiện qua tranh vẽ của Brueghel, mà New York là nơi Korin buộc phải đến vì ý nghĩa “trung tâm” của nó, vì gần gũi với hình ảnh của Babel, và đặc biệt nằm ở hình thức câu văn dài, mà Krasznahorkai gọi đó là cách để thể hiện sự bất lực của ngôn ngữ với những mảnh ghép dày đặc, sát khít, khép kín, tuy không thể đọc nổi nhưng đẹp vô tiền khoáng hậu.

Trở lại với cảo bản, Kasser, Falke, Toót, Bengazza, bốn nhân vật trong cảo bản liên tục phải chạy trốn trước một cuộc chiến có nguy cơ xảy ra mà dấu hiệu của nó là sự hiện diện của lão Mastermann, từ Crete sang Köln đến Venice, cùng Korin đặt chân lên “trung tâm của thế giới”, và thoát ra khỏi cảo bản để tìm thấy “exit”. Korin tự buộc mình vào tình cảnh phải tìm thấy lối ra cho bốn con người bị nhốt trong chiếc lồng cảo bản, “con đường thoát ra, đó là thứ mà một người trong gia đình Wlassich, hay bất cứ tên người đó là gì, đi tìm kiếm cho họ, người ấy đã tìm, nhưng không thấy, một cái gì đó hoàn toàn ảo ảnh và viễn tưởng, thế là ông ta đưa họ vào cái hoàn toàn thực, vào lịch sử, vào sự vĩnh hằng của chiến tranh, và cố gắng đặt họ ở đó, tại một điểm này hay điểm khác, mà điểm đó hứa hẹn hòa bình, nhưng chẳng khi nào ông ta thành công, dù càng lúc ông càng gợi cái thực ấy với sức mạnh ghê gớm hơn, với sự trung thành quỷ quái hơn, với sự gợi cảm ma mị hơn và đưa vào đó những sản phẩm tưởng tượng của riêng ông ta, nhưng vô ích và càng lúc càng vô ích hơn, vì đối với họ con đường chỉ dẫn từ chiến tranh đến chiến tranh, từ chiến tranh tới hoa bình thì không, […] và đến cuối cùng ông ta phát điên hẳn, vì không có Đường Ra”.

VÀ KẾT CỤC ĐÚNG LÀ Ở SCHAFFHAUSEN

Chuyến đi vĩ đại, theo lời Korin, được hoạch định bởi lời nói vọng từ phía trong đầu gã, hãy cứ đi, “vì mọi thứ đã được sắp đặt sẵn và sụp đổ, nghĩa là “trước gã” mọi thứ đều được sắp đặt sẵn và “sau gã” mọi thứ đều sụp đổ. Tiếng nói ấy cuối cùng cũng hé lộ, rằng kết cục phải là Schaffhausen. Ở chặng cuối của chuyến đi vĩ đại, Korin nhìn thấy hình ảnh một igloo của người Eskimo. Công trình này được đặt tại Hallen für Neue Kunst. Và đó cũng chính là điểm cuối của chuyến đi vĩ đại. Không rõ ở nguyên bản tác giả sử dụng hình minh họa nào nhưng theo những gì tôi google thì bức minh họa trong bản dịch là công trình nằm ở Frankfurt. Thật ra điều này không quan trọng lắm. Về bản chất đều nói đến một thứ, igloo được kết cấu bằng những thử nghiệm vật liệu khác nhau, thủy tinh, thanh kim loại, đất sét và đèn neon. Với hai mái vòm úp lên nhau tượng trưng cho sự chuyển động của trái đất và mặt trăng, Mario Merz nhìn nó như một ẩn dụ không gian lý tưởng về sự cư trú của nghệ sĩ. Dường như nước Ý luôn biết cách sinh ra những đầu óc bằng những cách khác nhau đã biến sức nặng của thế giới thành những cấu trúc nhẹ nhất có thể. Italo Calvino đương nhiên là một ví dụ quen thuộc.

Đến đây, chúng ta có thể xâu chuỗi tất cả mọi thứ để hiểu ra rằng những thứ được sắp đặt sẵn chờ đợi Korin ở phía trước được chứa đựng trong những cấu trúc đủ tinh giản và nhẹ nhõm để chứa đựng toàn bộ mọi gánh nặng khủng khiếp. Cảo bản -> Computer&Internet, Gánh nặng cuộc đời -> Igloo (Merz), hay nói cách khác, đến cuối cùng Korin có thể nhận diện được bản chất thật sự của thế giới, một lối thoát, “trái đất này không có gì quan trọng hơn điều khuất lấp sau sự bí ấn, sự không thể giải thích nổi, sự không thể nhận biết nổi”.

Ở phần cuối của cuốn sách, “Asaia đã đến”, như đã nói, là tập hợp của những đổ vỡ về thực tại. Sự đổ vỡ xảy đến dồn dập khiến Korin tiến gần hơn bao giờ hết giới hạn của việc buộc phải tự kết liễu. Không có thánh thần, không sự sám hối, không có cái tốt, không có cái xấu, không có cái siêu việt cũng không có cái cao cả, thế giới sụp đổ, sụp đổ và sụp đổ, chỉ còn viễn cảnh mù lòa. Mọi tiêu chí và thước đo trước đấy, vốn được xây dựng từ sự giả tạo giờ đây đã hết hiệu lực. Cả sự bắt đầu và kết thúc đều kỳ vĩ, Krasznahorkai nén tất cả những gì vừa thuộc về lại vừa vượt khỏi giới hạn của một lịch sử mang tính định hướng trong khuôn khổ khoảng 400 trang giấy. Mọi chuyển động chặt chẽ trong câu chuyện được tạo nên bằng vận động của những câu văn dài, ngồn ngộn hình ảnh và sự liên tưởng. Và như những gì bốn người đàn ông trong cảo bản đã nói khi họ đứng trước thánh đường ở Köln, “họ nói đi nói lại về siêu hình học, về tuyệt tác không gì sánh nổi của trí tưởng tượng con người, về trật tự của trời, đất và địa ngục, về sự sáng tạo ra thế giới vô hình”, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng trước một thứ văn chương thách thức sự hiểu và khả năng nhận diện bản chất vấn đề, lại đẹp đẽ như sự thôi miên.

Đúng như những gì Krasznahorkai nói: “Các nhân vật của tôi tìm kiếm không mệt mỏi và sẽ còn tìm kiếm trong một mê lộ, mê lộ đó không gì khác hơn là nơi họ mắc sai lầm và là nơi con người ta chỉ có thể có một mục đích duy nhất: hiểu ra sai lầm này và cấu trúc của nó. Họ trực tiếp đi tìm nguyên nhân sự bất an của mình, đi tìm phương thuốc chữa lành nỗi đau của mình, hay ít ra cũng để nhận ra rằng không có phương thuốc nào cho nỗi đau của họ”. Không ngừng quan sát, và suy nghĩ, Krasznahorkai là người giúp ta hiểu ra, sự vận hành của thế giới được duy trì dựa trên việc liên tục đánh đổ những lý tưởng nó đã tạo nên, tương tự như ý nghĩa của khải huyền, và đừng tin vào cái gì cả, ngoại trừ cái đẹp.

CHIẾN TRANH VÀ CHIẾN TRANH
Của Krasznahorkai László. Dịch bởi Giáp Văn Chung.
393 trang. Nhã Nam & NXB Hội Nhà Văn. 100.000đ
Đánh giá: *****

Exit mobile version