Tuấn Lalarme

John Wick – “Chỉ là một con chó khốn khiếp…”

Tôi chưa bao giờ mong chờ John Wick sẽ là một bộ phim hấp dẫn. Cái tên Keanu Reeves vang danh một thời đã trở thành một cái tên cho những bộ phim thất bại, hai năm qua, anh sang Tàu để diễn phim liên quan đến Kungfu, sang Nhật để làm Samourai, và năm nay anh trở lại Mỹ, làm một gã sát thủ về hưu. Điều gì có thể cho tôi ý nghĩa rằng phim này đáng xem, khi đạo diễn của phim là những người đầu tiên đứng sau máy quay chỉ đạo, trước đó họ chỉ là những diễn viên chuyên đóng thế những pha mạo hiểm (stuntman) trong các bộ phim bom tấn, và một “Nero” có sự nghiệp đang xuống dốc. Ấy vậy mà John Wick có những “chiêu thức” vô cùng hấp dẫn để ta đi đến tận cùng bộ phim với sự thư giãn thoải mái.

Đấy hẳn là thế giới không tưởng, thế giới mà tội phạm bậc cao có chỗ đứng riêng, có sự lờ đi của cảnh sát, không có giới hạn giết người nếu những kẻ bị giết đó cũng ở trong thế giới đó. Thế giới được vận hành bởi rất nhiều nguyên tắc, một dạng “Sin City”. Trong thế giới đó, John Wick (Keanu Reeves) là một cái tên khét tiếng, một sát thủ mà ngay cả một ông trùm mafia Viggo (Michael Nyqvist) cũng phải thoả hiệp và không muốn dây dưa vào. Nhưng đáng tiếc, như nhiều bộ phim hành động sát thủ khác, sự ngu ngốc đến từ thằng con của ông trùm Iosef (Alfie Allen, hẳn ai đã xem Game of Thrones thì không thể quên được khuôn mặt này, anh đã hoá thân vào một vai diễn kinh khủng, sống không bằng chết, một con người đã mãi mãi không thê làm người được nữa). Nó giết con chó của John Wick, không có gì đáng nói nếu con chó đó không phải là một món quà cuối cùng của người vợ đã mất của anh, người mà vì cô ấy anh đã rời bỏ thế giới của mình để sống ở thế giới thực tại. Nhưng thằng con trai đó đã lôi anh trở về.

“Chỉ là một con chó khốn khiếp…” câu đấy được nhắc đi nhắc lại nhiều lần với John Wick, mỗi khi anh hạ thủ, anh tiệm cận đến Iosef, anh làm Viggo kinh hồn khiếp đảm. Nhưng con chó đó hơn là một sinh vật thông thường, nó là ám thị cho sự sống, cho niềm vui đã có, cho quá khứ hạnh phúc, và cho tất cả những gì anh đã mất mát. Chính thế John Wick sẵn sàng thách thức cả thế giới khi nó tước đi của anh, cái hy vọng sống cuối cùng đó. Bạo lực, những cú headshot không thương tiếc, cả thế giới đó dường như biết nhau, dè chừng nhau, sống với nguyên tắc không được xâm phạm. Keanu Reeves luôn trông rất ngầu trong bộ dạng lãng tử và bầm dập như vậy của nhân vật John Wick, mái tóc dài, khuôn mặt buồn bã, cô độc nhưng lạnh lùng và vô cảm. Anh không sợ chết, không lùi bước, không khoan nhượng.

Có một điều nghịch lý là cuộc đời thực của Keanu cũng đầy đau khổ, và cô độc dù cho anh đã gặt hái được những thành công vang dội của anh từ Trilogy Matrix và hàng loạt các bộ phim giải trí khác như Speed (1994), Constantine (2005). Có lẽ vì thế những vai diễn phải chịu đựng mất mát, phải chống lại thế giới, phải vật lộn với chính mình để tồn tại giống như một sự ám thị, khiến cho anh có được sự nhập vai rất ngọt và đặc biệt ấn tượng.

Bối cảnh thuần về ban đêm, những quán bar, khách sạn sang trọng với những cử chỉ riêng biệt, cách thanh toán và quy định đặc biệt, cho ta cảm giác như đang theo dõi thế giới Underworld của Ma Cà Rồng và Người Sói. Có lẽ việc xuất thân là những diễn viên đóng thế đã giúp cho hai đạo diễn của phim tạo được những pha hành động khá ấn tượng, dứt khoát, mạnh mẽ và đậm chất comics. Bộ phim nhắc ta nhớ đến nhân vật Robert McCall (Denzel Washington) trong The Equalizer, và Bryan Mills (Liam Neeson) trong Taken. Bản thân họ có những cách thức biểu đạt “chính nghĩa” khác nhau, nhưng họ có mẫu số chung là phải chống lại thế giới để tìm lại sự yêu thương cho mình. Hollywood đang làm vực dậy một thế hệ những diễn viên lớn tuổi bằng những vai diễn badass, bất bại và cô độc, đàn ông và tình yêu.

Exit mobile version