Mình ít khi review sách chưa được dịch, nhưng mấy hôm nay cứ bị cuốn này ám ảnh, lâu lắm rồi khi đọc xong cuốn sách mà lại thấy bải hoải đến vậy. “The Virgin Suicides” – một câu chuyện tan nát cả cõi lòng, ma mị, được viết bằng một thứ văn chương đầy thi vị, nồng nàn, như mê như đắm. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của Jeffrey Eugenides làm mình ngạc nhiên, không chỉ kể chuyện hay, ông tác giả còn làm mình thấy buốt cả lòng cả mề.
Tự sát với mình là một chuyện không thể cắt nghĩa, không thể lý giải. Một bi kịch không thể kiểm soát mà chấn thương để lại cho người xung quanh là không thể đo dò lường đếm được.
Lấy bối cảnh những năm 70 ở khu Grosse Pointe, Detroit, Mỹ, ở một khu dân cư trung lưu, câu chuyện về những cô con gái nhà Lisbon được kể lại bởi người kể chuyện số nhiều, xưng chúng tôi. Vốn là những cậu bé ngày xưa từng quan sát và phải lòng và dò đoán về cuộc đời ngắn ngủi của 5 chị em nhà hàng xóm, rồi sau này chứng kiến cái chết của họ, nay đã ở tuổi trung niên, họ lại lần về quá khứ, hồi tưởng, tìm cách điều tra, như để phục dựng lại, những cái chết của các cô gái đồng trinh. Một câu chuyện bàng bạc cái không khí của hoài niệm, của cái thời tuổi trẻ đã qua.
Ngay từ khi mở đầu truyện, độc giả đã được thông báo, đầu tiên là Cecilia, 13 tuổi, dùng dao lam cắt cổ tay trong bồn tắm. Rồi cô bé ấy sẽ chết, nhưng không phải lần này. Độc giả cũng sẽ được thông báo, 4 chị em tiếp theo, 14-15-16-17 tuổi, rồi sẽ lần lượt kết liễu đời mình.
Một cái kết cục như thế hiện ra từ đầu và như một cái bóng phủ trùm lên tất cả, khiến người ta vừa đọc mà vừa canh chừng vừa sợ hãi, bao giờ thì cái chết xảy ra đây?
5 cô bé đến đang tuổi dậy thì, sống trong một gia đình có bà mẹ cực kỳ nghiêm khắc, luôn kiểm soát từ quần áo đến hành vi, có ông bố làm giáo viên dạy toán đôi khi thấy mình lạc lõng trong ngôi nhà toàn phụ nữ hành kinh vào cùng một ngày có lần sai bố ra ngoài mua không chỉ một và mấy hộp tăm pông vệ sinh liền, một ông bố thấy vợ mình quá hà khắc nhưng không dám trái lời. Ở nhà Lisbon con trai không bao giờ được bén mảng.
Cú cắt tay đầu tiên của Cecilia dẫn tới cú xe cấp cứu đầu tiên đến nhà. Và cái hình ảnh xe cấp cứu lao đến căn nhà này sẽ trở thành một thứ như thói quen, như biểu tượng. Cecilia được đưa tới bệnh viện và vài tuần sau được về nhà. Ông bà Lisbon theo lời đề xuất của bác sĩ tâm thần đã tổ chức một bữa tịêc nhỏ đầu tiên và duy nhất trong cuộc đời ngắn ngủi của Cecilia – Bonnie – Lux – Mary – Therese. Bữa tiệc ấy với bữa tiệc của Bà Dalloway có lẽ không giống gì nhau, nhưng khi Cecilia xin phép mẹ về phòng còn mọi người ở lại dự tiệc, để rồi lao mình ra khỏi cửa sổ xuống hàng rào cọc nhọn dưới nhà, lao mình ra khỏi cái thế giới này, lại giống hệt như chàng lính bị chứng hậu chấn thương Septimus. Có ai có thể hiểu được tuổi 13 có thể kinh khủng đến thế nào để một cô bé lúc nào cũng mặc bộ váy cô dâu màu trắng tha thẩn khắp nơi làm chuyện đó? Không ai có thể hiểu được.
Ứng xử với cái chết sẽ là như thế nào? Đau buồn một thời gian, rồi tất cả cũng sống tiếp. 4 chị em lại đi học, lại đi nhà thờ, và những chấn thương tâm lý để lại không hề được xử lý.
Đời sống cứ tiếp tục trong một khoảng thời gian ngắn, nhân vật mới xuất hiện, vài sự kiện trọng đại xảy ra, và đỉnh cao là một chuyến hẹn hò đi chơi duy nhất trong đời của các cô gái khi Lux ngủ qua đêm ở ngoài dẫn tới 4 chị em bị mẹ cấm túc: cấm đi học, cấm đi nhà thờ, cấm tiệt. Họ bị giam trong nhà.
Những trang viết về cái phần giam hãm này như một sự trừng phạt ghê gớm của bà mẹ thật sự là những trang ám ảnh. Sinh khí như dần bị rút sạch khỏi cái ngôi nhà ấy, rút sạch khỏi những cô con gái đang mơn mởn ấy. Người kể chuyện chúng tôi chỉ nhìn thấy những cái bóng thoắt hiện thoắt biến ra nơi cửa sổ.
Rồi thì cái chết cũng ập tới.
Rồi thì xe cấp cứu lao tới, lần thứ 4. Vừa khẩn cấp vừa ngao ngán.
Rồi sẽ có một chuyến xe cấp cứu nữa.
Cái thời thiếu nữ nghe nhạc rock tập tành hút thuốc, cái thời bắt đầu ý thức dần về giới tính, cái thời chuẩn bị đánh mất trinh trắng mà bước vào cái đời thanh niên và không ít người chọn mãi mãi tuổi chưa tới đôi mươi. Cái tuổi nổi loạn như dòng mắc ma ngầm sôi sùng sục, chẳng biết lúc nào phun trào. Cái tuổi có thể hủy hoại bản thân theo cái kiểu chỉ có vị thành niên có thể làm được. Họ quyết định tự sát tập thể, sau đúng 1 năm, vào cái ngày 16 tháng 6 khi Cecilia cắt tay lần đầu tiên: người treo cổ, người đút đầu vào lò, người uống thuốc ngủ, người chết ngạt trong gara.
Eugenides có một lối kể chuyện nhẹ bẫng mà ẩn chứa cực nhiều cảm xúc, như thể xiên cho một xiên vậy. Cái cách mà mùa tới mùa đi hàng đu trút lá mùa hè lại đến năm qua năm lại cả khu phố dần quên, các bữa tiệc lại diễn ra, các cậu bé ngày nào trưởng thành, vừa vô thường vừa tàn nhẫn.
Nhưng có những người không quên những cô bé ấy, những cái chết ấy.
Chuyện tự tử không phải là chuyện có thể cắt nghĩa được. Jeffrey Eugenides cũng không làm điều đó. Đừng tìm ý nghĩa trong câu chuyện của ông.