Đối với tôi, phim khoa học viễn tưởng là một thể loại khó, tầm vóc của nó lớn và bao quát lên những vấn đề mang tính tương lai, nó có tính ước lệ cao về một xã hội giả lập nơi khoa học, kĩ thuật và con người đạt được ở một tầm vóc mới, nó chứa trong đó những học thuyết đã được nghiên cứu và ôm vào mình bộ môn nhân loại học. Chính vì vậy, những phim khoa học viễn tưởng đủ tầm xứng đáng với cái tên đó không nhiều. Nó nằm rải rác ở từng thập kỉ, để mỗi lần một bộ phim khoa học viễn tưởng thực sự được làm ra trong hàng loạt phim mà thế giới sản xuất hàng năm, ta lại đánh dấu vào như một điểm nhấn đặc biệt của những năm tháng đó. Ta đã từng có Alien (1979), 2001: A Space Odyssey (1968), Blade Runner (1982)… Và 2014, bộ phim mới nhất của Christopher Nolan Interstellar đã xứng đáng sánh vai cùng những tác phẩm điện ảnh khoa học viễn tưởng tôi đã liệt kê một phần ở trên. Tham vọng, táo bạo, không lạm dụng CGI, bẻ cong lý thuyết vật lý bằng định đề mang tên Tình Yêu, Christopher Nolan đã đưa Interstellar tiệm cận được với sự kì vĩ của 2001: A Space Odyssey của Stanley Kubrick, một bộ phim mà Nolan đã rất thích từ khi lên 8 tuổi.
Một bộ phim dài gần ba tiếng đồng hồ là một thử thách đối với bất kì khán giả nào, bộ phim lại mang đầy lý thuyết vật lý, thiên văn học càng khiến nó xa rời với khán giả, nhưng thật may bộ phim với kịch bản được anh em nhà Nolan viết đã khéo léo một cách vô cùng tuyệt vời, logic, hợp lý trong những thứ tưởng như khó gắn kết với nhau để khiến bộ phim hấp dẫn từ đầu đến cuối. Không một phút nào của phim là lãng phí, thậm chí những cú máy dài đầy kiên nhẫn về một điểm nhìn không có điểm nhấn cũng không khiến ta nhàm chán. Vì câu chuyện mà Nolan muốn kể bằng những lý thuyết khoa học, bằng sự rệu rã của một trái đất sắp bị phá huỷ là câu chuyện về con người, về thứ con người không bao giờ biết được sức mạnh của nó, nó mạnh hơn mọi thứ, nó có thể cứu chuộc mọi thứ, nó là vị chúa có thể cứu giúp sự tồn vong của loài người: Tình yêu.
Mở đầu phim là những mẩu chuyện được kể lại qua màn hình tivi, bởi những người lớn tuổi, những người đã trải qua cơn khủng hoảng khủng khiếp của việc trái đất đang ngày càng mất đi sự thân thiện của mình đối với con người, mọi loại cây lương thực đều không thể sống trong bầu không khí đầy bụi bặm nơi lượng oxy đang mất dần thay thế bằng sự tăng cao của khí Nitro. Xen vào đó là những cánh đồng ngô rộng bát ngát ở nơi nào đó, nơi một người nông dân đen xạm vì gió cát, gân guốc và mạnh mẽ Cooper (Matthew McConaughey) đang lái chiếc xe ô tô của mình đi xuyên qua cánh đồng ngô cùng hai đứa con, một trai một gái đuổi theo chiếc máy bay nhỏ không người lái với sự thích thú pha lẫn niềm vui thực sự. Góc máy đổ từ trên cao xuống chạy theo chiếc xe đang tạo con đường riêng cho mình trên cánh đồng ngô là một cảnh quay đẹp, ấn tượng và hấp dẫn. Tình yêu thương được nhen nhóm vào lòng khán giả như đặt trước vào lòng người xem một tín hiệu, một điều gì đó mà ta cần nhớ, nhớ cho đến tận khi những dòng credit của phim hiện lên.
Cooper là một cựu kĩ sư NASA, cơ quan vũ trụ đã bị đóng cửa nhiều năm về trước do trái đất đã nghèo đói đến mức người ta chỉ cần nông dân chứ không còn cần đến kĩ sư nữa. Thậm chí câu chuyện về tàu Apollo đặt chân lên mặt trăng cũng đã bị sửa lại (gọi nhắc ta nhớ đến 2001: A Space Odyssey). Cooper là cơ hội cuối cùng mà giáo sư Brand (Michael Caine), một trong những người cuối cùng đang nghiên cứu cách thức có thể cứu con người khỏi thảm hoạ diệt chủng. Vì tương lại của con mình, của nhân loại, Cooper chấp nhận lái phi thuyền Endurance cùng với con gái của giáo sư Brand (Anne Hathaway), đi vào lỗ đen (wormhole) được phát hiện nhiều năm trước. Lại nói, nhiều năm về trước một phi hành đoàn đã đi qua lỗ đen đó mang trên mình nhiệm vụ tên là Lazarus hòng tìm ra những hành tinh có đủ điều kiện để con người có khả năng sống sót trên đó. Họ đã tìm được ba hành tinh đạt yêu cầu và gửi tín hiệu về nhưng họ không bao giờ quay lại trái đất. Chính lẽ đó, nhiệm vụ của phi thuyền Endurance là đến ba hành tinh đó để xác minh, đồng thời ở trái đất, giáo sư Brand sẽ tìm ra công thức vật lý còn thiếu hòng có thể phóng được trạm không gian khổng lồ thoát khỏi lực hút trái đất và đi vào không gian. Câu hỏi đặt ra là liệu nhiệm vụ của Endurance sẽ đi đến đâu? Cái gì đằng sau lỗ đen vốn chỉ được tính toán dựa trên lý thuyết? Điều gì con người còn chưa biết, không thể biết, không thể hình dung ra khi vượt qua đường chân trời để tiệm cận những chiều không gian nằm bên kia thời gian và không gian?
Bộ phim mở đầu chậm rãi, nhân vật được xây dựng hợp lý, vừa đủ, không khoa trương, không quá đơn giản. mỗi người có một vai trò trong câu chuyện của mình để ghép vào miếng puzzle hoàn chỉnh Interstellar. Câu chuyện của gia đình đi tiếp đến câu chuyện của khoa học, đến những vấn đề về lượng tử, hố đen, không gian, thời gian, từng bước từng bước, Nolan buộc ta bứt ra khỏi sự yêu thương để đi đến với lý trí, bỏ qua cảm tính để tiếp cận lý tính nơi một phi hành đoàn có nhiệm vụ bí mật cứu thế giới, cùng với hai con robot có trí thông minh nhân tạo (AI) là TARS và CASE. Nhưng ngay khi ta tưởng như sự yêu thương được bỏ lại phía sau, để người lãnh trách nhiệm làm nhiệm vụ của mình thì Nolan lại khéo léo đặt vào đấy trong sự xúc động đến nao lòng của tình yêu một khoảng lặng quý giá, nơi mà Cooper vừa khóc vừa cười trong sự yêu thương vô hạn. Tình yêu chính là thứ nằm bên kia giới hạn của không gian và thời gian. Đấy là cái phần viễn tưởng (fiction) được Nolan sử dụng. Bên trên tất cả, bên trong tất cả, cái lõi của vạn vật những thứ gắn liền với con người đó chính là tình yêu, cái chiều kích thứ 5 của không gian, nơi mà không gian nằm bên kia sự vô tận, không có định luật vật lý nào nằm trong nó. Ở đó, Nolan thể hiện tham vọng của mình, đưa vào cái cảm quan đầy con người của một đạo diễn luôn biết sử dụng tình yêu một cách vô cùng tinh tế trong các bộ phim khác của ông (tình yêu trong Inception chẳng hạn) để tạo ra nhưng giới hạn không tưởng.
Là một đạo diễn không thích lạm dụng CGI thứ vốn đang ngày càng xâm lấn các bộ phim bom tấn của Hollywood, Christopher Nolan đã tạo dựng một không khí cực kì chân thật, cánh đồng hàng chục mẫu ngô được trồng, những ngôi nhà được xây dựng để tạo bối cảnh, thậm chí con tàu không gian mà Cooper lái khi đáp xuống các hành tinh để thám hiểm cũng được dựng trực tiếp. Nữ diễn viên Jessica Chastain người thủ vai Murphy khi lớn tuổi đã trả lời phỏng vấn rằng việc không phải diễn trên nền phông xanh trong studio là một trải nghiệm tuyệt vời. Quả vậy, bộ phim tạo một cảm giác vô cùng chân thật, sống động, trong từng khung hình, nó mê hoặc ta bằng vẻ đẹp sắp tàn của trái đất được tạo dựng tinh tế và có chiều sâu. Điều này phải kể đến công lớn của nhà quay phim Hoyte van Hoytema (quay phim Her), những thước phim hiện lên, dù cú máy dài hay ngắn, hay những cảnh cận lột tả chân dung của Cooper, tất cả được điều tiết rất tốt, để ta không cảm thấy mệt mỏi hay nhàm chán. Nó đánh thẳng tâm lý ta vào sự kì vĩ của tự nhiên như con sống khổng lồ cao hàng trăm mét, đến những đám mây đóng băng bay trên bầu trời, và sự buồn khổ của con người. Những thước phim ngoài vũ trụ những luồng ánh sáng, bước nhảy Alpha đi vào hố đen tất cả gợi nhắc ta đến bộ phim vĩ đại 2001 của Stanley, nó không rực rỡ nhưng nó đưa ta đến một cảm giác hùng vĩ, choáng ngợp đầy đe doạ. Trái đất quả thực quá nhỏ bé trong một vũ trụ vô tận bao bên ngoài.
Những điều đó, lý thuyết vật lý, ngày tận thế cận kề, sự vật lộn của con người với chính bản năng của mình, bản năng sinh tồn của sự ích kỉ, cảm tính, buồn khổ, bao quanh cái lõi mà Nolan muốn định hướng người xem ngay từ đầu, Tình Yêu. Chính tham vọng mang tên tình yêu, đã giúp Nolan lồng được vào tất cả những thứ lý thuyết khô cứng, trường đoạn dài ban đầu giới thiệu nhân vật, tiết chế tối đa hành động kịch tính để tạo cho bộ phim một diện mạo bom tấn thường có. Nolan đẩy dịu nó xuống, xoa nhẹ vào lòng người xem những cảm xúc vô cùng thuần khiết, mà nhờ công của nam diễn viên Matthew McConaughey ta có được những trường đoạn vô cùng cảm động, nó kéo trùng tất cả để đề cao tính con người của câu chuyện. Mối dây liên kết của tình cha con của Murphy và Cooper được xây dựng thật khéo léo, để càng ngày ta càng thấy được sự thiêng liêng cảm xúc chân thật, của hai nhân vật đó, nó bẻ cong câu chuyện, nó bẻ gẫy mọi định đề vật lý, để cái cuối cùng ta nhận ra được đó là tình yêu luôn là hy vọng cuối cùng để cứu rỗi loài người. Tình yêu chính là vị chúa xây dựng nên xã hội này và làm nó trường tồn. Nữ phi hành gia Amelia đã nói một câu mà ta hoàn toàn có thể dùng câu đó để lột tả cả bộ phim:”Tình yêu là thứ duy nhất có thể vượt qua được cả không gian và thời gian”.
Đoạn cuối phim đầy kịch tính mà mang tính sáng tạo cao của Nolan dù cho ngay từ đầu phim ông đã để vào đó totem để định hướng câu chuyện phim. Táo bạo, và đầy tính ẩn dụ, Insterstellar kết thúc một cách hoàn hảo, khi ông dùng chiều không gian thứ năm để tạo logic và kết thúc mọi thứ, thì dường như không khoa học nào có thể phản đối và chỉ trích vì bản thân chiều không gian thứ năm là thứ nằm ngoài khả năng hiểu biết của con người, một chiều không gian nơi thời gian được tồn tại dưới dạng vật chấtm nơi ở của chúa, liệu nó có thực hay chỉ là trí tưởng tượng, điều đó nằm ngoài khả năng nhận thức của chúng ta.
Dùng âm nhạc của Hans Zimmer, nhà soạn nhạc ưa thích mà Nolan hay mời cộng tác trong phim của mình, bộ phim đã đạt được những hiệu ứng tuyệt vời của sự kết hợp giữa diễn xuất, âm nhạc, quay phim, nó hoàn toàn thoả mãn ta về mặt thị giác và cảm xúc, nó đưa ta đến những đỉnh cao mới của sự sáng tạo, của tính nhân loại, và đi sâu vào cảm tính của mỗi người. Mới chỉ thực hiện không đến 10 phim, nhưng Christopher Nolan càng ngày càng thể hiện sức sáng tạo bất tận của mình, cũng như tạo cho mình một thương hiệu vô cùng giá trị, mỗi bộ phim của ông từ phim đầu tay Following cho đến Interstellar đều mang dấu ấn riêng đặc trưng mà không đạo diễn nào có. Christopher Nolan cho ta một định nghĩa khác về phim độc lập, vì bản thân phim của ông với đầy dấu ấn tác giả, quả thực chính là một bộ phim độc lập được sản xuất trong lòng những studio hàng đầu Hollywood. Thật không nhiều đạo diễn có quyền lực như vậy với đứa con có giá tới 165 triệu đô la Mỹ.