Tuấn Lalarme

I was here for a moment, then I was gone *

Trên mạng, người ta – các nhà đạo đức học, bình luận học, a dua học… – bắt đầu bình loạn về chuyện kê ghế lên sách, chuyện chàng “ca sĩ” nọ, đủ thứ chuyện tầm phào trên đời, họ mổ xẻ, phân tích một cách rất ư nghiêm túc và đầy tính “học thuật”. Tôi lướt nhanh trên new feed của mình đủ để hình dung một bức tranh toàn cảnh của những fber. Rồi tôi gập máy tính, cầm theo Kindle và rời khỏi nhà. Thế giới mạng thật ngán ngẩm, và ế ẩm, ai cũng có cái để “bán” trên những status của mình, như tôi, tôi trưng ra tâm trạng của mình, phim ảnh, nhạc nhẽo…. đôi khi tôi thấy thật phù phiếm, nhưng rồi tôi lại cứ đâm đầu vào, “trưng bày” ra và để rồi lại ngán ngẩm. Vòng lặp của nghịch lý, của những phi lý chiếm đóng tâm trí, ta cứ vậy chìm trong sự luẩn quẩn, để rồi… Mà thôi bỏ đi, tôi đang kể chuyện mình ra khỏi nhà với Kindle. Tôi đang đọc dở cuốn “Xứ sở diệu kì tàn bạo và nơi tận cùng thế giới” của Haruki Murakami, một cuốn sách mang hơi hướng huyền bí, kinh dị, tội phạm và đầy những ảo ảnh. Càng đọc thì tôi càng thấy chán với giọng văn của ông, nhưng lại bị cuốn vào câu chuyện ly kì mà ông vẽ ra, thực cũng chẳng có gì mới so với các tác phẩm khác, nhưng mà ta vẫn cứ đi theo, vì ta lại tự thấy bản thân mình trong những nhân vật đó. Murakami thật giỏi lôi cuốn người đọc bằng cách như vậy, xây dựng những cá nhân đặc biệt nhưng lại vô cùng bình thường, gán cho họ nhiệm vụ tầm thường nhưng kì quặc, đầy nghịch lý, nghịch lý tạo nên bản thể mỗi người.

Trời mưa, từ khi tôi quay về nhà từ Paris, trời cứ mưa suốt vậy, mưa cả ngày, lúc mạnh lúc nhẹ. Cầm Kindle đi ra trong mưa như vậy hẳn nhiên tôi chẳng đọc được, tôi thừa biết vậy, nhưng tôi cứ cầm đi, như thói quen phải cầm theo một cái gì bất kì theo mình khi đi đâu đó. Đôi khi tôi còn mang theo cả laptop, rồi máy ảnh, đôi khi là quyển sách nào đó, như gần nhất thì tôi đọc cuốn “Những lối đi dưới hàng cây tăm tối” của Ivan Bunin, một tuyển tập truyện ngắn. Tôi không thực sự thích giọng văn của Ivan và cách kể chuyện của ông. Cảm xúc của chúng sâu sắc và xa vời với cảm xúc của tôi thế nào đó mà tôi không hình dung ra được. Trời mưa, cả bầu trời nhuốm một màu trắng xám u buồn, tưởng chừng như ta đang không đang ở trong mùa hè rực rỡ, tưởng như mùa hè mới đặt một chân vào quãng đi của thời gian, hoặc đã bước một chân ra khỏi dòng lặp của bốn mùa. Tất nhiên, như mọi khi, tôi không cầm theo ô, chỉ đội chiếc mũ vải màu xanh lá đã cũ mòn, chiếc mũ đã đi theo tôi cả quãng đời trẻ trung sôi nổi nhất. Mưa hắt lên mặt, chạm vào da thịt, dán vào mắt kính cận, thấm vào chiếc áo phông có hình album nhạc Adrift của Mono. Tôi đeo tai nghe chùm ngoài tai, nhạc của Caspian đang bật, cũng là một band nhạc Post-Rock như Mono. Mưa chẳng có lý do gì không làm ướt tai nghe của tôi, nhưng như cách mưa làm ướt thân thể mà không thể làm ướt tâm hồn, mưa chẳng thể làm ướt âm nhạc của tôi, nó chỉ càng làm tăng thêm cho tôi cảm xúc, hoài niệm, ảo ảnh về những gì tôi đã thấu cảm trên đời.

Post-rock luôn là một liều Adrenaline mạnh tiêm thẳng vào tâm hồn, đặc biệt là vào một buổi chiều muộn của mùa hè như này, với mưa, bầu trời trắng một màu quay quắt. Nó kích thích ấn tượng của hoài niệm, nó khơi dậy trong lòng những suy nghĩ đã cố cất đi, nó đủ mạnh để làm cho một cơ thể rệu rã có đủ sức vùng dậy, chạy một trăm mét với sự nỗ lực tuyệt vời mà không nghi ngờ có thể đạt được mức của Usain Bolt. Nhất là như lúc này, nó kết hợp với mưa, tạo thành một thành phần hoàn hảo, mạnh đến mức, ta thấy ngột thở với chính tâm hồn mình, đang khuấy động, cồn cào, muốn thoát ra khỏi thân xác. Tôi tự hỏi, nếu tâm hồn có thể thoát ra khỏi thân xác, nó sẽ đi đâu? Trong cuốn tiểu tuyết của Murakami mà tôi đang đọc, nhân vật tôi đến nơi tận cùng thế giới, tại đó con người ta mất dần tâm hồn, người ta vẫn có đầy đủ ý thức, vẫn sống một cuộc đời bình thường nhưng tâm hồn mất dần đi. Nhân vật chính có nói đại loại như thiếu tâm hồn thì ta chẳng có một định hướng nào. Nhưng bản thân tâm hồn có định hướng không? Trong câu chuyện về những con người bị mất tâm hồn đó, họ gần như không biết yêu là gì nữa, họ có thể đi theo ta, ngủ với ta, làm tình hay đại loại là thích ta, nhưng họ không còn biết thế nào là yêu, thế nào là sự trọn vẹn của tình yêu nữa. Tôi cũng nghĩ vậy, cái định hướng to lớn nhất của tâm hồn một con người, hay một sinh vật nào đó có linh hồn chính là tình yêu, nó mang lại cảm giác đầy đủ của sự sống, không còn đơn thuần là tồn tại nữa. Và ngay lúc đó, tôi nghĩ, làm cách nào để thấy được cái tâm hồn, thấy khi nó thoát khỏi thân xác, bản thể tôi, khi đó nó sẽ thấy thế giới như thế nào? Trời tối dần, ánh đèn thành phố đang được dần bật sáng, mưa càng ngày càng nặng hạt, và tôi thì bị cận thị.

Tâm hồn hẳn phải nhìn thế giới như cách một người cận thị như tôi nhìn thành phố trong ánh sáng nhân tạo, ánh đèn oto, ánh điện thành phố khi không mang kính trong mưa. Tôi chợt nghĩ đã bao giờ tôi đi trong mưa, không đeo kính, phố về đêm, không quá rực rỡ bởi những ánh đèn Led, đèn Neon từ bảng hiệu hàng quán hai bên phố. Thành phố này, yên bình, không ồn ào náo nhiệt như Hà Nội hay Paris, nó giống như một cô gái vừa đủ đẹp để không bị quá chú ý, không xấu để bị lờ đi, một khuôn mặt tròn, đôi mắt sáng, nụ cười tươi và thật giản đơn. Tôi nghĩ chắc là chưa. Cái kính của tôi, nó gắn với tôi từ khi tôi chỉ là một cậu bé học sinh cấp 2, và từ đó đến giờ, nó gắn chặt với đôi mắt tôi như một hữu thể của thân xác mà tôi khó hình dung ra được tôi sẽ ra sao nếu không có nó. Chính vậy, vì chưa, nên tôi đã chưa được biết cách tâm hồn nhìn thế giới khi nó thoát ra ngoài như nào, cho đến bây giờ, lang thang trong mưa, đêm xuống, đèn lên và sự mong manh của nỗi niềm xa cách.

Giống như thể ánh sáng có hình dạng cầu, một hữu thể, một đứa trẻ nghịch ngợm đè mạnh tay lên và làm bẹp khối cầu đó, nó trở thành một mặt phẳng 2 chiều với những vết nứt nhẹ ở xung quanh. Vẽ ra như vậy, chính là tôi đang vẽ lại cách vận hành của đôi mặt cận 4 độ khi không đeo kính nhìn thấy ánh sáng đêm, từ cửa sổ các ngôi nhà, từ đèn trước, đèn sau của oto, hay từ bất kì cái gì phát ra ánh sáng nhân tạo nằm trong tầm mắt tôi, trong mưa. Ánh sáng co rút, 2 chiều và lung linh vô cùng. Thành phố không còn là sự hòa trộn của sắc vàng, sắc trắng, ánh sáng mạnh, ánh sáng yếu để tạo thành một bản tổng phồi hài hòa nhưng nhợt nhạt tan loãng trong bóng đêm nữa. Nó thành các hình dạng cụ thể, tự thân nó có ranh giới cho mình với những điểm sáng khác, màu đỏ rực rỡ, màu vàng tươi, màu trắng sáng, ta như đang chiêm nghiêm một palette màu với từng ô màu riêng  biệt, chứ không phải một bảng phối màu vẽ của họa sĩ trên đó được bôi trét đầy các màu khác nhau để tạo nên các màu trung gian. Thêm mưa vào đó, đường phố ướt át, những vũng ước đọng lại tạo nên những vệt loang ánh sáng đầy ấn tượng. Bên trên thành phố, nơi của hiện thực, ánh sáng co vào thành những miếng màu hình tròn thì bên dưới thế giới ảo, tương phản qua những vêt nước, ánh sáng được kéo giãn, tôi lại hình dung đến cách mẹ tôi làm bánh canh, mẹ tôi nặn bột đã được nhào trộn với nước thành những viên bột hình tròn có kích cỡ vừa phải, sau đó mẹ tôi lấy thân chai rượu vang, cán lên đó, cán dẹt rồi đưa tay cầm chai miết theo một chiều để miếng bánh từ hình tròn sẽ kéo giãn dài ra. Ánh sáng phản xạ qua mặt nước lúc này, trong đêm mưa, một lần nữa phản xạ ngược qua mắt rồi được các dây thần kinh nhận biết đảo lại hình ảnh theo đúng chiều nhận biết của thực tế, tôi lại có trong đôi mắt mình hình ảnh ánh sáng được giãn dài như miếng bột mẹ cán.

Tôi thấy rõ ràng sự phân chia giữa sáng và tối, bóng đêm bao phủ, và ánh sáng điểm xuyết. Bóng đêm đe dọa và ánh sáng làm an lòng. Đây không phải là sự rõ ràng giữa trắng và đen, bóng tối và ánh sáng, mà với tôi, nó là sự rõ ràng của cái đẹp, cái đẹp đến từ hai phần không thể tách rời của nỗi buồn và sự bình an. Màn đêm mang đến cho con người một nỗi buồn sâu thẳm, không thể chạm với, chỉ có thể cảm nhận như thể những lúc ta muốn nói ra điều gì đó mà nó cứ nằm cứng ở đầu lưỡi để ta nghĩ hoài cũng không biết ta muốn nói gì, nó lẩn trốn nhưng không quên báo rằng nó đang trốn; còn ánh sáng mang đến một sự bình an kì lạ, bình an về sự sống, về vẻ đẹp và về tất cả những gì chất chứa chợt hiện ra trước mắt trong ảo ảnh của mưa, trên mặt đất, bên dưới mặt đất và trên những vì sao đã tắt vì mây đen giăng kín. Tôi thấy cách tâm hồn tôi nhìn thế giới. Tâm hồn mang cho ta sự tinh tế chứ không phải định hướng như Murakami nói. Sự tinh tế để nhận biết được sáng và tối, lý trí và tình cảm, tình yêu và nỗi buồn. Nó luôn thấu suốt với sự tinh tường đến kì lạ. Nó hiểu, nó bóc tách vấn đề như thể bóc tách từng lớp hành để đi vào tận lõi. Nhưng tại sao ta vẫn luôn sai lầm, ta vẫn luôn làm sai, ta vẫn luôn nhìn thế giới bằng một màu bạc thếch, hời hợt, dù tâm hồn ta tinh tế hơn vạn lần? Vì thân thể ta quá bé nhỏ so với tâm hồn ta, thân thể giống như một quan tài đậy nắp, để khi tâm hồn nằm trong đó, nó vùng vẫy và phải chấp nhận không thể thoát ra, và bản thân quan tài đó thì bị trói buộc trong chiều kích của thân thể, vị trí đặt quan tài và đầy những lệ thuộc khác. Một đôi mắt sáng hoàn hảo thì không thể nhìn thấy cách mà những Bokeh được dựng lại qua máy ảnh để tham chiếu với thực tế. Một cơ thể mỏng manh thì không thể đi tới tận cùng của sự thấu hiểu bản chất của cuộc đời. Tâm hồn biết 10 thì thân thể chỉ đáp ứng được một. Đó là bi kịch và nghịch lý của sự tồn tại. Tâm hồn ta mà không vừa vặn với thân thể ta, ta hiểu mà ta không thể làm như ta hiểu, ta sai lầm, ta va vấp, ta chịu đựng, ta cứ phải dằn vặt tâm hồn mình, cân nhắc thân thể mình và chiến đấu với chính bản thể mình suốt cả cuộc đời.

Mưa vẫn không ngớt, trong ánh sáng được thu gọn và sắc nét của đêm, tôi cứ miên man để cho tâm hồn mình chiêm ngưỡng thế giới. Và bản thân tôi, cái đầu óc chật hẹp của kiếp người, suy nghĩ và hình dung để hiểu được tâm hồn mình, hiểu cách tâm hồn tôi nhìn vào tình yêu của chính nó với em, vào cách vận hành của chính mình trong nhịp thở của cuộc đời. Và tôi chợt hiểu vì sao tôi không còn thích giọng văn của Murakami nữa, vì tôi biết cách viết của mình, cũng chính là cách Murakami diễn đạt trong những tác phẩm của mình. Sự giống nhau khiến tôi không còn thấy ấn tượng nữa, những tôi vẫn đọc, vì ông không chỉ là nhà văn, ông là người nghe, và là nhà sáng tạo. Sự sáng tạo là điều tôi còn thiếu trong những nếp gấp của thời gian đang cuộn lại quanh tôi. Tôi thiếu sáng tạo và nỗ lực để đạt được điều gì đó có thể làm bão hòa không gian và thời gian, chọc thủng tuyến gấp của thời gian và trở thành một bản thể vừa vặn hơn cho chính tâm hồn mình.

 

 

Title của bài viết là tên album nhạc của band nhạc Post-rock: Maybeshewill.

https://www.youtube.com/watch?v=xnrDBZMe6BI

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Exit mobile version