Tuấn Lalarme

John Wick: chapter 2 – Mọi người cần hạnh phúc để sống, không phải tôi

Những năm gần đây, người ta nhắc nhiều đến Keanu Reeves không phải như một trong những nhân tố chính giúp The Matrix trở thành một trong những bộ phim hành động hay nhất mọi thời đại, mà người ta nhắc đến anh như một nam diễn viên có cuộc sống vô cùng bình dị, nhưng lại gặp rất nhiều bi kịch trong đời. Keanu lặng lẽ sống, và làm việc, anh tránh xa thị phi, diễn trong những bộ phim kinh phí thấp ở châu Á, tham gia vào những vai diễn nhỏ. Anh nói: “Người ta cần hạnh phúc để sống, còn tôi thì không”. Có lẽ sự tàn nhẫn của cuộc đời đối với người đàn ông này, đã giúp cho nhân vật John Wick của anh khiến khán giả cảm tình đến vậy. Để từ đó, John Wick, dù chỉ là một bộ phim hành động hạng B nhưng đã và đang trở thành hiện tượng toàn cầu, khi phần hai của John Wick không chỉ khiến khán giả say mê, mà còn khiến giới phê bình tặng cho những lời có cánh. Tại sao một bộ phim hành động thuần tuý lại có sức hút như vậy, công lớn thuốc về Keanu Reeves, người hùng thầm lặng của sự cô độc.

John Wick không phải là một bộ phim bạn xem và tìm ý nghĩa mà đạo diễn muốn cài cắm. Bộ phim đơn thuần mang đến cảm giác hưng phấn hồi hộp, những điều mà phim hành động những năm 80-90 của thế kỉ trước của Vann Damn, Chuck Norris thể hiện. Trong những bộ phim B-Movie như vậy, khán giả chỉ tìm thấy ở đó sự giải trí thuần tuý về mặt thị giác, sự hưng phấn khi nó giúp đẩy cao Adrenaline trong cơ thể để chúng ta cứ vậy dán mắt đi theo nhân vật và xem họ thực thi công lý giang hồ. Thời của B-Movie đã đi quá xa, ở thời điểm hiện đại, phim hành động gắn với hai chữ bom tấn với ý nghĩa, kinh phí đầu tư khổng lồ, và thị giác vô cùng hoành tráng, với rất nhiều chiêu trò lôi kéo khán giả như hài hước, đen tối, và mang thông điệp gì đó. John Wick không cần những điều đó. B-Movie đích thực, chỉ có bắn giết. Như phần 1, anh chỉ vì một con chó và một chiếc oto mà tiêu diệt cả một tập đoàn mafia Nga hùng mạnh. Vậy sang đến phần 2, John Wick có gì?

Vẫn là tập hợp của rất nhiều màn hành động đan cài liên tục, phần hai của John Wick ngay từ đầu đã mang đến cho người xem một không gian quen thuộc, không gian của các băng đảng thanh toán nhau, thanh toán cá nhân. John Wick giải quyết nốt sự truy đuổi của mafia Nga để tìm lại bình yên cho mình. Nhưng với một kẻ như John Wick “rửa tay gác kiếm” đã là điều vô cùng khó khăn, vậy mà, anh đã quay trở lại, và muốn tiếp tục quy ẩn là điều không thể. John Wick vướng vào lời thề cùng một tay mafia người Ý tên là Santino D’Antonio (Riccardo Scamarcio), được gọi là Huyết Ấn. Đây chính là một trong những điều tạo cho John Wick một diện mạo thú vị. Thế giới giang hồ trong John Wick được xây dựng chi tiết với những luật lệ tối thượng mà bất kì ai nằm trong hệ thống ngoài vòng pháp luật đều phải tuân theo. Vướng vào Huyết Ấn có nghĩa là phải trả nợ bằng bất kì giá nào. Từ đây, thế giới tội phạm của John Wick được mở rộng ra rất nhiều so với phần một. Họ, những kẻ tội phạm, không chỉ biết nhau, không chỉ tôn trọng nhau mà còn vô cùng chuyên nghiệp, giữa họ khi đã liên đới đến công việc thì không còn bạn bè mà hành xử với nhau bằng nắm đấm và súng đạn.

Một dạng quân tử phương tây, một thứ tình bằng hữu rất “kiếm hiệp”. Chính vì vậy, John Wick mang đến sự tôn trọng dành cho khán giả, bằng sự cẩn thận, chỉn chu, bằng một thế giới có nguyên tắc rõ ràng, với những nhân vật được xây dựng đầy cá tính, bản lĩnh và quyết đoán. Quy củ giang hồ là điều tiên quyết để thế giới ngầm đó không rối loạn. Ai cũng có thể giết ai, nhưng giết ai cũng cần tuân theo những luật lệ nhất định. Vì lẽ đó mà John Wick là một sát thủ vô cùng được tôn trọng, không chỉ vì anh rất giỏi, đến mức chỉ nghe tên thôi mà trùm mafia đã lo ngại. Anh tuân theo quy củ, làm đúng luật để sống, để tồn tại và để hành sự. Hơn nữa, mặc dù rất giống một kẻ cô độc, một con sói đi lặng lẽ trên đường của mình, nhưng John Wick có những bằng hữu đáng kể, những người sẵn sàng vì anh mà đưa ra những quyết định gây nguy hiểm cho bản thân. John Wick vì thế là hiện thân của một người hùng lạnh lùng, trượng nghĩa, nguy hiểm, và không biết sợ gì trên đời. Chất đàn ông trong John Wick: Chapter 2 quá mạnh, nó có hình ảnh của điệp viên 007 với một mớ đồ chơi cool ngầu, lại có hình ảnh của những anh chàng Kingsman lịch lãm, bên cạnh đó là một Mission Impossible với những pha hành động vô cùng đã mắt, có phần đã mắt hơn khi John Wick sử dụng nhiều những đòn cận chiến, một dạng The Matrix trong thế giới ngầm của New York.

Điều thứ hai khiến John Wick trở thành hiện tượng, đó là diễn xuất của Keanu Reeves. Anh không phải là một diễn viên có khả năng biểu cảm tốt. Tất cả những vai diễn của anh đều có chung một hình ảnh, một kẻ cô độc, tách biệt với thế giới và luôn luôn trầm tư vào thế giới của riêng mình. John Wick cũng vậy, một kẻ kiệm lời, một khuôn mặt vô cảm, một giọng nói trầm và lạnh lẽo. Rất giống với bản thân Keanu Reaves ngoài đời. Chính ưu thế của một nhân vật chồng khít lên bản thân diễn viên mà đạo diễn Chad Stahelski và biên kịch Derek Kolstad đã nắm bắt được và tạo nên một không gian, bối cảnh, với những chiều kích hoàn hảo vừa khít với Keanu Reaves để anh hoàn thành tốt vai diễn của mình.

John Wick: Chapter 2, có một cái kết đặc biệt tạo cảm giác hưng phấn. Một người, một chó chạy trốn khỏi định mệnh tưởng như an bài sẵn cho mình. Chỉ riêng cái kết đó thôi, John Wick: chapter 2 đã ăn đứt hầu hết tất cả các phim hành động khác, và gây thiện cảm vô cùng lớn cho người xem, cũng như người phê bình. Rút cuộc, đó chính là chiều sâu mà một bộ phim thuần hành động cần có, mang lại sự hưng phấn cao nhất cho khán giả, để họ không thể quên được cái cảm giác gắn chặt bản thân vào nhân vật để chống lại thế giới vốn quá khắc nghiệt, một dạng sống không cần lý tưởng, một kiểu sống mà nói như Keanu Reaves mà tôi muốn dẫn lại: “Mọi người cần hạnh phúc để sống, còn tôi không cần”, tôi sẽ sống, bằng bất cứ giá nào.

Tuổi Trẻ Online

Exit mobile version