Khi mà điện ảnh thương mại đang càng ngày càng muốn mở rộng khuôn hình, đặt thật nhiều thứ vào đó, biến nó thành một không gian khổng lồ để thoả sức tung hê kĩ xảo nhằm thoả mãn mong muốn giải trí của khán giả, thì Xavier Dolan lại thu hẹp nó lại. Anh dùng khung hình 1:1 như một bức ảnh Instagram, để kể câu chuyện phim của mình, Mommy. Thoạt đầu, ta có thể cho rằng, đấy là một thái độ tự phụ, hòng tạo nên một điều gì đó khác người để lôi kéo sự tò mò của khán giả, nhưng khi đã xem phim, ta hiểu rằng, hình thức biểu hiện mà anh làm bộ phim để mang đến cho khán giả phù hợp một cách đáng kinh ngạc, nó tạo cảm xúc mạnh mẽ, nó ẩn chứa những hình ảnh ẩn dụ vô cùng chân thành đối với cuộc sống. Mommy còn hơn 1 bộ phim, nó là hình thể của một cá nhân, một cá tính độc lập, một cuộc đời có mở đầu và kết thúc, một trải nghiệm tận cùng về kiếp sống cho những ai xem nó.
Khung hình 1:1 là một sự lựa chọn để thể hiện sự bức bí, sự bức bí bên trong của con người khi sống trong một xã hội gò bó, một không gian chật hẹp nhằm biểu đạt sự tự do. Giống như khi ta chụp một bức ảnh để đưa lên Instagram, ta sẽ tinh giản bố cục, sẽ phải chấp nhận cắt gọt bớt sự riềm rà, để từ đó, trong khung hình vuông nhỏ bé, ở mức độ tối thiểu, ta bộc lộ sức mạnh nội tại của chính mình. Dolan bộc lộ sức mạnh nội tại của chính anh qua nhân vật Steve, mà anh đã từng nói rằng, nhân vật đó được lấy tính cách từ anh.
Steve (Antoine-Olivier Pilon) là một thanh niên mắc chứng bệnh ADHD (Một chứng bệnh thường xảy ra ở những đứa trẻ thiếu thốn sự chăm sóc của bố mẹ, dẫn đến tình trạng tăng động, không kiểm soát được bản thân, không kiểm soát được cảm xúc, đôi khi tự huỷ hoại bản thân mình). Những rắc rối ở trường học buộc Steve phải ở nhà với mẹ mình là Diane (Anne Dorval). Diane có thể lựa chọn đưa Steve vào nơi điều trị bệnh để bà có thể yên ổn với công việc và cuộc sống của mình, nhưng bà chọn mang Steve về nhà. Ngay từ đầu phim Diane đã thể hiện mình là một người phụ nữ độc lập, mạnh mẽ, có một quá khứ ngang tàng, tự do, làm tất cả những gì mình muốn mà không chịu sự ràng buộc của xã hội. Chữ Die trong tên của bà là một nghịch lý cho chính trạng thái luôn tràn đầy sức sống của bản thân bà. Nhưng cuộc sống không đơn giản vậy, người chồng qua đời, đứa con bị ADHD, và vì nó mà mất việc làm, Diane đang chịu đựng sự thử thách dành cho một người mẹ goá nghèo, với một đứa con không kiểm soát được sự nóng giận và có thể làm tổn thương mình bất cứ lúc nào.
May mắn cho Diane khi có sự hiện diện của Kyla (Suzanne Clément) một người hàng xóm tốt bụng mà nhanh chóng lấy được cảm tình của Steve. Kyla là một dạng nhân vật khá điển hình của điện ảnh, thường được đưa vào trong một tác phẩm nhằm cân bằng lại những nhân vật có xu hướng bộc lộ cảm xúc mạnh mẽ, cũng như làm điểm tựa để kịch bản phát triển với những kịch tính dựng sẵn. Nhưng không vì thế mà Kyla mất đi sức hấp dẫn của mình.Từ đó, bộ phim xoay quanh mối quan hệ của ba người, một người mẹ, một người bạn, và đứa con hoang tàng, nhưng vô cùng yêu thương mẹ, luôn luôn nói rằng sẽ bảo vệ mẹ mình. Cả ba đều có những vấn đề riêng của mình. Kyla là một người phụ nữ dễ mến, đã có chồng con, nhưng cô mắc một chứng bệnh rối loạn về khả năng nói, những khi căng thẳng, hoặc cảm xúc tăng cao, cô rất khó để thốt ra lời. Và Steve giống như một người bạn, một đứa trẻ mang đến cho cô sự tự do, thoải mái trong tư tưởng mà cô không có được khi ở với gia đình.
Bao trùm lên cả bộ phim là tình cảm của mẹ con, một thứ tình cảm thiêng liêng, họ dựa vào nhau qua những ngày đau buồn và hạnh phúc. Dolan không bỏ chút thương hại nào vào số phận của nhân vật, mà anh nhìn họ bằng một lăng kính có đôi phần ngưỡng mộ, ngưỡng mộ cách họ vật lộn với cuộc sống để có được những ngày hạnh phúc tràn ngập, hạnh phúc toả rạng trên đôi mắt nhiều nước mắt của Diane. Đấy là một người phụ nữ không bao giờ từ bỏ, không biết cách từ bỏ để cuộc sống dễ dàng hơn, bà đấu tranh, dành lấy vị trí cho chính mình trong một xã hội nơi họ chỉ là những cá nhân nhỏ bé, nghèo, đôi khi bị bỏ quên. Điều đó thấm trong từng trường đoạn, nơi mà nụ cười và hạnh phúc được bộc lộ với bằng chính nước mắt, bằng sự tự do trong một khuôn khổ bó hẹp. Ấn tượng về sự tự do được Dolan đổ vào phim như một hình ảnh ẩn dụ cho việc có thể sống, và làm những gì mình muốn. Khi cậu bé Steve đưa tay để mở rộng khuôn hình trở về với tỉ lệ 2.35:1 như mọi bộ phim khác trong một thời đoạn rất ngắn là biểu tượng của việc tìm lại được chính mình, tìm lại vị trí của mình trong xã hội rộng lớn, nơi mà mình thuộc về nó, và nó cũng thuộc về bản thân mỗi người.
Bên cạnh sự tự do, là tình yêu, tình yêu cực đoạn và đôi khi có phần điên rồi của Steve dành cho mẹ, cho Kyla, một thứ tình cảm đôi khi được đổ quá liều khiến nó gây căng thẳng và nguy hại. Tình yêu của Diane dành cho Steve, thứ tình yêu vô hạn của một người mẹ dành cho con trai của mình. “Cuộc đời xảy ra như vậy đấy. Mẹ thì càng ngày càng yêu đứa con của mình. Chỉ có con mới càng ngày càng ít yêu mẹ hơn thôi”. Diane đã nói như vậy khi Steve đã từng vì ích kỉ mà nghĩ rằng có thể mẹ sẽ không yêu thương mình nữa vì tất cả những tội lỗi mình đã gây ra.
Bó trong một khung hình hẹp, bó trong bối cảnh hẹp, với một gia đình, với ba nhận vật, mà cả ba đều có những vấn đề của riêng mình, nên sợi dây tình cảm xuyên suốt bộ phim luôn luôn căng, căng đến mức khiến không khí trong phim đôi khi rất căng thẳng, nặng nề, nó kéo căng theo cảm xúc của khán giả, nó khiến cho đầu óc chúng ta trở nên vụng về để nắm bắt được sự vụng về của chính Dolan trong việc quyết định câu chuyện của Diane và Steve, trong mối quan hệ mẹ con của họ.
Việc lựa chọn được hai diễn viên tuyệt vời để thể hiện nhân vật Diane và Steve là một trong những thành công của Dolan. Không thể chối cãi, Antoine-Olivier Pilon là một trong những diễn viên diễn tốt nhất trong năm 2014, một thanh niên tràn đấy sinh lực, khả năng biểu đạt cảm xúc cực hạn, và cách thể hiện tình yêu vô cùng chân thành, có đôi phần “trẻ con” thật tinh tế và đáng ngưỡng mộ. Và cùng với anh, nữ diễn viên Canada Anne Dorval, người đã từng tham gia vào các phim khác của Dolan như I Killed My Mother, hay Heatbeats có thể sánh ngang với người mẹ tuyệt vời trong All About My Mother của đạo diễn Tây Ban Nha Pedro Almodovar ở một thái cực khác. Diane mạnh mẽ, dữ dội và có một trái tim chân thành, cùng một tình yêu vô bờ bến dành cho con. Chính Anne Dorval đã thể hiện được tất cả những điều đó một cách đầy ngưỡng mộ.
Ở độ tuổi 25, sở hữu 5 tác phẩm điện ảnh, trong đó 4 phim đã được đánh giá cao, và tham dự các liên hoan phim lớn. Xavier Dolan đang chứng tỏ được tài năng của mình, một tài năng không đến từ trường lớp, mà đến từ tâm hồn nhạy cảm, tình yêu cái đẹp, một người nghệ sĩ thực thụ biết biến câu chuyện của chính mình để làm ra những tác phẩm mang lại cảm xúc mãnh liệt, một thứ cảm xúc chân thành, một tình yêu rất lớn dành cho các nhân vật của mình. Dolan đang chứng tỏ rằng nếu ta thực sự muốn làm điều gì đó, thì ta có thể làm được, khi bản năng làm phim của anh đang ngày càng tiến xa hơn trong nghệ thuật điện ảnh. Riêng với Mommy, Dolan đã có một bước tiến thực sự lớn, bộ phim ngoài là một tác phẩm nghệ thuật với cảnh quay đẹp, sử dụng âm nhạc tuyệt vời, một kịch bản gốc đầy ấn tượng, cũng là một tác phẩm nghệ thuật vị nhân sinh, nó cho chúng ta một trải nghiệm dù không mới nhưng đặc sắc trong cách kể chuyện, mối quan hệ của mẹ và con trai, cách chúng ta bị gò bó bản thân vào những chuẩn mực, những cách thức áp đặt đầy kiềm chế khiến cuộc sống trở nên nhàm chán và khó chịu, là những gì bộ phim mang lại cho người xem.
Người mẹ có thể hy sinh bản thân mình vì đứa con, còn tuổi trẻ, đôi khi chúng ta phải hy sinh bản thân mình để tìm kiếm tự do.