Tuấn Lalarme

Holy Motors – bản năng nghệ sĩ của đạo diễn

1 diễn viên diễn 11 vai trong một bộ phim, 11 bộ phim ngắn nằm trong một bộ phim dài, “Holy Motors” là hành trình phiêu lưu của ngài Oscar trên chiếc Limousine dài màu trắng trên những con đường của thủ đô Paris hoa lệ. Nhắc đến bộ phim với chiếc Limousine là phương tiện xuyên suốt đưa nhân vật chính vào câu chuyện kể của đạo diễn, đầu năm 2012 cũng có một bộ phim khác “Cosmopolis” của  David Cronenberg do  Robert Pattinson thủ vai chính, nhưng đó là một bộ phim đáng thất vọng hoàn toàn từ diễn xuất cho đến câu chuyên, còn “Holy Motors” của  Leos Carax thì khác, đây không phải bộ phim để nói đến sự thành công hay thất bại của đạo diễn, đây là bộ phim đã thực sự kể cho chúng ta một câu chuyện kì bí đầy chất nghệ thuật, một bộ phim dùng ngôn ngữ điện ảnh thuần túy và cá tính, cảm giác đó là một bộ phim mà đạo diễn được tự do thể hiện cái bản năng nghệ sĩ của mình.
Bộ phim bắt đầu ở bối cảnh trong một rạp chiếu phim, nhưng tất cả người xem dường như đang ngủ, có lẽ vì đang phải xem môt bộ phim quá chậm và quá dở. Sau đó là chính đạo diễn ở trong một phòng ngủ, tỉnh dậy và tiến lại bức tường được dán một bức tranh tường mô rả một khu rừng ban đêm, ông cố tìm chỗ để mở ra một lối đi bí mật nào đó, và rồi đột nhiên ngón tay ông thành một chiếc chìa khóa tra vào một cái lỗ nhỏ trên tường, ông đi vào hành lang, rồi vào phòng chiếu phim kể trên, và có vẻ bộ phim Holy Motors bắt đầu được  kể qua con mắt của đạo diễn như thể ông đang xem chính cái bộ phim chán ngắt khiến mọi người đều ngủ đó.
Nhân vật chính là ngài Oscar (Denis Lavant) – một ông chủ ngân hàng giàu có, bắt đầu ngày làm việc của mình từ nhà trên chiếc Limousine màu trắng dài sang trọng với tài xế là một người phụ nữ lớn tuổi. Khi chiếc Limousine được lái vào thành phố, ngài Oscar hóa tranh biến thành một bà già ăn xin, sau đó ông lại trở lại xe Limousine của mình, xóa bỏ lớp hóa trang, và người tài xé nói với ông về cuộc hẹn kế tiếp với một tập hồ sơ bên cạnh. Ở đây ta bắt đầu khám phá ra cách câu chuyện phim đang diễn biến – cái mà đã khiến ta có đôi chút bối rối ở đầu phim.
 
Nhiệm vụ của Oscar đã được sắp xếp sẵn với tên gọi “cuộc hẹn” (Apointment). Ở mỗi một cuộc hẹn ông sẽ đóng một vai diễn khác nhau, gặp những đối tượng khác nhau để thực hiện nhiệm vụ của mình: bà già ăn xin, tên giết người, tên dị hợm, người cha, người chơi đàn Accordéon… Có những vai diễn ông phải đóng là những người bình thường, người cha, người chú… nhưng cũng có những vai diễn thật sự thô ráp và kì quặc. Đó là vai tên dị hợm hỏng một mắt, đi cà thọt, hắn sống dưới cống ngầm của thành phố Paris, hắn có thói quen kì quặc là ăn hoa. Đạo diễn đã dẫn hắn vào nghĩa trang nổi tiếng nhất Paris Père Lachaise, tại đây có một buổi chụp ảnh người mẫu (Eva Mendes), hắn bắt cóc cô, mang cô về chỗ mình ở, rồi biến cô thành một cô gái Hồi giáo mang khăn chùm hijab. Có lẽ đây cũng là cảnh ấn tượng nhất phim khi tên lùn dị dạng cởi bỏ hết quần áo, với dương vật cương cứng nằm ngủ trên đùi của cô người mẫu trong giọng hết ru nhẹ nhàng của cô.
 
Bộ phim thực sự gây bối rối khi người xem cố gắng tìm hiểu xem ý đồ thực sự của đạo diễn là gì, câu chuyện mà đạo diễn muốn kể qua một bộ phim. Tôi chắc mỗi người sẽ tự tìm cho mình một ý nghĩa nào đó từ phim. Còn riêng tôi, tôi nghĩ đến một thế giới hậu hiện đại, đạo diễn đang dắt ta đi một vòng quanh thủ đô Paris, thành phố năng động bậc nhất châu Âu, để kể cho ta một câu chuyện với những cá nhân trong xã hội đang ngày càng sống tách biệt và đầy xung đột. Một bà già ăn xin mà bao người đi qua nhưng không mảy may cho một đồng nào, ông nghệ sĩ nhiếp ảnh cá tính điên rồ và bệnh hoạn, tên lùn lập dị sống chui lủi tôn thờ cái đẹp và sự trong trắng, hắn biện cô người mẫu thành một người phụ nữ hồi giáo như thể nói đến một nước Pháp và một thế giới với những xung đột không thể nào chấm dứt của đạo Hồi với các nước phương Tây, một cô cháu gái giàu có nhờ hưởng gia tài của người chú nhưng có một cuộc sống không hạnh phúc, cô con gái đến dự tiệc tại nhà bạn nhưng thiếu tự tin đến mức chui vào buồng tắm cả buổi không dám ra khiêu vũ với các bạn… Tất cả những điều đó được kể trong những câu chuyện ngắn mà Oscar là đóng từ nhân vật này đến nhân vật khác trong một ngày từ lúc bình minh cho đến nửa đêm.
Và đến cuối ta biết rằng không chỉ có Oscar đang làm cái công việc kì quặc này của tổ chức “Holy Motors” mà là còn nhiều nhiều người khác nữa. Tất nhiên đấy chỉ cảm thấy chủ quan của tôi, có thể đạo diễn chẳng nghĩ nhiều thế, đơn giản là một tác phẩm nghệ thuật với sự diễn xuất tài tình của Denis Lavant, mang người xem vào một chuyến phiêu lưu điện ảnh với đủ các thể loại đã biết của nó từ bi kịch, hài kịch, ca nhạc đến tội phạm, film-noir… với sự hóa trang tài tình và khả năng hóa thân tuyệt vời Denis Lavant cũng nhắc ta nhớ đến bộ phim theo phong cách Monty Python “life of Brian”. “Holy Motors” là một chuyến du hành kì thú vào thế giới điện ảnh, điều này là chắc chắn, với nhiều tầng ý nghĩa qua từng vai diễn, từng diễn biến tâm lý của mỗi vai, Denis đã đưa ta vào cuộc sống của những kiếp người khác nhau, những số phận khác nhau một cách trọn vẹn.
 Bộ phim như một tác phẩm nghệ thuật đương đại của một bậc thầy, nội hàm của tác phẩm không hề dễ nắm bắt, nhưng tác phẩm đó mang đến cho chúng ta sự hồi hộp, thích thú, bí ẩn và rất lôi cuốn. Và mỗi một cá nhân chúng ta khi xem bộ phim sẽ tự mang đến cho mình những kiến giải khác nhau, sự hiểu biết khác nhau cũng như tầm nhìn khác nhau. Bộ phim hoàn toàn là một tác phẩm nghệ thuật thuần túy, tự do và phóng khoáng mà không bị tác động thường thấy của nhà sản xuất, thị trường… Xem phim như thể ta đang được du hành vào bên trong của một thế giới điện ảnh thuần chất nhất.
Exit mobile version