Tuấn Lalarme

Enemy – Khi kẻ thù là dục vọng

Liệu có bao nhiêu người nhận thức được chúng ta là kẻ thù của chính mình? Chúng ta luẩn quẩn trong cuộc sống đơn điệu của mình, rồi huyễn hoặc mơ ước một cuộc sống khác, của người khác, ta cho rằng nó thú vị hơn, tươi sáng hơn. Chúng ta đa phần đều ảo tưởng về một cuộc đời tốt hơn mà không nhận thức được ta đang mắc bẫy của bản thân mình, đưa ta vào vòng luẩn quẩn của kì vọng và thất vọng. Để rồi khi ta không kiểm soát được nữa, nó trở thành sự hỗn loạn, sự hỗn loạn của tâm trí mình. Ngay trước khi vào phim, đạo diễn Denis Villeneuve đã đặt lên màn hình một dòng chữ: “Hỗn loạn là trật tự chưa được sắp xếp”, để từ đó, ta đi vào một ma trận về sự hỗn loạn. Và nếu không thực sự để ý ta sẽ lạc lối trong đó và khi thoát ra, bộ phim chỉ để lại những câu hỏi lớn mà chẳng có câu trả lời nào. Vì hỗn loạn đó, ta đã chưa sắp xếp được thành trật tự cho nó.


Nhưng khi sắp xếp được thì nó lại thật đơn giản, đơn giản như cách ta nhận diện ra kẻ thù của mình là chính mình vậy. Tôi đang muốn nói đến bộ phim Enemy – bộ phim mới nhất của đạo diễn người Canada Denis Villeneuve.

Adam Bell (Jake Gyllenhaal) – một thầy giáo dạy sử học có quan hệ tình ái với người phụ nữ tên Mary. Trong lần tình cờ được bạn giới thiệu cho một bộ phim, Adam tìm xem và chợt nhận ra trong bộ phim có một người có hình dạng rất giống mình. Bối rối và tò mò, anh đi tìm hiểu và biết được tên người diễn viên đó là Anthony Claire, dần dần hoàn toàn bị ám ảnh bởi người có nhân diện giống hệt mình đó, Adam Bell liên lạc, tìm cách gặp mặt. Thực ra Anthony Claire là ai? Tại sao họ lại giống nhau đến mức ngay cả vết sẹo cũng giống, ngay cả giọng nói, ngay cả người vợ đang mang thai Helen của Anthony Claire cũng không thể tin nổi vào giác quan của mình?

Bộ phim như dẫn ta vào hai thế giới song song, thế giới của Adam Bell – giáo viên dạy lịch sử. Những cảnh quay lặp lại với cùng lời thoại bài giảng, cùng cảnh làm tình ban đêm, trong ánh sáng tối, bối cảnh nhợt nhạt cho ta cảm nhận rất rõ ràng về một cuộc đời đơn điệu, nhàm chán. Khuôn mặt Adam luôn ủ dột, thiếu sức sống, ngay cả trong việc làm tình cũng cho thấy đó là sự thoải mãn nhục dục hơn là niềm vui thích. Adam Bell là một bản thể thất bại so với chính hắn. Ngược lại, Anthony Claire, phần bản thể khác giống hệt Adam có những gam màu tươi sáng hơn trong cuộc sống, là diễn viên, được nhiều người biết đến, có một căn hộ lịch sử cùng với người vợ đang mang thai đứa con của mình. Nhưng không hẳn Anthony không có những vấn đề của hắn, qua vợ hắn ta biết hắn đã từng ngoại tình, và nhiều dấu hiệu khác cho thấy Anthony bị thiếu thốn trong việc thoải mãn nhục dục. Hai thế giới song song, nhưng nếu cộng hợp lại thì thành một chân dung hoàn chỉnh về một con người. Rốt cuộc cả bộ phim đã tiết lộ cho ta biết thực chất đó là một, một bản thể trong sự phân liệt của tâm thần đã tạo thành hai bản thể với những đợi mong và khiếm khuyết dù đắp cho nhau?

Những câu hỏi được đặt ra và gây tò mò trong suốt hơn 90 phút phim. Ngay phần mở đầu, trong một hộp đêm kín liên quan đến tình dục, bộ phim cho ta những gợi ức về tác phẩm cuối cùng của vị đạo diễn tài ba Stanley Kubrick là Eyes Wide Shut. Nó như tiết lộ cho ta biết về bản năng dục vọng mạnh mẽ ở nhân vật chính. Đó cũng chính là yếu tố chính điểm xuyết cả phim. Tình dục của đàn ông, nếu nó không thỏa mãn trong một cuộc sống quá nhàm chán sẽ dẫn đến những ám ảnh và hoang tưởng. Tại hộp đêm đó, hình ảnh để khép lại và chuyển cảnh chính là gót chân người phụ nữ sắp dẫm nát con nhện vừa bò ra khỏi hộp. Nó là hình ảnh ẩn dụ dẫn dụ ta đi vào mê cung của Adam Bell/ Anthony Claire, một mê cung của dục vọng và bản năng mà Adam Bell luôn cố gắng dãy dụa để bước ra khỏi đó. Và hãy đi theo hình ảnh con nhện, ta sẽ cởi bỏ được mọi khúc mắc tưởng chừng như đánh đố và thách thức người xem của bộ phim này.

Đạo diễn Denis Villeneuve đã rất khéo léo sắp đặt những điểm mù, nhưng đồng thời lại bố trí ngay đấy một máy quay quay lại những điểm mù ta ta không thể nhìn thấy. Chính lẽ đó, bộ phim nếu xem lướt và không quan sát ta tự thấy mình cũng bị mắc kẹt như Adam trong mạng nhện do chính đạo diễn giăng ra và mê hoặc ta khiến ta bối rối và than thở khi xem hết nó. Đi theo dấu vết con nhện, trong hộp đêm, trong giấc mơ của Adam, trong cái thở dài của Adam khi nhìn thấy nó trong phòng ngủ của mình. Enemy trở nên không quá phức tạp như cách nó thể hiện. Tất cả những gì ta cần là đưa hỗn loạn về trật tự, điều mà vụ tai nạn của Anthony đã làm được. Đó chính là điểm gỡ rối cho chính Adam để loại bỏ kẻ thù là dục vọng để trở về với gia đình mình. Nhưng một trật tự được thiết lập, thì ngay sau đó, mạng nhện khác lại giăng ra, bản chất con người không thể thay đổi, hoặc sự thay đổi chưa chắc đã mang lại điều gì tốt đẹp hơn.

Một loạt câu đố, rồi một loạt câu trả lời, rốt cục đọng lại trong ta đó là hình ảnh của một gã đàn ông mắc kẹt trong chính bản tính của mình. Một người đàn ông mà ta có thể tham chiếu ra với cho đa phần đàn ông trên đời, những kẻ có cuộc đời vô vị và chán nản gia đình của chính mình. Dựa theo truyện The Double của nhà văn José Saramago, đạo diễn Denis với sự hợp tác của diễn viên Jake Gyllenhaal đã nhờ điện ảnh truyền tải được một câu chuyện kì ảo, đầy tính bản thể để ta có thể chiêm nghiệm. Màu sắc tối đầy ám ảnh của cuộc đời Adam, và màu trung lập nghiêng  về sắc tươi của Anthony, cộng với góc máy mang tính ma thuật và tối giản, cùng thứ âm thanh với tỉ lệ cực thấp mang lại hiệu ứng đầy sắc sảo để truyền tải nội dung mà Denis muốn thể hiện. Jake Gyllenhaal, một diễn viên tuyệt vời đã từng tham gia những bộ phim khiến đầu óc ta phải nổ tung để hiểu như Donnie Darko đã hóa thật vô cùng tinh tế vào hai vai diễn với hai tính cách khác biệt của cùng một bản thể. Thần trí và giọng nói có ma lực kéo người ta rơi vào cùng cơn mơ với chính nhân vật Adam trong phim. Bộ phim độc lập kinh phí thấp, xứng đáng cho tất cả những ai đang chán ngán phim bom tấn đang dội bom ngoài rạp, và muốn tìm đến điều gì đó khó hiểu, tinh tế và kì lạ. Một dạng phim thổi bay đầu óc người khác như cách David Lynch hay làm, tất nhiên, không thể so sánh với David Lynch, nhưng theo thang điểm 10 với 10 cho David Lynch, thì Denis Villeneuve xứng đáng được 6 điểm cho sự cố gắng và cố gắng tương đối thành công.

Exit mobile version