Bị chìm trong hàng loạt phim tranh giải Oscar khác nhưng “Nebraska” thực sự là một tác phẩm hài hước, đơn giản, tinh tế và tuyệt đẹp.
Trong Nebraska, đạo diễn Alexander Payne đã dùng những thước phim trắng đen để thể hiện ý đồ. Khung cảnh nước Mỹ hiện ra với những khuôn mặt già nua, buồn bã, chán nản và mệt mỏi. Qua những khuôn mặt đó cùng bối cảnh những thành thị nhỏ, hẻo lánh trong mùa đông, tiết trời đầy gió, một người đàn ông 80 tuổi Woody Grant (Bruce Dern) xuất hiện. Ông mắc căn bệnh mất trí nhớ của tuổi già.
Woody nhận được email thông báo về việc trúng thưởng một triệu USD và muốn nhận, ông phải đến thành phố khác (Lincoln) – nơi cách thành phố Montana ông sống gần 1000 km. Ông không hiểu rằng đó chỉ là một tin quảng cáo, một dạng thức quảng cáo lỗi thời mà dường như bất kỳ ai cũng sẽ không tin ngoài ông. Cứng đầu và cương quyết, Woody như cái la bàn luôn hướng mình về thành phố Lincoln. Điều đó khiến con trai ông là David (Will Forte), cuối cùng phải đưa cha đến Lincoln.
Bộ phim mang phong cách hành trình (road trip) vì gần như toàn bộ bối cảnh phim là chặng đường từ Montana đến Lincoln, đặc biệt là Haythorme – thành phố quê hương, nơi Woody và vợ lớn lên, nơi mà đã từ rất lâu ông không trở về. Bộ phim khi đó lại mang hơi hướng của hoài niệm, những ký ức vụn nát của một ông già có trí nhớ kém, lúc nhớ lúc quên về quá khứ của mình, những người bạn từ thuở thơ bé, những quán rượu quen thuộc.
Dựa vào giấc mơ triệu phú một cách không tưởng của một ông già 80 tuổi có cuộc sống bình thường với một gia đình Mỹ điển hình, phim đã khắc họa sự chán nản cuộc sống, những vòng quay đều đều đơn điệu của công việc, của những mối quan hệ. Từ khi Woody Grant cho rằng mình được nhận giải thưởng để trở thành triệu phú, người xem thấy dường như chỉ có ông thực sự có mục đích sống. Chỉ có ông dám đi bộ một cách buồn cười để đến thành phố Lincoln nhận giải.
Khi viên cảnh sát hỏi ông từ đâu tới và đang đi đâu, ông chỉ đơn giản nói “ở kia” và “đi đến đó” – suy nghĩ ngây thơ, giản đơn nhưng đầy mục đích. Xoay quanh người đàn ông già nua, cứng đầu đó là những nhân vật khác mà cuộc sống của họ buồn tẻ và chán ngán. Người vợ của Woody luôn mắng chồng về sự gàn dở và bà chỉ loanh quanh trong nhà lo toan cuộc sống gia đình.
Đứa con trai lớn làm phát thanh viên có cuộc sống riêng ít khi có mặt. Đứa con trai thứ hai có mối quan hệ với một cô gái mà anh không thể biết được nên cưới làm vợ hay nên chia tay. Không ai nghe ông già Woody cho đến khi thấy không thể ngăn cản ông được nữa, David mới quyết định đưa ông đi để nói chuyện và hiểu bố mình hơn, cũng là một cơ hội rời khỏi nhà một thời gian.
Bố và con trai luôn là một mối quan hệ đặc biệt. Hai người đàn ông ở hai thế hệ đôi khi không thể hiểu nhau vì không thể ngồi cùng nhau nói chuyện. Ở họ luôn có một sự xa cách, chẳng thế mà với mỗi câu chuyện được dựng lên xoay quanh mối quan hệ này, người xem luôn thấy một đối kháng ngầm, một sự lạnh nhạt nhưng bên trong đó là thứ tình cảm thiêng liêng mà cả hai đều muốn gợi lên. David và Woody là mối quan hệ như vậy.
Cuộc sống, cách sống của người cha nghiện rượu đã khiến David không thực sự hiểu bố mình. Đến khi Woody về già, trong sự mất trí nhớ thất thường cộng thêm sự ngang bướng của người già, sự thấu hiểu càng khó hơn bao giờ hết. Cả quãng đường, đặc biệt là những ngày ở thành phố quê hương của cha anh, David mới nhìn thấy rõ hơn chân dung gia đình mình.
Tại thành phố quê hương mà Woody đã rời đi nhiều năm về trước còn có người anh trai Ray của ông. Khi gặp lại nhau, cả hai đều đã già, trông có vẻ ngớ ngẩn và đần độn. Cuộc gặp gỡ có đôi chút gượng gạo, không có sự vồ vập thường thấy của những người họ hàng thân thiết lâu ngày gặp mặt. Họ chân chất và đơn giản vì họ đã thường xuyên nhìn mặt nhau nên chẳng còn gì phải thể hiện nữa. Sau đó, vợ và con trai cả của Woody Grant cũng đến thành phố đó để gặp gỡ những người họ hàng khác sẽ tụ tập lại với nhau vào ngày cuối tuần.
Đó là một cuộc hội ngộ đầy hài hước. Ở những nhân vật này, người xem không thấy sức sống hừng hực của một nước Mỹ năng động mà chỉ là những hình dung già nua, cũ kỹ, đơn giản và tham lam. Nước Mỹ là thế này sao? Trong khuôn hình trắng đen, những nét duyên hài hước đầy mỉa mai được lột trần một cách tâm đắc và khiến Nebraska trở thành một tác phẩm vừa buồn vừa mang những nét hài tinh tế.
Woody Grant mang tới một sự khác biệt có hơi hướng mỉa mai, nực cười. Đó là sự khác biệt của một người không còn tỉnh táo để sống nhưng lại rất tỉnh táo theo đuổi mục đích của mình. David thì lại buồn bã, cười không khoe nổi hàm răng vì chán ngán. Anh trở thành một người có mục đích khi muốn thỏa mãn người cha sẽ không còn sống được bao lâu. Đó là sự cam chịu đầy vị tha.
Vợ của Woody, bà Kate, cũng là một nhân vật đặc biệt – người phụ nữ nói năng hằn học, rất tự tin về tuổi trẻ của mình và rất thương chồng, luôn bênh vực ông trước người khác. Kate là một người mà cả đời cặm cụi chăm lo gia đình nên không có lúc nào đi thăm họ hàng. Rất minh mẫn và ngoa ngoắt. Bruce Dern và June Squibb đã tạo nên một bộ đôi “già” hoàn hảo trên màn bạc năm qua.
Vai diễn của Bruce Dern không cần nói nhiều mà chỉ cần cử chỉ, dáng điệu ngơ ngác, bước chân vụng về đi ngược chiều gió, lúc nhớ lúc quên đã đủ gây ấn tượng. Còn June Squibb thì ngược lại, cái duyên của bà chính là sự nói nhiều và nói lớn tiếng, không thua ai, không sợ ai, luôn tự tin, cộng với lời thoại hài hước và thẳng thắn khiến cho nhân vật này trở nên sống động và đáng yêu.
Đạo diễn Alexander Payne và biên kịch Bob Nelson đã thực sự thổi hồn vào một bối cảnh cũ kỹ và những nhân vật già nua. Sự thông minh và tinh tế của kịch bản và bộ phim khiến bộ phim dù có mang hơi hướng bi kịch của tuổi già, lại đầy hài hước, mang đậm chất hài giễu cợt mà vẫn mang đến những sắc thái ý nghĩa sâu sắc, nhân văn, tôn lên những giá trị đơn giản của đời sống về tình cha con, vợ chồng, mục đích sống, sự cố gắng hết mình để đạt được mục đích cũng như sự kiêu hãnh của mỗi bản thân đối với người khác.