Tuấn Lalarme

La Vie en Rose – Cuộc đời tươi đẹp vì có hạnh phúc và có sầu khổ

“Non, je ne regette rien” (Không, tôi không hề hối tiếc gì), liệu một cuộc đời sống như thế nào để đến một thời điểm nào đó, khi ta nhìn lại, ta có thể nói lên được câu đó, ta hát lên như Edith Piaf đã hát. Tất nhiên, nó tùy thuộc vào lý tính từng người, có thể đó là khi ta già ta kiếm được nhiều tiền, làm được tất cả những điều mình muốn, có thể không giàu nhưng hạnh phúc bên gia đình, có con cái biết lo toan. Nhưng tôi nghĩ, một cuộc đời mà không hề hối tiếc đó là khi ta đã sống hết mình, ta đã cống hiến cuộc đời mình cho chính mình và cho người khác, ta đã khóc cười, đã điên dại, đã yêu si mê, đã đau đớn tột cùng và hạnh phúc vô bờ bến. Đấy phải là một cuộc đời như một biểu đồ hình sin, biểu đồ của nhịp tim, không phẳng lặng, không đơn điệu, một cuộc đời được chiếu qua lăng kính tán thành bảy sắc như bìa album “The Darkside Of The Moon” của Pink Floyd.
 
Edith là con một nữ ca sĩ và một người biểu diễn xiếc. Như một sản phẩm không mong muốn, cô bị bỏ rơi, bố để lại cho bà nội là chủ một nhà chứa nuôi, tại đây cô được chăm sóc và yêu thương bởi những người phụ nữ làm điếm, cho đến khi bố cô quay lại và đưa cô đi theo đoàn xiếc của mình. Khi theo cha biểu diễn trên đường phố, một người đàn ông xem cha cô diễn và yêu cầu cô bé làm gì đó, cô hát “La Marseillaise” (quốc ca Pháp), đó chính là lúc Piaf (con chim sẻ) xuất hiện.
Bộ phim “La vie en Rose” (La Mome – tên tiếng Pháp), tái hiện lại cuộc đời của nữ danh ca Pháp – một trong những danh ca nổi tiếng và được yêu nhất mọi thời đại của Pháp, giọng ca của bà là bất hủ và không bao giờ bị nhàm chán, giọng đẹp, sáng và vô cùng thánh thiện. Từ khi còn là cô bé, cho đến khi thành danh, đi biểu diễn ở khắp nơi trên thế giới, cuộc đời của bà như nhịp chảy của trái tim luôn tràn đầy sức sống, dù cho cuộc đời đôi khi vô cùng khắc nghiệt đối với bà.
 
Chỉ sống được 47 năm trên đời, nhưng cuộc đời Edith Piaf thật vô cùng đáng ngưỡng mộ. Tác phẩm điện ảnh La vie en Rose của đạo diễn Olivier Dahan đã làm được điều đó, đã tái hiện một cách rất thành công cuộc đời của bà. Bộ phim không tái hiện theo tuần tự thời gian cuộc đời của bà, mà những khoảng thời gian khác nhau đan xen nhau, từ lúc là đứa trẻ, đến lúc là một người phụ nữ ốm yếu bệnh tất, từ những nụ cười vô cùng sảng khoái, cho đến nước mắt sầu khổ, từ tình yêu mãnh liệt đến đau khổ tột cùng, Cuộc đời bà là những sự đối nghịch mà tạo hóa mang đến, khi bà gặp được tình yêu lớn của đời mình, thì cũng ngay đấy, tai nạn máy bay đã cướp mất người tình đó.
Hát như một lẽ sống, một đam mê đã ăn vào tận xương tủy đến mức mặc dù đã hết sức nhưng vẫn cố gắng đến ngất lịm. Một sức sống tuyệt vời lại nằm trong một cơ thể quá nhiều bệnh tật, đến nỗi mà bà bị nghiện Morphine nặng, có khi 1 ngày phải tiêm tới 10 mũi mới trụ được. Cơ thể vật lý đã gục nhưng tinh thần của bà, tinh thần của “a little sparrow” (con chim sẻ nhỏ) thì còn mãi, cái sức sống đó, không chỉ sống qua những bài hát, mà nó còn sống trong lòng những người yêu mến bà, ngưỡng mộ cuộc đời bà. Cuộc đời đã sống hết mình, yêu hết mình, hát cho đến sức cùng lực kiệt. Mỗi người trong cuộc sống luôn luôn đau đáu về những đam mê không kéo dài, không trọn vẹn, luôn trăn trở về một thứ gọi là tình yêu đích thực, luôn không biết cách sống hết mình với chính đời mình, và khi xem bộ phim hoặc biết về cuộc đời của Edith Piaf, tôi chắc chắn rằng ai cũng sẽ thấy đấy mới thực sự là sống. bà đã cho đi trọn vẹn, cho đi tình yêu chân thành nhất đối với Marcel, cho đi giọng hát của mình, cho cuộc đời thật nhiều xúc cảm và niềm vui. Và thật hiếm người có thể thốt lên:
Không, chẳng có gì cả, tôi không hối tiếc bất cứ điều gì
Những điều xảy đến với tôi không phải là tốt, cũng không phải là xấu
Tất cả mọi thứ với tôi là công bằng
(Non, Rien De Rien, Non, Je Ne Regrette Rien
Ni Le Bien Qu’on M’a Fait, Ni Le Mal
Tout Ca M’est Bien Egal)
 
Chết ở tuổi 47, bệnh tật đầy mình, mạng sống của người mình yêu thương bị cướp mất, nhưng Edith đã không trách móc, không than phận, đấy có lẽ là điều khiến chúng ta những người trẻ hay than trách, sống vị kỉ phải suy nghĩ, phải nhận chân ra được nhiều điều trong cuộc sống để hiểu hơn ý nghĩa của sự tồn tại trong đời mình.
Ngoài một kịch bản xuất sắc, thì bộ phim không thể thành công nếu không có sự diễn xuất tuyệt vời Marion Cottilard. Là một nữ diễn viên vô cùng xinh đẹp, cô đã hóa thân một cách quá hoàn hảo thành Edith – một người phụ nữ hơi kì quặc trong hành xử, mang nhiều bệnh tật và bị già từ rất sớm. Marion đã gần như khiến cho tất cả những ai xem phim phải nghi ngờ không hiểu có phải đây chính là Edith tự diễn vai diễn của đời mình hay không? Sự hóa trang xuất sắc và tài năng của cô đào nước Pháp đã mang cho Marion một giải thưởng Oscar danh giá vô cùng xứng đáng. Edith đã sống dậy trong từng cử chỉ, từng ánh nhìn, sự sôi nổi cũng như đau buồn, sự khỏe mạnh cũng như bệnh tật. Thêm nữa, bộ phim thể hiện lại khá nhiều ca khúc của Edith, một số do người khác hát, một số do chính Edith hát và Marion cũng hát phần mình, tất cả hòa thành một bản soundtrack tuyệt vời với những ca khúc kinh điển, giọng ca trời phú và sự biểu cảm vô cùng tinh tế của Marion Cottilard.
 
Không cần phải nghĩ nhiều, tôi dám khẳng định về phần mình, đây chính là một trong những bộ phim tiểu sử hay nhất mà tôi từng được xem, một bộ phim đã hoàn thành xuất sắc việc soạn một bản nhạc đẹp và ý nghĩa về cuộc đời nữ danh ca Edith Piaf, qua đó, một ý niệm về thế nào là một cuộc đời đáng sống được đưa ra,
Phải chăng một cuộc đời đáng sống, không hề hối tiếc chính là một cuộc đời biết cách đạt được những xúc cảm mãnh liệt dù hạnh phúc hay đau khổ. Sự mãnh liệt của cảm xúc khiến tâm hồn luôn tràn đầy nhiệt huyết sống, sống để yêu thương, để cho.
 
Exit mobile version