Tuấn Lalarme

High Fidelity – Từ Khi Có Em

John Cussack vào vai một anh chàng thất bại toàn tập trong chuyện tình cảm, công việc cũng chẳng ra sao. Và khi cô bồ ở thời điểm hiện tại quyết định bỏ anh ta đi, anh ngồi nghĩ lại về 5 mối tình đáng nhớ nhất của mình để xem tại sao anh ta lại bị đá hoài. High Fidelity của đạo diễn Stephen Frears ra đời năm 2000 nhưng nếu bạn xem nó ở thời điểm hiện tại, bạn vẫn sẽ thấy nó là một tác phẩm điện ảnh tình cảm lãng mạn hài hước, thú vị và không phải không có những điều đáng để ta suy ngẫm về tình yêu đặc biệt đối với một người đàn ông.

Thú vui, sở thích, thói quen và sự lười biếng thay đổi là một trong những bản tính khó chịu của đàn ông. John Cussack trong vai Rob – một anh chàng sở hữu tiệm bán đĩa nhạc là kẻ như vậy. Anh ta yêu âm nhạc, anh ta sống trong âm nhạc, anh ta thuê hai nhân viên cũng yêu và hiểu biết sâu sắc về âm nhạc như anh ta. Ba kẻ có đôi chút lập dị và kì quái. Nhưng nếu ai có những sở thích riêng để sống trong đó, chúng ta sẽ hiểu tại sao ba anh chàng này lại như vậy, và tại sao, Rob lại liên tục thất bại trong tình yêu.

Bộ phim tua tới tua lui giữa hiện thực về mối quan hệ của Rob và Laura – một cô gái xinh đẹp, công việc tốt và điềm tĩnh, hoàn toàn trái ngược với hình ảnh bốc đồng, vô lo vô nghĩ và có phần hời hợt của Rob, và quá khứ giữa Rob và bốn mối quan hệ trước đó tính từ mối tình đầu khi anh chàng mới học lớp 7. Những phân đoạn hồi tưởng tiết lộ về cách Rob yêu, lúc cuồng nhiệt, lúc lạnh nhạt nhưng tựa chung lại, những mối tình đó chỉ thể hiện Rob không thể yêu ai hay có thể làm ai yêu mình mãi mãi, vì anh ta lúc nào cũng vậy, nói như Laura, anh ta dậm chân tại chỗ, năm này qua năm khác, không thay đổi, luôn đứng núi này trông núi nọ và không lo nghĩ về tương lai, điều mà một người phụ nữ trưởng thành cần ở một gã đàn ông đã bước qua tuổi 30.

Sử dụng thủ pháp kể chuyện rất thách thức diễn viên, khi nhân vật chính liên tục phải quay mặt về phía ống kính máy quay để nói chuyện với khán giả, một dạng phá vỡ bức tường thứ 4 để kết nối trực tiếp với những người đang theo dõi câu chuyện của mình. Với hình thức này, rất dễ để khán giả thấy người diễn viên chỉ đang diễn và cách nhả thoại sẽ khiến cho câu chuyện trở nên nhàm chán. Nhưng thật may, John Cusack không làm khán giả khó chịu, từ ánh mắt, đài từ và việc quay về phía ống kính cũng tự nhiên làm khán giả cảm thấy mình như một phần của bộ phim, một dạng bạn thân của Rob và đang chứng kiến anh chàng thất bại này làm những việc ngu ngốc, có những suy nghĩ ảo tưởng, và rất thảm hại trong chuyện tình cảm.

Âm nhạc là thứ hàn gắn diệu kì cho tâm hồn, với bộ phim về tình yêu tan vỡ, âm nhạc đổ đầy trong bộ phim mang đến những niềm an ủi giữa những sự bất an của chia tay. Bộ phim đặc biệt xây dựng hình ảnh đối lập của hai anh chàng nhân viên cửa hàng bán đĩa khiến cho không khí trong phim đôi khi quái đản vì thứ suy nghĩ cực đoan của những kẻ yêu âm nhạc và tin vào ngôi đền âm nhạc mà mình tôn thờ để phỉ báng tất cả những thể loại âm nhạc khác không hợp tai mình. Những màn tranh luận về âm nhạc, những câu nói thô lỗ hay mềm mỏng về âm nhạc, hay chính bản thân âm nhạc lên tiếng, giúp cho High Fidelity không đơn thuần chỉ là một sản phẩm rom-com như rất nhiều câu chuyện rom-com đã được Hollywood khai thác.

Yêu và được yêu có thể không khó đối với Rob, nhưng vì sao anh chàng vẫn thất bại và phát điên vì chuyện đó? Câu trả lời có lẽ nằm ở cách yêu của một người đàn ông và một người phụ nữ đến một lúc nào đó, sẽ khác nhau. Rob có lẽ chỉ cần Laura ở bên cạnh làm những việc thường nhật với mình. Còn Laura cần một sự thay đổi, như cách một nhân vật trong phim cần phải thay đổi ở thời điểm đầu của bộ phim và thời điểm cuối của bộ phim, thay đổi sao cho tốt lên, thay đổi để có thể khiến cuộc sống trở nên an toàn hơn, bớt ảo tưởng hơn, và vững vàng hơn trong việc xây dựng một mối quan hệ lâu dài.

High Fidelity xứng đáng là một phim dành cho những kẻ thất tình, để ta tự nhìn lại coi, ta vì sao chỉ còn lại một mình.

Exit mobile version