Tôi ngồi im lặng. Đêm thở dài, tiếng thở dài của đêm không mang vẻ ma quái như trong những bộ phim kinh dị, hay tiểu thuyết, nó là tiếng thở dài của kiếp người, nơi ta đi từ nỗi bất an này đến niềm bất an khác, từ niềm vui này đến nỗi vui mừng nào đó. Đêm thở dài, hay ta thở dài trong sự im lặng của đêm.
Mặt trăng sáng tỏ, rằm tháng 5, trời lúc mưa lúc nắng, lòng lúc buồn lúc vui, buồn nhiều hơn vui, có những niềm vui chợt biến thành nỗi buồn, như một cơn mưa giông đến bất chợt vào mùa hè. Rồi cứ ở lại đó, không chịu tan đi, để lòng ta nặng trĩu. Yêu nhau thì chỉ là khoảng khắc, nhưng sống với nhau cả đời cần một sự cố gắng lớn lao. Tôi vẫn nhiều lần nói vậy, với mình, và trong Em và Trịnh, ông bố nói với Dao Ánh vậy, khi nàng định lên Sài Gòn gặp Trịnh Công Sơn. Khi ta yêu ai đó đủ lâu, ta sẽ hiểu rằng nó đúng biết bao. Nỗ lực và cố gắng là điều kiện tiên quyết của một mối quan hệ kéo được thật dài. Còn tình yêu nó đã là vĩnh cửu nhưng như vũ trụ trong một hạt dẻ, vĩnh cửu chỉ là trong khoảng khắc thôi.
Năm 21 tuổi, tôi ngồi trong quán nhạc Trịnh ở một con đường mà thực sự cái tên của nó cứ như được viết xuống giấy, nhưng nước mưa làm mờ nhèo, tôi không thể đọc ra thành tên, dù nó nằm ngay đó, trên tờ giấy trắng do chính tay tôi viết lên. Nhưng dù cố gắng thế nào, tôi cũng không nhớ được tên đường. Quán tối, ánh đền chỉ để đủ để khách có thể đi mà không vấp vào ai, không vấp vào bàn hay ghế nào khi di chuyển. Chỉ có một sân khấu nhỏ sáng đèn, nhưng không ai hát, tôi không muốn nghe ca sĩ nào hát nhạc Trịnh, tôi chỉ đến đấy để nghe quán bật nhạc Trịnh mà Khánh Ly hát trên những cuộn băng cũ kĩ. Bàn ghế bằng mây tre, tôi đến đó, thường xuyên vào buổi tối, uống ly cafe thật đậm, không đường. Tuổi trẻ của tôi, đặc quánh màu của cafe đen, của những quán nhạc buồn u sầu, tối tăm.
Tôi ngồi lặng im. Khánh Ly hát “nơi đây tôi chờ, nơi kia anh chờ, trong căn nhà nhỏ, mẹ cũng ngồi chờ”.
Đôi khi 1 người bạn là con gái được tôi dẫn đến, cô ấy sẽ kể về cuộc sống của cô ấy, tôi ngồi nghe, cuộc đời, cuộc tình của cô ấy, tôi như lạc vào trong một thế giới nào đó, nơi tôi giống một cái cây nhỏ bên đường lắng nghe những người bộ đường dừng chân nghỉ ngơi. Nhưng tôi không yêu ai trong số họ. Tôi giống như ông Trịnh, nhìn vẻ đẹp dịu dàng của phụ nữ, và thích, và rồi trong những trang giấy nghệch ngoạc của mình tôi viết, tôi làm thơ, tôi tự vẽ ra những câu chuyện, mối tình, tôi tự tưởng tượng cho mình một người con gái tôi yêu. Trịnh viết 300 thư tình cho Dao Ánh, tôi cũng viết hàng trăm bài thơ cho bóng hình mà tôi tưởng tượng. Tôi nghĩ Trịnh không yêu Dao Ánh, Trịnh yêu cái cảm xúc yêu mà ông có, như tôi yêu những cảm xúc yêu mà tôi tự tưởng tượng với những người con gái đi qua cuộc đời mình.
Giờ đây, ở tuổi 36, tôi càng tin tôi chưa từng yêu cô gái nào trong suốt thời trẻ của tôi. Tôi chỉ yêu cô. Cô ở đó, ở đây, bên cạnh hoặc xa rời tôi. Tôi không viết gì được cho cô, tôi không làm thơ cho cô, tôi chỉ biết yêu cô và bỏ hết tất cả những điều khác. Cô không phải nàng thơ, không phải là gì đó tôi tưởng tượng ra, cô là cô đầy những sự mong manh, đầy những điều khiến tôi lo lắng, tôi không thể xa cô, tôi không cách nào tưởng tượng được tôi sẽ ra sao nếu không có cô. Tôi bất an, bối rối, sợ hãi và hạnh phúc đôi khi cả chán ghét bên cô. Tôi biết rằng, tôi đang cố gắng hết sức của đời mình để giữ cô ở bên, để cô không phải là một tình yêu vĩnh cửu, mà là một quan hệ bền lâu.
Tôi thích nhạc Trịnh, nhưng tôi không cần những nàng thơ như Trịnh, có lẽ vì tôi không phải 1 người nghệ sĩ, tôi chỉ là một người đơn giản, bình thường, một nguời đàn ông có phần uỷ mị để cố gắng giữ lấy điều mình yêu bằng mọi cách, Kiên hát “Cuộc đời mấy khi, một ngày chết đi, làm cuộc đời hoang phí”. “Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu” là sự cố gắng đến mệt nhoài để đi tiếp cuộc đời mình mà không một mình.
Đêm thở dài, tôi thở dài.