Tuấn Lalarme

Kim Ki Duk – Đạo diễn của sự vô định

Tôi bắt đầu xem phim của Kim Ki Duk vào một mùa hè cách đây đã rất lâu. Bộ phim đầu tiên là Bad Guy, sự kì lạ của kịch bản, đôi khi mang đến cảm giác không thực, về một gã đàn ông sống bám vào một cô gái, khi để cô đi làm gái điếm. Nhưng mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ, họ yêu nhau, cô gái chấp nhận làm việc đó, còn gã đàn ông bảo vệ cô gái theo cách kì cục như vậy. Những nhân vật chính trong phim của Kim Ki Duk dường như sống ở một thế giới khác, nơi họ nói với nhau bằng ngôn ngữ của ánh mắt và tâm hồn. Ở họ, sự đồng cảm là những sợi dây vô hình liên kết ở một dạng thức đặc biệt mà bản thân khán giả dù nhìn được toàn cảnh cũng không thể nắm bắt được. Từ Bad Guy, đến Spring, Summer, Fall, Winter… and Spring, rồi The Isle… Dường như Kim Ki Duk đã vô cùng nhạy cảm với thân phận những người muốn vô hình sống, im lặng sống, đặc biệt là thân phận phụ nữ trong xã hội Hàn Quốc, luôn mỏng manh và chấp chới trong một cuộc sống mong cầu hạnh phúc, nhưng chỉ có bất hạnh ập đến. Để rồi từ đó, đạo diễn họ Kim như thấu hiểu đến tận cùng để ông có thể tạo nên những nhân vật, vừa chân thực, nhưng lại vừa như ảo ảnh của sự phù du.

Cứ vậy, tôi lang thang trong những bộ phim của Kim Ki Duk, cũng với sự lặng thinh và vô hình, để quan sát những nhân vật im lặng và muốn trốn thoát khỏi xã hội của ông. Tôi luôn tin trong xã hội có rất nhiều thế giới, mỗi thế giới đó chứa một số loại người, một số chủng loại người. Những người có cùng tri kiến, cùng tư duy, cùng cách nhìn nhận vấn đề, và cùng nhìn về một phía. Những thế giới không phân thành giàu nghèo, mà chỉ có những tâm hồn đồng điệu. Thế giới của những kẻ cô đơn, tuyệt vọng, và bị xã hội lánh xa, hoặc tránh xa khỏi xã hội như phim của Kim Ki Duk. Có lẽ người ta nhìn ông như một kẻ lập dị, một đạo diễn mà nền điện ảnh công nghiệp của Hàn Quốc không ưa. Một gã đàn ông thích làm những gì mình muốn. Một người đàn ông tài năng dám nói thay thân phận phụ nữ bị thiệt thòi, và số phận của những gã đàn ông cô độc.

Nơi nào có đàn ông, đàn bà, nơi đó có tình yêu. Kim Ki Duk, trong cái thế giới bên rìa xã hội mà ông tạo ra. Có những mối tình kì lạ. Mối tình nảy sinh từ cái chết như trong bộ phim đầu tay Crocodile. Mối tình nảy sinh từ sự sống như The Bow. Mối tình nảy sinh từ sự lặng câm đến đau lòng trong 3-Iron.. Ông mang đến cho khán giả xem phim một sự trải nghiệm kì lạ về kiếp nhân sinh. Những nhân vật họ chìm đắm trong sự cô đơn, nhưng luôn luôn, sẵn sàng chấp nhận một kẻ khác đi vào thế giới của mình. Như những người đồng hành thầm lặng. Trong đó, bằng những hành động cực đoan, họ thể hiện tình yêu với nhau, theo cái cách mà thế giới không thể hiểu để cảm thông. Những nhân vật của Kim Ki Duk như bị mắc kẹt lại ở nơi không thuộc về họ.

Cảnh trong phim The Isle

Khi cô gái trong phim 3-Iron ngồi lên chiếc motor của chàng trai trẻ, sống bằng cách tìm những ngôi nhà vắng chủ để ở nhờ. Tình yêu của họ nảy mầm, họ không nói gì, cô gái bắt chước hành động của chàng trai. Họ muốn biến mất, nhưng không thể họ vẫn phải ở trong xã hội nơi họ sinh ra. Họ chỉ có một cách duy nhất là tìm cách biến mình thành bóng ma. Xã hội dường như quên mất sự tồn tại của chàng trai trẻ, nó quên, nó lờ đi. Từ đó, đạo diễn xây dựng thế giới giống một giấc mơ, nơi chàng trai cuối cùng, sau bước chuyển biến khi phải vào tù, đã học được cách biến mất. Anh biến mất ở điểm mù của mắt người. Không ai thấy anh, trừ cô gái anh yêu. Anh cần nụ hôn và nụ cười của cô. Anh cần tình yêu của đời mình. Thứ tình yêu mà cậu bé lớn lên trong ngôi chùa ở một nơi hoang vu trong Spring, SUmmer, Fall, Winter… and Spring cần để có thể cứu chuộc cuộc đời của mình.

3-Iron

Phim của Kim Ki Duk luôn đưa người ta đến một thứ cảm xúc chấp chới, chấp chới để hiểu, để cảm thông. Đôi khi chấp chới vì nó buồn đến nao lòng. Những số phận như chiếc thuyền trôi nổi, như những quả bóng golf rơi vô định vào một điểm nào đó mà người chơi golf đánh vào, hay trôi nổi như những ngôi nhà trên dòng sông mà cô gái điếm, đã đến cực điểm của tuyệt vọng và nhét chùm móc câu cá vào âm đạo của mình. Không có sự tha thứ, chỉ có sự chấp nhận như một viễn cảnh mà một nửa thế giới sẽ đồng tình, và nửa còn lại sẽ phản đối. Nên ông bị nhiều người ghét. Không chỉ vì ông là một đào diễn tài năng, mà vì những hành vi bạo liệt của nhân vật, những hành vi được thể hiện đến tận cùng. Dường như đối với Kim Ki Duk chỉ có ở tận cùng, con người mới có thể tự cứu rỗi bản thân mình. Cậu bé được nhà chùa nuôi dưỡng trong Spring, Summer, Fall, Winter… and Spring là một dạng nhân vật như vậy, cậu sẽ không thể đi tum nếu không nếm trải mọi quả ngọt đắng trong đời. Hay người mẹ trong Pieta, bà đã chịu mọi khổ nhục, để níu lại tình mẫu tử đã mất…

Thế giới mà ông cho chúng ta xem không lung linh và giàu màu sắc tươi sáng. Ở khía cạnh nào đó, nó thật đến đau đớn. Trong cuộc đời này, bản chất cuộc sống là sự khổ và chịu đựng. Thân phận người bị lột trần. Đạo đức chỉ là một bình phong ở bề mặt nhằm che giấu bên trong dục vọng và bản năng của con người, mà trong đó, số phận của những người phụ nữ luôn bị áp bức và đầy tuyệt vọng. Nếu Woody Allen cho ta một cái nhìn về phụ nữ trung lưu của phương Tây độc lập và tự chủ so với đàn ông, thì phụ nữ trong phim của Kim Ki Duk luôn luôn phải phụ thuộc, và chịu một thân phận thấp kém. Họ làm điếm, họ bị đánh đập, họ bị phủ nhận. Đạo diễn họ Kim bóc mẽ bản chất xã hội phương Đông, đặc biệt là xã hội Hàn Quốc, để rồi đặt vào phim, nỗi lòng thương cảm của ông dành cho phụ nữ, qua những nhân vật đàn ông tử tế hiếm hoi của mình. Ở tận cùng tuyệt vọng, luôn luôn có hy vọng. Phải chăng đấy chính là thứ triết lý mà Kim Ki Duk dựa vào để nói về thế giới phim của ông, một thế giới mà chúng ta không biết được nó là thực hay mơ?

Exit mobile version