Tuấn Lalarme

Lars Von Tier – Nhà làm phim “lập dị”

Những tưởng vụ tai tiếng về những phát ngôn liên quan đến phát xít Đức và Hitler tại liên hoan phim Cannes 2011 đã khiến đạo diễn người Đan Mạch Lars Von Trier sẽ bị cấm vĩnh viễn tham dự liên hoan phim danh tiếng này, nhưng không, ông đã xuất hiện tại liên hoan phim Cannes 2013, không phải với tư cách đạo diễn của một phim được đề cử, mà với tư cách một đứa con cưng “ngỗ nghịch” đã úp mở thông tin về một dự án phim ảnh mới “Nymphomaniac” (Cuồng dâm), với những yếu tố hoàn toàn gây sốc về tình dục, vốn là một chủ đề được ưu chuộng tại liên hoan phim này, và với “chiêu trò” như vậy, ban tổ chức liên hoan phim Cannes đã ngay lập tức đánh tiếng mời ông tham dự và bỏ qua hết chuyện cũ. Lars Von Trier vẫn là một đứa con cưng mà Cannes không thể bỏ. Dòng phim của ông là một dòng phim thuần nghệ thuật với những sáng tạo không ngừng, những “cơn điên” bất tận của người nghệ sĩ, những đề tài mạnh bạo và độc đáo, một dòng phim mà Cannes vẫn dựa vào đó để tăng thêm sức hấp dẫn đặc biệt cho mình.

Đan Mạch, đất nước nằm ở vùng Scandinavia của Châu Âu là cái nôi của những nhà làm phim đầy tham vọng, và có cá tính mạnh mẽ trong việc gây dựng hiệu ứng hình ảnh để mê hoặc người xem, 60 năm trước là Carl Theodor Dreyer, và 60 năm sau, một Lars Von Trier đã xuất hiện và luôn luôn cho ra đời những đứa con tinh thần làm khuynh đảo giới hâm mộ điện ảnh thế giới. Là người đồng tạo dựng lên trào lưu Dogma 95 với Thomas Vinterberg vào năm 1995 nhân kỉ niệm 100 năm ngày ra đời nghệ thuật thứ 7 trong đó bắt buộc người đạo diễn khi làm phim phải dùng camera cầm tay, không dùng kĩ xảo, cùng theo đó là những quy định nghiêm ngặt về âm thanh, ánh sáng, bối cảnh, sao cho tự nhiên nhất và hạn chế dàn dựng nhất, Lars Von Trier đã mang đến một hơi hướng làm phim mới không lạm dụng quá nhiều kĩ thuật để tạo dựng nên những khung hình chân thực nhất cho điện ảnh, những tiêu chí nhằm chống lại nền công nghiệp điện ảnh Hollywood vốn đang làm dụng quá nhiều kĩ thuật khiến bộ phim trở nên thiếu thực tế đi rất nhiều. Cannes đã rất chào đón những bộ phim làm theo phong cách Dogma đó, bộ phim đầu tiên theo tiêu chí Dogma 95 của Lars Von Trier là The Idiots (Những chàng ngốc – 1998) đã được chiếu mở màn và đưa vào danh sách đề cử tranh giải tại Cannes. Tuy nhiên, những nguyên tắc của Dogma mặc dù đưa ra một sự thuần khiết về mặt điện ảnh cho những đạo diễn muốn trình diễn tài năng của chính mình nhằm mang đến những tác phẩm thuần nghệ thuật nhất của sự sáng tạo nhưng rất khó để có thể hoàn toàn làm theo những nguyên tắc đó, Dancer In The Dark (2000) bộ phim được đề cử Cành Cọ Vàng và giành giải thưởng cho nữ diễn viên xuất sắc nhất, chỉ còn áp dụng Dogma cho vài cảnh trong phim. Dogma 95 biểu hiện trong tất cả những phim của Lars Von Trier chỉ ở mức độ dấu vết, những dấu hiệu tối giản nằm trong những khuôn hình kĩ thuật số. Nhưng thật sự Dogma 95 dù bây giờ không được áp dụng một cách triệt để những nguyên tắc của nó, thì nó cũng đã truyền cảm hứng cho rất nhiều những nhà làm phim trên khắp thế giới, nơi có khả năng về tài chính hạn hẹp, và những giới hạn của kĩ thuật làm phim như Hàn Quốc, Argentina, Tây Ban Nha, Pháp…

Nhưng dù Dogma 95 đã không được ông áp dụng triệt để trong những bộ phim về sau, nhưng Lars Von Trier luôn luôn tạo ra những sản phẩm điện ảnh thuần nghệ thuật, Lars Von Trier không bao giờ bỏ mặc bản ngã của mình để chạy theo thị hiếu của khán giả như cách những nhà làm phim Hollywood đang tự tạo danh tiếng cho mình. Mỗi bộ phim là một sự ám ảnh đến kinh ngạc về câu chuyện và cách dàn dựng. Năm 2003, bộ phim Dogville với sự tham gia diễn xuất của ngôi sao Nicole Kidman đã được tung hô nhiệt liệt, bộ phim là sự tối giản đến kinh ngạc bối cảnh, một câu chuyện bi kịch, được diễn trong một sân khấu tượng tượng, nơi người diễn viên thể hiện ở mức độ cao nhất khả năng diễn xuất của mình khi hoàn toàn phải tượng tượng ra bối cảnh và câu chuyện để thể hiện. Đạo điễn Quentin Taratino cho rằng đó là một trong 20 bộ phim hay nhất đã từng được làm. Lars Von Trier chưa bao giờ dùng lại độ quái của mình, năm 2009, bộ phim Antichrist đã gây ra một phân hóa nhất định giữa câc nhà phê bình và người hâm mộ, câu chuyện là những hình ảnh đầy ám ảnh và bi thương, cũng như những cảnh bạo lực và sex rất mạnh bạo, không phải là một bộ phim kinh dị nhưng thật sự không dành cho những ai “yếu đuối”. Melancholia lại là một tác phẩm mang hơi hướng khoa học viễn tưởng với bối cảnh về ngày tận thế sắp tới, ở đó là một không gian bức bối, ngột ngạt, sợ hãi tràn ngập, những nhân vật luôn chìm đắm trong một sự suy tưởng đầy mộng mị về những cảm giác kì quái đang diễn ra trong cuộc sống, giống như cách các loài vật có giác quan thứ sáu có thể cảm nhận được những hiện tượng thời tiết sắp xảy ra.

Mặc dù chưa hoàn thành, và lịch công chiếu là dịp giáng sinh 2013, nhưng những tin tức nhỏ giọt từ nhà sản xuất và đạo diễn của bộ phim “Nymphomaniac” đã gây lên một cơn trấn động nhỏ trong giới hâm mộ điện ảnh, vì dương như không theo những cách che đậy thông thường, Lars Von Trier sẽ mang đến cho những cảnh quan hệ tình dục một sức sống mới, sức sống của công nghệ số kết hợp với những cảnh quay quan hệ thật. Với tuyên bố “Mỗi bộ phim phải như hòn đá trong chiếc giầy” và người đạo diễn phải luôn tìm được phong cách mới riêng để phân biệt với những nhà làm phim khác, Lars Von Trier lại đang chứng minh điều đó với bộ phim sắp tới, khi ông dùng kĩ thuật ghép người để ghép nửa dưới của diễn viên thật bằng diễn viên đóng thế trong những cảnh quay sex trần trụi. Nếu là một người hâm mộ Lar Von Trier thì hẳn không ai xa lạ với những bộ phim luôn luôn có những hình ảnh tinh dục đầy nhục cảm, ở đó, trong phim của ông tình dục chính là những ẩn ức cần được phá bỏ của con người nhằm ý định giúp người ta thoát khỏi những kìm kẹp trong cuộc đời đầy buồn khổ này. Những cảnh đầy nhục cảm đến cực đoan và đau đớn trong Antichrist (2009), bộ phim bi kịch viễn tưởng Melancholia (2010)… thực sự cần thiết và đầy tâm tắc của Lars Von Trier. Ở đó, nằm ngoài những hình ảnh đầy nhục dục đó đã trở thành nỗi ám ảnh, nỗi đau và sự bức bối đến nao lòng của mỗi các thể sống. Quay trở lại bộ phim Nymphomaniac, những gợi mở về cách quay và câu chuyện đã lại một lần nữa khiến cho người ta không thể quên ông, người đã có những phát ngôn không được lòng mọi người khi tuyên bố đồng cảm với Adolf Hitler, Cannes lại đánh tiếng mời ông trở lại, báo chí lại không thôi nói về người đàn ông 57 tuổi này.

Những bộ phim đầy chất nghệ thuật như vậy, thuần sáng tạo từ chính đạo diễn đó của Lars Von Trier đã khiến cho phim của ông luôn luôn được mời tham dự tranh giải trong liên hoan phim Cannes, nó như một món gia vị không thẻ thiếu để tạo nên bản sắc cho liên hoan phim danh tiếng này, sự danh tiếng được tạo dựng không chỉ bởi sự lâu đời mà còn bởi sự dung dưỡng một cách thuần khiết nhất bộ môn nghệ thuật thứ 7. Dù cho những phát ngôn của ông tại Cannes 2011 đã gây tiếng xấu cho ông, nhưng đó chỉ là một Lars Von Trier bình thường với những sai lầm ngớ ngẩn đôi khi không khỏi mắc phải, còn đối với một Lars Von Trier – đạo diễn, thì ông là một người “lành nghề” và đam mê nghề nghiệp một cách không thể chối cãi, nếu nói không quá thì Lars Von Trier xứng đáng là một trong những đạo diễn nổi danh và tài giỏi nhất đương đại với những tác phẩm điện ảnh luôn luôn được giới hâm mộ chờ đón.

Trong một lần phỏng vấn ông đã trả lời: “Tôi sợ mọi thứ trong cuộc đời, trừ việc làm phim”. Đó có lẽ là lời giải thích rõ ràng nhất cho việc Lars Von Trier đã dám làm bất cứ điều gì cho bộ phim của mình, cho tác phẩm điện ảnh của mình trở thành độc đáo và khác biệt.

Exit mobile version